Monday, September 30, 2019

NHẬT BẢN CHUỘNG PHẨM HƠN LƯỢNG TRONG KHU VỰC MEKONG



(Japan is putting quality over quantity in the Mekong)

Fumitaka Furuoka – Bình Yên Đông lược dịch
East Asia Forum – September 27, 2018



Nhật Bản đã sửa đổi chiến lược của mình trong khu vực Mekong.  Đầu năm nay, cánh tay phải ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe là Kentaro Sonoura đã phác họa chánh sách ngoại viện của Nhật Bản cho khu vực, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “phẩm” thay vì “lượng”.  Sau đó, Nhật Bản đã thay đổi chiến lược để tập trung vào việc cải thiện minh bạch, phát triển nhân lực, trau dồi khả năng và bảo vệ môi trường qua viện trợ đến các quốc gia Mekong.
Nhật Bản có ý định cung cấp viện trợ không chỉ để xây đường sá và cầu cống, mà còn trực tiếp giúp cho mậu dịch trong khu vực Mekong được dễ dàng hơn.  Điều nầy sẽ được thực hiện qua việc cải thiện thủ tục quan thuế ở biên giới quốc gia, phát triển nhân lực và thiết lập các hệ thống mậu dịch để người và hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn.

Về hạ tầng cơ sở, Nhật Bản cam kết cung cấp viện trợ phát triển gồm có “Hành lang phía Nam” nối Thành phố Hồ Chí Minh với Phnom Penh và Bangkok, và “Hành lang Đông-Tây” nối Đà Nẵng ở Việt Nam với Mawlamyine ở Myanmar.  Cùng lúc, Nhật bản cũng hứa hỗ trợ thúc đẩy tập hợp nhân lực trong những năm sắp đến bằng cách huấn luyện kỹ nghệ cho hơn 40.000 người ở Á Châu, kể cả các quốc gia Mekong.

Khu vực Mekong trở thành một trung tâm tăng trưởng mới của Á Châu.  Về nhân chủng, khu vực có một dân số đáng kể là 236 triệu người vào năm 2015.  Ngoại trừ Thái Lan, dân số đều trẻ, với hơn 20% dưới 15 tuổi.  Trong năm 2015, tổng sản lượng quốc gia của khu vực lên đến 673 tỉ USD và, ngoại trừ Thái Lan, mức tăng trưởng của tất cả các quốc gia Mekong vượt quá 5%.  Nhân chủng và các yếu tố kinh tế thuận lợi khiến cho khu vực trở thành một thị trường hấp dẫn cho đầu tư và sản phẩm Nhật Bản.

Trong quá khứ, chiến lược viện trợ của Nhật Bản thường bị chỉ trích là tập trung vào một mục tiêu duy nhất là phát triển hạ tầng cơ sở.  Nhưng với chiến lược mới, Nhật Bản ngày càng chú trọng đến phát triển không chỉ “phần cứng” mà còn “phần mềm” của hạ tầng cơ sở trong khu vực Mekong.

Đường hướng mới trong chánh sách viện trợ của Nhật Bản trong khu vực Mekong bắt rễ từ thiết kế ngoai giao rộng lớn của Abe – “Chiến lược Tự do và Rộng mở Ấn Độ-Thái Bình Dương (Free and Open Indo-Pacific Strategy (FOIPS))” do Hoa Kỳ đề xướng.  Chiến lược nầy nhằm mục đích thiết lập sự liên kết giữa lục địa Đông Nam Á (ĐNA), Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.  Nằm ở trung tâm của Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực Mekong rất quan trọng cho sự thành công của chiến lược đầy tham vọng nầy.

Qua chiến lược, Abe cam kết rằng Nhật Bản sẽ chủ động hơn để đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực qua hợp tác bốn bên giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.  Điều nầy có nghĩa là Nhật Bản cần phải tham gia và cần sự hỗ trợ tích cực của 3 quốc gia trong nỗ lực thực hiện chiến lược mới của mình.

Có nhiều lo ngại về hiệu quả của cơ chế bốn bên nầy vì sư hiện diện của 2 khuôn khổ địa chánh trị khác ở trong vùng – cấu trúc khu vực ASEAN (Association of SouthEast Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia ĐNA)) với Trọng tâm ASEAN của nó và chiến lược phát triển đầy tham vọng của Trung Hoa, Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)).  Trong phiên họp cấp ngoại trưởng của ASEAN ở Singapore vào ngày 2 tháng 8 năm 2018, chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” được nhấn mạnh là nền tảng cho khái niệm Trọng tâm ASEAN.  Nói cách khác, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” phải được thực hiện qua việc thi hành cơ chế trọng tâm ASEAN dựa trên luật lệ.
Cũng trong phiên họp đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Hoa nói rằng Trung Hoa hoan nghênh cơ chế bốn bên trong việc hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực.  Nhưng ông cho biết số tài trợ quá ít so với một thiết kế rộng lớn như vậy.

Có một sự tương phản đáng kể giữa chiến lược viện trợ của Trung Hoa và Nhật Bản ở trong vùng.  Trung Hoa tập trung vào các dự án hạ tầng cơ sở “cứng” trong khi Nhật Bản có khuynh hướng phát triển hạ tầng cơ sở “mềm”.

Trung Hoa hứa cung cấp 10 tỉ USD qua chương trình Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) cho một số các dự án phát triển hạ tầng cơ sở khác nhau, gồm có việc xây dựng các đập thủy điện, đường sắt và khu kỹ nghệ.  Trong khi Nhật Bản chi 7,5 triệu USD cho tổng tuyển cử ở Cambodia trong tháng 7 năm 2018.

Sự khác biệt về chiến lược viện trợ của 2 quốc gia cho thấy khả năng là BRI của Trung Hoa và chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Nhật Bản có thể bổ túc cho nhau và đóng một vai trò xây dựng trong khu vực.  Cố vấn đặc biệt Sonoura của Abe bác bỏ cáo buộc cho rằng chiến lược viện trợ mới của Nhật Bản có thể đe dọa Trọng tâm ASEAN hay BRI.  Và ông nói rằng Nhật Bản mong muốn ASEAN sẽ đóng một vai trò chánh và rằng sáng kiến viện trợ mới không có ý định kềm chế Trung Hoa.

Trong thời thực dân, khu vực Mekong được chia bởi 2 thế lực kình địch – Anh và Pháp.  Với những phát triển gần đây, các quốc gia Mekong mong muốn có một chánh sách ngoại giao tinh xảo và khéo léo để đối phó với các quyền lợi mâu thuẫn ở trong vùng.  Nếu không, các quốc gia Mekong, một lần nữa, có thể trở thành một “sân chơi” cho các siêu cường cạnh tranh ở Á Châu.

Fumitaka Furuoka – Bình Yên Đông lược dịch

.

No comments:

Post a Comment