(Mekong nears tipping point as US-China rivalry grows)
Brian Eyler and Aaron Salzberg –
Bình Yên Đông lược dịch
Asia Nikkei – August 27, 2019
Sông Mekong ở Lào:
Hạn hán phản ánh
sự thiếu khả năng lớn hơn của các quốc gia Mekong
về việc chấp thuận một kế
hoạch cho khu vực để quản trị nguồn nước của họ.
[Ảnh: Getty]
Những khó khăn trước mắt khi hạn hán
đang hoành hành ở các quốc gia hạ lưu.
Sông Mekong, phát guyên từ Cao nguyên Tây Tạng và chảy gần
5.000 km qua Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam để vào
Biển Đông, đang có nguy cơ cạn nước. Năm
quốc gia ở hạ lưu phải hành động ngay bây giờ để bảo vệ quyền lợi của họ hay có
nguy cơ mất quyền kiểm soát dòng sông vào tay Trung Hoa ở thượng nguồn.
Các quốc gia ở hạ lưu đang gánh chịu một trận hạn hán nghiêm
trọng đe dọa đến việc sản xuất nông và ngư nghiệp trên toàn lưu vực. Trong 2 tháng qua, hầu hết các đoạn sông
Mekong đã ghi nhận mực nước thấp nhất trong lịch sử.
Vào giữa tháng 7, hệ thống bơm thủy nông ở đông bắc Thái Lan
không còn bơm được nước, khiến Thái Lan phải huy động quân đội. Hình ảnh di ngư bị kẹt ở Thái Lan và Lào được
phổ biến rầm rộ trên mạng xã hội, gây ra một đợt tố cáo kẻ phạm tội.
Bên lề của cuộc họp cấp cao của Hiệp hội các Quốc gia Đông
Nam Á (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)) ở Bangkok hôm đầu tháng
8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nói với các ngoại trưởng Mekong rằng hạn
hán có “liên quan đến quyết định đóng đập của Trung Hoa ở thượng lưu.”
Trong phần trả lời trực tiếp hiếm hoi, Bộ trưởng Ngoại giao
Dương Nghị của Trung Hoa đã giận dữ bác bỏ tuyên bố của Pompeo, nói rằng Trung
Hoa đã “tích cực xả một lượng nước lớn hơn xuống hạ lưu,” theo truyền thông
Trung Hoa.
Không có lời tuyên bố nào phản ánh những thách thức phức tạp
mà khu vực đang đối mặt, nhưng cả hai đều cho thấy sự sẵn lòng của các cường
quốc quan trọng trong việc sử dụng nước như một khí cụ chánh trị để thúc đẩy
quyền lợi của họ.
Trung Hoa không gây hạn hán, mặc dù lượng nước từ đập Cảnh
Hồng được giảm xuống trong tháng 6 và 7 để “bảo trì lưới điện.” Điều nầy có vẻ vô ý thức, thay vì có ác tâm.
Lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng được
giảm xuống trong tháng 6 và 7 để “bảo trì lưới điện.”
[Ảnh: AP]
Trung Hoa có khả năng làm giảm áp lực ở hạ lưu bằng việc xả
nước có kế hoạch và phối hợp. Tuy nhiên,
khi cần, việc xả nước ngắn hạn không thể giúp các nước ở hạ lưu vượt qua các
đợt hạn hán lâu dài.
Nhưng đây không chỉ là vấn đề của Trung Hoa: Nó phản ánh sự
thiếu khả năng của các quốc gia Mekong trong việc chấp thuận một kế hoạch khu
vực để quản lý nguồn nước của họ. Trong
3 thập niên qua, Lào đã hoàn tất 64 đập thủy điện trong lưu vực Mekong, Việt
Nam 15, Thái Lan 9 và Cambodia 3.
Hầu hết được hoàn tất trong vòng 5 năm qua. Ảnh hưởng cộng dồn làm hạn hán thêm nghiêm
trọng vì đập làm giảm lưu lượng và ngăn cản di ngư trong việc đi tìm nơi cư trú
truyền thống, tước đoạt cá của cộng đồng địa phương và gây thiệt hại cho việc
sản xuất nông nghiệp. [Lời người dịch:
Hạn hán là do thiếu mưa và cũng có ảnh hưởng đến việc vận hành đập.]
