Monday, October 28, 2019

CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ GIẢM BỚT ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẬP ĐỐI VỚI NGƯ NGHIỆP Ở HẠ LƯU SÔNG MEKONG



(Options to mitigate the impacts of the Lower Mekong Basin river damming to fisheries)

Asean Today – Bình Yên Đông lược dịch
ASEAN Today – December 4, 2018


Những đập mới xây đe dọa hệ sinh thái mong manh của Hạ Lưu vực Mekong 
(Lower Mekong Basin (LMB)).  
Có nhiều giải pháp, nhưng trong hầu hết trường hợp, chánh trị thường là vật chướng ngại.

Vào ngày 4 tháng 12, Diễn đàn Đại Mekong về Nước, Lương thực và Năng lượng (Greater Mekong Forum on Water, Food and Energy) sẽ họp tại Khách sạn Inya Lake ở Yangon, Myanmar.  Sự kiện nầy là một sự kiện chia sẻ kiến thức lớn nhất trong khu vực, khi các NGO’s (non-governmental organizations (các tổ chức phi chánh phủ)), các công ty tư nhân, các nhà hoạch định chánh sách, và các cơ quan phát triển địa phương gặp gở để chia sẻ nghiên cứu về ảnh hưởng của phát triển kinh tế đối với LMB.

Một trong những vấn đề cấp thiết nhất đang quấy rầy hệ sinh thái của LMB là ảnh hưởng của các đập đối với đàn cá ở địa phương.  Chánh phủ Lào có sứ mệnh khai thác tiềm năng năng lượng của Mekong.  Nhưng ngoại trừ có những biện pháp để bảo vệ sự di chuyển của cá, việc phát triển có thể gây nên những hậu quả thảm khốc cho con người và môi trường.
Lào đang cố gắng để trở thành “bình điện của Đông Nam Á”

Chánh phủ Lào đã tung một chiến dịch để đẩy mạnh xuất cảng năng lượng qua việc xây cất hàng chục đập thủy điện trên dòng chánh Mekong trong lãnh thổ của mình và trên các phụ lưu khác.

Dự án, tìm cách biến Lào thành “bình điện của Đông Nam Á”, đã xây hơn 46 nhà máy thủy điện, với 54 nhà máy khác được dự trù.

Trong số nầy, có 4 đập trên dòng chánh Mekong.  Đề nghị mới nhất được đệ nạp trong tháng 6 cho đập Pak Lay trong tỉnh Xayaburi.

Ảnh hưởng của đập đối với con người và môi trường chưa được cứu xét kỹ lưỡng

Chánh phủ Lào xem kế hoạch xây đập như là một phương cách khả chấp để giảm nghèo cho quốc gia.  Nhưng dù các nhà máy thủy điện là nguồn năng lượng sạch, điều đó không có nghĩa là chúng không có ảnh hưởng môi trường lớn lao.

Sông Mekong có nền ngư nghiệp nội địa lớn nhất trên thế giới.  Khoảng 25% số cá nước ngọt đánh được trên toàn cầu từ sông Mekong, cung cấp sinh kế và kinh tế cho hơn 60 triệu người.

Sông Mekong là một mạch máu mang sự sống cho khu vực.  Cá trong sông nuôi người dân.  Các phụ lưu của nó cung cấp nước cho mùa màng, và phù sa giúp đất thêm màu mỡ cho nông nghiệp.

Nhưng các đập được đề nghị sẽ đe dọa khu vực.  Vào tháng 2, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) phổ biến kết quả một nghiên cứu trị giá 4,7 triệu USD.  Nghiên cứu, mất 7 năm để thực hiện, cho thấy 11 đập thủy điện được đề nghị trên dòng chánh Mekong, cùng với 120 đập được đề nghị trên các phụ lưu, sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sinh thái của khu vực.

Nghiên cứu ước tính số lượng cá sẽ giảm đến 40%.  Phù sa chảy về hạ lưu gần như không còn, giảm đến 97%, ảnh hưởng đáng kể đến kỹ nghệ nông nghiệp của Việt Nam và Cambodia.

Đã có những đấu hiệu cho thấy các đập hiện có đang hủy hoại hệ sinh thái của LMB.

Việc xây cất đập Don Sahong ở Lào bắt đầu trong năm 2016.  Kể từ đó, số lượng cá đã giảm mạnh ở khúc sông phía dưới.  Ngư dân địa phương ở trong làng Hang Sadam gần đó nói, “trong quá khứ, có rất nhiếu cá trong sông Mekong, nhưng nay chúng ta chỉ bắt được 30% số cá chúng tôi có thể bắt 5 năm trước”.

Số cá heo Irrawady cũng bị ảnh hưởng.  Hiện nay chỉ còn 4 con ở Lào.  Chúng sống trong một vùng chỉ cách Don Sahong 500 m. Một viên chức Lào ẩn danh nói, “hồi trước có 5 con, kể cả con nhỏ nhất vừa chết trong tháng qua vì ảnh hưởng nghiêm trọng [đối với môi trường]”.

