Monday, November 20, 2017

GS. Thái Công Tụng - BIỂN VÀ CON NGƯỜI


Abstracts

Following introduction in section 1 about the sea and oceans with songs and Vietnamese poetry about oceans, the various roles of ocean are mentioned in section 2: supply, ecology, society and spirituality. Oceans provide a variety of fish products, shrimps and other molluscs. Oceans regulate the earth climate with ocean currents. El Nino, earthquakes also originate from oceans. Oceans also are important for recreational use. Oceans can awaken, renew, or deepen spirituality washes over our inner selves that can lead to serenity and peace. .Section 3 deals with ocean issues: coastal resources are under constant stress from human activity with pollution, overfishing, degradation of coastline forests, destruction of coral reefs .. Climate change and rising seas go on to exacerbate existing threats .Section 4 deals about  managing coastal resources which may be summarized in 4 P: to protect, to preserve, to promote and to prevent.. In concluding remarks in section 5, the author stresses the harmony in development, that is the fair allocation and use of coastal resources while managing these areas sustainably, so that they can be used by future generations

1. Dẫn nhập

Trong Tứ Diệu Đế của Phật giáo thì mệnh đề thứ nhất nói về cái khổ, như đời là biển khổ, nước mắt của chúng sinh nhiều như cát sông Hằng, tràn ngập đại dương .. nên  trong lời kệ  kinh Phật có câu khuyên ta: Tâm bồ đề kiên cố, Xa bể khổ nguồn mê ,Chóng quay về bờ giác v.v.
Trong Tứ Đại của Phật giáo, nước cũng là một trong 4 yếu tố: đất, nước, gió, lửa
 Nói đến nước là phải nghĩ ngay đến biển, đến đại dương.
Biển có nhiều đặc thù: gió biển khác với gió đất, cát biển khác với cát sông, cá biển khác với cá nước ngọt v.v. .
Các vùng ven biển chỉ chiếm 20% diện tích Trái Đất nhưng có đến 50% dân cư sống tại đó .Vài ví dụ các thành phố ven biển:
Thượng Hải, Hong Kong nằm sát biển ở Trung Quốc
Marseille, Bordeaux nằm gần biển ở Pháp; Barcelone ở Espagne, NewYork ở Mỹ, Lisbonne ở Portugal đều là những thành phố quan trọng sát biển.
Đại dương quan trọng vì chứa nhiều tài nguyên (dầu hoả, hơi đốt), vì 90% hàng hoá thương mại trên thế giới là trên biển, vì nguồn lợi hải sản, vì du lịch v.v. 

Đại dương thế giới được chia thành 5 đại dương, chia cắt đất liền thành các lục địa.
Trong 5 đại dương thì
Thái Bình dương lớn nhất, chiếm một diện tích 180 triệu km2, bao phủ 1/3 diện tích trái đất. Nhiều hoạt động núi lửa trên mặt (Indonesia) hoặc dưới nước
Đại Tây dương đứng hạng 2 với 106 triệu km2 , kéo dài từ bắc xuống nam với chiều rộng trung bình 5000km, tiếp nhận nhiều nguồn nước nhạt từ các cửa sông St Laurent, sông Congo, sông Amazone
Ấn độ dương với trên 73 triệu km2, nằm giữa Châu Phi và châu Úc
Hai đại dương còn lại là Bắc Băng dươngNam Băng dương. Nếu tính theo tỷ số diện tích các đại dương thì Thái Bình dương đã chiếm gần 50%, Đại Tây dương với gần 30% và Ấn độ dương 20%


Nhưng biển cũng rất đa dạng: có biển nằm trong lục địa như biển Caspian, biển Aral, Biển Chết. Những biển này thực ra không thông thương với đại dương nhưng thực chất là những hồ nước mặn.

Tỷ trọng của nước biển nằm trong khoảng 1.020 tới 1.030 nghĩa là nặng hơn nước ngọt.  Nước biển có độ mặn không đồng đều trên toàn thế giới mặc dù phần lớn có độ mặn nằm trong khoảng từ 3,1% tới 3,8%.

Biển Chết ở Trung Đông là nơi thấp nhất trên bề mặt Trái Đất. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới.
Bờ biển cũng thay đổi vì có chỗ hình vòng cung, có chỗ cạn, chỗ sâu nên có nhiều danh từ địa mạo khác nhau như: vịnh, vũng, phá, eo v.v.
Vịnh (gulf) là phần biển lõm sâu vào đất liền, có kích thước khá lớn. Ví dụ: vịnh Thái Lan, vịnh Bắc Bộ
Vũng (bay) là những vịnh có kích thước không lớn, được bảo vệ chống sóng gió bởi các mõm nhô ra biển.Một số vũng ở Việt Nam: Vũng Rô, Vũng Tàu…

Ảnh: Hòn Chồng ở Nha Trang

Phá (lagoon) kéo dài dọc theo bờ biển, hoàn toàn tách biệt với biển bằng các doi đất, chỉ trừ vài cửa thông với biển.  Ví dụ: phá Tam Giang ở Thừa Thiên.

Eo biển (détroit, straits)  là phần biển dài và hẹp nằm ở giữa hai khoảng đất, thường là hai lục địa nối liền hai vùng biển với nhau. Ví dụ: Eo biển Bering nối liền Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương, phân cách Châu Á và Bắc Mỹ; Eo biển Gibraltar nối Địa Trung Hải với Đại Tây Dương, phân cách Châu Âu và Châu Phi; Eo biển Malacca nối Biển Đông với Ấn Độ Dương.

Sông ngòi thông ra với biển qua các cửa biển; ở Việt Nam, ta có Cửa Lò, Cửa Tùng, Cửa Việt, cửa Đại v.v.

Biển bao la trên Trái Đất nên cũng là nguồn cảm hứng cho nhà văn, nhà thơ.
Thi bá Nguyễn Du có nói về biển ngay đầu tập thơ Kim Vân Kiều:
Trải qua một cuộc biển dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn long

Biển dâu, dâu biển cũng còn trong câu:
Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình

Nói về Từ Hải, Nguyễn Du viết:
Một tay gây dựng cơ đồ
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành

Bể Sở sông Ngô là chỉ hai nước thời Chiến Quốc, chiếm một phần lớn phía Nam sông Dương Tử, chỉ một vùng đất rộng mênh mông như bể.
Dưới mắt của nhà thơ Nguyễn Khắc Hoạch, bút hiệu Trần Hồng Châu thì:
 Biển là mây gió
Biển là Tự do không bờ bến
 Biển là huynh đệ lòng người
Biển cũng có những bát ngát tư duy
(Ngủ Ngon Đi Nhé Biển Tuyệt Vời – Trần Hồng Châu)

Biển cũng là nguồn cảm xúc của nhiều  nhạc sĩ  với nào là Mưa trên biển vắng, Biển cạn, Vùng biển vắng, Biển vắng ru đêm, Đêm chôn dầu vượt biển, Biển vẫn đợi chờ , Bay đi cánh chim biển v.v. .
Với Biển nhớ thì:
Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về.
 Gọi hồn liễu rũ lê thê  
Gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi biển nhớ em quay về nguồn gọi trùng dương gió ngập hồn v.v

cũng như nỗi nhớ ray rứt trong thơ Đinh Hùng:
Có kẻ nghe mưa, trạnh mối sầu
Vắt tay chờ mộng, suốt đêm thâu
Gió từ sông lại, mưa từ biển
Không biết người yêu nay ở đâu

Lời mẹ ru con buồn xa vắng hay lời hát quan họ Bắc Ninh cũng nhắc đến biển:
Đêm qua chớp bể mưa nguồn,
Hỡi người tri kỷ có buồn hay không,
Cá buồn cá lội tung tăng,
Người buồn người biết đãi đằng cùng ai,
Ngày qua chung bóng chung hơi,
Bây giờ kẻ ngược người xuôi mặc lòng.

