(China’s hegemonic
choice in the Mekong region)
Sebastian Biba – Bình Yên Đông lược dịch
East Asia Forum – August 30, 2019
Nếu là cường quốc đứng thứ nhì trên
thế giới, bạn ước mơ gì?
Làm sao biến
giấc mơ đó thành hiện thực?
Nói toạc móng heo, khu vực Sông Mekong là nơi thử nghiệm chủ
yếu cho những tham vọng trung và dài hạn của Bắc Kinh – không thừa nhận chánh
thức – để trở thành bá chủ ở Đông Á và có lẽ xa hơn nữa.
Một phần vì khu vực Sông Mekong nằm sát với Trung Hoa. Hầu hết khu vực bao gồm các quốc gia nhỏ bé dễ
bị ảnh hưởng nhưng có tầm quan trọng chiến lược. Trung Hoa cũng là quốc gia duyên hà đầu
nguồn, với hơn 10 đập đã được hoàn tất hay đang xây trên dòng chánh. Những ưu thế về kinh tế và địa dư so với các
quốc gia Mekong khác đã khiến cho Trung Hoa gần như là bá chủ tự nhiên của
Mekong.
Câu hỏi then chốt cho lãnh đạo Trung Hoa là làm thế nào để
thực hiện vai trò bá chủ một cách tốt nhất.
Một trong những mục tiêu căn bản của bá quyền là bảo đảm việc tuân
thủ. Có 4 phương thức có thể sử dụng:
cưỡng bức, vị lợi, quy tắc và lý tưởng.
Trung Hoa dùng một chiến lược hỗn hợp nhưng liên kết để tránh
cưỡng bức công khai các quốc gia Mekong.
Trước hết, rất dễ nhận ra rằng Trung Hoa dựa vào phương thức vị lợi qua
việc tặng thưởng kinh tế và tài chánh để đạt được mục đích ngoại giao. Trong một phạm vi lớn hơn, phương thức nầy
cũng được áp dụng ở nội địa, đặc biệt là ý định phát triển vùng tây nam xa xôi
của Trung Hoa và nối chúng với các thị trường mới. Trong thập niên 2000s, Trung Hoa nhanh chóng
trở thành quốc gia mậu dịch, đầu tư và viện trợ hàng đầu trong khu vực Sông
Mekong, kích thích hầu hết sự tăng trưởng kinh tế ở đó.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative
(BRI)) đã tăng cường tư thế của Trung Hoa ở trong vùng khi nó bao gồm Hành lang
Kinh tế Trung Hoa-Đông Dương (China-Indochina Peninsula Economic Corridor) –
một trong 6 hành lang chánh của BRI. Kết
quả là các quốc gia trong khu vực Sông Mekong đã bị lệ thuộc kinh tế vào Trung
Hoa ở mức độ khác nhau. Điều nầy rất
đúng với Lào và Cambodia, nhưng ngay với Việt Nam, dù không thân thiện lắm với
Trung Hoa, cũng đang chật vật.
Thứ nhì và gần đây hơn, Trung Hoa đã áp dụng phương thức quy
tắc – ký kết hiệp ước và xây dựng tổ chức – để bảo vệ vị thế bá chủ của
mình. Trong thập niên 1990s khi quyền
lợi của Trung Hoa dần dần tăng tốc, nó vẫn còn đối mặt với các tổ chức chi phối
bởi các diễn viên Tây phương và Nhật Bản.
Việc thành lập Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC))
vào tháng 6 năm 2016 phản ánh lòng ham muốn quyền lực ngày càng tăng của Trung
Hoa trong khu vực. Cơ chế đề ra một nghị
trình tổng thể, bao gồm tất cả các quốc gia duyên hà Mekong và cung cấp nguồn
tài chánh dồi dào mà các quốc gia thành viên có thể sử dụng.
