Monday, October 28, 2019

ĐE DỌA ĐỐI VỚI SÔNG MEKONG RẤT NGHIÊM TRỌNG



(Threat to the Mekong River is Critical, Critics Say)

Our Correspondent – Bình Yên Đông lược dịch
Asia Sentinel – October 8, 2019



Những dấu hiệu bắt đầu cho thấy không có gì có thể cứu lưu vực sông Mekong rộng 800.000 km2, cung cấp phương tiện sinh sống thiết yếu cho gần 100 triệu người, tránh khỏi sự tàn phá môi trường của các đập nước dọc theo chiều dài 4.350 km của dòng sông hùng vĩ nầy.

Mặc cho Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) phản đối, chánh phủ Lào trong tháng 7 đã cam kết xây dựng con đập thứ 5 trên dòng chánh, khiến lưu lượng và mực nước càng khó đoán trước được và đe dọa cá và thú hoang mà người dân sống nhờ vào.

Từ mức nước thấp kỷ lục trong tháng 6 và 7 cho đến lũ lụt quan trọng ở nhiều nơi trong lưu vực trong tháng 8 và 9, các đập thủy điện đã làm tăng ảnh hưởng đối với dòng sông và con người.  Những đập có qui mô lớn, đặc biệt là các đập được dự trù trên dòng chánh Mekong, là một nguyên nhân đáng kể chứ không phải giải đáp của khủng hoảng Mekong, các nhà môi trường cho biết như thế.

Như Asia Sentinel tường trình ngày 15 tháng 7, thay đổi khí hậu và các đập trên sông ở thượng lưu đe dọa Biển Hồ dài 125 km, một hồ thiên nhiên thiết yếu cho phúc lợi của quốc gia.  Mực nước thấp đe dọa việc nước chảy ngược hàng năm của sông Tonle Sap nối Biển Hồ với sông Mekong, khiến Biển Hồ phình ra đến 11.000-16.000 km2, gây nguy hiểm cho bầy thủy cầm và cá quan trọng trên toàn cầu có nguy cơ tuyệt chủng.  Mực nước xuống thấp nhất trong 100 năm.

Save the Mekong, một tổ chức NGO [non-governmental organization (tổ chức phi chánh phủ)] môi trường kêu gọi ngừng xây đập, nói: “Thay vì thực hiện những bước cấp bách để đối phó với sự suy thoái nhanh chóng của tính lành mạnh và mức sản xuất của hệ thống sông, chánh phủ Lào chánh thức thông báo với MRC ý định xây đập Luang Prabang.”

Những đập nước, theo tổ chức nầy, sẽ biến dòng sông thành một chuỗi hồ nước gây ảnh hưởng quan trọng đến môi trường.  Họ muốn biến sông Mekong thành một trong những con sông bị ngăn chận nhiều nhất, với những hậu quả môi trường không biết được.

Save the Mekong nói: “Nếu được xây, đập Luang Prabang, cùng với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay, sẽ hoàn tất việc biến khúc sông Mekong ở bắc Lào thành một loạt hồ chứa bậc thềm, gây thiệt hại không thể đảo ngược đối với tính lành mạnh và mức sản xuất của sông.  Điều nầy có nghĩa là những lợi ích kinh tế và xã hội lớn lao mà dòng sông từng cống hiến sẽ mất, và dòng sông sẽ trở thành một lòng lạch để sản xuất điện, chủ yếu mang lợi lộc cho các công ty thủy điện.”

Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bao quanh bởi Trung Hoa, Việt Nam, Cambodia và Thái Lan, tự xem mình là “Bình điện của Á Châu,” mong muốn xây đập trên tất cả dòng sông, nhiều lần trong nhiều trường hợp, và xuất cảng điện sang các nước láng giềng giàu mạnh hơn bất chấp nguy hiểm đối với sinh thái tự nhiên và con người lệ thuộc vào những dòng sông nầy để cung cấp giao thông và thực phẩm.

Trong quá khứ, MRC đã cố gắng nhưng hoàn toàn thất bại trong việc khuyến cáo Lào nên trì hoãn đợt xây đập và cứu xét vài dự án, đặc biệt là Xayaburi, đập đầu tiên trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong và được xem là đập hủy hoại môi trường nhiều nhất ở Lào.  Nhưng nhiều đập khác đã được xây trên khúc sông Mekong ở Lào, với những khối bê tông vọt lên ở Pak Beng và Don Sahong gần thác Si Phan Don ngay biên giới Cambodia.

