Sunday, March 26, 2023

Ở STUNG TRENG, PHỤ NỮ THAM GIA VÀO VIỆC BẢO VỆ CÁ, LO SỢ BỊ MẤT SỐ CÁ ĐÁNH ĐƯỢC

(In Stung Treng, Women Step in Fish Protection, Fearing Catch Loss)

Ou Sokmean and Teng Yalizory – Bình Yên Đông lược dịch

Cambodianess – 19 March 2023

 


Nhìn thấy số cá trong sông Mekong tụt giảm liên tục, phụ nữ sống trong các cộng đồng dựa hoàn toàn vào số cá đánh được đang nhảy vào, lo sợ rằng sẽ không còn cá cho thế hệ kế tiếp nếu không có ai hành động.

 

STUNG TRENG – Nhìn sự tụt giảm liên tục của số cá trong sông Mekong, các phụ nữ sống trong các cộng đồng hoàn toàn dựa vào số cá đánh được đang nhảy vào, lo sợ rằng sẽ không còn cá cho thế hệ sắp tới nếu không có ai hành động.  Nhưng mặc dù với nỗ lực, họ có ít hy vọng rằng một ngày nào đó số cá sẽ trở lại mức trước đây.

Mặc y phục truyền thống màu xanh, Kha Sros, 63 tuổi, một phụ nữ dân tộc Kuy trong tỉnh Stung Treng, không thể nói chắc chắn liệu số cá có thể được phục hồi hay có thể tiếp tục nuôi thế hệ sắp tới của cộng đồng bà, đã dựa vào việc đánh cá trong nhiều thế hệ.

Bà sống trong xã Siem Bouk làng Tonsong, khoảng 27 km về phía nam của thành phố Stung Treng, và đã thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong số cá đánh được từ đầu thế kỷ.  Cố gắng chống lại chiều hướng nầy, bà đã tham gia vào việc bảo vệ vả bảo tồn từ năm 2008.

“Năng suất cá bắt đầu giảm trong năm 2000.  Dân làng không còn bắt đủ cá nữa.  Nay, với 1 hay 2 lưới cá đặt trong sông từ sáng đến chiều, ngư dân chỉ được chừng 1 kg cá,” bà nói.  “Nếu chúng tôi không tìm cách để bảo vệ cá, không bao lâu nữa, cá sẽ biến mất.”



Công việc của Sros gồm có nâng sự hiểu biết trong cộng đồng về các phương pháp đánh cá khả chấp, nhấn mạnh đến việc không dùng các kỹ thuật đánh cá bất hợp pháp, chẳng hạn như đánh cá bằng điện.  Cho đến gần đây, bà cũng đi tuần tra sông, 4 lần 1 tuần, để báo cáo các hoạt động đánh cá bất hợp pháp ở trong vùng.  Một hoạt động mà bà đã ngừng làm vì tuổi tác.

Nhưng Sros không chỉ là phụ nữ duy nhất đã cam kết để bảo vệ số cá ở trong tỉnh.

Ở phía bắc của làng bà, Ma Chantha đã tham gia trong chiến trường tương tự từ 10 năm nay.  Người phụ nữ 30 tuổi dành thời gian và năng lượng để vận động cho việc bảo vệ cá ở xã Koh Sneng, làng Koh Sneng, huyện Borey O’Svay Senchey, nơi một cộng đồng khác hầu hết dựa vào việc đánh cá.

Mặc dù cô dành hầu hết thời gian để dạy ở trường sơ học, Chantha vẫn dành thì giờ trong thời biểu eo hẹp của cô để tham gia vào công việc phát triển làng.

Mỗi tháng, cô tham dự buổi họp của làng cầm đầu bởi xã trưởng và một vài tổ chức đối tác để thảo luận cách tốt hơn để bảo vệ cá ở trong vùng.  Cô nói rằng tầm quan trọng của cá đối với người địa phương khiến cô dự phần trong các nỗ lực bảo vệ sông và cá, hy vọng được thấy cá được bảo vệ và bảo tồn.

“Sông là cái nồi của chúng tôi, bao tử của chúng tôi, và thực phẩm hàng ngày mà chúng tôi có thể đánh cá để tiêu thụ như 1 gia đình.  Nếu chúng tôi mất [số cá đánh được] chúng tôi sẽ mất tất cả,” Chantha, người lớn lên ở trong làng, nói vào lúc cuối phiên họp.

