Tyler Roney – Bình Yên Đông lược dịch
China Dialogue – 23 April 2020
Đánh cá trên hồ Tonle Sap, Cambodia. [Ảnh: Alamy]
Việc xây cất và điều hành đập trên
sông Mekong sẽ định đoạt tương lai của hồ nước lớn nhất Đông Nam Á.
Khi cánh đồng lụt Tonle Sap tháo nước vào sông Mekong trong
mùa xuân, người dân Cambodia sống nhờ con nước nầy đối mặt với viễn cảnh ảm
đạm, với số cá thu hoạch chỉ bằng 10-20% số thu hoạch của các năm trước. Trách nhiệm của sự tụt dốc trong hệ sinh thái
được đổ cho nhiều dự án thủy điện ở thượng lưu.
Sông Tonle Sap – đọc là Ton-lay Sap – đảo ngược dòng chảy khi
Mekong ngập nước vào mùa xuân. Nó làm
ngập hồ Tonle Sap, khiến nó phình ra 5 lần lớn hơn lúc nước thấp, tạo nên một
hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á (ĐNA) và cung cấp một trong những nền ngư
nghiệp trù phú nhất của Trái đất.
Năm 2019, một sự kết hợp của thay đổi khí hậu, El Niño, và
đập trên sông Mekong và các phụ lưu khiến cho sông Tonle Sap đảo ngược dòng
chảy trong tháng 8 thay vì tháng 6 và chỉ trong 6 tuần thay vì 5 hay 6 tháng
như thông lệ. Kết quả làm cho nước cạn,
ấm, và thiếu oxygen khiến cho ngành ngư nghiệp điêu đứng.
Do áp lực từ các nhóm môi trường địa phương và quốc tế,
Cambodia đưa ra sáng kiến trong tháng 3 để tạm ngưng các dự án đập mới trong nỗ
lực bảo vệ các vùng hạ lưu như Tonle Sap.
Nhưng các vấn đề của nền ngư nghiệp Tonle Sap bắt đầu rất xa ở thượng
lưu với các đập thủy điện của Trung Hoa và cách mà các cơ sở đó điều hành việc
trữ nước và xả nước.
“Chết bởi ngàn vết cắt”
Ông Taber Hand của Wetlands Work (Công tác Đất ngập nước),
một tổ chức cung cấp các giải pháp thanh lọc nước khả chấp, mô tả thiệt hại của
Tonle Sap như chết bởi “ngàn vết cắt”.
Nó bắt đầu với việc đánh bắt bừa bãi trong thập niên 1990s, tiếp theo
với việc xây đập trên hầu hết 27 phụ lưu của hồ để dẫn tưới trong mùa khô.
Trên 1.300 km về phía bắc, Trung Hoa bắt đầu xây đập trên
sông Lancang – sông Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa – vào năm 1986 với đập
Manwan (Mạn Loan). Trong các thập niên
tiếp theo, Trung Hoa xây thêm 11 đập khổng lồ trên sông Lancang ngăn chận trên
½ lượng phù sa cần thiết cho hệ sinh thái của Mekong. Đập xa nhất vế phía bắc là đập Wunonglong có
công suất 990 MW ở rất cao trên dãy Himalayas (Hi Mã Lạp Sơn) trong Khu Tự trị
Diqing Tibetan (Địch Khánh Tạng), hoàn tất vào năm 2019. Chuỗi đập tiếp tục xuống Jinghong (Cảnh Hồng)
gần những khu rừng rậm của Xishuangbanna (Tây Song Bản Nạp). Nhiều đập được dự trù ở Ganbala (Cam Lâm) và
Mengsong (Mảnh Tống) gần hơn với biên giới Thái Lan.
Đập thủy điện Jinghong trên sông Lancang. [Ảnh: Alamy]
Một nghiên cứu của Eyes on Earth trong tháng 4, dùng ảnh vệ
tinh và mực nước để theo dõi nguồn nước, đã nghi ngờ rằng các chánh sách nguồn
nước Lancang chịu một phần trách nhiệm cho trận hán hán kỷ lục trên khắp khu
vực Mekong trong năm 2019.
“Dữ kiện vệ tinh không lừa dối và có rất nhiều nước trong Cao
nguyên Tây Tạng, ngay cả các quốc gia như Cambodia và Thái Lan cũng bị đe dọa nặng
nề,” ông Alan Basist, đồng tác giả của
phúc trình Eyes on Earth, nói với The New
York Times. “Có một số lượng nước
khổng lồ bị giữ lại ở Trung Hoa.”
Theo nghiên cứu nầy, trong đợt hạn hán 2019 – khiến cho mực
nước sông Mekong xuống đến mức thấp nhất trong thế kỷ và sông Tonle Sap đảo
nược dòng chảy trễ - lưu vực Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa nhận một lượng mưa
cao bất thường, nhưng dòng chảy bị các đập trên sông Lancang chận lại.
