Sunday, March 12, 2023

KỸ NGHỆ ĐÁNH CÁ CAMBODIA BỊ ĐE DỌA VÌ SỐ CÁ BẮT ĐƯỢC GIẢM

 (Cambodia’s fishing industry under threat as catches shrink)

Try Thaney – Bình Yên Đông lược dịch

Mekong Eye – 27 February 2023

 

Một ngư dân trên thuyền của ông trên sông Mekong ở xã Koh Sneng, tỉnh Stung Treng, phía bắc Cambodia.   

Xã đang trải qua sự sụt giảm số cá bắt được, buộc ngư dân tìm thu nhập thay thế bên ngoài thành phần thủy sản. [Ảnh: Try Thaney]

 

Ngư dân Cambodia trong sông Mekong đổ cho các đập về việc thiếu cá và mất thu nhập

 

STUNG TRENG & KRATIE, CAMBODIA – Các cộng đồng dựa vào đánh cá trong sông Mekong dọc theo biên giới Cambodia-Lào đã thấy số cá bắt được của họ - và thu nhập – giảm lớn lao từ khi công việc bắt đầu ở đập thủy điện Don Sahong ở Lào.

Nay, nhiều người đã bỏ đánh cá, và mặc dù một số sáng kiến đã được phát động để giúp dân làng chuyển qua nuôi thủy sản, không có ai thành công vì thiếu hỗ trợ lâu dài và kiến thức kỹ thuật.

“Tôi không thể bắt đủ cá nữa,” Sok Den, một ngư dân 40 tuổi của xã Koh Sneng trong tỉnh Stung Treng ở phía bắc Cambodia, nói.  “Tất cả loại cá đều giảm trong những năm gần đây.”



Nguồn: Mapbox

 

Cộng đồng đoàn kết của ông từng mạnh mẽ và bận rộn với người dân kiếm sống bằng đánh cá.  Nhưng nay, kỹ nghệ từng phát đạt đó đang đi xuống.  Den thấy làm thế nào tình hình đi từ xấu đến tồi tệ.

Ông từng kiếm được đến 1.900 USD trong mỗi mùa đánh cá.  Nhưng đến năm 2018, thu nhập của ông đã giảm xuống dưới 1.000 USD.  Khi ông không thể cán đáng nhiên liệu cho chiếc thuyền của ông nữa, ông buộc phải bỏ nghề đánh cá.

Không có sự chọn lựa khác, ông thử nuôi cá sau khi được huấn luyện của một tổ chức phi chánh phủ ở địa phương.  Nhưng ông không thành công.

“Hiệp hội dạy chúng tôi [những kỹ thuật nuôi thủy sản], nhưng không có hỗ trợ như tiền hay vật liệu sau khi được huấn luyện.  Chúng tôi phải tự mua cá con,” ông nói.

Mằm trên một cù lao ở giữa sông Mekong, xã Koh Sneng cách đâp Don Sahong 260 MW khoảng 60 km.  Việc xây cất đập được bắt đầu ở phía nam tỉnh Champasak của Lào trong năm 2016, và đập cách biên giới với Cambodia dưới 2 km.

Đập trở thành đập thứ hai được hoàn tất trên dòng chánh Mekong trong năm 2020, 3 tháng sau khi đập Xayaburi 1.285 MW bắt đầu hoạt động ở thượng Lào.

Hầu hết điện được sản xuất từ 2 đập nầy được xuất cảng sang các láng giềng của Lào, Thái Lan và Cambodia.  Bảy đập khác được dự trù trên dòng chánh Mekong vì chánh phủ Lào bòn rút lợi ích kinh tế từ vô số sông suối chày tự do của quốc gia.

Den và các ngư dân khác trong xã liên kết sự sụt giảm số cá đến đập Don Sahong.  Nhưng cho đến nay, không có nghiên cứu khoa học để xác nhận sự liên kết nầy.

 

Sok Den, một ngư dân 40 tuổi của xã Koh Sneng trong tỉnh Stung Treng

ở phía bắc Cambodia, lái thuyền của ông dọc theo sông Mekong. 

Số cá ông bắt được giảm, bắt buộc ông phải tìm nghề khác. [Ảnh: Try Thaney]

 

Ảnh hưởng ‘vừa phải’

Được công bố trong tháng 8 năm 2022, phúc trình của Ủy hội Sông Mekong (MRC) nói đập Don Sahong và Xayaburi có ảnh hưởng ‘vừa phải’ đối với dòng nước, phù sa và thủy sản.