 

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP


Tiếng nói của phụ nữ quan trọng… nhưng chưa được nghe đầy đủ

Trong 3 năm qua, tổng sản lượng thủy sản nước ngọt đã giảm đáng kể ở Cambodia, theo một phúc trình của Cơ quan Quản trị Thủy sản Cambodia.  Tổng số cá đánh được trong năm 2020 là 413.200 tấn, giảm 13,71% so với năm 2019, và giảm thêm 7,3% trong năm 2021, xuống 282.050 tấn.

Tình hình có vẻ được cải thiện một ít trong năm 2022, với 406.400 tấn cà đánh được trên toàn quốc, phúc trình ghi nhận.

Nhưng các cộng đồng đánh cá địa phương ở Stung Treng bảo đảm rằng họ chưa thấy bất cứ cải thiện nào cả, vì thế mọi người cần phải tham gia vào việc bảo vệ và bảo tồn cá, kể cả phụ nữ.

Chea Seila, quản đốc dự án Kỳ quan của Mekong (Wonders of the Mekong), một sáng kiến nhằm để cải thiện sức khỏe của sông Mekong cho cá, đời sống hoang dã, và người dân, hoan nghênh sự cam kết gia tăng của phụ nữ để bảo tồn sông nhưng sợ rằng tiếng nói của họ chưa được nghe đầy đủ.

Sau 10 năm làm việc nghiên cứu về cá và đất ngập nước, bà ghi nhận rằng phụ nữ càng ngày càng tham gia nhiều hơn vào lãnh vực như vậy.

“Đàn ông và phụ nữ giúp và hỗ trợ lẫn nhau.  Không phải chúng tôi lặp lai công việc, mà chúng tôi bổ sung cho nhau và lấp khoảng trống của nhau,” bà nói, thêm rằng sự hiện điện của cả hai thì không thể thiếu được.

“Thí dụ, trong dự án nghiên cứu của chúng tôi, tôi sẽ thực hiện các cuộc phỏng vấn tại chỗ và phối hợp với ngư dân trong khi người trong nhóm phái nam sẽ làm về ý tưởng nghiên cứu.”

Nhưng con đường đến bình đẳng giới tính vẫn còn xa.

Xã trưởng Vann Somphom của xã Koh Sneng nói chỉ có 2 trong 5 phụ nữ trong cộng đồng sẵn lòng tham gia vào công việc của cộng đồng và hành động bảo vệ đa dạng sinh học của sông.

Ông nói phụ nữ tham gia hầu hết bằng cách nêu lên ý kiến về vấn đề mà làng đối mặt, chẳng hạn như thiếu số cá hay y tế, để tìm giải pháp thích hợp.

“Họ đóng góp bằng cách chia sẻ ý tưởng trong các buổi họp.  Họ có thể được cứu xét trên 70%,” ông nói, cho thấy hy vọng rằng nhiều phụ nữ hơn sẽ tham gia vào công việc xã hội và chống lại sự tụt giảm của số cá.

“Chúng tôi khuyến khích việc tham gia của họ bằng cách bổ sung và luôn luôn ghi nhận ý kiến của họ mặc dù chúng không được tốt,” Somphom nói.

Dù sao, ông thấy mức giáo dục gia tăng của phụ nữ trong ánh sáng tích cực, hy vọng kỹ năng mới của họ có thể giúp cải thiện thành phần thủy sản.

“Ngày nay, là sáo ngữ để nói rằng phụ nữ không thể đi khỏi bếp,” ông nói, khuyến khích người dân khích lệ việc tham gia của phụ nữ bằng cách cho họ một cơ hội để cho thấy tiềm năng của họ.

 


Những người bảo tồn cá mái đối mặt với những kiểu thách thức khác

Ngoài việc đối mặt với những hình dung xã hội lỗi thời, phụ nữ trong đối thoại phải đối phó với thiếu tài nguyên trong khi theo đuổi ngư dân bất hợp pháp liên quan đến rủi ro cao.

Kha Sros nói phụ nữ, không như đàn ông, không được phép tuần tra vào ban đêm vì lo ngại an toàn.  Nhưng tuần tra ban ngày cũng có một số rủi ro.  Ngư dân bất hợp pháp thường mang súng để bảo vệ chính họ.

Bà đã chạm trán một số tội phạm thủy sản, nhưng bà và toán tuần tra thiếu tàu có vận tốc cao để theo kịp những thủ phạm chạy trốn.

“Tôi thấy họ [tội phạm thủy sản], nhưng tôi chưa bao giờ đối mặt với họ vì họ trốn chúng tôi quá nhanh,” Sros nói, thêm rằng dù họ không thể bắt chúng, nhưng họ có thể báo cáo rằng các hoạt động đánh cá bất hợp pháp đang xảy ra ở trong vùng.

