Sunday, March 26, 2023

DỰ ÁN ĐẬP MEKONG ĐẦY THAM VỌNG BIẾN CÁC LÀNG ĐÁNH CÁ THÁI THÀNH ‘CÁC THỊ TRẤN MA’

 (Ambitious Mekong dams project turn Thai fishing villages into 'ghost towns')

Reuters – Bình Yên Đông lược dịch

The Star – 21 March 2023

 


CHIANG KHONG, Thailand: Từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, Kam Thon dành hầu hết những ngày của cô để lội nước đến đầu gối của sông Mekong ở gần làng ở đông bắc Thái Lan, nhặt rong để bán và nấu ăn ở nhà.

Kam Thon và những phụ nữ khác sống gần Mekong đã nhặt rong ở sông hay ‘khai’, từ nhiều thập niên, nhưng thu hoạch của họ đã giảm kể từ khi xây gần 1 chục đập ở thượng lưu.

Các đập đã thay đổi dòng chảy và ngăn chận hầu hết phù sa rất cần cho khai và việc trồng lúa, các nhà nghiên cứu nói.

“Nói chung, nước trong và mực nước thấp trong mùa khô, và chúng tôi có thể đi dưới nước một cách dễ dàng và thu hoạch khai.  Nhưng nay, mực nước cao hơn trong mùa khô, làm cho khó khăn hơn,” Kam Thon, người bán khai ở chợ địa phương, nói.

“Chúng tôi cần dành nhiều thời gian hơn để nhặt khai, và cũng có ít khai hơn, ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi,” người phụ nữ 48 tuổi nói, khi bà quấn những bó rong màu xanh nhạt thành những quả cầu và đặt chúng vào một bao nylon mang trên vai.

Kam Thon, sống ở Chiang Khong gần với biên giới Thái-Lào, nói bà chỉ làm được khoảng 1/3 của cái bà thường kiếm được khi nước Mekong xuống thấp trong mùa khô và khai có rất nhiều.

Cá do chồng bà đánh cũng giảm, bà nói.

Chạy dài từ cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông khoảng 4.350 km (2.700 miles), Mekong là mạch sống canh tác và đánh cá cho hàng chục triệu người trên khắp Trung Hoa, Lào, Myanmar, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.

Nhưng với Trung Hoa xây thêm đập để sản xuất thủy điện, lo sợ đang tăng về lũ lụt và hạn hán trái mùa mà chúng gây ra – và cho tương lai của con sông dài nhất Đông Nam Á (ĐNA), nay đang được uốn nắn bởi các tổ hợp có thế lực được nhà nước hậu thuẫn.

Các cộng đồng địa phương và những nhà vận động nói họ lo ngại và than phiền là bị bỏ quên trong việc thúc đẩy cho năng lượng sạch.

“Các đập ở thượng lưu đang ảnh hưởng số cá đánh được, canh tác lúa và rong sông, một nguồn thu nhập quan trọng của phụ nữ và người già,” Pianporn Deetes, giám đốc vận động cho Thái Lan và Myanmar của Rivers International (Sông ngòi Quốc tế), một nhóm vận động, nói.

“Khi sông được biến thành nguồn thủy điện. nó ảnh hưởng đời sống và cuộc sống của hàng triệu người.  Đó là lương thực, truyền thống và phong tục, và lối sống của họ,” cô nói trong một cuộc phỏng vấn.

 

Những thị trấn ma

Hăm hở để nâng cao khả năng của năng lượng tái tạo và giảm lệ thuộc vào than đá, Trung Hoa đã xây gần 1 chục đập – gồm có 5 siêu đập, mỗi đập cao hơn 100 m – từ năm 1995 trên Mekong mà họ gọi là Lancang.

Trung Hoa cũng đã xây ít nhất 95 đập thủy điện trên các phụ lưu chảy vào Mekong.  Hàng chục đập khác đang được dự trù ở Trung Hoa, và nước nầy cũng tài trợ cho các đập khác ở hạ lưu vực Mekong.

Năng lượng từ các đập thủy điện ở thượng lưu vực Mekong – gồm có cao nguyên Tây Tạng và lưu vực Lancang ở Trung Hoa và Myanmar – được đánh giá khoảng 4 tỉ USD mỗi năm bởi Ủy hội Sông Mekong (MRC), một tổ chức liên chánh phủ của các quốc gia hạ lưu vực gồm có Thái Lan, Cambodia, Lào và Việt Nam.

Nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau ước tính rằng gần ½ lượng phù sa của sông sẽ bị chận ở thượng lưu nếu tất cả các đập được đề nghị trong lưu vực Mekong được phát triển, có thể ảnh hưởng đến việc canh tác lúa, nguồn thực phẩm quan trọng của hàng triệu người trong khu vực.

Ngoài ra, sụt giảm của thủy sản Mekong – vì các đập ngăn chận việc di chuyển của cá và thay đổi dòng nước – được MRC tiên đoán sẽ tốn khoảng 23 tỉ USD vào năm 2040, với việc mất rừng, đất ngập nước và rừng đước được đánh giá lên đến 145 tỉ USD.

Các cộng đồng sống gần các đập bị đánh mạnh nhất, kể cả Chiang Khong, Brian Eyler, người cầm đầu chương trình năng lượng, nước và tính khả chấp ở Trung tâm Stimson có trụ sở ở Hoa Kỳ và theo dõi các đập Mekong, nói.

