Monday, August 26, 2019

BIỂN HỒ Ở CAMBODIA LÂM NGUY


(Cambodia’s Tonle Sap Lake Under Threat)

Tyler Roney – Bình Yên Đông lược dịch
Asia Sentinel – August 15, 2019


Vào tháng 7 vừa qua, mực nước sông Mekong, mạch sống quý báu của 4 quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) và tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, đã xuống đến mức thấp nhất trong 100 năm qua, nạn nhân của sự thay đổi khí hậu ngày càng tăng, nước chảy tràn nông nghiệp [?] và một số đập dư thừa ở thượng lưu đang đe dọa sự sống còn của nó.


Mưa cuối cùng cũng đã đến, nhưng những thiệt hại nặng nề nhất của sự chế ngự sông Mekong được đổ xuống Biển Hồ dài 120 km ở Cambodia, nơi mà đời sống trên và dưới mặt nước phụ thuộc vào nhịp lũ của dòng sông.  Nay, hơn bao giờ hết, các chuyên viên đang tự hỏi còn lại bao nhiêu.

Brian Eyler; giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Khả chấp của Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington, DC; nói: “Hàng năm, nước chảy ngược vào Biển Hồ [từ sông Mekong] xảy ra vào cuối tháng 7 hay đầu tháng 8, nhưng vì hạn hán trong năm nay, nước chảy ngược sẽ xảy ra trễ hơn hay không xảy ra.”  Vào mùa lũ, nước sông Mekong chảy ngược vào Biển Hồ khiến diện tích của nó lan rộng hơn 11.000 đến 16.000 km2, tạo nên một sự thay đổi theo mùa lớn nhất trên thế giới.  Nước chảy ngược làm thay đổi bản đồ từ Phnom Penh đến Siem Reap và nuôi sống các đàn chim sống dưới nước bị đe dọa tuyệt chủng và loại cá lóc khổng lồ - cũng như hàng triệu thú khác dựa vào sự hào phóng của nó.

Ông Brian Eyler nói: “Tôi đoán số lượng cá đánh được năm nay sẽ ít hơn năm trước – ít hơn bao nhiêu thì không biết vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp.  Nhưng nếu nước không chảy ngược, không những sản lượng cá năm nay bị đảo lộn mà toàn thể hệ sinh thái của Biền Hồ sẽ lâm nguy, có thể làm giảm sản lượng cá vĩnh viễn.”

Lưu lượng thất thường của sông Mekong luôn luôn ảnh hưởng đến đời sống hoang dã và con người ở Biển Hồ, và nay người ta tự hỏi con người – kể cả hàng trăm ngàn người Việt – còn có thể sống bao lâu nữa trên cánh đồng lụt xấu số nầy.

Taber Hand của Wetlands Work, một công ty chuyên thiết kế và xây dựng các hệ thống lọc nước mới mẽ và cỗ vũ đất ngập nước, nói: “Tất cả là do nhịp lũ.  Nhịp lũ do gió mùa khiến cho Biển Hồ trở thành một hệ thống thủy sinh học phức tạp nhất trên thế giới, và cho đến nay, một nền ngư nghiệp nước ngọt phong phú nhất trên thế giới.”  Mực nước dâng lên từ 7 đến 8 m khiến nó trở thành một nền ngư nghiệp nước ngọt quan trọng nhất ở ĐNA.  Hơn 1.000 loại cá đã thích ứng với hệ sinh thái đồng lụt độc nhất nầy.

Ông Hand cho biết: “Không có một quốc gia nào trên thế giới có một nguồn cá miễn phí, có lẽ đủ để cung cấp cho 60 đến 75% nhu cầu về chất đạm và mỡ của quốc gia.  Tất cả đều tùy thuộc vào mức độ và thời biểu của nhịp lũ sông Mekong.”

Theo ông Eyler của Trung tâm Stimson, diện tích mặt hồ lan rộng gấp 6 lần.  Nước mang phù sa, chất hữu cơ, và trứng cá và ấu trùng vào những cánh đồng lụt là nơi cư trú an toàn với nhiều thức ăn, giúp cho cá tăng trưởng.  Hơn 250.000 tấn ở Biển Hồ và 2.6 triệu tấn trong hệ thống Mekong.

Ông Eyler nói: “Những con cá nầy rời Biển Hồ và di chuyển đến tất cả các nơi trong hệ thống Mekong, một số di chuyển hàng ngàn dậm để đến nơi sinh sản.  Nhịp đập hàng năm nầy của Biển Hồ quả thật làm cho sông Mekong trở nên hùng vĩ.”

Trước khi đến Cambodia, hầu hết nước của hạ lưu Mekong bắt nguồn từ vùng núi non ở Lào.  Một trong những chướng ngại vật nhân tạo của nó là những con đập trong số những dự án hạ tầng của Trung Hoa ở ĐNA.  Dự án nổi tiếng mới nhất là đập Sambor trên dòng chánh Mekong trong tỉnh Kratie của Cambodia.  Các khoa học gia và giới quản lý ngư nghiệp nói rằng nó sẽ có những hậu quả thảm hại cho môi trường ngư nghiệp và có lẽ cuộc sống của hàng triệu người.

Lào là nước ngốn nhiều dự án đập nhất, với hy vọng trở thành “Bình điện của Á Châu.”  Như Asia Sentinel tường trình trong loạt bài trong năm 2018, Lào có 46 dự án thủy điện đang vận hành và 54 dự án đang xây cất.  Với việc ưa chuộng đầu tư Trung Hoa của Cambodia và không có kiểm soát ở thượng lưu, rất có ít hy vọng để làm bớt đi nỗi thống khổ nhân tạo của Biển Hồ.