Ma Chantha cho biết rằng thách thức chánh của cô là thiếu hỗ trợ của một số dân làng, vì họ nghĩ rằng vận động cho việc bảo vệ cá thì vô ích vì đánh cá bất hợp pháp tiếp tục xảy ra và số cá cũng đã thấp.

Cô tiếp tục rằng một số người không tin vào quyết tâm của cô và khả năng tham gia vào nỗ lực bảo vệ cá với xã và cơ quan thủy sản vì cô là một phụ nữ có nhiều trách nhiệm gia đình.

“Nếu tôi không được tổ chức [trong đời sống chuyên môn của tôi], tôi không thể làm việc như một giáo viên trong 10 năm ngoài cam kết cá nhân của tôi [để bảo vệ thủy sản],” cô nói.  “Tôi bỏ qua công việc chuyên môn của tôi và việc lặt vặt của tôi là làm việc xã hội.  Nó xảy ra vì tình thương.”

Chantha không tham gia vào việc tuần tra, vì thế nó giúp cho công việc của cô được dễ dàng.

Chea Seila của dự án Kỳ quan của Mekong còn đưa ra một thách thức khác, áp dụng cho những người bảo tồn đàn ông lẫn phụ nữ cần phải học để làm việc trong hoang dã.

“Đi làm xa nhà thì không dễ dàng,” Seila nói.  “Nhưng chúng ta cần tự hỏi chúng ta hy sinh cho công việc bao nhiêu.  Đi vào rừng và đi thuyền trên sông có vẻ hứng thú, nhưng nó không dễ dàng vì ở đó không có nhà, không có nhà cầu, và không có điện nữa.  Chúng tôi phải ngủ với muổi cắn và đi tiểu ở ngoài đồng.”

“Nhưng khi chúng tôi có can đảm để làm thế, chúng tôi có can đảm không bỏ cuộc.”

 


Thiếu cá làm cho đời sống hàng ngày khó hơn cho hàng ngàn người

Sụt giảm trong số cá đánh được cũng ảnh hưởng đến phụ nữ ở mặt kia của chuỗi cung cấp.  Với ít cá hơn để bán trên các quầy ở chợ, phụ nữ thấy khó hơn để quản lý ngân sách gia đình và trả nợ.

Mai Chom, 42 tuổi, là cư dân của làng Koh Sneng đi gở lưới mà cô đặt trong sông mỗi buổi sáng.  Trong cái thoáng nhìn của bình minh chậm chạp, cô ở trên thuyền với đứa con trai 17 tuổi thu lưới mà không có cá.

Với khoản nợ 2 triệu riel (khoảng 500 USD) và thiếu cá, Chom chật vật để kiếm sống.  Cô chỉ kiếm được 1 triệu riel (khoảng 250 USD) từ việc đánh cá trong năm 2022, và tình hình vẫn thê thảm trong năm 2023.  Trong 2 tháng đầu năm, cô chỉ làm được 200.000 riel (khoảng 50 USD) từ việc bán cá.

“Tôi mượn 2 triệu riel từ láng giềng với 1,9 triệu riel [475 USD] tiền lời trong 3 năm,” Chom nói.  “Tôi trả 120.000 riel [30 USD] kể cả 30.000 riel [7,5 USD] tiền lời hàng tháng.  Khi tôi không có đủ tiền, tôi phải năn nỉ để trả trễ.”

Vì bị mù 1 mắt, Chom bị chồng bỏ khi đứa con trai chỉ được 12 ngày.  Ngoài việc đánh cá, cô có thêm việc phụ 3 năm trước đây và trồng lúa, nhưng không may cũng không có kết quả.

“Chúng tôi là người nghèo, vì thế chúng tôi không có tiền để mua nhiên liệu cho việc bơm nước tưới ruộng.  Một số năm, tôi có thể thu hoạch 20 bao [1 bao bằng khoảng 70 kg] trong khi một số năm, tôi chỉ làm được 1 hay 2 bao.  Nếu không đủ, tôi phải mua lúa từ những người khác để ăn,” cô nói.

Ma Chantha ở làng Koh Sneng nói số cá đánh được rất nhiều khi cô 12 tuổi.  Việc sụt giảm cá nghiêm trọng xảy ra trong 5 năm qua.

“Chồng tôi đặt 3 hay 4 lưới cá và chỉ bắt được 2 hay 3 con cá.  Nó không đủ cho chính gia đình của chúng tôi,” cô nói.