Những giải pháp sáng tạo giúp cá di chuyển tự do

Việc xây cất đập ngăn chận cá di chuyển một cách tự do về phía thượng lưu đến nơi sinh sản của chúng.  Kết quả là chúng không thể hoàn tất chu kỳ sinh sống.

Có nhiều giải pháp cho phép cá di chuyển tự do mà không ảnh hưởng đến khả năng sản xuất thủy điện.  Cửa xả tràn để điều hòa lưu lượng chỉ có thể giúp được một số cá.

Các ống vận chuyển có thể được xây dọc theo đập để cung cấp đường di chuyển tự do cho cá.  Các lưới quay hay âm thanh lùa cá từ các kinh dẫn vào turbine đến các lòng lạch đưa vào ống vận chuyển.  Những ống nầy sẽ phun cá xuống hạ lưu đập.

Phương pháp nầy có hiệu quả cho cá di chuyển xuống hạ lưu, nhưng tạo luồng lạch cho cá di chuyển lên thượng lưu thì khó khăn hơn.

Một vài chiến lược đã thành công.  Ở Queensland, Úc, đập Paradise dùng máng nâng cá để giảm thiểu ảnh hưởng đối với ngư nghiệp địa phương.  Ở cuối kinh dẫn sát vách đập là một cái thùng.  Sau khi cá lội vào thùng, cửa kinh được đóng lại và thùng được nâng lên.

Khi đến đỉnh đập, một cần trục sẽ kéo thùng qua khỏi đập rồi thả xuống hồ chứa để cá tiếp tục di chuyển về phía thượng lưu.

Các giải pháp sáng tạo khác đã được dùng ở Lào.  Đại học Charles Sturt, với sự tài trợ của chánh phủ Hoa Kỳ và Úc và MRC, đã hoàn tất “đường cá” đầu tiên ở làng Pak Peung.

Đường cá chính là một cái thang cho cá.  Nó gồm có nhiều hồ nước nhỏ nối liền nhau đi lên như bậc thang.  Những bậc thang nầy đủ nhỏ để nước có thể chảy tự do.  Thác nước nầy thu hút cá.  Chúng có thể nhảy từng bậc, và leo dần lên thang.

Đường cá thử nghiệm ở Huyện Pak San tỉnh Bolikhamsay, Lào [Ảnh: Flickr]


Chánh trị là trở ngại chớ không phải kỹ thuật

Với những giải pháp có sẵn, khó khăn trong việc giảm bớt ảnh hưởng không nằm trong vấn đề kỹ thuật mà nằm trong vấn đề chánh trị.

Mặc cho nghiên cứu tổng thể của MRC, các chánh phủ cũng không muốn đầu tư vào các giải pháp.  Mặc dù các đập được đề nghị phải được đệ trình lên MRC qua Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement (PNPCA)), phẩm chất của dữ kiện được đệ trình rất đáng nghi ngờ.

Vẫn còn nhiều mối lo ngại chưa được giải đáp cho nhiều đập được đề nghị.  Việc xây cất đập Don Sahong và Xayaburi đã được xúc tiến trước khi những mối lo ngại nầy được giải quyết.

Chỉ có đập Pak Beng bị trì hoãn sau khi trở thành chủ đề cho một vụ kiện của Tòa Hành chánh ở Thái Lan.

Thủy triều có thể thay đổi

Một phần của vấn đề là do MRC không có quyền hạn pháp lý đối với các chánh phủ.  Cơ chế PNPCA không có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của họ.

Thế nhưng có những dấu hiệu cho thấy thủy triều đang thay đổi.  Lào loan báo trong tháng 8 sẽ tạm ngưng việc chấp thuận các dự án xậy đập mới.  Nhưng sự thay đổi không phải vì lo ngại môi trường.

Tuyên bố được đưa ra 4 tháng sau khi chánh phủ Thái phổ biến Kế hoạch Phát triển Điện lực 2018, cho thấy tham vọng của Thái Lan nhằm sản xuất ½ điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2036.

Thái Lan hiện là quốc gia nhập cảng năng lượng lớn nhất của Lào, và nhu cầu của Thái là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong quyết định xây cất đập của chánh phủ Lào.  Khi bành trướng khả năng năng lượng của mình, Thái Lan sẽ giảm bớt lệ thuộc vào năng lượng nhập cảng.

Đồng tiền có tiếng nói.  Nhu cầu năng lượng giảm có thể làm chậm việc xây đập, nhưng nó không thể làm gián đoạn những đập đang xây hay sắp hoàn tất.

Từ ngư dân ở Thái Lan và Cambodia cho đến nông dân ở Việt Nam, toàn thể khu vực tùy thuộc vào Mekong và sự di chuyển tự do của cá và phù sa.  Các giải pháp đã có.  Nay là lúc các chánh phủ ra tay thực hiện.  Số phận của 60 triệu người đang bấp bênh.

Asean Today – Bình Yên Đông lược dịch

.

No comments:

Post a Comment