Nếu các kế hoạch hiện nay được thực hiện, 438 đập khác (364 ở
Lào, 66 ở Cambodia và 8 ở Trung Hoa) sẽ chặt khúc lưu vực thêm nữa. Trong khi số nước phụ trội được xả từ Trung
Hoa có thể làm giảm ảnh hưởng của hạn hán ở hạ lưu, nó không thể hoàn toàn bù
trừ sự thiếu hụt của mưa mùa và ảnh hưởng của các hạ tầng cơ sở khác. Sự kết hợp của những áp lực nầy sẽ bóp nghẹt
Mekong.
Không thiếu những đề nghị cho sự can thiệp từ bên ngoài. Cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong
Cooperation (LMC)) của Trung Hoa – một khung tài trợ để giúp cho 5 quốc gia hạ
lưu Mekong – đang đề nghị một số dự án hạ tầng cơ sở và tầm nhìn cho Mekong để
giảm thiểu thiệt hại của lũ lụt và hạn hán.
Nhưng mặc dù cứu trợ hạn hán luôn được hoan nghênh, một kế
hoạch đầy tham vọng do Trung Hoa cầm đầu để giảm lũ lụt có thể khiến khu vực
phá sản kinh tế.
Một nghiên cứu trong năm 2017 của Ủy hội Sông Mekong (Mekong
River Commission (MRC)) ước tính rằng lũ hàng năm đem lại từ 8 đến 10 tỉ USD
lợi tức trong khi gây thiệt hại chỉ có 70 triệu USD. Nói cách khác, lưu lượng hàng năm của Mekong
là thiết yếu để giúp cho sông sinh tồn như hiện nay.
Để cho Trung Hoa chịu trách nhiệm ở Mekong cũng có nghĩa đẩy
MRC đi chỗ khác – một cơ chế mà Thái Lan, Cambodia, Lào và Việt Nam đã cộng tác
trong hơn 20 năm để hỗ trợ việc phát triển khu vực.
Báo hiệu cho một quyết tâm hành động mới, những mạnh thường
quân quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Liên hiệp Âu Châu đang gia tăng hỗ
trợ cho khu vực hàng trăm triệu USD về kỹ thuật có thể đem lại hàng tỉ đầu tư
tư nhân.
Sáng kiến Dữ kiện Nước Mekong (Mekong Water Data Initiative)
mới đây, là một phần của Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initative (LMI)
do Hoa Kỳ cầm đầu, một khuôn khổ cho việc hỗ trợ kỹ thuật và phát triển, là một
bước quan trọng để bảo đảm rằng tất cả các quốc gia Mekong đều có thể nhận được
dữ kiện thời tiết thủy văn cập nhật để cải thiện việc tiên đoán và đối phó với
lũ lụt và hạn hán và thiết lập kế hoạch khu vực.
Tại phiên họp của ASEAN, Hoa Kỳ cũng công bố tài trợ 29,5
triệu USD để khởi động Đối tác Năng lượng Mekong Nhật Bản-Hoa Kỳ (Japan-United
States Mekong Power Partnership), một trong nhiều đối tác Mekong mới giữa Hoa
Kỳ, Nhật Bản và Úc nhắm vào điện năng đa dạng và thân thiện với môi trường của
khu vực. Nhật Bản, ít nhất, sẽ đóng góp
tương tự như Hoa Kỳ.
Các quốc gia hạ lưu Mekong nên giao ước với tất cà các đề
nghị nầy, cùng lúc bảo đảm rằng việc kiểm soát dòng sông trong tương lai sẽ
không thuộc về Trung Hoa.
Cấp bách hơn, phải áp lực Bắc Kinh cung cấp dữ kiện lưu lượng
và vận hành đập để giúp các quốc gia hạ lưu thảo kế hoạch đối phó với sự thay
đổi điều kiện thủy học. Cung cấp dữ kiện
sẽ là cách để Trung Hoa bày tỏ sự thành thật của họ.
Các quốc gia hạ lưu Mekong phải chống lại những ai muốn dùng
Mekong để chiếm ưu thế chánh trị và đặt quyền kiểm soát dòng sông vào tay
họ. Bằng cách cộng tác, các quốc gia nầy
có thể bảo đảm một tương lai an toàn cho nguồn nước trong toàn khu vực.
Sơ lược về tác giả
Brian Eyler là tác giả của “Những Ngày Cuối của Mekong Hùng
vĩ (Last Days of the Mighty Mekong)” và giám đốc Chương trình Đông Nam Á của
Trung tâm Stimson ở Washington D.C.
Aaron Salzberg là giám đốc Viện Nguồn Nước của Đại học North Carolina ở
Chapel Hill và nguyên là Phối hợp viên Đặc biệt về Nước ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Brian Eyler and Aaron Salzberg – Bình Yên Đông lược dịch
.
No comments:
Post a Comment