Tuy nhiên, giới chức thời tiết cho rằng một vài thiên tai hiện nay là do thay đổi khí hậu.  Vòi nước Mekong không phải được mở hay đóng bởi các đập thủy điện; các mùa mưa ngắn hơn và không thể đoán trước cũng làm cho mực nước xuống thấp.

“Tôi tin chắc rằng hạn hán hiện nay là sự chuyển dịch của dạng thời tiết thế giới do thay đổi khí hậu, đặc biệt là khuynh hướng ấm áp, và sẽ không ngạc nhiên nếu nó kéo dài thêm vài năm nữa,” Peter Moyle, giáo sư sinh học hồi hưu của Đại học California, nói với National Geographic tháng rồi.

Ông Hand nói: “Ai hay cái gì kiểm soát nhịp lũ Mekong – cho dù đó là mưa bất thường, sự tiêu thụ thủy điện cho việc phát triển đô thị, hay sử dụng như là một vũ khí chánh trị - cũng kiểm soát ngư nghiệp, phù sa duy trì bờ sông, và nước ngọt để đẩy lùi sự xâm nhập của nước mặn ở vùng đồng bằng.  Tóm gọn lại, nếu nhịp lũ Mekong suy giảm đáng kể, an ninh lương thực của Cambodia và Việt Nam và cuộc sống của hàng triệu nông ngư dân sẽ bị đe dọa.”

Cùng với các loài chim và cá lóc, sự thay đổi của Biển Hồ cũng là mối quan tâm lớn của người dân sống gần hồ và trên các làng nổi.  Họ là những người Cambodia dễ bị tổn thương nhất.

Nhiều cư dân của Biển Hồ không có cách nào khác hơn là tiếp tục với nghề cá đang chết dần.  Việc đánh bắt bất hợp pháp có qui mô lớn và liều lĩnh, với nhiều người địa phương đi vào các vùng cấm vào ban đêm để bắt được nhiều cá hơn.  Một cuộc ruồng bố việc đánh cá bất hợp pháp ở Kampong Chhnang hồi đấu tuần đã thu được 1.580 m lưới và 47 bẫy cá.

Trên 90.000 người sống trên các làng nổi ở Biển Hố, và 1.1 triệu người sống trong đồng lụt nằm giữa quốc lộ 5 và 6.  Những người dễ bị tổn thương nhất ở Biển Hồ không chỉ là người Cambodia.  Du khách đến vùng nầy thường ngạc nhiên khi thăm các làng nổi ở Biển Hồ cách xa đồng bằng sông Cửu Long hàng trăm dậm và nghe tiếng Việt thay vì tiếng Khmer.  Trong cuộc chiến Việt Nam, hàng ngàn người Việt đã lánh nạn sang Cambodia, và nhiều ngàn người nữa cũng chạy theo sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ trong suốt cuộc chiếm đóng 10 năm của Việt Nam.  Có khoảng 700.000 người Việt ở Cambodia, và hầu hết sinh sống ở đồng lụt hay làng nổi Biển Hồ.  Hồ nước tùy theo mùa nầy là đất không có quốc gia.  Họ hưởng rất ít tài nguyên từ chánh phủ, và ít hơn nữa từ hệ sinh thái đang suy thoái của hồ.

Cùng với sự suy giảm ngư nghiệp, chánh phủ có ý định di dời người Việt đến đồng lụt và vùng đất cao.  Nhiều nỗ lực được thực hiện hồi đấu năm nay để chuyển các gia dình người Việt từ các làng nổi ở Biến Hồ đến các vùng cao hơn; nhưng không đầy 1 tháng, nhiều gia đình vẫn còn ở đồng lụt và chưa trở lại làng nổi của họ ở Chnkok Tru nằm ở phía nam của hồ vì điều kiện xấu.  Với hy vọng ngày càng giảm cho ngư nghiệp ở Biển Hồ, nhiều gia đình đã tự hồi hương về Việt Nam, một quốc gia mà họ có thể chưa biết.

Ở xa hơn là năm thành phố cùng với các lưu vực nông nghiệp đổ vào hồ.  Ông Hand nói: “Trong mùa nước thấp, chất đạm và hóa chất từ đồng ruộng và nước thải từ thành phố tiêu thụ hết dưỡng khí trong nước và giết hầu hết sinh vật ở dưới nước, kể cả cá và ấu trùng.”

Trong khi Hand tin rằng nhịp lũ Mekong không thể không xảy ra vào lúc nầy, Eyler nghĩ ngược lại.  “Nó là điều có thể, không phải để báo động mà để canh chừng.  Người dân Cambodia quan sát nước chảy ngược và những quan sát viên Mekong đã dự đoán kết quả nầy từ nhiều năm.”

Đợt hạn hán tồi tệ nhất thế kỷ, việc xây đập không ngừng, thay đổi khí hậu, và tai hại của hàng triệu người sinh sống trên hồ thay đổi theo mùa, tất cả đã ra sức làm cho Biển Hồ tan vỡ.  Ngư nghiệp có thể không phục hồi trong nhiều thập niên, và có lẽ không bao giờ.

ĐNA có thể nín thở để chờ Tonle Sap chảy ngược – đẩy nước đục ngầu của sông Mekong vào Biển Hồ.  Ngày đó có thể đến, tuy nhiên, khi nhịp tim của Mekong ngừng đập – thì đó là thảm kịch không thể đảo ngược của con người dành cho đa dạng sinh học của ĐNA.

Tyler Roney – Bình Yên Đông lược dịch


No comments:

Post a Comment