Phúc trình, thu thập dữ kiện từ năm 1992 đến 2019, cho rằng “chỉ
số độ ướt (wetness index) có thể dùng để phỏng đoán dòng chảy tự nhiên qua sự
phối hợp giữa các đập trên dòng chánh Mekong.
Càng nhiều đập trên Mekong có nghĩa là kiểm soát chưa từng thấy dòng
chảy của sông, nhưng hiện nay có rất ít cơ chế quản lý giữa Trung Hoa và các
quốc gia ở hạ lưu có thể đưa ra các giải pháp thích hợp và kịp thời.
Ngay nếu dòng chảy tự nhiên của sông Mekong có thể được mô
phỏng chính xác, nó không đề cập đến việc mất phù sa và thay đổi sự di chuyển
của cá rất cần thiết cho hệ sinh thái ở những nơi như hồ Tonle Sap. Cùng với mùa mưa ngắn hơn và mùa khô dài hơn
vì thay đổi khí hậu, hệ sinh thái Tonle Sap – từ cá tra dầu đến chim chàng bè –
rất căng thẳng.
Lào và Cambodia có khuynh hướng dùng thủy điện để đáp ứng nhu
cầu điện ngày càng tăng. Riêng Cambodia,
với thủy điện chiếm 48% số lượng điện sản xuất ở trong nước, đã bị mất điện
trên diện rộng trong năm 2019. Đập Don
Sahong ở gần biên giới Lào-Cambodia là đập trên dòng chánh Mekong gần Tonle Sap
nhất, do Sinohydro [của Trung Hoa] xây dựng qua sự mời gọi của Lào. Nó bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2020.
“Không phải Trung Hoa kiểm soát tất cả. Trung Hoa kiểm soát 100% các đập ở Vân Nam,
nhưng họ có thể không kiểm soát 100% các đập ở hạ lưu Mekong,” ông Taber Hand
nói. Khi được hỏi làm thế nào để cứu ngư
nghiệp của Tonle Sap, ông Hand trả lời, “Ai làm chủ hay kiểm soát đập Don
Sahong ở Lào sẽ đồng ý nên lấy nó đi.” [Lời
người dịch: Đập Don Sahong là loại đập dòng chảy nên không trữ nước. Tất cả lượng nước đến đập đều chảy qua máy
phát điện để xuống hạ lưu]
Thiếu phối hợp
Ủy hội Sông Mekong (MRC) gồm có Cambodia, Lào, Thái Lan và
Việt Nam phải là tuyến đầu của sông về quy định đa quốc cho các nước ở hạ lưu,
kể cả tính khả chấp của ngư nghiệp trong những vùng như Tonle Sap. Tuy nhiên, tổ chức nầy chỉ có tánh cách cố
vấn và không tạo sự khác biệt đối với các đập kể từ lúc được thành lập trong
năm 1995.
“Trung Hoa đã cung cấp mực nước và lượng mưa trong mùa mưa
của 2 trạm trong số nhiều trạm ở thương lưu Mekong. Điều nầy không đủ,” MRC nói với Khmer Times khi được hỏi về phúc trình
của Eyes on Earth, và thêm rằng cần phải phối hợp nhiều hơn với Trung Hoa về
các biện pháp giảm thiểu thiệt hại và chia sẻ thông tin. “MRC mong muốn Trung Hoa cung cấp thêm dữ
kiện của nhiều trạm và bao gồm mùa khô nữa.”
Cơ chế Lancang-Mekong (LMC) của Trung Hoa là câu trả lời của
Trung Hoa để quy hoạch việc phát triển cho các quốc gia hạ lưu Mekong, được MRC
hoan nghênh khi nó tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm 2016. Tháng 12 vừa qua, trong lúc hạn hán, MRC và
LMC ký một biên bản ghi nhớ về việc trao đổi tin tức và dữ kiện và theo dõi
trên toàn lưu vực. Dữ kiện về việc sử
dụng nước của Trung Hoa rất khó kiếm, vì nó được xem là bí mật quốc gia.
“MRC không có cơ chế thi hành để buộc các nhà quyết định
chánh sách đồng ý hay không đồng ý việc xây đập trên dòng chánh. Nó không có tính ràng buộc, nó do áp lực
nhóm, nó có tính tự nguyện,” nguyên Bộ trưởng Năng lượng Cambodia Pou Sothirak
cho biết. “LMC là một kiểu ngoại giao
mới của Trung Hoa. Anh sẽ phải chịu đựng
hay đối mặt với nó vì không có cách nào làm
cho nó chậm lại.”