Từ năm 2017 đến 2021, số cá bắt đươc hàng tháng của mỗi ngư dân “có vẻ gia tăng” trong các làng ở thượng lưu đập Don Sahong.  Số cá bắt được đó được báo cáo tăng từ 14 đến 46 kg cho mỗi ngư dân.

Nhưng các cuộc phỏng vấn với ngư dân địa phương nói một câu chuyện khác.  Họ mô tả sự sụt giảm rõ rệt trong năng suất, buộc họ phải bắt đầu đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ.

Phúc trình MRC cũng nhấn mạnh đến sự sụt giảm của số cá bắt được trong làng ở hạ lưu ở phía bắc Cambodia, nơi số cá bắt được hàng tháng giảm từ 114 đến 83 kg cho mỗi ngư dân từ năm 2018 đến 2020.  Phúc trình lưu ý rằng chiều hướng rõ rệt cần có thêm thời gian để quan sát.

Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, nói sư sụt giảm của thủy sản trong sông Mekong ở Cambodia là do nhiều yếu tố.  Một trong những yếu tố đó là các đập ngăn chận việc di chuyển của cá đến các nơi đẻ trứng quan trọng.

Đập Hạ Sesan 2 trong tỉnh Stung Treng ở Cambodia, thí dụ, được dự trù làm giảm toàn bộ dân số cá Mekong 9,3% vì đường đi của cá được thiết kế kém.

Ông tin rằng bảo tồn các vùng thủy sản tự nhiên của Mekong có thể làm được, nhưng sẽ đòi hỏi việc đặt giá trị thủy sản và an ninh lương thực ở Cambodia lớn hơn hiện nay.

 

Chật vật để thích ứng

Đáp ứng với khủng hoảng giảm sút số cá, Nha Phát triển Nuôi Thủy sản của Cơ quan Quản trị Thủy sản Cambodia làm việc với các tổ chức ở địa phương để khuyến khích việc nuôi thủy sản và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân nuôi cá.

“Tăng trưởng dân số đưa đến nhu cầu gia tăng của chất đạm từ cá, nhưng những lối thực hành đánh cá hiện đại, đánh bắt thái quá và đánh cá bất hợp pháp khiến cho số cá không thể đáp ứng với nhu cầu của thị trường,” Thay Somony, giám đốc nha nói.  “Sản lượng thủy sản giảm và nó không thể hỗ trợ đầy đủ nhu cầu của người dân.”

Nha đã nhắm đến 10 tỉnh nơi họ sẽ khuyến khich việc nuôi cá, gồm có 6 tỉnh chung quanh hồ Tonle Sap.  Họ cũng có thể cứu xét việc phát động một chương trình để hỗ trợ nông dân nuôi cá ở những nơi khác ở Cambodia.  Nhưng Somony nhấn mạnh rằng cũng có vấn đề nước để cứu xét vì nhiều nơi bị thiếu nước trong mùa khô.

Mặc dù việc nuôi thủy sản quan trọng, ông nói, nó cũng phức tạp và nông dân nuôi cá phải hiểu thị trường, đặt kế hoạch kinh doanh và quản lý số tiền vô ra để thành công.

Ngư dân ở nhiều nơi ở Cambodia dựa vào sự hỗ trợ của các tổ chức phi chánh phủ ở địa phương, thường bị giới hạn tài chánh và nhận sự.

 


Doung Chantrea, một nữ ngư dân 30 tuổi, ở ao nuôi cá của cô ở làng Damre, tỉnh Kratie phía đông Cambodia.   

Cô đã có kinh nghiệm với việc nuôi cá thương mại nhưng không thành công và bị mất mát đáng kể vì cá chết. [Ảnh: Try Thaney]

 

Ở làng Damre, tỉnh Kratie ở phía đông Cambodia, tổ chức Phát triển Nông thơn Đông bắc (NRD) và Cơ quan Quàn trị Thủy sản của huyện đã cộng tác để giúp cư dân gầy dựng việc nuôi cá cho cuộc sống.

Doung Chantrea, một nữ ngư dân 30 tuổi, là một trong những người đầu tiên nhận hỗ trợ qua chương trình sau khi cô bị thiệt hại vì số cá bắt được trong sông Mekong giảm.

Chantrea và gia đình cô bắt đầu nuôi cá trong năm 2018 bằng cách tự đào các ao cá và được cung cấp cá tra con để nuôi.  Nhưng đến cuối năm 2022, họ không thể cán đáng để mua cá nuôi vì mất mát đáng kể do cá trong ao của cô chết.

