Sunday, October 20, 2019

DUY TRÌ NHỊP TIM CỦA LƯU VỰC MEKONG


(Sustaining the heartbeat of the Mekong Basin)

Brian Eyler and Courtney Weatherby – Bình Yên Đông lược dịch
Chinadialogue -  March 11, 2019

Biển Hồ (Tonle Sap) ở Cambodia [Ảnh: Teseum]


Sông Mekong thường được cho là phát nguyên từ Thanh Hải trên Cao nguyên Tây Tạng.  Trên bản đồ, nó chảy về hạ lưu qua miền tây nam của Trung Hoa, trở thành biên giới hay chảy qua các nước Lào, Myanmar và Thái Lan, và xuyên qua Cambodia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trước khi đổ ra biển sau một hành trình dài 4.500 km từ Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas).

Tuy nhiên, Mekong còn có một nguồn khác: Biển Hồ ở Cambodia.  Hàng năm, đời sống vươn lên từ hồ, hầu hết là số lượng cá khổng lồ di chuyển đến các nhánh sông xa xôi của hệ thống Mekong ở cả thượng và hạ lưu.

Sự di chuyển hàng năm của cá cung cấp chất đạm chánh cho hàng chục triệu người trong toàn lưu vực Mekong.  Trong khi tổng số cá thiên nhiên đánh bắt được trong tất cả sông hồ của Bắc Mỹ là 160.000 tấn, hệ thống Mekong hàng năm cung cấp 2,6 triệu tấn.  Riêng Biển Hồ cũng cung cấp 500.000 tấn, chiếm 75% nhu cầu chất đạm của Cambodia và là nền ngư nghiệp nước ngọt lớn nhất trên thế giới.
Nhưng nguồn tài nguyên phong phú nầy đang bị đe dọa bởi việc xây đập ở thượng lưu, việc đánh bắt thái quá, các hoạt động nông nghiệp bừa bãi và thay đổi khí hậu.

Lựa cá [Ảnh: Julia Mauldin]

Vấn đề của đập

Chúng tôi vừa công bố một phúc trình nghiên cứu ảnh hưởng của con người trên quan điểm rộng lớn hơn.  Nó đưa ra các giải pháp thay thế để tối ưu hóa sự đánh đổi giữa nước, năng lượng và sản xuất thực phẩm.  Những giải pháp nầy gồm có việc quy hoạch nguồn nước và năng lượng cho toàn lưu vực và kết hợp mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo phi thủy điện vào điện năng hỗn hợp của Cambodia trong tương lai.

Những giải pháp nầy có thể tránh cô lập Biển Hồ với phần còn lại của hệ thống Mekong.  Theo cách nầy, nhịp mưa mùa, khiến sông chảy ngược hàng năm và mang vào hồ một lượng nước hơn 70 lần với chất hữu cơ và cá, có thể được bảo tồn.

Nước lũ và nước rút hàng năm của hồ tạo thành nhịp tim bơm sự sống cho toàn lưu vực Mekong.  Tiến trình nầy bị đe dọa bởi việc xây cất và các kế hoạch cho các đập thủy điện và thủy nông ở thượng nguồn của Biển Hồ ở Cambodia, Lào, Việt Nam và Trung Hoa.  Đập và các công trình xây dựng khác sẽ ngăn chận hay giảm lưu lượng trong sông Mekong, làm giảm lượng nước, cá và chất dinh dưỡng chảy vào Biển Hồ hàng năm và giới hạn khả năng tìm nơi cư trú của cá ở thượng lưu.

Chỉ riêng ở Cambodia, sự liên kết của 11.000 km của hệ thống Mekong/Tonle Sap đã bị giảm 31% do việc xây cất 2 đập thủy điện và 6 hồ chứa thủy nông.

Sự liên kết của Biển Hồ và các phụ lưu Mekong ở Cambodia


Một trong những đập thủy điện đó, Hạ Sesan 400-MW, nằm ngay bên dưới hợp lưu của sông Sesan và Srepok, cắt đứt hơn 3.300 km phụ lưu với phần còn lại của hệ thống Mekong và Biển Hồ khi được hoàn tất vào năm 2017.  Máng cá được thêm vào bởi nhà xây đập, công ty quốc doanh Huaneng HydroLancang của Trung Hoa, dường như không đủ cho số lượng cá lên đến 30 tấn bơi qua trong một giờ trong mùa di ngư cao điểm.