Từ bờ biển ra khơi, ta phân biệt:
-thềm lục địa là vùng khá bằng phẳng, ít dốc, sâu tới 200 mét, ứng với vùng triều (littoral) và vùng dưói triều (sublittoral).  Thềm lục địa chứa dầu hoảhơi đốt .
-sườn dốc lục địa
-nền đại dương với núi lửa, dãy núi giữa đại dương, hố sâu

Các nước ven biển có toàn quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế  tức Exclusive Economic Zone (EEZ) 200 hải  lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển tức UN Convention on the Law of the Sea (UNCLOS)

Biển có một vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ sinh thái trái đất.
Biển điều hòa khí hậu và điều tiết các quy trình tái tạo các yếu tố thiết yếu của sự sống (các-bon, o-xy…), cung cấp nguồn tài nguyên và phục vụ cho cuộc sống của con người

2. Vai trò của đại dương

2.1. cung cấp: Đại dương có cá biển, tôm biển, cua biển, sò, ốc ..

2.1.1. các loài cá biển:  Tuy có hàng ngàn loài cá thuộc khoảng 200 họ nhưng chỉ có chừng 100 loài là có giá trị kinh tế như cá mú, cá chim, cá chình, cá chuồn..

Cá biển rất đa dạng về chủng loại, hình thái, kích thước, điều kiện sinh thái, sinh trưởng, sinh sản và khác nhau về giá trị kinh tế.
-theo chiều dọc, có thể phân loại:
. cá nổi, cá tầng giữa như cá đé (Ilisha elongata) là một loại cá nhiều ở vịnh Bắc Bộ được liệt vào hạng cá tứ quý ở vùng biển phía bắc Việt Nam: cá chim, cá thu, cá nhụ, cá đé.
 .cá tầng gần đáy và cá đáy; cá đáy cũng còn bao hàm luôn các loài cá khai thác được bằng lưới kéo đáy như cá hồng còn có tên khác là cá hanh, cá mối.
-theo chiều ngang, cá phân chia thành:
. cá cửa sông, cá ven bờ (như cá trích, cá cơm, cá đé, cá nục..)
.cá đại dương (cá thu, cá ngừ, cá chuồn, cá bạc má, cá nhám..) .

Cá mòi (Clupanodon) là cá tầng trên ở các vùng nước ven bờ biển; trước kia Việt Nam có nhiều nhưng nguồn lợi này bị giảm sút nặng do đánh cá quá mức khi cá đi đẻ..Cá mòi được gợi lại trong ca dao sau đây:
Tiếng đồn con gái Phú Yên
Đồng Nai đi cưới, một thiên mắm mòi
Chẳng tin giở hộp ra coi
Rau răm ở dưới, mắm mòi ở trên

Cá chuồn (họ Exocoetidae) tập trung nhiều biển miền Trung; cá chuồn có thể bay trong không khí, mỗi lần bay chỉ kéo vài chục giây trên vài chục mét cá chuồn là loại cá nổi, thân nhỏ, ít thịt nhiều xương với hai vây lưng rất to. Loài cá này chỉ xuất hiện rộ vào mùa biển lặng từ tháng hai âm lịch. Cá chuồn có thể chế biến được nhiều món và dành làm thực phẩm cho mùa mưa gió. Ở xứ Quảng có câu ca:
Ai về nhắn với bạn nguồn
 Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.
Mít non nấu canh cá chuồn là món ăn dân dã, mộc mạc đã gắn bó bao đời nay với người dân xứ Quảng, như một mối tình gắn bó keo sơn giữa rừng với biển - mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên

Cá trích (Clupeidae) thường được khai thác bằng kết hợp ánh sáng và lưới kéo, ban đêm thường nổi lên mặt, ban ngày ở lớp gần đáy

Cá mú (Serranidae) sống chủ yếu vùng rạn đá và rạn san hô nên cá này khó đánh bắt bằng lưới kéo đáy. Loài cá được ưa chuộng nhất trong các loài cá biển vì thịt trắng, ngon, dai

Cá ngừ vây vàng (tuna) dùng làm món ăn sushi, sashimi

Ngoài cá biển, còn gặp thêm:
2.1.2. Các loài thân giáp (Crustacea) như  cua biển, tôm hùm (homard), tôm rồng (langouste)
Rủ nhau xuống biểncua
Đem về hái quả mơ chua trên rừng

Ngoài biển, phía gần bờ còn có con ruốc, còn gọi là tép biển Acetes,  bộ Thân giáp mười chân (Decapoda). Ruốc sống thành đàn lớn chứa nhiều protein

Các loài tôm tép có trong ca dao:
Bể sâu con cá lớn vẫy vùng
Trời cao muôn trượng, cánh chim bằng cao bay
Xá chi đồi cát vũng lầy
Những loài tôm tép biết ngày nào khôn

2.1.3 Các loài thân mềm: (Mollusque) có các đặc điểm như cơ thể mềm, không xương sống,có thể có vỏ đá vôi che chở và nâng đỡ như hàu, ốchếnngao hoặc mực ống, mực nang..

Hàu (huitre).
Hàu có chừng 25 loài, họ Hàu (Ostreidae), có 2 mảnh vỏ và sống chủ yếu ở vùng triều cửa sông, các rạn đá ven bờ, cả trong nước mặn và nước lợ .

Đầm Ô Loan giữa Qui Nhơn và Tuy Hoà có nhiều sò huyết và hàu đến nỗi Tản Đà có thơ rằng:
Lấy chi vui với thu tàn
Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu

cũng là tên gọi chung các động vật thân mềm với 2 mảnh vỏ, họ Sò (Arcidae) như sò huyết, sò điệp
Quê tui nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn mầu mỡ, biển thừa cá tôm
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn

Nghêu Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày.

Bào ngư (haliotide), có tên khác ốc chín lổ, là nhóm ốc biển.
Sống trong các khe đá dưới biển. Thịt bào ngư ngon, vỏ làm đồ mỹ nghệ

Sứa (méduse, jellly fish) là một lớp  thân mềm, có địa phương gọi là con nuốt. Một số loại sứa có thể được sử dụng làm các món ăn như bún sứagỏi sứa.
Còn có động vật da gai (Echinoderme) như Sao biển (starfish). Khoảng 1.800 loài sao biển còn sống hiện diện trong tất cả các đại dương của thế giới. Sao biển có mặt ở trên một phạm vi sâu rộng từ các bãi triều đến độ sâu thẳm (6.000 m)

Vì biển Đông nhiều cá nên một trong những hình thức dự trữ là dưới dạng chế biến thành nước mắm (nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc ..) hoặc mắm.
Tản Đà khen mắm Long Xuyên như sau :
           Hà tươi cửa bể Tourane
          Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà

Các hải đảo biển Đông như các cù lao ngoài khơi Nha Trang, Đà Nẵng thì phong phú yến sào, món đứng đầu bát trân của người Trung Hoa.
Ngoài các loài Thân Giáp và Thân Mềm nói trên, có thể kể Rùa biển thuộc loài Bò Sát hầu như suốt đời sống ở biển, chỉ lên bờ để đẻ trứng.Việt Nam có nhiều loài rùa biển.

