(Mekong Drought Reveals Need for
Regional Rules-based Water Cooperation)
Carl Middleton – Bình Yên Đông lược
dịch
Chulalongkorn University/Center for
Social Development Studies – August 6, 2019
Sông Mekong trên biên giới Thái-Lào
[Ảnh: NTP8P]
Trận hạn hán khốc liệt mà nông và ngư
dân trong lưu vực Mekong đang đối mặt là một tai họa cho thấy nhiều điều. Nó cho thấy mức độ mà các đập lớn đang càng
ngày càng kiểm soát mực nước của dòng sông.
Nó cũng cho thấy những hạn chế của sự hợp tác giữa các quốc gia chia sẻ
nguồn nước quý giá trong lúc khan hiếm.
Và, nó cho thấy sự bấp bênh ngày càng tăng của tương lai vì thay đổi khí
hậu. Phải làm gì trong ngắn hạn và dài
hạn?
Trên lý thuyết, hiện nay đã gần ở
giữa mùa mưa. Thường thường vào thời
điểm nầy, sông Mekong bắt đầu phình ra với nước mưa do gió mùa Tây nam mang
đến. Nhưng năm nay, mực nước như ở trong
mùa khô. Điều nầy ảnh hưởng nghiêm trọng
đến nông dân, với lúa và hoa màu khô héo trên đất khô. Nó cũng ảnh hưởng đến ngư dân tùy thuộc vào
hệ sinh thái của sông.
Vào giữa tháng 7, Ủy hội sông Mekong
(Mekong River Commission (MRC)) loan báo rằng mực nước trong sông là mực nước
thấp nhất lịch sử trong tháng 6 và 7.
MRC cũng nhấn mạnh rằng việc vận hành đập trên thượng lưu Mekong ở Trung
Hoa, nơi có tên gọi là Lancang, có thể có ảnh hưởng. Trung Hoa gởi một thông báo đến MRC cho biết,
từ 5 đến 19 tháng 7, nước xả từ đập cuối cùng của chuỗi 11 đập, có tên là Cảnh
Hồng, sẽ “giao động” vì “bảo trì lưới điện.”
Một tàu đò của Lào chạy trên sông
[Ảnh: NTP8P]
Điều nầy có 2 ảnh hưởng.
Thứ nhất, nó giữ nước vào lúc các quốc gia ở
hạ lưu cần xả nước nhiều hơn.
Thứ hai,
các đợt nước nhân tạo gây hại cho hệ sinh thái của sông và đời sống tùy thuộc
vào nó, kể cả các vườn hoa màu ven sông, thu hoạch rong và đánh cá mặc dù nó đã
xảy ra từ cuối thập niên 1990s.
Cùng với các đập của Trung Hoa, các
nhóm dân sự cũng đặt nghi vấn về vai trò của đập Xayaburi ở bắc Lào, sẽ được
khánh thành trong tháng 10 năm nay. Từ
giữa tháng 7, dự án bắt đầu thử máy phát điện khiến cho sông giao động ở hạ
lưu. Công ty xây dựng dự án bác bỏ vai
trò của họ trong vụ hạn hán, và mỉa mai thay, họ cũng than thở vì ảnh hưởng của
việc giữ nước của Trung Hoa. Nhưng Văn
phòng Thủy lợi Quốc gia của Thái Lan đã gởi văn thư đến chánh phủ Lào để yêu
cầu tạm ngưng việc thử máy.
Vai trò của các đập thủy điện trên
phụ lưu ít được chú ý hơn, đặc biệt là ở Lào, một quốc gia với kỳ vọng trở
thành “bình điện của Đông Nam Á.” Có hơn
60 đập lớn và trung bình đã được xây.
Câu hỏi ở đây là liệu các dự án trên phụ lưu cũng trữ nước trong các hồ
chứa nước để sản xuất điện. Như tất cả
các đập thủy điện trong lưu vực Lancang-Mekong, rất ít dữ kiện cập nhật về mực
nước trong các hồ chứa nầy được công bố.
Chúng ta đã học được gì và sẽ làm
gì? Trước hết, cần phải hỗ trợ cho các
cộng đồng nông thôn trong việc phân phối nước và các biện pháp khác kể cả việc
hỗ trợ tài chánh, nếu cần. Khi mưa đến,
như được dự đoán, các nhà vận hành dự án thủy điện phải bỏ ý định làm đầy hồ
chứa ngay lập tức cho việc sản xuất điện.
Thay vào đó, ưu tiên sẽ là phân phối nước cho nông dân và phục hồi hệ
sinh thái của dòng sông cho ngư dân và đời sống hoang dã.
Trong dài hạn, nếu có ít nước trong
các hồ chứa thủy điện, nó cũng cho thấy sự sai lầm trong việc lệ thuộc quá
nhiều vào các giải pháp công trình để đối phó với hạn hán. Thay vào đó, nó cho thấy rằng những sự chuẩn bị
khác là cần thiết kể cả khả năng dự đoán hạn hán tốt hơn và các kế hoạch được
trang bị đầy đủ cho địa phương, quốc gia và quốc tế. Nó cũng tái cứu xét việc trữ nước như sử dụng
nước ngầm và các đập nhỏ thay vì chỉ chú trọng đến các đập lớn.
Ghềnh đá trong sông Mekong [Ảnh:
NTP8P]
Vì sông Mekong cùng chia sẻ bởi 6
quốc gia, một sự hợp tác liên chánh phủ chặt chẽ hơn thật cần thiết. Từ trận hạn hán vừa rồi trong năm 2016, đã có
nhiều bàn cãi về một sự hợp tác khu vực mới qua cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong [Lancang-Mekong Cooperation (LMC)] giữa Trung Hoa và các nước ở hạ lưu, kể cả
việc hợp tác với MRC. Vào tháng 3 năm
2016, ngay trước khi các lãnh đạo trong vùng ký kết với LMC, Trung Hoa xả nước
từ các đập trên sông Lancang như một thiện chí trong nỗ lực giảm thiểu tình
trạng hạn hán vào lúc đó, nhưng một số cộng đồng ở hạ lưu không được thông báo.
Một sự cộng tác giữa MRC và LMC, thay
vì tùy thuộc vào những thu xếp không chánh thức để chia sẻ nguồn nước giữa
Trung Hoa và các nước ở hạ lưu, sẽ tốt đẹp hơn nếu được dựa trên luật lệ rõ
ràng. Phạm vi của sự hợp tác, mà một số
đã được thực hiện, nên bao gồm: chia sẻ dữ kiện bao quát hơn giữa các chánh phủ
và người dân; nghiên cứu hỗn hợp; luật lệ và thủ tục rõ ràng cho việc xả nước
khẩn cấp; vận hành chuỗi thủy điện để nhái, đến mức có thể được, lưu lượng tự
nhiên của sông; và cải thiện thủ tục cho việc tham gia của người dân, đặc biệt
là các cộng đồng ở ven sông.
Trong tình hình thay đổi khí hậu ngày
càng xấu, và nhận thức rằng những người đối mặt với nguy cơ to lớn nhất của hạn
hán là những người dễ bị tổn thương nhất, những giải pháp ngắn và dài hạn nầy
hiện đang cần thiết hơn bao giờ hết.
Carl Middleton – Bình Yên Đông lược dịch
No comments:
Post a Comment