(Myth and realities
about dams and droughts)
Asit K. Biswas và Cecilia Tortajada – Bình Yên Đông lược dịch
China Daily – June 26, 2017
Đập Hạ Sesan 2 ở Cambodia [Ảnh: AFP]
Có nhiều điều đã được nói đến về việc xây dựng các đập thủy
điện trên thượng nguồn của sông Mekong, đặc biệt là sông Lancang [tên gọi sông
Mekong] ở Trung Hoa, và vai trò của chúng đối với tình trạng hạn hán ở đồng
bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (ĐBSCL).
Nhiều nhà hoạt động môi trường và xã hội cáo buộc các đập của Trung Hoa
đã làm giảm lưu lượng của sông, gây thiệt hại nghiêm trọng cho việc canh tác
lúa và giúp cho nước mặn xâm nhập vào ĐBSCL.
Hãy để chúng tôi xem xét sự kiện và tính hợp lý của các cáo
buộc nầy một cách khách quan.
Quả thật hạn hán đã giáng một đòn chí tử vào nông nghiệp, lâm
nghiệp và kỹ nghệ thủy sản ở ĐBSCL trong năm qua. Dữ kiện chánh thức cho thấy mức tăng trưởng
của các thành phần nầy chỉ đạt 1,36%, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Hạn hán cũng có ảnh hưởng kinh tế, xã hội và
môi trường quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc sản xuất và xuất cảng lúa, cà
phê và tôm.
Có nhiều lý do khiến Việt Nam đang đối mặt với tình trạng
thiếu nước nghiêm trọng. Trước hết là
thay đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế
giới, Việt Nam là một trong số 5 quốc gia chịu ảnh hưởng của thay đổi nặng nề
nhất. Năm ngoái, hạn hán do hiện tượng
El Nino gây ra đã giảm sản lượng cà phê robusta ở cao nguyên và lúa ở
ĐBSCL. Việt Nam là nước sản xuất cà phê
robusta lớn nhất và nước xuất cảng lúa đứng hàng thứ ba trên thế giới.
Việt Nam không thể làm gì được để giảm chu kỳ hạn hán do hiện
tượng El Nino. Nhưng, dĩ nhiên, quốc gia
nầy có thể áp dụng các biện pháp để tiết kiệm nước dùng cho nông nghiệp. Các biện pháp nầy bao gồm việc thay đổi lối
canh tác, luân canh, cải tiến quản trị và kỹ thuật để giảm nhu cầu nước mà
không ảnh hưởng đến lợi tức của nông dân.
Đối với việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Hoa mà một
số người cáo buộc là nguyên nhân của tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL, chúng ta
phải công nhận rằng nhu cầu nước và điện của các quốc gia duyên hà – Trung Hoa,
Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam – đang gia tăng đều đặn. Và vì cần nhiều điện cho kỹ nghệ hóa, 6 quốc
gia nầy xem sông Mekong và phụ lưu của nó như những nguồn năng lượng quan
trọng.
Đập Mạn Loan cao 132 m, đập đầu tiên do Trung Hoa xây trên
sông Lancang, đi vào hoạt động vào năm 1995 và sản xuất gần 1.750 MW. Từ đó, 11 đập thủy điện đã được xây trên hệ
thống sông Mekong, 6 đập ở Trung Hoa, và một số khác sẽ được xây để đáp ứng nhu
cầu điện năng của Á Châu.
Nhưng các đập thủy điện có gây thêm hạn hán cho Việt Nam hay
không? Trước hết, các đập như thế không
tiêu thụ nước. Sau khi chạy máy phát
điện, nước sẽ được trả trở lại sông. Vì
các đập trữ nước lũ trong mùa mưa và xả ra sông quanh năm, chúng gia tăng lưu
lượng của sông trong mùa khô. Điều nầy
có thể nói, nếu đập chỉ được dùng để sản xuất điện trên dòng chánh Mekong và
các phụ lưu ở Trung Hoa, Lào và Thái Lan, chúng không làm giảm lưu lượng của
sông ở ĐBSCL trong mùa khô.
Cơ cấu quản trị lưu vực sông Mekong chưa hoàn hảo. Vào năm 1957, Cao ủy Kinh tế Á Châu và Viển
Đông của Liên Hiệp Quốc (UN Economic Commission for Asia and the Far East
(ECAFE)) thành lập một Ủy ban Phối hợp Điều tra Hạ Lưu vực Mekong (Committee
for Coordination of Investigations of the Lower Mekong Basin) như là một cơ cấu
tự trị, thường được gọi là Ủy ban Quốc tế Mekong (Mekong Committee (MC)), với 4
quốc gia thành viên [Thái Lan, Lào, Cambodia và Nam Việt Nam]. Sáu mươi năm sau ECAFE trở thành Cao ủy Kinh
tế Xã hội Á Châu và Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UN Economic and Social
Commission for Asia and the Pacific (ESCAP)), và Ủy ban Quốc tế Mekong đổi
thành Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)). Trung Hoa và Myanmar không phải là thành viên
của các tổ chức nầy. MRC, cùng với MC,
đã chi tiêu hàng trăm triệu USD trong 6 thập niên qua nhưng chưa thực hiện được
một dự án khu vực quan trọng nào. Kết
quả là tiềm năng của sông Mekong vẫn chưa được khai thác trong các quốc gia
duyên hà.
Nói cách khác, hiệu quả của MC và MRC rất khiêm nhường. Trong điều kiện đó, nhu cầu cấp thiết là kiến
tạo một cơ chế quản trị có hiệu quả, trong đó, tất cả các quốc gia duyên hà có
thể cùng nhau phát triển khu vực Mekong để cải thiện đời sống và sinh kế của
gười dân ở trong vùng. Nhưng không có
dấu hiện nào cho thấy điều nầy sẽ xảy ra trong tương lai trước mắt. Thay vào đó, dũng khí chánh trị để hợp tác
dường như đang lu mờ, ít nhất qua sự hỗ trợ của MRC. Vì vậy, các quốc gia duyên hà nên khẩn thiết
soạn thảo một chương trình phát triển phối hợp và khả chấp cho khu vực Mekong
để khai thác triệt để tiềm năng của dòng sông.
Sơ lược về tác giả
Asit K. Biswas là giáo sư thỉnh giảng đặc biệt của Trường
Chánh sách Công cộng Lee Kuan Yew, Đại học Quốc gia Singapore. Cecilia Tortajada là học giả ở Viện Chánh
sách về Nước của Trường Chánh sách Công cộng Lee Kuan Yew và là chủ bút của tờ
International Journal of Water Resources Development.
Asit K. Biswas và
Cecilia Tortajada – Bình Yên Đông lược dịch
No comments:
Post a Comment