Sunday, May 3, 2020

KHOA HỌC CHO THẤY CÁC ĐẬP CỦA TRUNG HOA ĐANG TÀN PHÁ MEKONG


Science Shows Chinese Dams Are Devastating the Mekong

Brian Eyler – Bình Yên Đông lược dịch
Foreign Policy – April 22, 2020

Một ngư dân thả thuyền trên sông Mekong ở Pak Chom trong tỉnh Loei ở đông bắc Thái Lan hôm 31 tháng 10 năm 2019.  Con sông một thời hùng vĩ chỉ còn là một dòng nước nhỏ dơ dáy ở đông bắc Thái Lan, mực nước thấp kỷ lục được cho là do hạn hán và một đập vừa mới hoạt động cách đó vài trăm dậm ở thượng lưu. [Ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP]


Lời người dịch: Tác giả của bài viết tìm cách dùng “khoa học” để biện minh cho lập luận của mình cho rằng “các đập của Trung Hoa đang tàn phá Mekong.”  Vì thế, lập luận này có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau hay đi ngược với nguyên tắc của thủy học và thủy điện.  Các điểm nầy sẽ được nêu ra ở dưới đây.

Dữ kiện mới cho thấy ảnh hưởng tàn khốc đối với nguồn nước của hàng triệu người ở hạ lưu.

Mười một đập dựng trên con sông Mekong hùng vĩ trước khi nó rời Trung Hoa để chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.  Từ lâu, tôi đã nghi ngờ rằng Trung Hoa có thể dùng 11 đập khổng lồ đó để khóa vòi nước của các quốc gia hạ lưu.  Rất nhiều sinh kế của người dân, gồm 20% sản lượng cá nước ngọt của thế giới, dựa vào con nước lên xuống theo mùa của Mekong.  Vâng, đập có thể trữ nước trong một thời gian, nhưng cuối cùng số nước đó phải được xả xuống hạ lưu qua các máy phát điện hay cửa xả lũ.  Giữ số nước đó để làm đòn bẩy có vẻ là một sai lầm ngoại giao. [Lời người dịch: Vừa nói nước phải được xả xuống hạ lưu, tác giả liền mâu thuẫn với chính mình khi nói nước được giữ lại để làm đòn bẩy ngoại giao.]

Từ khi Trung Hoa bắt đầu xây đập vào đầu thập niên 1990s, các quốc gia hạ lưu lo ngại Trung Hoa có thể dùng chuỗi hồ chứa khổng lồ - chúng có khả năng chứa một lượng nước trong vịnh Chesapeake – để làm con tin.  [Lời người dịch: Đúng là các hồ chứa có khả năng chứa một số lượng nước rất lớn, nhưng chuyện làm con tin chỉ là một suy đoán của tác giả bài viết].  Khi thuyết trình về quyển sách mới đây của tôi, Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng Vĩ, tôi thường cảm thấy cử tọa thất vọng vì tôi tránh mô tả Trung Hoa như là một hung thần ở thượng lưu.  Việc xây đập, khai thác cát, đánh bắt thủy sản và sử dụng nước ở các quốc gia hạ lưu Lào, Việt Nam, Thái Lan và Cambodia cũng làm hại hệ thống mong manh.

Trung Hoa xem dữ kiện quản lý nước là bí mật quốc gia, và, ngoại trừ bằng chứng mới, rất khó để có những kết luận có thể biện hộ được về việc quản lý mực nước sông Mekong của Trung Hoa.  Điều đó đúng, cho đến tháng nầy, khi dữ kiện mới đáng chú ý được công bố.  Nó chiếu một tia sáng mạnh mẽ về số lượng nước mà các đập Trung Hoa đã giữ lại – ngay khi các nước ở hạ lưu thống khổ vì hạn hán chưa từng thấy.

Hàng năm, sông Mekong lên xuống theo chu kỳ với mùa mưa, khi một số nước khổng lồ của mưa mùa và tuyết tan từ Himalayas (Hi Mã Lạp Sơn) chảy xuống hạ lưu.  Nhưng dọc theo biên giới Thái-Lào từ tháng 6 đến tháng 11 năm rồi, dòng chánh Mekong khô cạn, đáy sông và ghềnh đá lộ ra, và nhiều vũng nước cách biệt với cá rơi lõm bõm vì không thể bơi đến nơi sinh sản.

Tháng 7 đó, mực nước trong dòng chánh xuống thấp đến mức các bơm dẫn tưới không thể vươn tới, chánh phủ Thái Lan phải huy động quân đội để cứu trợ.  Vào mùa thu, hồ Tonle Sap thường đầy với nước mưa mùa từ dòng chánh trong 5 tháng, cung cấp cho người dân Cambodia khoảng 70% chất đạm.  Năm rồi, sự phình ra của hồ, thường được mô tả là nhịp đập của Mekong, chỉ kéo dài 5 tuần, và có nhiều báo cáo cho biết nó chỉ cho một phần của số 500.000 tấn thực phẩm như thông lệ.

