Wednesday, August 21, 2019

TRUNG HOA PHẢI THÀNH THẬT TRONG VẤN ĐỀ MEKONG - Niwat Roykaew – Bình Yên Đông lược dịch


(China must be sincere on Mekong)

Niwat Roykaew – Bình Yên Đông lược dịch
Bangkok Post – July 17, 2019


Sông Mekong trên biên giới Thái-Lào ở Chiang Rai vào tháng 7/2019. 
Ảnh: Sommai Iaopradistha

Tuần rồi, Bangkok Post có đăng tải tuyên bố của Yang Yang, phát ngôn viên Tòa Đại sứ Trung Hoa ở Thái Lan, giải thích làm thế nào Trung Hoa và các nước khác đang khuyến khích hợp tác nguồn nước Mekong cho “phúc lợi của người dân ở trong vùng.”

Tôi, một thành viên của Hệ thống Nhân dân Mekong Thái Lan gồm 8 tỉnh, không đồng ý.  Người dân đã chia sẻ và sử dụng nguồn nước Mekong và các tài nguyên liên hệ qua nhiều thế hệ.  Từ ngư nghiệp đến nông nghiệp, thủy vận đến cấp thủy, người dân đã thừa hưởng nhiều phúc lợi từ sông Mekong.

Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi của hệ thống sông trong 2 thập niên qua.  Sự xuất hiện của các sáng kiến phát triển Mekong, kể cả việc xây cất các đập nước có qui mô lớn, đã có ảnh hưởng tiêu cực đến sông Mekong và tài nguyên của nó.  Hơn thế, chúng không có lợi ích cho người dân trong vùng.  Ngược lại, những ai sống trong lưu vực, mà cuộc sống và hạnh phúc của họ gắn liền với sự lành mạnh của dòng sông, đã phải trả giá – trong lúc các công ty lớn và những người giàu có được lợi từ việc khai thác và kiểm soát sông Mekong.

Bất chấp bao nhiêu chữ “xanh” hay “khả chấp” được thêm vào như một tiền tố cho các dự án qui mô lớn – từ “đường sắt xanh” đến “Sáng kiến Lancang-Mekong Xanh” – thực tế là, các dự án được gọi là “xanh” đang tàn phá và hủy hoại sự phong phú môi trường và sức sản xuất của Mekong, cái đã hỗ trợ nền kinh tế và văn hóa địa phương trong khắp vùng qua nhiều thế hệ.

Thí dụ như chuỗi đập Lancang, nơi 10 đập đã được xây trên dòng chánh Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa.  Yang Yang nói rằng, bằng cách điều tiết lượng nước chảy xuống hạ lưu, chuỗi đập Lancang giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế - và cung cấp một dạng giao thông “tiện lợi và xanh hơn” – cho các cộng đồng ven sông địa phương.

Hãy làm rõ.  Các cộng đồng ven sông địa phương không phải là người hưởng lợi của chuỗi đập Lancang.  Trước khi có đập, mực nước sông Mekong lên xuống theo mùa.  Lưu lượng sông thay đổi theo mùa và hệ sinh thái và sức sản xuất dồi dào của nó liên kết với nhau.  Tài nguyên phong phú của sông hỗ trợ đời sống và sinh kế.  Từ việc di chuyển khổng lồ của cá cùng với sự thay đổi của mực nước và lưu lượng, đến ngập lụt và canh tân các vùng đất ngập nước, đến các vườn rau mầu mỡ cạnh bờ sông lộ ra trong mùa khô, chu kỳ ngập-hạn hàng năm của Mekong cung cấp nguồn thực phẩm, lợi tức và giải trí quan trọng cho hơn 60 triệu người trong lưu vực.

Nhưng chuỗi đập Lancang đã thay đổi tất cả, đặc biệt trong vùng bắc và đông bắc Thái Lan, nơi thành viên của Hệ thống Nhân dân Mekong Thái Lan sinh sống.  Mực nước sông Mekong không còn lên xuống theo mùa và mưa.  Thay vào đó, nó phụ thuộc phần lớn vào việc xả nước của các đập Lancang.  Điều nầy khiến cho mực nước giao động bất thường – không chỉ theo mùa mà còn theo ngày – với những hậu quả tàn khốc.

Chúng tôi đã chứng kiến bờ sông và tàu bè bị cuốn trôi.  Chúng tôi đã chứng kiến một sự sụt giảm quan trọng trong thủy sản và rong, ảnh hưởng đến sinh kế của chúng tôi.  Các ghềnh, đá và bãi bồi, thường trồi lên mặt nước trong mùa khô là nơi cư trú của chim và thú, vẫn chìm dưới mặt nước, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Nhưng đối với những nhà phát triển Mekong tham lam, nó vẫn chưa đủ.  Mới đây, đã có cố gắng mới, qua cái gọi là Sáng kiến Hợp tác Lancang-Mekong “Xanh”, để phá một loạt ghềnh ở đông bắc Thái Lan để cải thiện thủy vận và mậu dịch.  Dự án được làm sống lại mặc dù chánh phủ Thái đã đình chỉ nó 15 năm trước vì lý do an ninh quốc gia và ảnh hưởng xã hội và môi trường.

Yang Yang nói rằng việc phá ghềnh sẽ cung cấp cho người dân địa phương một phương tiện giao thông “tiện lợi và xanh hơn.”  Nhưng dân địa phương đã lưu hành tàu bè của họ quanh năm.  Giống như các đập, dự án nầy không làm cho đời sống của người dân tiện lợi hơn – nó chỉ để gia tăng mậu dịch thương mại và lợi nhuận bằng cách cho phép các tàu buôn lớn đi lại quanh năm từ Trung Hoa.

Yang Yang cũng nhấn mạnh về việc làm thế nào một nước ở thượng lưu “Trung Hoa rất chú ý đến các quan tâm và nhu cầu của các quốc gia hạ lưu,” kể cả việc chia sẻ dữ kiện thủy học và hợp tác.  Mặc dù chia sẽ dữ kiện rất quan trọng, nó không phải chú ý và cứu xét những quan tâm và nhu cầu của các quốc gia hạ lưu và cộng đồng địa phương.

Cho đến nay, chia sẻ dữ kiện chỉ xảy ra giữa các chánh phủ và hầu như không được người dân biết đến.  Hơn thế, những thông báo chia sẻ qua chánh phủ không đề cập đến ảnh hưởng đối với các cộng đồng ở hạ lưu và hệ sinh thái Mekong.  Tuyên bố rằng “chúng ta uống chung một dòng sông” không bảo đảm mối liên hệ hợp tác và hiểu biết.  Thay vào đó, một sự chung sống hòa bình của người dân cùng chia sẻ lưu vực sông Mekong chỉ có thể thực hiện qua sự tương kính lẫn nhau, và qua việc đối thoại chân thành và hợp tác giữa các chánh phủ và người dân ở ven sông.

Nếu Trung Hoa và các chánh phủ khác thành thật trong việc làm cho Lancang-Mekong trở thành “một con sông hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng,” ưu tiên phải là lắng nghe tiếng nói của người dân sống dọc theo sông Mekong, họ sống với dòng sông và tiếp tục lệ thuộc vào tài nguyên của nó.


Niwat Roykaew – Bình Yên Đông lược dịch


No comments:

Post a Comment