Wednesday, August 21, 2019

KHU VỰC MEKONG CẦN CÙNG NHAU VƯỢT QUA HẠN HÁN - Dr. Liu Hui – Bình Yên Đông lược dịch


(Mekong Region Needs to Overcome Drought Together)

Dr. Liu Hui – Bình Yên Đông lược dịch
Khaosod English – August 8, 2019


Hạn hán ở Loei, Thái Lan ngày 16 tháng 7 năm 2019.

Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực Mekong càng ngày càng chịu nhiều thiệt hại do hạn hán khốc liệt trong 5 thập niên qua.  Các quốc gia nầy không những cần một kế hoạch dài hạn để đối phó với khủng hoảng đang xảy ra mà còn cần một sự hợp tác trong toàn khu vực.

Hạn hán, tiếp theo sau lũ lụt và bão tố, là những thiên tai gây nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới.  Theo một công bố trên website của Dữ kiện Tai họa Quốc tế (International Disaster Database) năm 2018, 16% dân số ảnh hưởng bởi tai họa trong năm 2018 là do hạn hán.

Trong vài thập niên qua, các quốc gia dọc theo sông Lancang-Mekong đã gánh chịu nhiều trận hạn hán có mức độ khác nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất và đời sống. [Lancang là tên gọi sông Mekong ở Trung Hoa]
Khu vực Lancang-Mekong đang đối mặt với nhiệt độ gia tăng như các nơi khác trên thế giới.  Nhiệt độ trên mặt đất từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2019 ấm hàng thứ 3 trong 170 năm.  Theo tin tức được WMO [World Meteorological Organization (Tổ chức Khí tượng Thế giới)] phổ biến, Trái đất vừa có tháng 6 ấm nhất trong lịch sử. [Lời người dịch: Tháng 6 năm 2019 không phải là tháng ấm nhất trong lịch sử.]

Mức sai biệt với nhiệt độ trung bình khoảng 1 oC trong khu vực Lancang-Mekong trong năm 2019.

Khi nhiệt độ ấm áp đi kèm với hiện tượng El Niño mạnh hay gió mùa Tây Nam yếu, hạn hán khốc liệt sẽ kéo dài trong khu vực, giống như trận hạn hán bất thường trên toàn lưu vực trong năm 2016 và có thể kéo dài hơn trong năm nay.

Thời kỳ Ấm áp

Theo dữ kiện thời tiết, lượng mưa trong lưu vực Lancang-Mekong từ tháng 1 đến giữa tháng 7 năm 2019 thấp hơn mức trung bình khoảng 42%.

Lượng mưa thấp trong đầu mùa mưa năm nay cũng được Văn phòng Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission Secretariat (MRCS)) loan báo trong các phúc trình hàng tuần từ tháng 6.

Theo chỉ số hạn hán (SPEI [Standardized Pricipitaion Evapotranspiration Index]) từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019, hạn hán xảy ra trên toàn khu vực Lancang-Mekong.

Đối với lưu vực Lancang, hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn từ tháng 3 và đạt cao điểm trong tháng 5.  Đối với trung lưu vực Mekong (Thái Lan, một phần của Lào và Cambodia), mức độ nghiêm trọng của hạn hán ở mức vừa phải cho đến nghiêm trọng từ đầu năm.  Đối với vùng đồng bằng Mekong, hạn hán xảy ra trong tháng 2, tháng 4 và chấm dứt trong tháng 5.

Các hồ chứa trên sông Lancang trữ một phần nước trong mùa mưa 2018, và xả nước bổ sung trở lại sông Mekong từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019, và mực nước trong các hồ chứa hạ dần xuống mực nước chết vào đầu tháng 7.

Dự trù cho việc hết nước “bổ sung,” hồ Cảnh Hồng quyết định tiến hành việc bảo trì định kỳ từ ngày 5 đến 19 tháng 7 để duy trì lượng nước xả hợp lý.