Hải sâm, tên gọi dân gian là đỉa biển, còn gọi là dưa biển do thân hình loài vật này giống quả dưa. Tên tiếng Anh của loài này là Sea Cucumber. Hải sâm là loài vật chuyên ăn xác chết của động vật dưới biển, Thức ăn của chúng là loài phù du và các chất hữu cơ tìm thấy dưới biển. Hải sâm được khai thác nhiều nhất ở Phú Yên, Khánh Hoà cũng như Vũng Tàu Côn Sơn. Người ta phát hiện gần đây trong hải sâm chất holothurine có tác dụng ức chế sự phân bào, có khả năng sử dụng trị ung thư.
Nhiều nguồn động vật biển được tái chế thành bột cá, dầu cá..Bột cá sử dụng như phân bón hoặc dùng làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản. Dầu cá nhiều Omega 3 cũng là nguồn cung cấp năng lượng rất tốt trong thức ăn.

2.1.4: Ngoài hải sản còn có thực vật nằm dưới biển như các loại rong biển, cỏ biển.

Rong biển  là những loài thực vật sinh sống ở biển, thuộc nhóm tảo biển. Rong biển có thế sống ở cả hai môi trường nước mặn và nước lợ. Chúng mọc trên các rạn san hô hoặc trên các vách đá, hoặc có thể mọc dưới tầng nước sâu với điều kiện có ánh sáng mặt trời chiếu tới để quang hợp.
Rong biển đã được sử dụng trong bữa ăn của con người từ thời tiền sử.Và sau đó trở nên phổ biến trên các quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Rong câu (Gracilaria) là một loài tảo. Ở Việt Nam, có nhiều loài, đặc biệt có rong câu chỉ vàng (Gracilaria asiatica) có giá trị kinh tế lớn, sống ở môi trường nước lợ, thích mặt nước lặng, không có sóng gió. Đầm Ô Loan ở Phú Yên có nhiều rong câu . Rong câu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất aga và các chế phẩm khác. Việt Nam có nhiều tiềm năng sản xuất rong câu, tuy nhiên còn thua xa Đài Loan về mặt năng xuất (8-10 tấn rong câu khô/ ha / năm ở Đài Loan, 1-1.2 tấn/ ha/ năm ở Việt Nam.

Cỏ biển (seagrass) ở các vùng cạn gần bờ, có ánh sáng mặt trời xuyên qua. Cỏ biển có lá, có hoa

2.2. Sinh thái. Biển chiếm đến 71% diện tích Trái Đất, như vậy dĩ nhiên 71% này có ảnh hưởng lớn đến 29% đất còn lại. Biển với gió biển, bão biển, thuỷ triều, các dòng hải lưu .. ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Trái Đất.  Chỉ cần một thay đổi nhỏ về năng lượng ở bề mặt nước biển thì sự tác động của sự thay đổi nhỏ này cũng tạo nên những sự thay đổi rất lớn của khí hậu trên đất liền. Như vậy, đại dương cũng quan trọng như khí quyển trong sự vận hành khí hậu toàn cầu. Sự nối kết giữa đại dương và khí quyển đã ảnh hưởng sâu xa đến các sự thay đổi khí hậu về lâu về dài. Thực vậy, địa quyển, phong quyển, thuỷ quyển, khí quyển, bấy nhiêu cái ‘quyển’ ấy đều tác động hổ tương lên nhau: năng lượng mặt trời nóng ở vùng xích đạo, nước biển bốc hơi, gió chở vào lục địa, gây ra mưa to, gió lớn, ‘nước trôi ra biển lại mưa về nguồn’ (Tản Đà), nước nóng theo các dòng hải lưu lên miền lạnh và nước lạnh miền cực trao đổi với dòng nước nóng xích đạo v.v.: ta thấy cả một thế cân bằng động giữa nhiều thành tố khác nhau trong một chu kỳ từ hàng triệu năm nay.

Trong diện tích biển thì biển Thái Bình Dương là lớn nhất:
             Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình
 đúng như lời ca một bài hát nọ. Thái Bình Dương có tác động mạnh nhất đến khí hậu toàn cầu: các bão lụt, hạn hán đã xảy ra từ Mỹ đến Honduras, từ Indonesia đến Việt Nam.. đều do các sự thay đổi ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương.

2.2.1. Hiện tượng El Nino cũng xuất phát từ Thái Bình Dương. Thực vậy, dòng nước ấm ở phía đông Thái Bình dương chạy dọc theo các nước Chili, Pérou đã đẩy vào không khí một lượng hơi nước rất lớn.Hậu quả là nhiều nước ở Nam Mỹ phải hứng chịu một lượng mưa lớn bất thường. Và vì mây tập trung vào một chỗ quá cao nên phần còn lại của thế giới (Úc châu, Á châu) bị khô hạn, làm mùa màng bị thiệt hại nặng nề.

2.2.2. Động đất cũng xuất phát từ sự va chạm các mảng kiến tạọ. Dưới đại dương  có những giãy núi ngầm phun ra lửa với nhiều đá basalt; các giãy núi ngầm chia bề mặt rắn chắc quả đất thành nhiều mảng (tectonic plate) như mảng Âu Á, mảng Phi Châu, mảng Bắc Mỹ . Sự va chạm các mảng ngầm dưới biển tạo nên động đất. Động đất ngoài biển tạo nên sóng thần (tsunami), giết hại hàng trăm ngàn sinh linh, từ Indonesia đến miền nam Thái Lan, hàng chục ngàn người Nhật (Fukushima).




2.2.3 Bão nhiệt đới (hurricane, typhon)
Những trung tâm phát sinh ra bão nhiệt đới luôn luôn ở các vùng nhiệt độ nước biển nóng, ở giữa các vĩ tuyến từ 5 độ đến 15 độ vì tại đây, nhiệt độ nước biển thường 27 độ hay cao hơn nên bốc hơi rất mạnh. Mắt bão là nơi hạ áp lớn nên không khí nóng và ẩm bị hút mạnh vào đó, tạo ra gió cuốn như trôn ốc và vì  không khí nóng bốc lên cao sẽ gặp lạnh , tạo ra nhiều mây dày đặc nên tạo ra mưa to gió lớn.. Từ ngoài khơi Phi Luật Tân, bão nhiệt đới thổi vào đất liền, từ Trung Hoa, Đài Loan đến miền Trung Việt Nam, gây nhiều lụt lội, tàn phá mùa màng. Bão nhiệt đới cơ bản là những cỗ máy nhiệt khổng lồ, được tiếp sức bằng việc chuyển tiếp sức nóng từ đại dương lên khí quyển tầng cao.