Các quan sát viên, kể cả tôi, ban đầu kết luận rằng mực nước thấp bất thường trong dòng chánh là do lượng mưa thấp trên toàn lưu vực.  Hiện tượng thời tiết El Niño vẫn kéo dài cho đến nay làm cho hầu hết khu vực khổ sở với trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử.  Ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, hàng trệu người đang thiếu nước ngọt.  Nhưng một nghiên cứu mới của hãng cố vấn thời tiết Eyes on Earth ở Hoa Kỳ cho chúng ta môt lý do khác: Trong 6 tháng của năm 2019, các đập của Trung Hoa giữ một số lượng nước chưa từng thấy không cho chảy xuống hạ lưu Mekong.  Số lượng nước được giữ lại lớn đến nỗi, lần đầu tiên trong lịch sử đo đạc, mực nước trong mùa mưa không lên cao ở trạm thủy học Chiang Saen ở ngay dưới biên giới Trung Hoa. [Lời người dịch: Mực nước sông Mekong ở Chiang Saen xuống đến mức thấp nhất kỷ lục có thể do 1 trong 2 hay cả hai lý do: nước từ thượng nguồn bị giữ lại hay thượng nguồn không có nước vì hạn hán.  Tác giả bài viết chọn lý do thứ nhất mà quên đi lý do thứ hai.  Mực nước ở Chiang Saen xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử vì thượng nguồn không có nước do hạn hán.]

Ảnh hưởng của đập Nuozhadu đối với sông Mekong
Mực nước (m)
Nguồn: Regan Kwan, Stimson Center

Dữ kiện mới của Eyse on Earth cũng cho thấy rằng, mặc dù hạ lưu vực bị hạn hán nghiêm trọng, thượng lưu vực trong lãnh thổ Trung Hoa, nơi có nhiều đập khổng lồ, thì có nhiều mưa hơn bình thường.  [Lời người dịch:  Điểm nầy mâu thuẫn với dữ kiện về lượng mưa được trình bày dưới đây.  Dữ kiện cho thấy lượng mưa trên toàn lưu vực, kể cả thượng lưu vực, ở dưới lượng mưa trung bình từ năm 2000 đến 2018].  Dữ kiện của Eyes on Earth cho thấy thượng lưu vực nhận một số lượng nước trên trung bình – gần như tất cả số nước đó bị giữ lại.  [Lời người dịch: Nghiên cứu của Eyes on Earth cũng quên đi lý do hạn hán khi kết luận rằng các đập Trung Hoa giữ nước làm cho sông Mekong khô cạn].  Nhóm của tôi củng cố bằng chứng đó với dữ kiện viễn thám từ Google Earth.  Nếu không có các đập Trung Hoa để thay đổi dòng chảy giữa thượng và hạ lưu, phải có đủ nước trong dòng chánh để cho mực nước ở mức trung bình hay cao hơn trong vùng biên giới Thái-Lào.

Ngoài khám phá quan trọng là trong suốt mùa mưa 2019, các đập Trung Hoa hoàn toàn cản trở dòng chánh Mekong tự làm đầy dọc theo biên giới Thái-Lào, nghiên cứu cũng cho thấy Trung Hoa đã càng ngày càng hạn chế nước theo thời gian – nhất là trong mùa mưa – kể từ khi đập Nuozhadu (Nọa Trát Độ) kếch xù bắt đầu hoạt động từng phần từ năm 2012 và 2014.  [Lời người dịch: Theo nguyên tắc của thủy điện, nước được trữ lại vào mùa mưa và xả ra vào mùa khô, nên mực nước ở Chiang Saen thấp hơn trong mùa mưa và cao hơn trong mùa khô.]  Hơn nữa, bằng chứng của nghiên cứu giải thích lũ lụt xảy ra bất thường dọc theo biên giới Thái-Lào trong mùa khô, thỉnh thoảng làm cho mực nước dâng cao vài m trong 1 đêm và gây hàng triệu USD thiệt hại cho các cộng đồng ở ven sông. (Nhóm nghiên cứu của tôi đào sâu vào vấn đề nầy trong một bài khác.)


Đập Jinghong (Cảnh Hồng): Ảnh vệ tinh tổng hợp chụp hồ chứa sau đập Jinghong trên sông Mekong ở Trung Hoa cho thấy hồ gần đầy trong 12 tháng từ tháng 5 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020.  Hồ chứa nầy ở cuối nguồn của 11 đập không lồ và nước xả từ hồ nầy ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước ở Chiang Saen, Thái Lan.  Không có hồ chứa nào ở Trung Hoa cho thấy mực nước gia tăng trong suốt mùa mưa 2019. [Ảnh: Planet Explorer]


Đập Nuozhadu: Ảnh vệ tinh tổng hợp chụp hồ chứa sau đập Nuozhadu trên sông Mekong ở Trung Hoa cho thấy hồ đầy từ từ trong mùa mưa và đầy cho đến tháng 4 năm 2020.  [Lời người dịch: Điều nầy mâu thuẫn với lời chú thích cho đập Jinghong ở ngay bên trên].  Hồ chứa nầy là một trong những hồ chứa lớn nhất trên thế giới, để hình dung, có thể chứa ½ số nước trong vịnh Chesapeake. [Ảnh: Planet Explorer]