Hơn thế, ngay cả số cá có thể vượt qua máng và sinh sản ở thượng lưu, trứng và ấu trùng trôi xuống hạ lưu để vào Biển Hồ bởi nhịp lũ hàng năm của Mekong có lẽ sẽ giảm và chết đi ở phía sau đập vì dòng nước chậm lại.  Một bài viết được hội đồng xét duyệt năm 2013 của Guy Ziy và đồng nghiệp, cứu xét ảnh hưởng của đập trên phụ lưu trong hệ thống Mekong, kết luận rằng đập Hạ Sesan 2 sẽ làm giảm hơn 9% số cá của Mekong.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các phụ lưu Mekong ở Cambodia đang được tuần tự xây đập mà không có kế hoạch tổng thể.  Xây đập ở phụ lưu (thay vì trên dòng chánh) có thể giảm 60% sự liên kết giữa Biển Hồ và phần còn lại của Mekong.  Hơn thế, việc xây các đập gây tranh cãi trên dòng chánh ở Sambor và Stung Treng có thể hủy diệt sự liên kết và chấm dứt nhịp đập của Biển Hồ.

Nhiều đập trong danh sách sắp được phát triển qua các biên bản ghi nhớ hay thỏa thuận chuyển nhượng với các nhà phát triển Trung Hoa.  Những đầu tư Trung Hoa nầy đóng vai trò như thế nào trong những năm sắp tới sẽ quyết định vận mệnh của Mekong ở Cambodia, sự sống còn của Biển Hồ và hàng chục triệu người phụ thuộc vào nó.

Chỉ có xây đập ở thượng lưu của Hạ Sesan 2 trong lãnh thổ Cambodia có thể là một giải pháp thực tiễn để bảo vệ Biển Hồ.  Một nghiên cứu cho thấy làm thế nào việc xậy đập nầy có thể sản xuất thêm trên 1.000 MW mà không có ảnh hưởng đến sự liên kết và sản lượng cá so với hiện nay.

Tuy nhiên, không nên cứu xét việc phát triển như thế ngoại trừ việc định cư của cộng đồng người thượng và thiểu số ở thượng lưu Hạ Sesan 2 được thanh thỏa.  Thành tích về định cư của Cambodia rất tồi tệ.
Dân làng ở đông bắc Cambodia, ảnh hưởng bởi Hạ Sesan 2, 
chào mừng Ngày Hành động Quốc tế vì Sông ngòi 
[Ảnh: International Rivers]

Vành đai điện mặt trời của khu vực?

Một cách khác, việc bành trướng thủy điện ở phía trên đập có thể được giảm hay thay thế bằng tiềm năng gió và mặt trời trong 2 tỉnh Mondulkiri và Ratanakiri của Cambodia, hay khai thác tài nguyên gió, mặt trời và sinh khối trên toàn vương quốc.

Cambodia có giá điện cao nhất trong toàn vùng Đông Nam Á, lên đến 0,25 USD/kW ở vùng đô thị, trong khi cư dân ở vùng nông thôn thường phải trả đến 0,80 USD/KW.  Cả nước hầu hết sử dụng máy phát điện diesel hay nhập cảng điện từ Việt Nam hay Thái Lan.  Áp lực để giảm giá điện, nhằm thúc đẩy kinh tế, đã đẩy Cambodia vào một hướng đi mới trong việc bành trướng sản xuất điện năng.

Cơ hội lớn nhất để đa dạng hóa năng lượng của Cambodia và chấm dứt phát triển thái quá thủy điện là những nguồn năng lượng tái tạo phi thủy điện.  Trên 65% lãnh thổ Cambodia, bức xạ mặt trời cao hơn 1.800 kWh/m2.  Như thế, nó có tiềm năng điện mặt trời lên đến 8.000 MW, so với tiềm năng thủy điện 10.000 MW của nước nầy.  Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Á Châu (Asian Development Bank (ADB)), tiềm năng điện gió của Cambodia có thể lên đến 6.500 MW.