2.2.4 Dòng hải lưu.
Biển điều hoà khí hậu nhờ các dòng hải lưu. Chính vì có sự chênh lệch về nhiệt độ mới có các dòng hải lưu . Ở xích đạo nhận được nhiều nhiệt từ mặt trời hơn, đại dương bị đốt nóng hơn nên tỷ trọng của nước biển ở đây nhẹ hơn và ngược lại đối với các vùng cực và gần cực. Sự chênh lệch tỷ trọng này dẫn đến sự hình thành các dòng hải lưu mà hướng chảy của chúng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sự phân bố các lục địa, địa hình. Nhưng nói chung là dòng hải lưu ấm nóng chảy từ xích đạo về hai cực và dòng hải lưu lạnh chảy từ hai cực về xích đạo.
Ví dụ dòng Gulf Stream chuyển vận nước nóng miền nhiệt đới đến miền biển Đông Canada và lên tận các xứ Bắc Au làm nhiệt độ các vùng ven biển Bắc Âu ấm áp hơn . Các dòng hải lưu có thể lưu thông trên một quãng đường dài hàng ngàn kilômét..

2.2.5 Biến đổi khí hậu do quả đất đang nóng lên vì khí nhà kính, sẽ kéo theo nhiều hậu qủa như  sau:
- Các băng hà sẽ tan nhiều, chẩy xuống đại dương, nên dòng hải lưu nóng từ xích đạo đi lên Bắc bán cầu sẽ bị chậm hoặc ngưng lại, do không có hải lưu nóng sưởi ấm nữa nên thời tiết về mùa Đông ở Bắc Âu, và một số nước Tây Âu như Anh, Pháp, sẽ rất lạnh. Đặc biệt, nước ngọt tạo ra do sự tan chảy của các núi băng ở Bắc Băng Dương có thể làm loãng nước của hải lưu Gulf Stream và làm cho nó nhẹ đi nên không chìm xuống. Kết quả là một sự thay đổi lớn trong khí hậu của châu Âu, với những hậu quả chưa thể tính trước.

- Bão ngày càng nhiều và mạnh: nào là bão Katrina tàn phá vùng Nam nước Mỹ (Louisiana), nào là bão Sandria tàn phá miền Đông như New York, nào là  bão Hải Yến tàn phá luôn cả một thành phố ở Philippines. Bão mạnh xâm thực bờ biển khiến đất thổ cư, đất trồng trọt cư dân ven biển bị mất đi, kéo theo nghèo đói
- mực nước biển dâng ngày một cao nên nhiều chỗ  thấp vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long  sẽ bị nước mặn xâm nhập..

2.2.6 Thuỷ triều. Nói đến biển là nghĩ ngay đến thuỷ triều, cũng thường gọi là con nước như trong câu:
 Trông vời con nước mênh mông
Nước biển có thể dâng lên hay hạ xuống do tác động giữa mặt trời, mặt trăng với trái đất.  Trong văn thơ Việt có nhiều đoạn nói về các chuyển động lên xuống của thuỷ triều:
Bốn bề bát ngát mênh mông
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau
N ỗi buồn của nàng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích:
Buồn trông ngọn nước mới sa

Thời điểm mà dòng triều ngừng chuyển động: ta gọi là nước đứng.  Ở miền châu thổ  sông Cửu Long, thường có  câu đố : nước không chân, sao gọi là  nước  đứng

Trước hết, chế độ thủy triều có thể nhật triều ( một ngày chỉ có một lần  thủy triều lên, một lần thủy triều xuống ) hoặc bán nhật triều (một ngày có hai lần thủy triều lên xuống)

Những vùng chịu ảnh hưởng của loại triều này thường nằm ở vĩ tuyến gần xích đạo. .có nơi có chế độ nhật triều rất rõ rệt như Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan. . Thủy triều biển Đông ở bờ biển Việt Nam khá phức tạp vì bị chi phối bởi địa hình bờ biển và đáy biển gần bờ, dạng bờ biển, chiều sâu đại dương..
Dưới tác dụng của dòng triều, nước biển xâm nhập vào sông, đi về hướng thượng nguồn. Chiều dài xâm nhập phụ thuộc vào cường độ của dòng triều và lượng nước trên thượng lưu đổ về .
Trên sông Hồng, khoảng cách truyền triều chừng 180km; trên sông Cửu Long, nước  lên/nước xuống đến tận Nam Vang. Hình ảnh thuỷ triều có mặt trong các câu sau trong đó chàng thanh ni ên nhắn người con gái gắng chờ, còn cô thiếu nữ kia lại trách nhẹ kẻ chậm chân:
-Nước ròng chảy đến Nam Vang
Làm thơ đlại em khoan lấy chồng

-Tay bưng chậu cúc trăm bông
Chờ anh chẳng đặng em trồng xuống đây!

Nhà nhạc sĩ cũng dùng hình ảnh thuỷ triều như trong bài Tình Nhớ:
Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều
Như từng con nước ròng xoá một ngày đìu hiu
Gặp lúc trăng rằm hay trăng ba mươi/mồng một (trăng non) nghĩa là khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất cùng thẳng hàng thì lực tạo thủy triều sẽ lớn; ta gọi là triều cường (vives-eaux; spring tide) hay là nước phát vì là tổng của hai lực hấp dẫn Mặt Trời và Mặt Trăng thay vì chỉ có một lực hấp dẫn của Trăng như thông thường. Triều lên/xuống rất mạnh

Vào lúc trăng thượng tuần (mồng 7 âm lịch) hay hạ tuần (23 âm lịch) nghĩa là khi mặt trời và Mặt trăng cách biệt nhau 90 độ nhìn từ trái đất thi sự khác biệt giữa nước lớn và nước ròng cũng nhỏ đi (mortes- eaux; neap tide) vì lực hút yếu. Ta gọi là nước sính.

Mực nước thủy triều có ảnh hưởng lớn đến đồng bằng, từ chuyên chở trên sông rạch đến nông nghiệp.
Vùng nước dao động do thủy triều lên xuống giữa mức nước lớn và nước ròng. Những bãi biển xoải cát, cửa sông hoặc những mỏm đá thấp thường được gom vào khu vực này.

Triều cường làm các vùng thấp duyên hải bị ngập, làm hư hại các đê bao ngăn mặn, gây ngập úng các đầm nuôi tôm, các vườn cây ăn trái, các nhà cửa ven kinh rạch.
Khi triều cường vào cửa sông thì độ mặn lan truyền, khuyếch tán vào trong sâu nội địa, nhất là lúc cao điểm đỉnh triều cường vào con nước rằm và ba mươi tháng Giêng âm lịch, thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa đông xuân  đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông . Triều cường và sóng lớn làm phá vỡ bờ cây xanh chắn sóng dọc theo bờ biển, lấn sâu vào đất liền
Nước lên-nước xuống chi phối đời sống dân ven biển. Một chu kỳ biến động của mực nước-từ lúc nước biển rút xuống đến mức tối đa đến lúc nước biển lên cao đến mức tối đa- kéo dài 15 ngày và được gọi là một con nước. Như vậy, mỗi tháng có 2 con nước.
Trông về con nước vơi đầy
Nỗi sầu xa cách biết ngày nào vơi
Lênh đênh duyên phận bọt bèo
Đành cho con nước thuỷ triều đầy vui
Trăng lên con nước rong đầy
Anh đừng đến nữa, má rầy khổ em

Nhìn nước lớn, nước ròng, nhìn cuộc đời sớm còn, tối mất, người ta ca rằng:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê

Trước khi đổi con nước, dòng sông ngưng hẳn, gọi là nước đứng:
Nước không chưn sao kêu bằng nước đứng
Cá không giò sao gọi con cá leo?