Mặc dù LMC cần phải soạn luật lệ và thủ tục cho việc hợp tác,
nó vẫn có tiềm năng làm lu mờ các tổ chức đã được thiết lập từ trước. Các tổ chức nầy gồm có Ủy hội Sông Mekong
(Mekong River Commission (MRC)) và Phân vùng Đại Mekong (Greater Mekong Subregion
(GMS)) do Ngân hàng Phát triển Á Châu (Asian Development Bank) cầm đầu, không
kể các tổ chức nhỏ hơn như Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative
(LMI)) do Hoa Kỳ đề xướng và Thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong (Japan-Mekong Summit).
Thứ ba và sau rốt, Trung Hoa vẫn luôn khao khát quảng bá mục
tiêu và hành động trong khu vực Sông Mekong dưới một khẩu hiệu nhân từ “phát
triển và thịnh vượng chung”. Sáo ngữ nầy
dùng để ám chỉ những gì không được đề cập đến, không chỉ nhắm vào việc chấp
nhận uy quyền mà còn quốc tế hóa các giá trị và chuẩn mực của Trung Hoa. Nó biến hóa từ từ thành một thông điệp được
thừa nhận như một chiến lược toàn thắng mà không có giải pháp thay thế. Xa lộ và đường sắt để tăng cường sự nối kết
và xây đập để gia tăng nguồn năng lượng là những thí dụ được quảng bá như là
thần dược cho tiến bộ kinh tế.
Mặc dù Trung Hoa có những nỗ lực phi thường, không phải ai
trong khu vực cũng tin vào sáo ngữ của Trung Hoa vì họ không được lợi gì. Điều nầy rất đúng đối với một số lớn cộng
đồng địa phương sinh sống trực tiếp bằng tài nguyên Mekong.
Những cộng đồng nầy tiếp tục thách thức hành động của Trung
Hoa, biến các hoạt động xây đập thành vấn đề gây tranh luận. Cáo buộc các đập của Trung Hoa làm mực nước
xuống thấp nhất hiện nay là một đoạn mới nhất của việc phản bác kéo dài đặt
nghi vần về sự thành thật của Trung Hoa.
Nó cũng tìm cách chuyển sự chú ý đến các vấn đề sinh thái cấp thiết qua
khẩu hiệu “Chúng tôi ăn cá, chúng tôi không thể ăn điện.” Nhưng các cộng đồng địa phương nầy không muốn
chánh phủ hỗ trợ vì nó làm cho chiến lược thách thức với Bắc Kinh kém hiệu
quả. Điều nầy rất đúng ở Lào và Cambodia
nơi mà việc xây đập được Trung Hoa bảo trợ chiếm ưu thế trong nghị trình quốc
gia.
Đối với lãnh đạo Trung Hoa, nguyên trạng có nghĩa là dự án
làm bá chủ trong khu vực Sông Mekong của họ chưa được thực hiện. Thông cáo chung Hoa Kỳ-Nhật Bản mới đây thiết
lập Đối tác Điện lực Mekong (Mekong Power Partnership) cho thấy các tay chơi có
thế lực sẵn sàng gia nhập vào khu vực như là một giải pháp thay thế cho Trung
Hoa.
Trung Hoa phải lựa chọn giữa hai phương thức bá chủ khác
biệt. Một được biểu thị bởi sự lãnh đạo
tích cực, đặc biệt qua sự phân phối công bằng hàng hóa và bao gồm tất cả các
thành phần trong việc lấy quyết định.
Cái kia là tập trung một cách hẹp hòi vào ưu thế và tư lợi. Hai phương thức nầy giống như từ ngữ vương đạo (nguyên tắc nhân từ) và bá đạo (nguyên tắc bạo ngược) của Trung
Hoa.
Mặc dù làm bá chủ không phải dễ, lãnh đạo Trung Hoa vẫn còn
có thể làm nghiêng cán cân về phía vương
đạo có đức độ trong khu vực Mekong.
Sebastian Biba – Bình Yên Đông lược dịch
.
No comments:
Post a Comment