“Tôi thả cá vào ao lập tức mà không để cho chúng bị lạnh trước hết, làm cho chúng chết,” cô nhớ lại.

Tương tự, nhiều cựu ngư dân sông Mekong ở xã Koh Sneng tỉnh Stung Treng đã thất bại trong việc nuôi cá mặc dù được NGOs giúp đỡ và quyết định bỏ nuôi.

Chỉ có 10 gia đình từ 100 vẫn còn nuôi, theo Sap Udom, người cầm đầu Thủy sản của xã Koh Sneng.

 

Đánh cá bất hợp pháp lan tràn

Ngư dân sông Mekong trong các làng ở thượng lưu ở Lào cũng báo cáo số cá bắt được sụt giảm.

Nhật báo Vientiane Times tường trình trong tháng 1 rằng một xã đánh cá ở làng Don Sahong, ở gần đập Don Sahong, buộc phải chuyển từ đánh cá sang gia súc thương mại và canh tác vì sự sụt giảm của số cá bắt được do “phát triển” gây ra.

Họ chuyển sang nuôi vịt và trồng rau cải để bán.  Nhưng việc buôn bán của họ gặp phải đại dịch Covid-19, khiến họ thử trồng lúa thơm.  Mức độ thành công của họ sẽ được đo trong những năm sắp tới.

Phúc trình của Vientiane Times thêm rằng dân làng địa phương đã hỏi nhà điều hành đập, Công ty Điện Don Sahong, để trợ giúp 50% tiền điện của họ dùng cho nông nghiệp, sẽ làm cho đầu tư trong việc canh tác thương mại là một chọn lựa hấp dẫn hơn cho ngư dân.

Yêu cầu đang được cứu xét dưới gói trợ cấp cuộc sống của công ty có trị giá 1 triệu USD mỗi năm cho 25 năm của thời gian chuyển nhượng đập.

Vientiane Times cũng tường trình rằng số cá giảm không chỉ ở trong vùng Don Sahong mà còn ở những nơi khác của sông Mekong – ám chỉ rằng đập có thể không phải là yếu tố chánh gây ra sự sụt giảm số cá.

 


Kong Kin, một ngư dân 62 tuổi trong tỉnh Kratie ở Cambodia, kiểm soát lưới đánh cá treo trong nhà ông.   

Hiện nay, ông chật vật để có thu nhập từ việc đánh cá vì thiếu cá để bắt. [Ảnh: Try Thaney]

 

Cùng với cuộc sống thay đổi, sự sụt giảm của số cá cũng ảnh hưởng đến kỹ nghệ đánh cá trong sông Mekong.

“Người dân không thể làm đủ từ việc đánh cá hợp pháp, vì thế họ dùng đến các phương pháp bất hợp pháp để có thể bán cho các cửa hàng,” Kong Kin, một ngư dân 62 tuổi ở huyện Sambour, tỉnh Kratie, nói.

Ông đã đánh cá gần 10 năm và từng có thể kiếm được 25 USD một ngày.  Nhung nay ông chật vật để làm chỉ 5 USD một ngày vì số cá cạn kiệt.

Ông chứng kiến sự lan tràn của việc đánh cá bằng điện trong cộng đồng của ông, gồm có các bình điện rất mạnh chạy qua một máy đổi điện, đưa một dòng điện vào nước qua các dây sắt, giết chết tất cả đời sống ở dưới nước trong vòng 40 m.

Phương pháp đánh cá nầy tiếp tục mặc dù nó bị cấm bởi chánh phủ Cambodia trong năm 2017 do nguy hại nó gây ra cho các hệ sinh thái sông.

Việc tuần tiểu được tổ chức 1 hay 2 lần một tháng trong xã Koh Sneng để đương đầu với việc đánh cá bất hợp pháp.  Nhưng hiệu quả của nó đáng nghi ngờ vì tài nguyên tài chánh giới hạn của cộng đồng địa phương.

“Chúng tôi có thuyền máy, nhưng chúng tôi không thể sử dụng nó để rượt những thủ phạm.  Chúng tôi chỉ dùng nó để tuần tiểu vùng bảo tồn của chúng tôi,” Sap Udom, người cầm đầu Thủy sản cộng đồng Koh Sneng, nói.

“Nếu chúng tôi không hành động, cá sẽ tiếp tục giảm, và cuối cùng biến mất.”

.

No comments:

Post a Comment