Wednesday, September 18, 2019

DÒNG SÔNG KHÔNG QUAY ĐẦU: MEKONG ĐỐI MẶT VỚI TƯƠNG LAI U ÁM


(River of no return: Mekong faces grim future)

Luke Hunt – Bình Yên Đông lược dịch
UCANews – August 21, 2019

Hình chụp ngày 14 tháng 4 cho thấy một du khách đi ngang đụn cát hay “Toppathatsay” trên bờ sông Mekong đánh dấu năm mới ở Lào hay “Pi Mai” tổ chức ở Luang Prabang. [Ảnh: Manan Vatsyayana/AFP]


Một lần nữa, sông Mekong xuống thấp đến mức kỷ lục, đe dọa việc sản xuất hoa màu, ngư nghiệp và sinh kế của 70 triệu người giữa việc phát triển thái quá và những báo động tàn khốc.  Nhưng hạn hán năm nay, lần thứ hai trong vòng 3 năm, có thể đánh dấu một bước ngoặt và một tương lai đen tối.
Khoa học gia, được những người hoạt động môi trường hậu thuẫn, đã báo động gần 2 thập niên rằng việc xây đập điên cuồng có thể giết chết con sông dài thứ 12 trên thế giới.  Và các chuyên viên chống khủng bố cũng nói thẳng rằng điều đó có thể tạo nên công thức gây xung đột hay sụp đổ quốc gia.
Thực tế bi thảm là các chánh trị gia tham nhũng và cực hữu cùng với những thương gia tham lam, cộng tác với các hệ thống chánh trị để làm câm miệng đối lập, đã bất chấp khoa học và nay đang đối mặt với thực tế họ chỉ có thể mong biến mất khi hạn hán trở nên thường xuyên hơn.

Trên đường đi tới

Mưa ít, được biết trước với hiện tượng thời tiết El Nino, và các đập mà giới thẩm quyền nhấn mạnh là không làm hại môi trường, đã đẩy Mekong xuống mức thấp nhất trong 100 năm qua.
Tuy nhiên, tổng cộng 11 đập trên dòng chánh Mekong và hơn 123 đập được dự trù trên các phụ lưu, có lẽ gấp 3 lần nhiều hơn số đập hiện có.
Trong khi cụm đập ở Trung Hoa và Lào trữ nước để làm đầy hồ chứa và sản xuất điện, thì vùng châu thổ Mekong ở hạ lưu là nơi mà người dân ăn đấm trước tiên.
Sự di chuyển và sinh sản của cá bị đảo lộn làm giảm số lượng cá, đồng ruộng cạn khô và nước mặn từ Biển Đông tiến sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hủy hoại các vùng cư trú nước ngọt.
Nó là tiến trình được tăng cường bởi việc acid hóa của nước biển do nhiệt độ gia tăng chứ không phải do đánh bắt thái quá hay dùng lưới điện trái phép.  Kết quả là một số trong 850 loại cá phát triển mạnh trước đây, kể cả cá heo Irrawaddy và cá bông lau khổng lồ, nay đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Điều đó quan trọng đối với Việt Nam, nơi mà dòng sông chiếm 50% GDP nông nghiệp và nghèo khó khiến nhiều gia đình tay làm hàm nhai.
Nhiều phúc trình sơ khởi cho thấy chúng đang trên đường đi tới.
Nhưng những người có nguy cơ cao nhất không thể than phiền.  Ở Cambodia, một quốc gia độc đảng, chánh phủ đã đóng cửa báo chí độc lập và đi gần với Trung Hoa, đã bơm hàng tỉ USD vào nên kinh tế nhỏ bé của quốc gia nầy.
Việt Nam và Lào vẫn là quốc gia cộng sản độc đảng trong khi Thái Lan và Myanmar được kiểm soát chặt chẽ bởi chánh phủ do quân đội hậu thuẫn.

Đổ tội cho ai?

Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of South East Asian nations (ASEAN)) muốn tự đề bạt như một cơ cấu khu vực nhưng không có cơ cấu nào chứng tỏ có khả năng để thúc đẩy phát triển khả chấp dọc theo sông Mekong.
Điều đó giúp cho chánh phủ của 6 quốc gia mà sông Mekong chảy qua: Trung Hoa, Lào, Myanmar, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam, đặt quyền lợi chánh trị của họ trên hết và cố giành cho được.  Các thủ tướng, chủ tịch và giám đốc các ngân hàng quốc tế phải chịu trách nhiệm cho tình thế đang đe dọa trở thành tai họa trong những năm sắp đến, và nếu đúng như thế, nó có thể là lý do để điều tra của Tòa Hình sự Quốc tế ở The Hague (International Criminal Court (ICC)).
Đó là nơi mà Viraphonh Viravong, phụ tá bộ trưởng Hầm mỏ và Năng lượng, và người tuyên truyền chánh cho việc xây cất đập Xayaburi trên dòng chánh Mekong ở Lào, sẽ là một bằng chứng thú vị.  Ông nhấn mạnh rằng đập đã và vẫn là một ý kiến hay.
Luật sư quốc tế Richard Rogers nói có “khả năng” để xem xét việc cưỡng bức dời cư dưới tình trạng như thế như là tội phạm chống nhân loại.
Tuy nhiên, công tố viên cần chứng minh rằng những vấn đề do việc xây đập gây ra “làm hại” người dân một cách rộng rãi và có hệ thống qua chánh sách của chánh phủ.
Liên quan đến những vấn đề nước ở miền nam Đông Dương, ông nói: “Nếu việc dời cư tập thể là bất hợp pháp theo luật quốc tế - nó cũng có thể hợp pháp nếu theo đúng các thủ tục – và chúng là một phần của chánh sách của chánh phủ nên nó có tiềm năng.”
ICC hiện đang cứu xét việc xung công đất đai và cưỡng bức người dân dời cư khỏi đất đai ở Cambodia là một tội phạm chống nhân loại.

Kinh đào Trung Hoa

Trung Hoa đang ở trên đỉnh của dây chuyền thực phẩm ban phát mệnh lệnh tối thượng cho phần còn lại của Mekong.  Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa cảnh báo rằng Bắc Kinh đang kiểm soát sông Mekong bằng các đập.  Lời cảnh báo đến muộn nhiều năm.  Trung Hoa đã tuyên truyền ý tưởng biến toàn thể dòng sông thành một kinh đào từ hơn một thập niên.
Sử gia Đông Nam Á và nhà ngoại giao Milton Osborne vừa nói với tôi: “Đây là một câu chuyện dài phức tạp và rối rắm.”
Ông nói Trung Hoa đã xây 7 đập “mà không cứu xét đến các quốc gia ở hạ lưu” và thêm rằng: “Trong chiều hướng họ muốn sông Mekong là của họ.”
Điều nầy gồm có việc tuần tiểu ở phía nam biên giới và giao thông thủy đến Luang Prabang ở bắc Lào, cần phải phá các ghềnh thác cuối cùng ở trong vùng.  Và đó không chỉ là dòng chánh được uốn nắn và trau chuốt để phục vụ cho quyền lợi được bảo đảm.
Chỉ 10 năm trước đây, người ta có thể đi hết chiều dài của sông Nam U, một phụ lưu của Mekong ở Lào.  Nay, Osborne cho biết, không còn đi được vì 7 đập đã được xây trên Nam U, và nói thêm, “việc xây đập đã thoát sự chú ý của quốc tế.”
Ông nói 2 trong 9 cửa sông ở ĐBSCL, nơi các nhánh sông chảy ra Biển Đông, đã bị đóng và, nhìn xa hơn , ông nói: “Có những gợi ý cho rằng ĐBSCL sẽ biến mất vào cuối thế kỷ.”
Những lời cảnh báo như thế đã leo thang kể từ trận hạn hán 2016, mà theo truyền thuyết dân gian, người ta có thể đi qua sông vì mực nước của nó xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử.
Nhưng cái nguy cơ to lớn và gần gũi hơn là sự sụp đổ của dây chuyền thực phẩm dẫn đến nạn đói, buộc hàng triệu người phải bỏ xứ và hủy hoại uy quyền của những người có trách nhiệm.  Họ đã được thông báo bởi các khoa học gia và chuyên viên môi trường.
Osborne hỏi vặn: “Câu hỏi hiên nay là có thể làm gì để tránh gây thêm khó khăn cho tương lai của Mekong?”

Luke Hunt – Bình Yên Đông lược dịch



No comments:

Post a Comment