 Khi nưóc mặn xâm nhập vào cửa sông thì đất bị nhiễm mặn và năng suất lúa bị giảm và không trồng lúa được vào mùa khô.

2.3. Xã hội: Ở Việt Nam, nhiều làng đánh cá ven biển thường tổ chức đầu năm âm lịch lễ Cầu Ngư. Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải (cá voi), tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ bắc miền trung trở vào nam, điển hình nhất là ở Khánh Hòa, mục đích cầu cho mưa thuận gió hoà trước khi thuyền đánh cá ra khơi.
Lễ hội có các nghi thức tín ngưỡng và biểu diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo mang tính đặc trưng của các làng chài ven biển trong khu vực. Sau phần nghi lễ là phần hội với nhiều màn biểu diễn diễn tả gồm nhiều hoạt động tái hiện sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển cùng hội đua ghe truyền thống.

 Còn có lễ hội Nghinh Ông - trong đó, hoạt động chính là lễ rước Ông từ biển vào Lăng thờ  với ý nghĩa cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa để ngư dân an tâm ra khơi. Ngoài việc cầu mong ra khơi thuận buồm xuôi gió, lễ hội Nghinh Ông còn là dịp để người dân miền biển vui chơi, giao lưu văn hóa trước khi khởi hành chuyến biển đầu năm mới.
Biển cũng giúp sự truyền bá các tôn giáo: Phật giáo lan truyền qua nhiều xứ ở Đông Nam Á như Thái Lan, Miến Điện qua đường biển với các sa môn từ Ấn Độ. Là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, Ấn Độ cũng là mảnh đất khởi nguồn của Phật giáo với tinh thần phi bạo lực, bình an, hòa thuận..

Chùa Phật tích (Bắc Ninh) là ngôi chùa có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, là một trong những cái nôi của Phật giáo Việt Nam, nơi mà 2000 năm trước, nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La cùng các đoàn thuyền buôn theo con đường tơ lụa trên biển đã đặt chân đến và mang đạo Phật truyền cho người Việt.
 Dân Phi Châu bị bắt đi qua Mỹ Châu cũng đi trên thuyền xuyên qua Đại Tây Dương, đến  Haiti đầu tiên để trồng mía đường, từ  đó  nhiều điền chủ  Mỹ qua mua nô  lệ  về  Mỹ  trồng bông vải..
Thành phố Alexandria ở Ai Cập ngày nay trên bờ Địa Trung Hải là do Alexandre Đại Đế của Hi Lạp dựng nên 300 năm trưóc Công Nguyên và là một trung tâm quan trọng của văn hoá Hi Lạp và La Mã gần 1000 năm .
Vai trò của biển trong các hoạt động thương mại, du lịch rất rõ rệt. Như tại Viet Nam, thành phố Hội An đã có chùa Nhật từ hàng trăm năm trước, khi họ tới giao thương buôn bán, còn để lại nhiều di tích văn hoá

2.4 Kinh tế: Tại các nước đang phát triển, có khoảng một tỷ người đang coi cá và hải sản là nguồn dinh dưỡng chính của họ và có tới hơn một nửa tỷ người coi đánh cá là nghề kiếm sống của họ. Hải sản dồi dào ở đại dương tạo nguyên liệu cho kỹ nghệ hải sản: tôm đông lạnh, nước mắm, mực khô, cá khô.. góp phần tạo được công ăn việc làm cho dân cư sống dọc bờ biển và đóng góp vào xuất cảng.

 Việt Nam với bờ biển dài hơn 3.260 km, nhiều làng mạc phải nhờ biển mà sống:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá (Tế Hanh)

Xưa kia, các thuyền đánh cá chỉ dùng buồm để di chuyển:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giưong to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió (Tế Hanh)

Ngày nay, các thuyền đánh cá dù gần bờ hay xa bờ đều chạy bằng máy dầu diesel để đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, phần lớn tàu của ngư dân Việt chỉ trang bị động cơ nhỏ nên chỉ đánh bắt gần bờ.  

2.5. Du lịch .Du lịch đóng vai trò quan trọng với các quốc gia sống gần biển. Các hải đảo vùng Caraibes chỉ sống nhờ du lịch, phần lớn du lịch từ Mỹ và Canada. Các du thuyền chở hàng ngàn khách du lịch đi từ cảng này sang cảng nọ, khắp nơi dọc bờ biển Địa Trung Hải, bờ biển Bắc Âu. Biển cũng đóng vai trò du lịch với giải trí như  bơi lội, trượt sóng, lặn, câu cá 

2.6. Tâm linh. Về biển, con người gần với thiên nhiên bao la, thấy mình chỉ là một sinh vật nhỏ bé trong vũ trụ bao la; biển với trời cao mây rộng giúp ta khiêm tốn.
 Sự thinh lặng vô biên là một điều kiện giúp cho con người dễ đi sâu vào nội tâm, vào mầu nhiệm của Chân Như
Nỗi buồn của nàng Kiều khi nhìn biển:
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gọt rửa bao giờ cho phai?
hoặc:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Nhờ thinh lặng vô biên của biển, con người bớt căng thẳng trong cuộc sống xô bồ ngày nay. Căng thẳng (stress) chính là yếu tố gây nhiều bệnh. Thực vậy, ngày nay, con người sống xa rời thiên nhiên, thích đua đòi, lái xe quá nhanh, đọc sách rất ít, xem truyền hình và internet quá nhi ều, hết facebook rồi tweeter, hiếm khi ngồi trong thinh lặng. Con người ngày nay như vậy là người lang thang số hoá (nomade numérique) .Nhiều căn bệnh tâm thần phát sinh vì thiếu giao tiếp. Ta chinh phục được thế giới bên ngoài nhưng không biết gì về thế giới bên trong.

 Khi đi dạo ven biển, người nhàn tản đơn độc còn hít thở cả hương thơm đất trời hài hòa cùng nhau, không thở bụi bặm và ô nhiễm của các ‘phố phường chật hẹp, người đông đúc’,tìm lại sự yên tĩnh của tâm hồn, vứt bỏ những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, ..tức là các ô nhiễm của tâm hồn.  Từ thanh tịnh mà có thanh thản. Vì thanh thản cho nên không động tâm. Không động tâm cho nên an lành, ít gây đổ vỡ.
Cần phải quý trọng sự thinh lặng nội tâm mới có thể thấy những giá trị lớn lao đang chìm sâu hay bị che khuất trong khung cảnh thường nhật .Chính vì vậy mà rất nhiều phát nguyện trong Phật học thường nhắc nhở đến biển:
Đệ tử chúng con từ vô thỉ
Gây bao tội ác bởi lầm mê
Đắm trong sinh tử đã bao lần
Nay đến trước đài Vô Thượng Giác
Biển trần khổ lâu đời luân lạc
Với sinh linh vô số điêu tàn
Sống u hoài trong kiếp lầm than

.. và do đó khuyên ta:
Chúng con khổ nguyền xin tự độ
Ngoài tham lam, sân hận ngập trời
Phá si mê trí tuệ tuyệt vời
Con nhớ đức Di Đà lạc quốc
Phật A Di Đà thân kim sắc
Tướng tốt quang minh tự trang nghiêm
Năm Tu Di uyển chuyển bạch hào
Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc

Tục ngữ ta có câu: “Dò sông dò biển dễ dò. Đố ai lấy thước mà đo lòng người”.  Lòng người thay đổi với nhiều vọng niệm, vọng tâm, loạn tưởng, thay đổi bất thường cho nên khó dò trong khi biển, có thể dùng máy đo được nhiều đặc tính lý hoá, chiều sâu .