Nước xả từ các hồ chứa để sản xuất thủy điện trong mùa khô có thể “gấp đôi hay gấp 3 dòng chảy tự nhiên,” trong khi việc giới hạn trong mùa mưa có thể làm giảm dòng nước trên ½, ông nói.

“Điều nầy đang làm cho các làng đánh cá ở dọc theo biên giới Thái-Lào trở thành những trị trấn ma,” ông nói.

“Những cộng đồng nầy có ít lựa chọn để thích ứng.  Những thành viên lớn tuổi của họ không thể đối phó với những lựa chọn cuộc sống có giới hạn, và giới trẻ có thể chọn để di cư hay chọn cuộc sống khác, nhưng thích ứng đến với rủi ro của nó.”

Để đáp ứng với những lo ngại như thế, Văn phòng MRC nói MRC – mà họ giám sát – thực hiện việc đánh giá ảnh hưởng xã hội, và theo dõi dòng chảy và phẩm chất nước cho những thay đổi có thể ảnh hưởng nông nghiệp hay các cộng đồng, cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ gia tăng và tăng trưởng dân số.

MRC cung cấp “hướng dẫn khoa học và kỹ thuật và hướng dẫn về việc thiết kế, xây cất và điều hành đập” để quản lý những rủi ro và giảm nhẹ bất cứ ảnh hưởng tai hại của các dự án thủy điện, văn phòng cho biết trong ý kiến được gởi qua email.

Nhưng các nhóm vận động nói MRC không tham vấn với các cộng đồng địa phương, và đã không quy trách nhiệm cho Trung Hoa vì lũ lụt và hạn hán đã trở nên thường xuyên và dữ dội hơn kể từ khi họ xây đập.

Các đập của Trung Hoa giữ những số lượng nước lớn trong đợt hạn hán giữa 2019 và 2021 làm cho mực nước Mekong xuống đến mức thấp nhất lịch sử, làm tồi tệ thêm tình trạng hạn hán, được trình bày bởi Trung Tâm Stimson và Eyes on Earth, công ty theo dõi bằng vệ tinh có trụ sở ở Hoa Kỳ.

Trung Hoa đã tranh cãi những điều được tìm thấy nầy, nói do mưc ít, và trong năm 2020 đã ký một thỏa thuận với MRC để chia sẽ dữ kiện quanh năm về lưu lượng trong khúc sông của họ.

 

Nhu cầu năng lượng

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency (IEA)), trong phúc trình năm 2021, mô tả thủy điện như “xương sống của việc sản xuất điện carbon thấp”, với tiềm năng cao đặc biệt trong các nền kinh tế mới nổi lên và đang phát triển.

Trung Hoa là thị trường thủy điện lớn nhất trên thế giới, và các công ty Trung Hoa ở phía sau của trên ½ các dự án thủy điện mới ở Sahara Phi Châu, ĐNA và Châu Mỹ Latin đến năm 2030, theo IEA.

Nhu cầu năng lượng được tiên đoán sẽ gia tăng 6-7% mỗi năm trong hạ lưu vực Mekong, có thể thấy cái lợi kinh tế trên 160 tỉ USD vào năm 2040 từ “việc phát triển thủy điện đầy đủ”, MRC ước tính.

Nhưng có những lo ngại gia tăng đối với ảnh hưởng của các dự án thủy điện, gồm có việc dời cư người dân.

Thí dụ, trong năm 2018, 1 đập đang xây cất ở Lào bị vỡ và giết hàng chục người khi nó cuốn trôi nhà trong lũ nhanh, làm sứt mẻ hình ảnh của các dự án thủy điện trong quốc gia muốn trở thành “bình điện của Á Châu”.

 

‘Sông không thể đoán trước’

Các cộng đồng dựa vào sông từ nhiều thế hệ không còn biết làm thế nào để sống cạnh nó nữa, Niwat Roykaew, chủ tịch của Nhóm Bảo tồn Rak Chiang Khong, nói.

“Với các đập, sông đã trở nên không thể đoán trước và kiến thức của họ không còn hữu ích nữa,” Niwat, 63 tuổi, người đoạt giải Goldman Environment Prize trong năm 2022, nói.

Theo dõi Đập Mekong (MDM) – một sự cộng tác giữa Trung tâm Stimson và Eyes on Earth – dùng ảnh vệ tinh và viễn thám để cảnh báo các cộng đồng trên biên giới Thái-Lào những thay đổi trong dòng chảy của sông đến ½ m hay nhiều hơn trong thời gian 24 tiếng đồng hồ.

Nhưng điều nầy không giúp gì nhiều cho các cộng đồng không có những lựa chọn khác, theo Niwat, người cũng điều hành Trường Mekong ở Chiang Khong để giáo dục cho trẻ con địa phương về sông, và giúp các nhà nghiên cứu sông.

“Cài mà người dân muốn – cái chúng tôi xứng đáng – là đồng quản lý sông qua một tiến trình tham vấn bao gồm nhiều thành phần,” ông nói thêm.

Đối với mùa khô hiện nay cho đến tháng 4, Kam Thon chú trọng đến việc thu hoạch khai.  Trong một ngày may mắn, bà có thể nhặt được vài kg, một số phơi khô để ăn như món ăn vặt, và bán được giá cao hơn ở chợ.

“Rất khó để biết khi nào tôi có thể đi xuống nước, và tôi có thể thu hoạch được bao nhiêu mỗi ngày,” bà nói.

“Tôi cần phải nhặt càng nhiều càng tốt, khi tôi có thể.”

 

No comments:

Post a Comment