Là một mắc xích quan trọng của Vành đai và Con đường của
Trung Hoa, LMC đi xa hơn đập thủy điện, nhưng có sự lặp đi lặp lại rõ ràng về
việc ngừa lụt của đập. Đối với những
vùng như Tonle Sap hoàn toàn dựa vào nhịp lũ, đập để ngùa lụt – dùng để giảm
thiểu nguy cơ lũ lụt và dẫn tưới – sẽ tàn phá hệ sinh thái nhiều hơn.
Nhặt lục bình trên hồ Tonle Sap. [Ảnh: Alamy]
Bước ngoặt
“Không ai có thể biết chắc chắn Tonle Sap đã đến bước ngoặt
sinh thái hay khi nào bước ngoặt đó sẽ đến,” ông Brian Eyler của Trung tâm
Stimson và tác giả của quyển sách Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ, cho
biết. “Chúng ta sẽ sớm biết điều
đó. Nhưng cái làm tôi lo nhất là nó có
thể ở đây vào lúc nầy.”
Các đập trên dòng chánh Mekong không chỉ là vấn đề cho Tonle
Sap. Các phụ lưu như Nam Ou, đóng góp
rất nhiều phù sa do cao độ, đang được ngăn đập nhanh chóng nhưng ít được chú ý.
Chuỗi thủy điện Nam Ou ở Lào gồm có 7 đập, 3 đang hoạt động
và 4 dự trù hoàn tất trong năm 2020.
Theo ông Eyler, không có đập nào do Trung Hoa xây trên ông Mekong có
biện pháp hữu hiệu cho cá và phù sa.
“Các đập Nam Ou tồi tệ nhất ở ĐNA, không chỉ trong lưu vực
Mekong. Chúng không có biện pháp giảm
thiểu ảnh hưởng môi trường – không có đường cá đi, không có cửa xả phù sa,” ông
Eyler nói.
Nam Ou 1 là đập cuối nguồn trong chuỗi đập do công ty
Sinohydro của Trung Hoa
xây trên phụ lưu của sông Mekong. [Ảnh: Ton Ka]
Sau khi chảy qua những vùng đất có nhiều phù sa ở bắc Lào,
Nam Ou đổ vào sông Mekong ở Luang Prabang, nơi một đập khác được dự trù. Toàn thể chuỗi thủy điện sẽ cung cấp 42% nhu
cầu điện của Lào khi được hoàn tất vào cuối năm 2020, với công suất tổng cộng
là 1.272 MW.
“Tôi gặp kỹ sư trưởng của Sinohydro phụ trách 7 đập đang được
xây trên Nam Ou và hỏi ông vì sao không có những nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng
môi trường cho các đập?” ông Eyler nói.
“Viên kỹ sư trả lời rằng chánh phủ Lào không bao giờ yêu cầu.”
Một trong những đập tiên tiến hơn, Xayaburi, một đập do Thái
Lan xây và sở hữu và bắt đầu hoạt động trong năm nay, có các thang cá và cửa xả
phù sa, nhưng kỹ thuật dựa trên các sông ở Âu Châu và Hoa Kỳ nên nó không thể
đối phó với đa dạng sinh học của Mekong – một hệ thống sông có thể cần phải di
chuyển trên 30 tấn cá trong 1 giờ. Để
các cửa xả phù sa có hiệu quả, đập phải giảm công suất và hiệu năng, điều mà
nhà phát triển đập không muốn.
Đập Sambor trong tỉnh Kratie, được hoãn đến năm 2030, là một
trong những đập được chú ý nhiều nhất có thể đưa đến ngày tàn của Tonle
Sap. Ông Eyler khẳng định rằng ngay với
các tiêu chuẩn thấp nhất của Xayaburi cũng vô cùng tốn kém.
“Trong 12 tháng qua có nhiều triệu chứng cho bước ngoặt sinh
thái của sông,” ông Eyler nói. “Có nhiều
người nói rằng số đập hiện nay có thể làm cho Tonle Sap không phình ra. Việc khai thác cát ở Cambodia và Lào cũng có
ảnh hưởng.”
Lấy nước ngọt ở làng Sot Nikum gần Siem Reap. Trong các đợt hạn hán nghiêm trọng gần đây,
cư dân dựa vào nước do NGOs cung cấp hay mua từ con buôn. [Ảnh: Alamy]
Năm 2020 đã cho thấy nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, với khoảng
20 tỉnh ở Thái Lan, Cambodia và Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp 3 tháng
trước khi mùa khô bắt đầu từ tháng 4.
Mặc dù các đập ngùa lụt ở thượng lưu có thể giúp cứu hạn, những đập nầy
không đủ cho nền ngư nghiệp khó khăn của Tonle Sap.