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy: “Căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm. Căn bản của bồ đề niết bàn là chơn tâm”.Vọng tâm ví như những ngọn sóng do gió thổi gây nên, gió nhẹ sóng nhỏ, gió mạnh sóng to .Vọng tâm nghĩa là khi vui, khi buồn, lúc thương lúc ghét, lúc tốt lúc xấu, lúc nghĩ chuyện đông, lúc nghĩ chuyện tây, lúc nghĩ chuyện hiện tại, lúc nghĩ chuyện quá khứ, vị lai, lúc vầy lúc khác v.v..Vọng tâm là tâm chướng ngại, tâm phân biệt, tâm không bình đẳng, sanh diệt liên miên trong từng sát na, trong từng giây phút, ví như con vượn chuyền từ cành cây này sang cành cây khác khắp nơi , như câu thơ :
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Còn Chơn tâm là tâm không chướng ngại mà ‘tâm không chướng ngại thì tâm không sợ hãi, xa l ìa mọi vọng tưởng, xa lìa mọi  điên đảo, đạt Niết bàn tuyệt đối’ (Kinh Bát Nhã ); Chơn tâm thì vào cảnh giới Niết Bàn, đạt được bốn đặc tính: Thường, Lạc, Ngã, Tĩnh của nhà Phật. Chơn tâm là tâm không phân biệt vì ví như mặt biển yên lặng, phẳng lờ, rộng rãi, bao la bát ngát.;  sống với “chơn tâm’có nghĩa tâm an định, không xao xuyến, không phiền não,  như đoạn thơ sau của nhà  thơ  Tô Thùy Yên:
Lòng ta vô sự, ta vui vẻ,
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ
Mùa hạ tàn trôi trôi đóm lửa
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ,
Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang, thế sự nhoà
Trận lốc cười tròn trên quá vãng
Ta làm lại cả tâm hồn ta

Làm lại cả tâm hồn ta, có nghĩa là mỗi ngày gắng nhặt một niềm vui trong ánh mắt quen chào nhau, tách trà ấm, nụ cười bè bạn, nhiều niềm vui nho nhỏ sẽ tạo niềm an lạc lón như những dòng sông con quy tụ ở biển khơi. Cuộc đời giống như đại dương, không thể điều khiển được mà luôn luôn có những thăng trầm, lên xuống. Chúng ta như những con tàu trên đó, nương theo những náo nhiệt, lên xuống để luôn luôn ở trên mặt nước chứ không phải chìm bên dưới. Phải điều chỉnh bản thân mình để có thể tự tại an nhiên ở cả hai trạng thái lên và xuống,  Hãy để cảm xúc bên trong người tự do, nếu còn bị ràng buộc bởi những so sánh, chúng ta không thể tự do được. Sự tự do ở đây chính là tự do bên trong tâm hồn, và đó chính là Tâm An Lạc. Thực vậy:
Vọng tâm là động lực chính dẫn dắt chúng sanh tạo nghiệp trong vòng sanh tử luân hồi và chỉ có Chơn tâm mới tạo an lạc trong tâm thức
Trên bước đường tu tâm dưỡng tánh,  phải xả bỏ những tạp niệm, vọng tâm, loạn tưởng, đừng để vọng tâm lôi cuốn mình đi , nghĩa là phải sống trong tỉnh thức, sống trong chánh niệm trong mỗi phút giây  nghĩa là phải gắng loại trừ các tạp niệm:
Tự quy Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo Đạo Cả, phát lòng vô thượng
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh thấu rõ Kinh Tạng, trí huệ như biển
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại

Trí huệ rộng lớn như biển cả có nghĩa là cần phát triển tinh thần vị tha về tình thương, từ bi và sự diệt trừ vô minh, ích kỷ và tham lam. Vô minh chính là đám mây mù che lấp trí tuệ của con người và đó là nguồn gốc của tam độc Tham Sân Si để dẫn con người đi lang thang lẩn thẩn trong luân hồi. Có được trí huệ rộng lớn, lúc đó, ta được giải thoát khỏi những hệ lụy ưu phiền và phiền não và khổ đau sẽ không đến.
Trí huệ rộng lớn có nghĩa là phải buông xả. Buông tới lúc trong lòng trống rỗng thì có hoà bình trong tâm hồn. Thực vậy, cuộc đời vốn thế, xin cứ thanh thản như mây, xin đừng quá vui cũng chẳng quá buồn, rắc rối làm chi, những điều đơn giản.  

Nói về biển, người Việt không thể quên hàng vạn thuyền nhân đi tìm tự do đã bị chôn vùi dưới lòng biển sâu khi vượt biên bằng thuyền với
 sóng vật vờ
sóng thành đỉnh Hy Mã
sóng thành vực A Tỳ
nhưng dưới sâu
sâu nữa
vạn hồn thuyền nhân
sớm đi tối về
vẫn oan khiên
ngập tràn biển Đông!
……………………….
dưới sâu vẫn vô vàn cánh tay
dằn dặc
dây xích oan khiên
về lòng đất
ai đây tiếp dẫn
chúng sinh hồn trầm lạc?
……………………..
(Biển Oan Khiên - Trần Hồng Châu)

.Với luật nhân quả, đã gây ra điều ác thì sẽ không tránh khỏi hậu quả:
Dẫu bay vút trên trời cao
Hay lặn sâu dưới biển cả
Hoặc chui rút vào hang đá
Trốn làm sao được hậu quả
Các điều ác đã tạo ra
            (Kinh Pháp Cú: Phẩm Ác)





3. Các vấn nạn của môi trường biển.
Trong khi nguồn cá là một trong những tài sản thiên nhiên quan trọng nhất của con người thì đáng tiếc là con người đang hủy hoại chính nguốn sống của mình vì các lý do sau:

3.1. Ô nhiễm. Vùng ven biển thường là nơi tập trung các chất thải sinh hoạt dân cư theo sông đổ ra, như chai lọ, vỏ lon bia, rác thải của kỹ nghệ, y tế, giao thông v.v. nên gây ảnh hưởng đến phẩm (chất lượng) nước biển, làm nước biển thiếu ô-xy, sinh sôi nhiều loài tảo độc và sinh vật có hại. Biển là nơi tụ tập cuối cùng của các phế thải môi trường; nếu môi trường các dòng sông bị ô nhiễm bởi các phế thải kỹ nghệ với các kim loại nặng (đồng, chì, thủy ngân…) thì biển sẽ ‘lãnh đủ’. Chất lượng môi trường biển Việt Nam hiện nay tiếp tục suy giảm theo chiều hướng xấu với các rác đô thị, các chất thải sinh hoạt từ các khách sạn, từ các khu gia cư đổ thẳng ra biển, các vết dầu loang từ các tàu chở dầu hoặc từ hoạt động thăm dò dầu khí gây ra v.v. khiến nhiều sinh vật sống trong nước biển chết hàng loạt. Chỉ tính riêng tại Vịnh Hạ Long hiện có tới hàng chục làng chài lớn nhỏ đang “tọa lạc” trên biển. Các làng chài thải toàn bộ rác sinh hoạt xuống mặt biển chưa qua xử lý, rất khó thu gom, dẫn tới một số xuồng lạch đã xảy ra hiện tượng tắc dòng chảy vì rác..Chất lượng trầm tích đáy biển ven bờ, -nơi cư trú nhiều loài hải sản-, cũng giảm dần do đó đa dạng sinh học động vật đáy ở ven biển cũng suy giảm. Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp cứ đổ vào vịnh Nha Trang