Chồng cô, Choeun Veasna, bắt đầu đánh cá trong năm 2010 và thấy sự tụt giảm lớn lao trong số cá đánh được trong nhiều năm.  Ông nói ông có thể bắt được từ 20 đến 30 kg cá một ngày cho đến 3 năm nhưng nay chỉ được khoảng 1 kg mà thôi.

Kết quả là, nay ông phải mua cá ở chợ, trong khi giá bán gia tăng vì khan hiếm.

“Trước đây, tôi có thể bán 1 kg cá với giá 10.000 riel [2,5 USD].  Nay, tôi khó tìm bất cứ cá ở trong nước và phải mua cá để ăn.  Nhưng nay giá 20.000 riel [5 USD] một kg,” Veasna nói, chỉ ra rằng một số làng đã bỏ nghề đánh cá và đi làm ở nước ngoài, nhất là ở Thái Lan.

Sorn Samon, một lái buôn cá ở chợ Stung Treng chờ mỗi ngày để mua cá từ dân làng Koh Sneng, nói bà chỉ mua được khoảng 5 kg cá một ngày từ đầu năm 2023, ít nhất 4 lần thấp hơn năm trước.

“Cá không có nhiều như trước.  Trong quá khứ, ít nhất tôi có thể mua 20 đến 30 kg cá trong 1 ngày, nhưng nay tôi không thể mua đến 5 kg cá,” bà nói trong lúc chờ các thuyền đánh cá nhưng chúng không đến.

Xã trưởng Vann Somphom của Koh Sneng cũng lo ngại về năng suất cá sụt giảm vì tất cả 270 gia đình trong làng Koh Sneng đều đánh cá.

Ông nói một số ngư dân đã bỏ đánh cá và đi tìm việc khác, chẳng hạn như hái hạt điều hay khoai ở các tỉnh khác.



Nguyên nhân của khan hiếm cá, đe dọa các loại cá

Mặc dù có nhiều bằng chứng cho số cá đánh được càng ngày càng ít trong những tháng đầu năm 2023, tình trạng báo động nầy có vẻ không được chia sẻ hoàn toàn bởi chánh quyền Cambodia.  Ung Try, phó giám đốc của Cơ quan Quản trị Thủy sản (FiA) thuộc Bộ Nông nghiệp, nhắc lại số cá đánh được trong năm 2022 rất nhiều vì mực sông Mekong lên cao.  Chúng tăng 6% so với năm 2021.

Ông chỉ ra rằng dân số gia tăng trong hạ lưu vực Mekong, tổng cộng 65 triệu người, để giải thích chiều hướng của số cá đánh được ít hơn của mỗi ngư dân.  “Dân số đi đánh cá thì khác hơn trước.  Càng ngày càng có nhiều người dựa vào việc đánh cá,” ông nói.

Nhưng Chea Seila nói số cá tăng hay giảm bằng cách nhìn vào số cá được bán ở chợ thì đáng nghi ngờ.  Để đi đến kết luận, tất cả mọi khía cạnh phải được cứu xét, ngoài việc quan sát việc buôn bán cá.

“Tài nguyên thiên nhiên của Mekong đã thay đổi, nhưng chúng ta không biết chúng thay đổi như thế nào,” Seila nói.  “Dòng chảy bất thường làm cho chu kỳ đời sống của cá thay đổi.”

Cô nói một nghiên cứu tỉ mỉ về sông Mekong trong tỉnh Stung Treng đang được thực hiện bởi nhóm của cô để hiểu rõ hơn sự nối kết của các yếu tố của sự sụt giảm của cá.  Nhưng kết quả sẽ không được công bố trong những ngày gần đây.

Những thay đổi trong môi trường nầy ảnh hưởng nhiều loại cá trong sông Mekong, là nơi cư trú của trên 1.100 loại cá, trong số đó có 400 loại được tìm thấy ở Cambodia.

Nhưng người địa phương ở tỉnh Stung Treng đã ghi nhận một số loại cá nay khó tìm hơn các loại khác.

Kha Sros ở xã Siem Bouk nói cộng đồng của bà đã không thấy mekongina erythrospila, thường được gọi là Pa Sa-ee, từ năm 2010.  Con cá theo mùa nổi tiếng đó được người địa phương ưa chuộng vì mùi vị và sự khan hiếm của nó, và có thể bán với giá cao hơn các cá khác.

Tương tự, Xã trưởng Vann Somphom của Koh Sneng nói Pa-Sa-ee biến mất khỏi vùng của ông khoảng 5 năm trước.  Ngư dân địa phương đã không thấy cá hô và cá tra dầu Mekong từ 10 đến 15 năm nay.