“Không có cách nào để làm như Tonle Sap, dù có bao nhiêu kỹ
sư nói họ có thể làm,” ông Eyler nói.
“Đó là một ý tưởng lố bịch nhất tôi chưa từng nghe về Mekong, vì hiện
nay, Mekong vẫn đang làm việc đó miễn phí.”
Ủng hộ các giải pháp
thay thế
Sự thật phũ phàng cho cư dân của Tonle Sap trong ngắn hạn là
cá không về. Những người dựa vào ngư
nghiệp, phần lớn không có quốc tịch, có thể được ông Senglong Youk của Nhóm
Liên hiệp Hành động Ngư nghiệp ở Cambodia giúp đỡ, đặc biệt là đa dạng hóa lợi
tức của họ vào các lãnh vực như du lịch sinh thái, mỹ nghệ và nuôi thủy sản.
“Vào năm 2040 nếu không có sự can thiệp thích đáng của chánh
quyền và các bên liên hệ thích hợp khác… hồ sẽ biến thành một sân đá banh,” ông
Senglong Youk nói, thêm rằng kinh tế èo uột của hồ trong ngắn hạn có thể được
giúp đỡ với trợ cấp cho kỹ thuật ngư nghiệp, tuần phòng và đa dạng hóa lợi tức.
Khoảng 3 triệu người xem vùng Tonle Sap là nhà và dựa vào kỹ
nghệ ngư nghiệp có trị giá hàng năm 2 tỉ USD, nhưng cũng dựa vào mùa lũ hàng
năm để làm ngập ruộng lúa. Không có nhịp
lũ hàng năm, người dân Tonle Sap mất đi nền móng của kinh tế địa phương, mà
theo một nghiên cứu trong năm 2019, cho thấy lợi tức của những người chỉ có 1
nghề giảm đi 18%.
Không có lũ hàng năm, những người dựa vào ngư nghiệp của
Tonle Sap
đối mặt với một tương lai bấp bênh. [Ảnh: Alamy]
Ngay cả nếu Trung Hoa có thể tân trang các đập ở Vân Nam để
xả nhiều nước và phù sa hơn, lưu vực ở Lào vẫn chiếm 70% nhịp lũ của Tonle Sap.
Thượng lưu của Tonle Sap, sông Mekong trở màu xanh trong năm
2019 và khô cạn là những dấu hiệu đáng lo ngại cho mùa khô sắp tới. Nếu hệ sinh thái Tonle Sap đã đến bước ngoặt
– tình huống mà sông không đảo ngược dòng chảy – trợ giúp của Trung Hoa hay các
khoản cho vay nhẹ lãi có thể là một nút chận khủng hoảng kinh tế ở trong và
chung quanh hồ. Trong quá khứ, Trung Hoa
sẵn lòng xóa nợ, trợ giúp và cung cấp cho Cambodia nguồn đầu tư lớn nhất.
Cam kết của Trung Hoa qua Vành đai và Con đường không giúp
cho các quốc gia quy hoạch các ngành, xây đường sá hay sản xuất điện. Điều nầy nên thay đổi, ông Eyler nói, thêm
rằng kiến thức về điện mặt trời của Trung Hoa có thể là một giải pháp dài hạn.
“Vành đai và Con đường có thể được tái cấu trúc một chút để
trợ giúp điện mặt trời nhiều hơn ở nước ngoài,” ông Eyler nói, thêm rằng điện
mặt trời cũng “hấp dẫn như xây nhà máy điện than hay thủy điện.”
“Vì thế có thể có một tổ hợp của các nhà đầu tư Trung Hoa, tư
nhân hay quốc doanh, có thể lắp đặt điện mặt trời, điện gió hay điện sinh khí
nhiều hơn trong các quốc gia nầy. Nếu
Bắc Kinh cung cấp chúng… dạng đầu tư nầy có thể làm chấn động lục địa ĐNA trong
hướng tích cực, nhiều đến độ sức mạnh mềm của Trung Hoa gia tăng rõ rệt.”
Trong tháng 2, Lào chính thức ký kết một thỏa thuận phát
triển sản phẩm với Hangzhou Safefound Technology (Kỹ thuật Safefound Hàng Châu)
của Trung Hoa để thực hiện một dự án điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới trên
hồ Nam Ngum 1, với công suất thiết trí 1.200 MW và chiếm 1 diện tích trên 1.500
hectares.
“Nếu Bắc Kinh muốn cho Vành đai và Con đường thành công, thì
những dòng sông ở nước ngoài phải được đối xử như giá trị của chúng,” ông Eyler
nói. “Và điều đó chỉ có thể thực hiện qua
những cuộc thảo luận có ý nghĩa với người dân ở địa phương.”
.
No comments:
Post a Comment