Đây là những khám phá quan trọng, không chỉ về kết quả mà còn về phương pháp.  Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu và quan sát viên bên ngoài Trung Hoa có thể theo dõi hoạt động và ảnh hưởng của các đập Trung Hoa.  Phương pháp của Eyes on Earth rất dễ mô phỏng, tương đối ít tốn kém, và có khả năng theo dõi tức thời.  Ảnh vệ tinh hàng ngày từ các hãng không ảnh tư nhân cũng cho thấy những gì xảy ra ở các hồ chứa ở thượng lưu đó.

Nhưng những hành động của TrungHoa ở thượng lưu vẫn còn gây bối rối, nhất là quyết định trong năm 2019 để phá vỡ dòng chánh Mekong bằng cách hạn chế nước hơn bao giờ.  Đây có phải là kết quả của một chánh sách có phối hợp để làm cho các quốc gia Mekong phải tuân lời?  Bắc Kinh có thể dùng nước trước khi để nó chảy xuống hạ lưu, nhưng làm cho mực nước xuống thấp kỷ lục và có tiềm năng đưa đến khủng hoảng lương thực hầu như không phải là một phương pháp hữu lý để cải thiện ngoại giao ở các nước láng giềng.  Thay vào đó, có lẽ các hệ thống cạnh tranh hay tham nhũng giữa các nhà điều hành đập và chánh quyền đang cản trở dữ kiện đo đạc chính xác đến các nơi quyết định ở Bắc Kinh, nơi chánh sách ngoại giao Mekong được định đoạt.

Mặc dù Bắc Kinh muốn giữ tin tức về sông xuyên biên giới trong bóng tối, chúng tôi biết rằng tiến trình dựa trên dữ kiện từ các nguồn bên ngoài có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với chánh trị khép kín của Trung Hoa.  Năm 2018, bầu trời Bắc Kinh bị ô nhiễm vì khói từ các nhà máy và xe cộ, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh bắt đầu phổ biến phẩm chất không khí, cho thấy mức nguy hiểm của không khí ở Bắc Kinh.  Mặc dù chánh phủ Trung Hoa phủ nhận giá trị của nó, con số của tòa đại sứ càng ngày càng được người dân Bắc Kinh chú ý.  Sau cùng, giới chức Trung Hoa thiết lập các trạm theo dõi phầm chất không khí trên toàn quốc và phát động một chiến dịch về chánh sách và giáo dục để giảm bớt ô nhiễm không khí.  Nhiều quốc gia đang phát triển cũng theo gương của Trung Hoa.

Lượng mưa trong mùa mưa 2019 trong Lưu vực Mekong
So sánh với lượng mưa trung bình từ 2000 đến 2018

Source: Regan Kwan, Stimson Center.

Dữ kiện của Eyes on Earth, được rút từ các phương pháp được duyệt xét và được nhiều chuyên viên thủy học cho tôi biết là “khỏi chỗ chê”, đều hoàn hảo.  [Lời người dịch: Đây chỉ là nhận định của tác giả, vì phương pháp nghiên cứu của Eyes on Earth là một phương pháp “mới lạ” dựa trên “khái niệm lý thuyết” chưa được kiểm chứng.]  Và giống như dữ kiện phẩm chất không khí, Bộ Ngoại giao Trung Hoa đã bác bỏ nghiên cứu của Eyes on Earth như là một âm mưu của chánh phủ Hoa Kỳ - một cáo buộc được đưa ra trước nghiên cứu được công bố trên trang Mekongwater.org của Sáng kiến Dữ kiện Thủy học Mekong của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.  Nhưng nếu dữ kiện tiếp tục cho thấy mức độ của việc hạn chế nước của Trung Hoa trên dòng chánh Mekong, có lẽ Bắc Kinh buộc phải thay đổi ý kiến.

Họ có thể quyết định chia sẻ dữ kiện của một số trạm thủy học và hồ chứa ở thượng lưu với các quốc gia hạ lưu, cái mà Trung Hoa miễn cưỡng để làm kể từ khi đập đầu tiên được xây dựng 3 thập niên trước đây.  Với hệ sinh thái mong manh ở hạ lưu, hạn hán không ngừng gia tăng, và hàng chục triệu người dựa vào dòng sông để sinh tồn, Trung Hoa – vì lợi ích lớn nhất của mình - nên hợp tác với các nước láng giềng.

Khoa học đã làm giảm sự lưỡng lự của tôi để rút ra những kết luận vững chắc về ảnh hưởng của các đập Trung Hoa ở thượng lưu.  [Lời người dịch: Khoa học bị bóp méo cho vừa với kết luận méo mó được định trước theo ý muốn.]  Nó có thể thay đổi ý kiến ở Bắc Kinh và trên khắp Đông Nam Á nữa.

.

No comments:

Post a Comment