Vào năm 2017, ADB loan báo việc hỗ trợ nhà máy điện mặt trời đầu tiên có công suất 10 MW ở Cambodia và tiếp theo, trong tháng 6 năm 2018, với đề nghị cho nhà máy 100 MW.  Từ đó đầu tư vào điện mặt trời đã trở nên một điểm nóng.  Vào tháng 1 năm 2019, Thủ tướng Hun Sen thăm Bắc Kinh và gặp nhà phát triển thủy điện Huaneng HydroLancang.  Thay vì ký kết thỏa ước cho các dự án thủy điện mới, ông đã đồng ý với điện mặt trời.
Mặc dù Cambodia chưa có những mục tiêu vững chắc cho việc phát triển điện mặt trời, những điều lệ và hướng dẫn mới cung cấp sự trong sáng cho các nhà đầu tư.  Thí dụ, những người tiêu thụ cao như các chung cư lớn, nhà máy và các cơ sở lớn có thể thiết trí điện mặt trời (trên 5 MW) trong khi nối kết với lưới điện quốc gia Cambodia.

Nhà máy xi măng Chip Mong Insee ở Kampot vừa thiết trí nhà máy điện mặt trời 9,8 MW trên nóc nhà và mặt nước của nhà máy.  Công ty tiện ích duy nhất của Cambodia, Điện lực Cambodge, cũng xúc tiến việc mua điện mặt trời từ các nhà sản xuất tư nhân.  Điều nầy có thể khiến cho việc sản xuất được phân phối đồng đều hơn trên cả nước và khuyến khích đầu tư tư nhân vào điện mặt trời.  Việc phát triển Luật Môi trường Quốc gia (National Environmental Code) cũng hỗ trợ các hệ thống điện mặt trời gia đình và giảm thuế cho các công ty sử dụng điện mặt trời.

Ngoài luật lệ, thách thức quan trọng đối với việc phát triển điện mặt trời là đất đai.  Cho phép “chuyển nhượng đất kinh tế” cho các nhà phát triển ngoại quốc, hầu hết là Trung Hoa, từ lâu được liên kết với các nỗ lực chiếm đất.  Một số chuyển nhượng đất đã bị thu hồi vì không phát triển và việc tái phân phối của chánh phủ, một số khác vẫn bỏ hoang vì giá nông sản vẫn thấp trong những năm vừa qua.  Một phần của những chuyển nhượng bị bỏ hoang, nếu được sử dụng, có thể dùng làm nhà máy điện mặt trời, đặc biệt ở những nơi có nhu cầu cao.

Bản đố dưới đây cho thấy hầu hết đất chuyển nhượng nằm trong vùng có nhiều bức xạ mặt trời thuận tiện cho việc thiết trí tấm điện mặt trời.

Chuyển nhượng đất kinh tế của Cambodia và tiềm năng điện mặt trời



Với sự trợ giúp của các nhà đầu tư ngoại quốc và các đối tác phát triển, hầu hết các quốc gia Mekong đang cứu xét một vai trò lớn hơn cho điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo phi thủy điện.  Mặc dù tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong việc giảm lượng phóng thích carbon càng ngày càng rõ hơn, vai trò mà năng lượng tái tạo phi thủy điện có thể đóng trong việc cải thiện các dịch vụ sinh thái, và lợi ích của tài nguyên thiên nhiên như nước và cá nước ngọt, vẫn còn bị xem thường.

Phúc trình của chúng tôi cho thấy làm thế nào để Cambodia có thể phát triển điện lực với một tầm nhìn lưu vực không chỉ để bảo tồn ngư nghiệp của Biển Hồ mà còn tạo cho mình một con đường để trở thành tiên phong trong các nỗ lực bảo tồn và khả chấp.

Brian Eyler and Courtney Weatherby – Bình Yên Đông lược dịch

.

No comments:

Post a Comment