Ruộng
lúa gần một con kênh khô hạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.
Ảnh
minh họa chụp trước đây.
Theo
dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, các tỉnh ĐBSCL có nguy cơ cao xảy ra
tình trạng hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2019 – 2020.
Do
mùa mưa năm 2019 đến trễ, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài, nên nhiều tỉnh ở
ĐBSCL bị khô hạn vào những tháng đầu năm 2019. Thêm vào đó, từ đầu tháng 6 năm
2019 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung
bình nhiều năm từ 30 - 70%, dẫn đến tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng
chính sông Mê Kông thiếu hụt từ 35 - 45% so với trung bình nhiều năm. Tổng cục
Khí tượng thủy văn dự báo, ĐBSCL sẽ không có lũ vào năm nay, hay lũ rất ít, mực
nước xuống thấp…
Để
tìm hiểu tình hình thực tế, hôm 5/9 RFA liên lạc ông Nguyễn Văn Nguyên, một người
trồng lúa ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, và được ông cho biết như sau:
“Năm
nay giờ này mà lũ chưa có về, hơi muộn, cho nên năm nay là thấp hơn mọi năm hết
trơn… Năm rồi lũ cũng có cao, nhưng trung bình thôi, còn mấy năm trước đó thì
cũng cạn… Ở đây nếu mình thu hoạch lúa vụ 3 xong là mình cần nước lũ về nhiều…
Và nếu nước lũ về nhiều thì những người sống nhờ nghề cá mắm cũng đỡ được vài
tháng… Còn nếu mình thu hoạch xong mà lũ về thì cánh đồng có phù sa, nữa mình xạ
vụ Đông Xuân thì tốt, nó trúng lúa…”
Với
người trồng lúa, mặc dù lũ về sẽ giúp vụ Đông Xuân vào năm tới đạt hiệu quả
cao, nhưng nếu lũ về quá cao, quá sớm, cũng có thể có nhiều rủi ro. Như năm
2018, tại ĐBSCL, lũ đạt mức trên báo động 2 sau 07 năm không có lũ lớn, nhiều
nơi vỡ đê bao, làm thiệt hại hơn 1.845 ha lúa, hơn 177 ha hoa màu…
Ông
Nguyễn Văn Nguyên cho biết, hiện vẫn chưa thu hoạch lúa vụ 3 của mình, nhưng
ông không tỏ vẻ lo lắng lắm với lý do được cho biết:
“Nếu
chưa thu hoạch lúa mà lũ về, với điều kiện không mưa, thì cũng không đến nỗi
hung… vì bờ bao khép kín rồi, bờ bao cao lắm, nước không tràn vô lúa được. Chỉ
mình mần lúa rồi mình xả bọng thì nước mới vô.”
Để
tìm hiểu thêm, hôm 5/9 RFA liên lạc anh Trí, một người nuôi cá tra ở huyện Tri
Tôn, tỉnh An Giang và được anh cho biết tại địa phương anh ở, nước có dâng,
nhưng là do mưa:
“Mấy
hôm nay lũ về nhưng do mưa, nước lớn thì nhiều, còn nước ròng thì xuống cũng xa
lắm, nên bây giờ cũng chưa biết, lệ thuộc mưa nhiều, như mấy ngày nay mưa nhiều
thì nước nhiều… nhưng so với năm rồi thì thấp hơn cả thước.”
Anh
Trí cho biết, dân miền Tây là sống chung với lũ, năm nào tới lũ, bà con nông
dân cũng mừng, nhất là dân nghèo sống nhờ chài lưới thì sẽ có nguồn thủy sản rất
lớn… Anh nói tiếp:
“Nhưng
năm nay kể như không có lũ thì cá không có, thì bà con nông dân, những người sống
nhờ chài lưới, cũng khó khăn lắm đó. Lũ thì thường theo thông lệ, tháng 5, mùng
5 tháng 5 âm lịch là nước đổ, nước đổ một thời gian thì cá sẽ đẻ, giờ không có
lũ thì cá đâu mất tiêu hết trơn, không có đẻ… Năm nay kể như không có cá… như mọi
năm thì mùa này cá linh nhóc hết trơn. Năm ngoái lũ cao lắm, năm nay lũ thấp,
lý do theo nhận định là Trung Quốc chận ba cái đập ở bển nên xuống dưới này
không có lũ… mấy nước cuối nguồn như Việt Nam, Campuchia kể như không có lũ.
Như báo An Giang đăng, năm nay biển hồ ở Campuchia không có cá luôn.”
Nạn
hạn hán và xâm nhập mặn được cho là nặng nhất trong vòng 100 năm qua,
ảnh
minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO
Vài
năm gần đây, người dân ĐBSCL không còn được ‘sống chung với lũ’ mỗi năm nữa.