3.2. Đánh bắt cá quá mức.  Tình trạng đánh bát có tính hủy diệt cao như lưới quét mắt nhỏ, xiết điện, chất nổ, thuốc độc làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản … đã tiêu diệt các loại cá nhỏ, khiến số lượng đàn cá không kịp phục hồi Do đó, phải  quy định về cỡ lưới sao cho những con cá con có thể thoát ra được để phục hồi đàn cá; giới hạn tổng sản lượng đánh bắt; đóng cửa một số ngư trường; cấp giấy phép đánh bắt cá; chia đều sản lượng đánh bắt cho các ngư dân trong một khu vực đã được xác định.

3.3 Rừng ngập mặn giảm sút Các giải rừng ngập mặn bị đốn phá, nhường chỗ cho các vuông tôm nhưng ô nhiễm cũng xảy ra tại nhiều vùng nuôi tôm. Trong khi đó loại rừng này có vai trò bảo vệ vùng cửa sông, cửa biển để chống xói lở, hạn chế tác hại của gió bão; mở rộng đất liền. Rừng ngập mặn còn giúp cho bầu không khí bớt ô nhiễm vì rừng này với những cây bần, đước, sú, vẹt v.v. hấp thụ khí CO2 do hoạt động kỹ nghệ và sinh hoạt thải ra và sinh ra một lượng ô-xy rất lớn. Rừng này còn cung cấp gỗ, than, chim và nhiều hải sản như tôm, cua. Thế nhưng, hiện nay nhiều loại rừng này bị phá huỷ để làm hồ nuôi tôm, cua, cá; làm đất nông nghiệp, đường sá, nhà cửa và từ đó, đẩy mạnh sự xâm nhập nước mặn vào đất nội d ịa. Rừng ngập mặn với các cây mắm, sú, vẹt, bần, đước,v.v. sống đan xen nhau, chồng chéo lên nhau đến độ ánh sáng mặt trời không thể chiếu xuống tới được lớp lá mục của loại rừng này  và nhờ giải rừng dày đặc này mà đất không bị sói mòn, sạt lở bởi sóng, triều cường v.v.

3.4 Phá hủy các rạn san hô Cũng như rừng ngập mặn, “rừng” san hô còn có tác dụng che chắn, giảm nhẹ sóng mạnh đánh vào bờ nên bờ biển bớt xói lở.. Rạn san hô là 'rừng dưới biển’ với nhiều loài, đủ các dạng như dạng bàn, dạng phiến, dạng khối, dạng dĩa với nhiều hình thù khác nhau như cái hình cây nấm, cái hình những ngón tay, với nhiều sắc mầu kỳ ảo. Rạn san hô cũng là nơi trú ẩn nhiều loài cá như cá thia, cá bàn chải, cá hồng .. cũng như các loài động vật thân mềm (trai, ốc, mực ..), các loài thuộc lớp chân bụng (ốc), thuộc lớp hai mảnh vỏ (hàu, sò, điệp..), hoặc loài giáp xác (tôm, cua ..)
Các rạn san hô đóng vai trò quan trọng đối với môi trường biển nhưng hệ sinh thái này đang bị khai thác qúa mức bằng lưu đạn, mìn, thuốc nổ, hoá chất độc để đánh bắt hải sản sống trong rạn san hô, để khai thác san hô cứng (cung cấp cho một số nhà máy sản xuất xi măng) hay san hô mềm, còn gọi là bông đá. Thuốc nổ chẳng những hủy diệt tất cả những gì có trong rạn, trong lòng đại dương, gây ô nhiễm môi trường, mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với sự phục hồi và phát triển (vốn rất chậm) của san hô. 

San hô bị tàn phá thì:
-không còn chỗ cho các loài thuỷ sản sinh sống
-mất ghềnh đá san hô chắn sóng nên bờ biển dễ bị xói mòn
Ngoài ra, trong các rạn san hô có hàng trăm loài sinh vật biển như: tảo, rong, cua, cá, tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, động vật thân mềm, chưa kể nhiều cá cảnh. Rạn san hô có tiềm năng du lịch to lớn.

3.5 Đại dương đang nóng lên .Sự biến đổi khí hậu với khí thải CO2 tăng lên do hoạt động của con người đã làm đại dương nóng lên, gây ra những trận bão nhiệt đới tàn phá gây thiệt hại tài sản và nhân mạng như trận bão Hải Yến phá hủy luôn cả một thành phố ở Phi Luật Tân, trận bão Sandy bay đến tận New York năm 2013. Khí hậu nóng lên làm các khối tảng băng Bắc Cực tan ra nhanh, làm nước biển dâng lên và những thành phố ven biển dễ bị nguy cơ nhất. Tạp chí National Geographic chỉ rõ có 5 thành phố sau đây nhiều nguy cơ ngập nhất vì gần biển: Calculta và Bombay (Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh), Thượng Hải (Trung Quốc) và Saigon (Viet Nam). Và Ngày Môi trường Thế giới (5 tháng 6) năm nay (2014) với chủ  đềHãy hành động để ngăn nước biển dâng nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển. Chủ đề này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì Việt Nam có nhiều vùng đất trũng, đất thấp ven biển rộng lớn tại đồng bằng sông Cửu Long và  đồng bằng sông Hồng với khoảng 50% số dân cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển

3.6  Xói lở bờ biển. Sự khai thác bừa bãi càng ngày càng nhiều các tài nguyên như cát, sỏi, vật liệu xây dựng trên các dòng sông để xây cất trong quá trình đô thị hoá cũng như xây kè lấn ra bờ sông làm thay đổi dòng chảy hiện có, thay đổi cấu trúc/kết cấu/ địa mạo dòng sông, gây nhiều vực sâu, đưa đến tình trạng sạt lở bờ sông, như tình trạng các dòng sông như Thu Bồn, Trà Khúc v.v.  khiến nhiều gia đình sống mấp mé bên các triền sông phải di dời hàng năm. Ở Việt Nam, nhiều tỉnh có bờ biển bị xâm thực, ít đi từng ngày. Bãi cát trên bờ trước kia rộng  300-400m, nhưng ngày nay, sau một thời gian bị xâm thực, bờ biển gần như bị xoá sổ trên bản đồ; nhiều nhà trước đây xa mép nước biển hàng trăm mét thì nay nước biển đã mấp mé chân tường. Nhiều cư dân sống gần biển luôn lo âu bờ biển cứ xói lở không dám ngủ trong nhà nên phải di tản vào sâu để tránh sóng.Nhiều công trình lấn biển đang được triển khai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường

3.7. Nhiều cửa sông bị bồi lấp sau mùa lũ. Phá rừng làm phù sa bùn cát lắng đọng và các hồ chứa nước bị bồi đầy nhanh chóng, nên cửa biển rất cạn, tàu thuyền khó qua lại. ‘Mỗi lần ra biển hay trở về, ngư dân phải chờ thủy triều lên mới dám cho tàu qua lại. Khó khăn nhất là mỗi khi có sương mù dày đặc, mưa rào nặng hạt hoặc đêm tối thì tai nạn mắc cạn rất dễ xảy ra. Theo thống kê của ngư dân địa phương, mỗi năm có hơn 30 vụ tàu thuyền mắc cạn tại khu vực này. Nhẹ thì trục vớt, cứu được phương tiện, còn nặng thì tàu bị sóng đánh vỡ, vùi trong cát. Mỗi lần tàu bị mắc cạn, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân, còn trực tiếp ảnh hưởng tới kế hoạch chuyến biển, doanh thu của tàu’ (trích báo trong nước)

4. Quản trị các vùng ven biển.  
Từ các vấn nạn của môi trường biển vừa đề cập, loài người cần phải quản trị môi trường biển một cách bền vững, phối  hợp về mọi mặt như du lịch, chuyển vận, đánh cá, năng lượng v.v nhằm mục tiêu sử dụng hợp lý các tài  nguyên. Quản trị các vùng ven biển nhằm vào bảo vệ tài nguyên ven bờ cho các thế hệ mai sau trong khi vẫn phải điều hoà quyền lợi kinh tế, văn hoá và môi trường.

Tóm tắt trong 4 P:
4.1. Prevent. Cần ngăn ngừa sự thoái hoá và xói mòn các cửa sông, các bờ sông vùng ven biển. Ngăn ngừa không làm ô nhiễm môi trường như đổ rác, phóng uế và cũng không khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên của biển như không dùng mắt lưới qúa nhỏ, bớt đánh cá gần bờ để giảm áp lực trên đàn cá sinh sản. Ngăn ngừa sự phá rừng trên các đồi cát ven biển cũng như rừng ngập mặn

4.2. Preserve. Cần bảo tồn phẩm (chất lượng) và đa dạng sinh học của môi trường ven bờ như giới hạn các hoạt động của con người

4.3. Protect.  Cần bảo vệ thực vật và đời sống hoang dã các vùng ven biển. Không phá huỷ các rừng ngập mặn ven bờ mà phải củng cố, trồng lại các chỗ bị tàn phá, nói cách khác là phải bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của tôm con, bảo vệ đàn tôm bố mẹ trong mùa đẻ, bảo vệ đàn tôm con ở khu vực gần bờ. Chọn vùng khai thác để bảo tồn các sinh vật biển có giá trị đang là đối tượng khai thác như rùa biển cũng như phối hợp đáp ứng các yêu cầu thuỷ lợi cho nông nghiệp, thủy lợi cho thuỷ sản, suy giảm nguồn nước ngầm ở những nơi nuôi tôm vùng cát đều là những vấn đề bức xúc hiện nay

4.4. Promote: Thúc đẩy việc thiết lập  các  khu bảo tồn sinh học biển nhằm tăng sự đa dạng sinh học, các giải pháp quy hoạch bảo vệ những vùng ngập lũ, phát triển rừng, rừng ngập mặn cản sóng, phát triển các dải cây xanh dọc theo bờ biển để cản gió bão dành đất dự trữ để phát triển đê, điều, xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm chống úng ngập, thúc đẩy các nghiên cứu kỹ thuật phòng, chống ngập úng, hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và tách nước thải ra khỏi hệ thống cống chung, nạo vét mở rộng kênh rạch để xóa các điểm ngập tại đô thị .Hỗ trợ  cho đội tàu đánh cá xa bờ với công suất cao ( 400-900CV) để giảm áp lực cho các ngư trường gần bờ.



5. Kết luận
Đại dương, biển cả ngày nay là biên giới cuối cùng của loài người trên hành tinh này .Trong khi dân số trên thế giới vẫn tăng đều và diện tích đất đai trồng trọt được càng ngày càng ít đi thì chính đại dương là nguồn sống của nhân loại. Thực vậy, đại dưong là khí hậu, đại dương là   kho tài nguyên gần bờ, xa bờ, là kho tàng đáy biển, là nơi chứa tiềm năng du lịch sinh thái và  du lịch nghĩ ngơi, và đại dương cũng  là  nghĩa trang vì cuối cùng, mọi chu kỳ cuộc sống đều tận cùng ở chỗ thấp nhất, bao la nhất là biển . Chính vì vậy mà Liên Hiệp Quốc đã chọn năm 2013 là ‘Năm Đại Dương’ với chủ đề :Chúng ta chỉ có chung một đại dương, một bầu khí quyển, một tương lai’ nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái,  vì sự phát triển bền vững của hành tinh chúng ta
Môi trường bị đe doạ từ nhiều nguyên nhân, và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là từ cái
Tâm con người. Thực vậy, tài nguyên trái đất này là hửu hạn và con người phải thích nghi với môi trường sống càng ngày càng suy thoái.

Chợt nhớ vài vần thơ trong bài Biển Cả của Phùng Cung:
Hỡi biển cả
Diện tuy rộng
Nhưng thiếu những giác quan cần thiết
Lòng tuy xanh - sâu
Xanh sâu đầy mặn chát….
Nộ cuồng sóng vỗ
Trống trải bơ vơ
Chiều quả phụ
Bình minh vô vọng phương mờ…
Ôi! Bao yên lặng thanh cao
Ðều chìm
Trong thét gào man rợ…
Vậy dẫu có vô cùng lớn lao gì đó
 Ta chỉ yêu cầu phải hài hoà với vô cùng bé nhỏ mà thôi.

Hài hoà trong vũ trụ có nghĩa kết hợp  giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển, thông qua   tổng thể các giải pháp hợp lý nhằm phát triển bền vững, vừa đạt được mục tiêu bảo tồn cho các thế hệ kế tiếp, vừa đạt được mục tiêu nhu cầu cho các thế hệ hôm nay. Trái đất này là của chung, mọi việc đều liên quan đến nhau: khí dioxyt cacbon trên khí quyển là một khí không biên giới; bầu không khí O3 (ozone) là không biên cương. Nó không tuân thủ các ranh giới hành chánh của các chính phủ. Môi sinh có thể nhìn dưới dạng vĩ mô hay vi mô.

Trên cương vị vĩ mô, đó là trái đất, là một xứ; trên phạm vi vi mô đó là một quả đồi, một thung lũng, một dòng sông, một cái hồ.
 Trái đất này là Một, - một không có nghĩa là 1, 2 - mà là toàn thể (holism, do chữ whole). Đó cũng là luận thuyết GAIA. Gaia là một từ ngữ Hi Lạp cổ về nữ thần của Trái Đất. Ngày nay, người ta sử dụng danh từ này để mô tả một hệ thống trong đó đại dương, khí quyển, khí hậu và vỏ trái dất được điều chỉnh lẫn nhau để có sự sống: vũ trụ này là một thực thể sống động tương tác với những dòng chảy năng lượng luân lưu. Quan niệm Gaia với Trái Đất-Quê Hương buộc ta có một cái nhìn tổng thể, cái nhìn Huyền đồng.

Thái Công Tụng
(Tổ Đình Từ Quang-Hè 2014)

***

Những bài viết của GS. Thái Công Tụng - Google Drive's LymHa:

***


 

No comments:

Post a Comment