Ông tin rằng khan hiếm và mất mát cá phần lớn do đánh cá bất hợp pháp với dụng cụ hiện đại đe dọa, chẳng hạn như dụng cụ đánh cá bằng điện và giết không phân biệt cá ở chung quanh dụng cụ.  Lối thực hành đó đã được quan sát ở trong vùng từ lâu.

“Trong mùa khô, họ đầu độc cá trong khi mùa mưa, họ giật điện,” Somphom nói, thêm rằng ông đã bẻ gãy 2 trường hợp trong 2 tháng đầu năm 2023.

Thủ phạm không phải là người địa phương, ông nói, nhưng thường là người Cambodia đến từ phía nam và đi về phía thượng lưu đến tận biên giới Lào.  Họ có dụng cụ hiện đại, thuyền cao tốc và súng hơi mà dân làng không có.

Kha Sros và Ma Chantha phản chiếu tuyên bố của xã trưởng, quy việc khan hiếm cá cho việc đánh cá bất hợp pháp.

Chantha nói các ngư dân bất hợp pháp khó giật điện vì số cá đang giảm, vì hành động của họ.  “Chúng tôi thấy rằng cá đang giảm và chúng tôi vẫn cố gắng để chận đứng với việc bảo tồn.  Tài nguyên thiên nhiên và cá cuối cùng bị hủy diệt,” cô nói.

Cambodia đã bắt 2.952 trường hợp tội phạm đánh cá trong năm 2021, tăng 28 trường hợp từ 2.923 trường hợp trong năm 2020, phúc trình của Cơ quan Quản trị Thủy sản Cambodia cho biết.

Thay đổi khí hậu, việc xây cất đập thủy điện, bành trướng nông nghiệp dẫn tưới, ngừa lụt và hạ tầng cơ sở bảo vệ, và các dự án phát triển nguồn nước khác cũng tạo thêm áp lực trên thủy sản Mekong, Ủy hội Sông Mekong (MRC), một tổ chức liên chánh phủ nhằm mục đích theo dõi và quản lý nguồn nước Mekong, cho biết.

Thí dụ, gần 7 triệu người sống bằng việc đánh cá và nuôi thủy sản ở Cambodia và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, theo MRC, đề nghị rằng thiệt hại của hệ sinh thái có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.

 

Điều mong đợi trong tương lai?

Ung Try của Nha Thủy sản tiên đoán rằng số cá đánh được trong năm 2023 có thể gia tăng nhưng không chắn chắn.

“Nếu thời tiết bất lợi, số cá đánh được có thể không tăng,” ông nói.  “Khi nước lên, các loại cá quan trọng, chẳng hạn như cá tra dầu Mekong, sẽ đi theo.”

Ma Chantha nói cô không biết điều được mong đợi cho tương lai của số cá trong sông Mekong ở xã Koh Sneng, nhưng cô tiếp tục tham gia vào việc bảo vệ đa dạng sinh học của cá.

“Trong tương lai, tôi không biết cái gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tiếp tục mất năng suất cá,” cô nói.  “Tôi sẽ cố gắng tập họp người dân và quảng bá tin tức để họ biết về sự hủy hoại của tài nguyên sông.  Tôi muốn họ hiểu và ngưng các hoạt động đánh cá bất hợp pháp.

Ma Chantha muốn thấy người bảo vệ sông tuần tra sông 24/7 trong khi ngân sách cho công việc bảo vệ cũng được gia tăng.  “Có hành động, nhưng chì thế vá chưa được thực hiện có hiệu quả,” cô nói.

Kha Sros đã có ý định huấn luyện người dân Kuy trong cộng đồng của bà để truyền công việc và tiếp tục vận động cho việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhất là cá.

 


Bà nói cái bà đang làm không chỉ cho bà mà cho toàn thể cộng đồng Kuy, nhất là thế hệ trẻ có thể không biết lợi ích từ cá trong sông Mekong nếu nó tiếp tục giảm.

Bà không thể nói liệu cá vẫn còn nhiều hay sẽ biến mất.  Tuy nhiên, bà chỉ muốn là một thành viên của nhóm bảo vệ đa dạng sinh học trong sông Mekong mặc dù đã lớn tuổi.

“Mỗi ngày, tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm công việc nầy cho đến khi tôi không còn đủ sức nữa.  Nếu tôi vẫn có thể làm, tôi sẽ tiếp tục,” Sros nói.

“Trái tim tôi muốn tôi làm việc mãi mãi, và tôi muốn thấy số cá và các loại cá phục hồi.  Nhưng thể chất của tôi không thể tiếp tục làm.”

 

.

No comments:

Post a Comment