Một thông báo về việc bảo trì được Bộ Thủy Lợi Trung Hoa gởi đến các quốc gia Mekong và MRCS vào ngày 3 tháng 7.  Và MRCS đã kịp thời công bố trên website vào ngày 3 tháng 7, với tựa đề Lưu lượng từ trạm Cảnh Hồng, Trung Hoa giao động, nhưng được dự đoán là không có ảnh hưởng quan trọng.

Mới đây, tin tức về hạn hán trong năm nay đã gia tăng và càng ngày càng thu hút sự chú ý từ nông dân cho đến các viên chức chánh phủ cao cấp.

Theo tờ Cambodia Daily ngày 20 tháng 7, 2019, hạn hán kéo dài ở Cambodia khiến cho các phụ lưu của hồ Tonle Sap cạn nước, gây thiệt hại cho nông và ngư dân trong tỉnh Battambang.  Dân làng ở đây không thể đánh cá từ tháng 4 do hạn hán.  Họ không còn thức ăn và cầu cứu với chánh phủ để được cứu trợ khẩn cấp.

Tình trạng hạn hán ở Thái Lan nghiêm trọng đến mức chánh phủ phải yêu cầu Trung Hoa, Lào và Myanmar xả thêm nước để giảm bớt tình trạng hạn hán ở Thái Lan như Thủ tướng Prayut Chan Chan-o-cha cho biết hôm 24 tháng 7 năm 2019.

Dựa trên các quan sát và nghiên cứu lâu dài về hạn hán trong vùng Lancang-Mekong, tôi muốn mượn cơ hội nầy để chia sẻ những điều tôi nhận thấy và đề nghị đến những người có liên hệ và những người có quyền quyết định, với mục đích cải thiện khả năng cứu trợ hạn hán hỗn hợp để làm cho khu vực Lancang-Mekong an toàn hơn.

Những điều nhận thấy

(1) Kết quả phân tích hạn hán dựa trên thời tiết cho thấy hạn hán nghiêm trọng ở đông bắc Thái Lan, hầu hết Cambodia và Lào và gia tăng trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt trong vài vùng ở đông bắc Thái Lan.

Trong hầu hết lưu vực, chu kỳ hạn hán do thời tiết khoảng 25% do ít mưa, đặc biệt ở đông bắc Thái Lan và Cambodia; và Cambodia và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam có nhiều khả năng bị hạn hán nghiêm trọng và bất thường.

Việc phân tích nguyên nhân của những trận hạn hán tiêu biểu cho thấy rằng nguyên nhân chính của hạn hán trong lưu vực Mekong là do lượng mưa thấp bất thường (so với lượng mưa trong cùng thời kỳ trong lịch sử) do hiện tượng El Nino và sự luân chuyển bất thường của hệ thống đại dương-khí quyển.

(2) Vì sự khác biệt giữa khả năng hỗ trợ kinh tế quốc gia và sự phát triển các dự án bảo tồn nước, khả năng đối phó với hạn hán của các quốc gia khác nhau.

Trong đó, sự phân phối của diện tích được dẫn tưới thì không đồng đều ở Cambodia và khả năng đối phó với hạn hán khác nhau của các vùng khác nhau.  Số dự án thủy nông và diện tích dẫn tưới ở Lào tương đối nhỏ và khả năng đối phó với hạn hán hơi yếu.

Việt Nam và Thái Lan đã xây được nhiều dự án thủy nông và hệ thống dẫn thủy có mật độ và qui mô tương đối cao, có thể bảo đảm về mặt kỹ thuật cho việc chống hạn.

Đề nghị

(1) Khai thác tiềm năng và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc đối phó với thiên tai.

Các quốc gia Mekong đã thiết lập các tổ chức ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai để đối phó với hạn hán.

Mặc dù có sự liên hệ chặt chẽ giữa khả năng cứu trợ hạn hán và mức độ phát triển kinh tế xã hội, sự nhất trí trong toàn lưu vực trong việc cải thiện các biện pháp cứu trợ hạn hán cũng rất quan trọng.