Không chỉ những người dân sống bằng nghề đáy cá hay nuôi trồng thủy sản ở
ĐBSCL, mà hầu như người dân miền tây nào cũng đều đợi mùa lũ về. Lũ không về,
không chỉ làm thất thu nguồn lợi thủy sản, giảm thu nhập của nông dân mà còn có
thể gây ra nhiều hậu quả khác. Mặc dù, đối với các nơi khác lũ là thiên tai,
nhưng đối với vùng ĐBSCL, hiện tượng ‘mất lũ’ đã dần trở thành một thiên tai…
Để
tìm hiểu thêm về nguyên nhân ‘mất lũ’, hôm 5/9 RFA đã liên lạc Thạc sĩ Nguyễn Hữu
Thiện, một nhà nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, và được ông cho
biết như sau:
“Nguyên
nhân thứ nhất là do hiện tượng El Nino, làm mưa ít từ đầu năm cho đến đầu tháng
8, làm lượng mưa ở phía bắc Lào và đông bắc Thái Lan cực ít. Nguyên nhân thứ
hai là do thủy điện, có ba tình huống: những năm lũ thì lũ chồng lũ, những năm
bình thường thì ít ảnh hưởng đến mình, còn những năm khô hạn như năm nay thì gặp
đúng điều kiện, thủy điện sẽ tích nước, làm chậm đường đi và thời gian của nước.
Thật ra thì thủy điện không làm mất nước nhưng nó làm đảo lộn dòng chảy, chứ tổng
lượng nước thì vẫn như nhau.”
Mặc
dù hiện nay tình trạng El Nino đã chấm dứt, nhưng theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện,
vì nước mưa ít từ đầu năm đến giờ làm cho mực nước quá thấp, nên vẫn còn ảnh hưởng.
Theo ông, đến đầu tháng 9 rồi, nhưng nước ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa thấy
lên, chưa thấy tràn đồng, như vậy là cực thấp.
Thạc
sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm về hệ lụy của việc lũ không về:
“Lũ
không về thì những người sống dựa vào lũ như những người sống bằng nghề đánh bắt
cá, người nuôi thủy sản trên đồng chuẩn bị thả con giống nhưng nước không lên
thì coi như bị khó khăn. Không có lũ thì phù sa không về, rồi chuột đồng sinh
sôi phá hại mùa màng, vì khi nước không tràn đồng thì chuột bên Campuchia tràn
qua, nhưng lại là nguồn thu cho người bắt chuột bán vì là chuột sạch. Nhưng cái
nguy hại nhất là nếu mực nước tiếp tục thấp như thế này, thì mùa khô năm sau
lúc tháng 3, dòng sông sẽ yếu, nước biển đẩy vô, gây xâm nhập mặn, như vậy có
nơi sẽ ảnh hưởng đến nước sản xuất và sinh hoạt cho vùng ven biển.”
Liệu
việc ‘mất lũ’ năm nay có gây thiệt hại cho năm 2020 như hồi năm 2015-2016? Khi
đó, do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông
Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm, nên qua năm 2016,
xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm gần 2 tháng, ảnh hưởng
đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Liên
quan vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhận định:
“Nhưng
mà được cái năm nay khá hơn năm 2016 là về nhận thức, mặc dù năm 2015 lũ thấp
nhưng người ta ít chú ý đến việc qua Tết sẽ bị mặn. Từ kinh nghiệm 2015-2016, đến
nay 2019-2020 thì mọi người đã biết hết rồi, cho nên chuyện mặn qua Tết có thể
giải quyết được. Tức là người ven biển có thể trữ nước cho sinh hoạt, còn sản
xuất thì người ta cũng biết nếu gay gắt như vậy thì người ta sẽ tránh né, chuyển
lịch thời vụ, thì cũng sẽ tránh được thiệt hại.”
Không
chỉ khô hạn đe dọa nhiễm mặn tại ĐBSCL, tình trạng sụt lún tại vùng đất này
cũng sẽ khiến diện tích đất nhiễm mặn tăng nhanh.
Hôm
28/8/2019, nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht, Hà Lan, do nhà địa chất Philip
Minderhoud đã công bố dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm của vùng ĐBSCL. Sau quá
trình nghiên cứu và đo đạc trên thực địa, học giả Minderhoud và các cộng sự
phát hiện khu vực hạ nguồn sông Mekong - tức ĐBSCL, thực tế chỉ còn cao hơn mực
nước biển trung bình 0,8m, theo nhóm này là chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu
vệ tinh thường được trích dẫn là 2,6m.
Theo
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, việc đồng bằng sụt lún nhanh là điều đáng sợ, đáng lo
là đúng rồi, tuy nhiên ông nói tiếp:
“Tôi
chưa đọc kỹ, nên chưa tiện để bình luận nhiều. Nhưng tôi rất lấy làm lạ, là ông
ấy nói mức 2.6m, hồi trước tới giờ tôi chưa từng nghe đồng bằng ở cao trình
2.6m bao giờ. Trước giờ mình vẫn nghe là trung bình từ 0.8 đến 1.2m là chuyện
bình thường từ xưa đến giờ, thì chúng ta đang lún nhanh là đúng, còn nếu có người
nói 1.5m là do cộng luôn cao trình ở núi ở An Giang rồi cộng trung bình… 2.6m
thì tôi rất ngạc nhiên, tôi đang tìm hiểu nên chưa tiện bình luận.”
Còn
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn thì cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải tìm mọi cách ngăn
chặn sụt lún ở vùng đồng bằng, vì không chỉ giúp ổn định việc canh tác, trồng
lúa và trái cây mà còn ổn định đời sống của người nông dân và các vấn đề về cơ
sở hạ tầng khác.
SOURCE:
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-mekong-delta-has-no-floods-this-year-09052019171519.html
No comments:
Post a Comment