Một trong những đập đó, đập Xe Pian, đã vỡ trong tháng 7, tạo nên con sóng nước đục ngầu, cuốn trôi tất cả làng mạc và giết chết hàng chục hay hàng trăm người.  Hy vọng chánh phủ sẽ xem việc vỡ đập nầy như là một bước ngoặt cho chiến dịch xây đập hấp tấp của họ.  Như việc chấp thuận dự án Luang Prabang cho thấy, việc nầy đã không xảy ra.

Save the Mekong yêu cầu Việt Nam cứu xét lại việc tham dự vào đập Luang Prabang, với nhà đầu tư hàng đầu là Điện lực PV, một chi nhánh của công ty quốc doanh Petro Vietnam.

Liên minh Mekong nói rằng sự tham dự của một công ty quốc doanh Việt Nam đi ngược lại với những lo ngại được lặp đi lặp lại bởi chánh phủ Việt Nam trong tiến trình Thông báo Trước cho các đập trên dòng chánh.  “Dựa trên những lo ngại về những ảnh hưởng đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong tiến trình Thông báo Trước của đập Xayaburi, chánh phủ Việt Nam kêu gọi ‘một sự trì hoãn ít nhất 10 năm’ cho đập Xayaburi và các đập được dự trù khác trên dòng chánh.”

Rõ ràng, điều đó không xảy ra.  Liên minh Mekong nói Điện lực PV có thành tích xấu trong các dự án thủy điện ở Lào.  Mặc dù đã hoàn tất, các đập Xe Kaman 1 và 3 ở nam Lào không vận hành thích đáng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng địa phương.

“Vì đập Luang Prabang sẽ gia tăng ảnh hưởng đối với dòng sông và ĐBSCL, chánh phủ Việt Nam phải xem xét lại việc tham dự vào dự án,” Liên minh cho biết.

Nghiên cứu của Hội đồng MRC, đánh giá các kế hoạch phát triển hiện tại và trong tương lai, cho thấy rõ rằng các đập được dự trù trên dòng chánh và phụ lưu Mekong đe dọa nghiêm trọng đến sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực của khu vực.  Đối với các đập trên dòng chánh, Nghiên cứu của Hội đồng MRC cho thấy ảnh hưởng liên quan đến sự nối kết thì “nghiêm trọng và vượt quá ảnh hưởng của tất cả việc phát triển nguồn nước trong hạ lưu vực Mekong.”

Một trong những đề nghị then chốt của Nghiên cứu là các nước thành viên nên nghiêm chình cứu xét các giải pháp năng lượng tái tạo thay thế cho các đập có qui mô lớn.  Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy những đề nghị nầy được thực hiện hay dùng trong việc lấy quyết định đối với các đập trên dòng chánh.

Một nghiên cứu trong năm 2018 của MRC, một cơ quan chỉ có danh nghĩa trong việc xây đập trên sông, lưu ý rằng vào năm 2040 Lào có kế hoạch xuất cảng 11.739 MW điện sang Thái Lan, trong khi chánh phủ Thái Lan cho thấy chỉ cần 4.274 MW.  Tổ chức NGO nói sự sai biệt gần 7.500 MW nầy lớn hơn công suất thiết trí của tất cả 7 đập trên dòng chánh đang được xây hay dự trù gộp lại.

Liên minh cho biết trong một công bố rằng “Những đường lối và giải pháp năng lượng khả chấp và bình đẳng tôn trọng quyền của cộng đồng và thỏa mãn nhu cầu nước và năng lượng trong khu vực đã sẵn có.”  Một tiềm năng khổng lồ cho năng lượng có hiệu quả và năng lượng phi thủy điện hiện có trong khu vực.  Một sự đánh giá tổng thể sẽ giúp xác định đường lối và giải pháp năng lượng khả chấp và bình đẳng cho khu vực nhưng không cần hủy hoại các hệ thống sông mà hàng triệu người phụ thuộc vào để sinh sống.

Không chắc những lo ngại của NGO sẽ được để ý.  Lào, với hạ tầng cơ sở thiếu thốn và lệ thuộc nặng nề vào việc xuất cảng tài nguyên thiên nhiên, đang bán mình cho phần còn lại của khu vực.  Đầu tư trực tiếp của ngoại quốc không chỉ nằm trong các đập thủy điện được chú ý dọc theo sông Mekong mà còn nằm trong các mỏ đồng và vàng, đốn gỗ và xây dựng mà không có hay ít quan tâm đến ảnh hưởng môi trường của chúng.  Cũng không chắc rằng lợi lộc sẽ giúp cho người nghèo ở Lào.  Hầu như chúng sẽ chui vào túi của những người có thẩm quyền quyết định.

Our Correspondent – Bình Yên Đông lược dịch

.

No comments:

Post a Comment