Dựa trên quan điểm kỹ thuật, các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam đã có những biện pháp thích hợp để đối phó với hạn hán, nhưng vẫn cần tăng cường xây dựng thêm kỹ thuật cứu trợ hạn hán để đối phó với hạn hán nghiêm trọng.

(2) Thiết lập các kế hoạch tổng thể và phối hợp để tăng cường khả năng giảm nhẹ thiên tai cho toàn lưu vực.

Mặc dù các hồ chứa trên sông Lancang đã đóng vai trò “bổ sung” bằng cách sử dụng khả năng trữ nước và điều tiết và xả xuống hạ lưu Mekong khoảng 140% lưu lượng tự nhiên từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019, mực nước tại các trạm thủy học ở hạ lưu Mekong vẫn thấp.

Đó là vì lượng nước của sông Lancang chỉ chiếm khoảng 20% trong mùa khô và 11% trong mùa mưa của toàn lưu vực Lancang-Mekong.  Khi hạn hán xảy ra trên toàn lưu vực, các biện pháp khác cho toàn lưu vực cần được  cứu xét.

Các phụ lưu dọc theo sông Mekong nên đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc điều tiết và trữ nước.  Những hồ chứa được xây trong lưu vực Mekong có dung tích hơn 20 tỉ m3.

Vai trò tích cực của các hồ chứa trong việc cứu trợ hạn hán ở tất cả các quốc gia và toàn lưu vực cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, và ảnh hưởng của các dự án cứu trợ hạn hán đối với tai họa về nước ở hạ lưu cần phải được phân tích sâu rộng để đặt nền móng cho sự phối hợp trong toàn lưu vực.

(3) Tận dụng các cơ chế hợp tác khu vực để khuyến khích hợp tác toàn lưu vực.

Trong số các cơ chế hợp tác trong khu vực Lancang-Mekong (MRC [Mekong River Commission (Ủy hội Sông Mekong)], GMS [Greater Mekong Subregion (Đại phân vùng Mekong)], Chương trình Tứ giác Vàng…), Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) được thành lập bởi tất cả 6 quốc gia duyên hà vào năm 2016, tạo một diễn đàn mới cho sự đối thoại và hợp tác trong toàn lưu vực.

Tài nguyên nước là 1 trong 5 lãnh vực ưu tiên của LMC.  Các Nhóm Công tác Hỗn hợp về tài nguyên nước của LMC gồm có các cơ quan tương ứng của 6 quốc gia LMC và Trung tâm Hợp tác Tài nguyên Nước Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Resources Cooperation Center) được thành lập ở Bắc Kinh, đánh dấu việc thành lập cơ chế Tài nguyên Nước Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Resources) vào năm 2017.

Những đề tài hợp tác dưới đây đươc đề nghị để thực hiện qua cơ chế Tài nguyên Nước Lancang-Mekong.

Chúng gồm có tăng cường việc chia sẻ tin tức và tham khảo ý kiến qua các Nhóm Công tác Hỗn hợp về tài nguyên nước của LMC; nghiên cứu về ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng trong lưu vực Lancang-Mekong; và nghiên cứu về việc vận hành hỗn hợp các hồ chứa trong toàn lưu vực để tận dụng khả năng điều tiết trong việc đối phó với thiên tai.

Sơ lược về tác giả

Dr. Liu Hui thuộc Viện Nghiên cứu Tài nguyên Nước và Thủy điện của Trung Hoa.  Trưởng dự án “Đánh giá Hỗn hợp Công tác Phòng ngừa Lũ lụt và Cứu trợ Hạn hán trong Lưu vực Mekong (Giai đoạn I),” được thực hiện bởi chuyên viên của 6 quốc gia qua cơ chế LMC vào năm 2018.

Bà cũng là một trong những chuyên viên của nghiên cứu hỗn hợp “Ảnh hưởng Thủy học của Chuỗi Thủy điện Lancang đối với các Hiện tượng Cực đoan ở Hạ lưu” với sự hợp tác của MRC và IWMI.


Dr. Liu Hui – Bình Yên Đông lược dịch
Khaosod English

No comments:

Post a Comment