Thursday, August 8, 2019

CẦN CÓ DŨNG KHÍ CHÁNH TRỊ ĐỂ GIẢI QUYẾT NAN ĐỀ MEKONG


(Mekong dilemmas need political will to resolve)

Apichai Sunchindah – Bình Yên Đông lược dịch
Bangkok Post – July 26, 2019

Đập thủy điện Xayaburi [Ảnh: Bangkok Post]


Năm vừa qua, chúng ta rất đau buồn vì những hiểm họa liên quan đến việc vỡ đập trong lưu vực sông Mekong, sau khi một đập phụ của dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào sụp đổ khiến cho một khối lượng nước lớn lao đã tràn xuống hạ lưu, gây ngập lụt rộng lớn và thiệt hại tài sản, hoa màu, gia súc, gián đoạn đời sống và thiệt hại nhân mạng.  Nguyên nhân của tai họa là do việc xây dựng thiếu tiêu chuẩn và mưa lớn bất thường.

Một năm sau, tình hình của lưu vực Mekong hoàn toàn đảo ngược với tình trạng hạn hán cực đoan và lưu lượng thấp kéo dài mặc dù đang ở trong mùa mưa.  Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi đập thủy điện Cảnh Hồng – nằm ở thượng lưu trên sông Mekong trong tỉnh Vân Nam của Trung Hoa - đã giảm ½ lượng nước xả xuống hạ lưu từ ngày 5 đến 19 tháng 7 để “bảo trì lưới điện.”  Kết quả là lưu lượng của sông đã xuống đến mức thấp kỷ lục ở nhiều trạm hạ lưu, nhất là ở Lào và Thái Lan, với sông trơ đáy và ghềnh đá nổi lên mặt nước cùng với tôm cá chết dọc theo một đoạn sông dài.  Một số người gán cho đập Xayaburi, nằm sâu trong lãnh thổ Lào đang chạy thử hệ thống vận hành thủy điện, làm cho tình hình trở nên tồi tệ mặc dù có nhiều ý kiến khác biệt trong vấn đề nầy.

Cho dù hiện tượng giao động nầy là do sự thay đổi khí hậu, nó cho thấy một sự gia tăng đáng kể tính bấp bênh hay không thể đoán trước những yếu tố khí tượng-thủy học chỉ trong một năm, và trong cả 2 trường hợp, cường độ của sự khốc liệt được gia tăng do vỡ đập hay vận hành chính hệ thống sông.  Như tôi đã trình bày trước đây, việc chắc chắn duy nhất là không chắc chắn, người ta phải rất cẩn thận để chọn bên phía an toàn hay xây dựng các biện pháp an toàn hay dự phòng trong bất cứ loại vận hành nào có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và/hay kinh tế xã hội.  Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, thời biểu cho việc bảo trì cơ sở hay máy móc cần phải uyển chuyển để thích ứng với mưa và lưu lượng.

Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) - một tổ chức liên chánh phủ gồm có Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam là thành viên và Trung Hoa và Myanmar là đối tác đối thoại (dialogue partner) hay quan sát viên – có nhiệm vụ giám sát việc phát triển khả chấp (sustainable development) sông Mekong từ năm 1995.  

Vừa rồi, MRC có ra 3 tuyên bố liên quan đến hạn hán và lưu lượng trong lưu vực sông.  

Tuyên bố thứ nhất vào ngày 3 tháng 7 cho biết đã nhận được thông báo của Bộ Thủy lợi Trung Hoa về việc cắt giảm lượng nước xả xuống hạ lưu từ đập thủy điện Cảnh Hồng như đã nói trên.  Nó cũng cho một ấn tượng rằng không có gì phải lo ngại vì kết quả của sự giao động mực nước được dự đoán thì “không có ảnh hưởng quan trọng như dự đoán” được ghi ngay trong tựa đề.
Ảnh hưởng nầy được lặp lại trong câu cuối của đoạn thứ nhất nói rằng, “Nhưng với mưa nhiều hơn được dự đoán và mùa mưa cũng bắt đầu, không có chiều hướng lo ngại quan trọng được dự đoán.”  Ở cuối bản tuyên bố, nó lại được nhấn mạnh thêm rằng “Với mùa mưa đã bắt đầu từ đầu tháng 6, mang mưa mùa phía nam vào hạ lưu vực Mekong, sự giao động mực nước ở trạm Cảnh Hồng sẽ không đe dọa tiêu cực đến hạ lưu sông Mekong.”  Như chúng ta đã biết, cái dự đoán như thế nó đúng bao nhiêu.  Có lẽ để gỡ gạc, MRC đang mướn chuyên viên theo dõi khí hậu và nguồn nước, có nhiệm vụ phân tích tình trạng hạn hán và lũ lụt và nghiên cứu phù sa và nước ngầm trong toàn lưu vực, và đóng vai trò chỉ đạo trong việc thu thập, phân tích và duy trì dữ kiện khí tượng và thủy học.

Tuyên bố thứ hai, công bố ngày 18 tháng 7 hay 2 tuần sau, khi tình hình hạn hán và lưu lượng đã trở thành hiện thực ở hạ lưu vực Mekong, tự sửa sai với hàng tít “Mực nước Mekong xuống thấp kỷ lục” và tiếp tục cho thấy mực nước giảm xuống mức kỷ lục ở hầu hết các trạm thủy học ở dọc theo sông.  

Tuyên bố thứ ba được công bố ngày hôm sau về việc ký kết thỏa ước chia sẻ dữ kiện thủy học giữa Trung Hoa và MRC.  Đây chỉ là sự tiếp tục của thỏa ước đã có từ năm 2002, qua đó Trung Hoa cung cấp cho MRC dữ kiện mực nước và lượng mưa, ngày 2 lần, của 2 trạm thủy học – một trên dòng chánh và một trên phụ lưu Mekong – trong 5 tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 12 cho mục đích tiên đoán và ngừa lụt.  Việc nầy sẽ có hiệu quả hơn nếu Trung Hoa chia sẻ dữ kiện quanh năm của nhiều trạm thủy học hơn để có thể cung cấp một hình ảnh tổng quát của lưu lượng và vũ lượng cho toàn thể thượng lưu vực sông Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa.

Trường hợp đập của Cảnh Hồng gần đây, có thể gọi là, “đóng vòi nước,” dù để bảo trì lưới điện, là một sự nhắc nhở đúng lúc rằng các quốc gia duyên hà ở hạ lưu luôn lép vế đối với quốc gia ở thượng lưu về các vấn đề quản trị nguồn nước rất phiền phức ngoại trừ có những bảo đảm thích hợp.  Một phúc trình của Thai PBS mới đây, có tựa đề, “Tám đập của Trung Hoa ngăn chận 40 tỉ m3 nước của sông Mekong” có thể đúng, nhưng nó không có lợi vì quá nhạy cảm, đặt người láng giềng khổng lồ ở thượng lưu dưới ánh sáng quá tiêu cực và không giúp ích cho việc thương thảo bén nhạy.  Sự thật thường ở giữa và đây là cái không gian chánh trị mà các quốc gia duyên hà ở thượng và hạ lưu cần phải thu hẹp để đồng thuận trên một số điều khoản hỗ tương nhằm quản lý tốt nhất nguồn nước chung.  Một số các diễn đàn sẽ được tổ chức vào cuối tuần nầy có lẽ sẽ là bước khởi đầu cho những thảo luận để đi đến mục đích như vậy.

Apichai Sunchindah – Bình Yên Đông lược dịch


No comments:

Post a Comment