Zoe Osborne – Bình Yên Đông lược dịch
Al Jazeera – 22 April 2020
Những cánh đồng nứt nẻ nay rất thường thấy ở
Đồng bằng sông Cửu Long.
[Ảnh: Zoe Osborne]
Nông dân chịu thiệt hại
nặng nề và cộng đồng vật lộn với nước biển xâm nhập vào vùng nước ngọt.
Đà Nẵng,
Việt Nam
– “Vâng, tôi có thể nói, cá của tôi chết hết.”
Nguyễn Thị Bạch Viên có vẻ cam phận hơn bất cứ
thứ gì khác. Bà gọi từ nhà ở tỉnh Bến
Tre, cách thành phố Hồ Chí Minh vài giờ lái xe về phía nam trong trung tâm của
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi bà có ao nuôi cá và vườn dừa và bưởi.
Tôm và tôm càng của bà Viên cũng chết.
Người đàn bà 62 tuổi sống cả đời trên mảnh đất
của bà, nhận thấy đất từ từ thay đổi và không khí oi ả thêm mỗi năm. Nay bà lo sợ rằng bà và chồng có thể là những
thành viên cuối cùng của gia đình phải làm việc đơn độc trên mảnh đất của họ.
Bà Viên nói: “Cá chết và tôm chết, và nếu chúng
ta không sớm có một giải pháp, tôi nghĩ, nông dân cũng chết.”
Vấn đề là nước.
Nước mặn đã xâm nhập chưa từng thấy vào ĐBSCL trong năm nay, đến độ lúa
và hoa màu không thể sống.
ĐBSCL là một vùng rộng bao la gồm có đồng bằng,
đảo nhỏ và rừng đước ở cuối sông Mekong, nơi duyên hải Việt Nam tiếp giáp với
biển. Nó rộng khoảng 65.000 km2
(25.100 mi2) là nơi cư trú của trên 20% dân số của Việt Nam.
Sông Mekong chảy vào ĐBSCL từ Quinghai (Thanh
Hải), Trung Hoa ở phía bắc, uốn khúc qua Tibet (Tây Tạng) và Đông Nam Á, tạo
nên cái được gọi là vườn Địa đàng cho đời sống thiên nhiên.
Có hàng triệu nông dân như bà Viên trên khắp
ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề, nhưng họ không thể làm gì khác ngoài hy vọng rằng
mọi thứ sẽ thay đổi trước khi không còn gì sót lại.
Một hệ
thống thất thường
Nước mặn xâm nhập vào ĐBSCL hàng năm là một
hiện tượng tự nhiên của đồng bằng, nhưng chưa bao giờ xâm nhập sâu hay với
cường độ như vậy.
Thông thường, sông Mekong trở mặn khoảng 1 tháng,
nhưng năm nay, nông dân phải gánh chịu ít nhất 4 tháng mặn và tình hình có vẻ
còn tiếp tục.
Xâm nhập của nước mặn ở ĐBSCL. [Ảnh: Zoe Osborne]
Nước mặn bắt đầu xâm nhập vào đồng bằng sớm hơn
vào giữa tháng 11 năm 2019 và đến tháng 1 năm nay, nước mặn được dự đoán xâm
nhập sâu hơn từ 30 đến 40 km so với mức trung bình trong suốt mùa khô. Nước mặn sẽ xâm nhập nhanh đến giữa tháng 4,
và độ mặn cao nhất sẽ kéo dài đến tháng 5, ngoại trừ mưa mùa đến sớm để tái lập
sự cân bằng.
Độ mặn cao do nhiều yếu tố, gồm có thiếu nước
ngọt chảy vào đồng bằng và chiều sâu lòng sông gia tăng. Điều nầy, trong phạm vi nào đó, do ảnh hưởng
của thay đổi khí hậu.
Khi hệ thống Mekong hoạt động bình thường, nó làm
ngập trong mùa mưa. Nước ngọt từ thượng
nguồn tràn qua đồng bằng rồi đổ ra biển.
Hồ Tonle Sap ở Cambodia, cung cấp 30-35% nước cho
ĐBSCL, được nước lũ làm đầy, rồi trong mùa khô, nó xả nước từ từ vào
ĐBSCL. Điều nầy cho phép nước ngọt tiếp
tục đẩy nước mặn mặc dù không có mưa.
Hồ thường được tháo hết vào khoảng tháng 3, khiến
cho độ mặn lên cao, nhưng chỉ có 1 tháng cho đến khi mưa mùa đến, và lưu vực
Mekong lại bắt đầu mùa lũ.
Nông dân có thể xoay sở trong 1 tháng vì họ trữ
nước cho mùa khô.
“Người dân luôn có lu nước sẵn sàng. Vườn của tôi có 5 cái ao để trữ nước mưa
quanh năm,” bà Viên nói.
Nhưng năm nay, Tonla Sap không đầy và nước mặn
xâm nhập vào đồng bằng nhiều tháng.
Thủ phạm chánh là các đập ở thượng lưu đã kiểm
soát dòng chảy và phù sa trong mùa lũ, khai thác cát làm cho lòng sông sâu hơn.
Các đập ở
thượng lưu
Hiện nay có 11 đập ở Trung Hoa, 2 ở Lào trong hạ
lưu Mekong, và ít nhất 300 trên các phụ lưu.
Các đập dùng cửa xả lũ để xả nước trong mùa mưa có kiểm soát hơn.
“Nước sau cùng rời các đập, nhưng với một mức độ
thấp hơn, Sepehr Eslami, một kỹ sư duyên hải, nghiên cứu trưởng và cố vấn cho
Đại học Utrecht và Deltares ở Hòa Lan, cho biết.
Điều nầy làm cho Tonle Sap không thể đầy trong mùa
mưa vì không còn đỉnh lũ. Điều đó có
nghĩa là có ít nước chảy vào ĐBSCL, mà theo ông Sepehr, thiếu khoảng 10 tỉ m3
(2.640 tỉ gallons) trong mùa khô.
“Dòng sông đã chết,” Trần Thọ Tứ, một nông dân trồng lúa ở Bến Tre
nói. “Nước không có cho con người, huống
hồ đến ruộng lúa và súc vật. Chúng tôi
đang phải mua nước với giá đắt để nấu nướng.”
Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thất mùa vì hạn mặn. [Ảnh: Zoe
Osborne]
Thời tiết bất thường do thay đổi khí hậu làm cho vấn đề thêm
tồi tệ. Trong năm 2019, mùa khô đến sớm
cũng ảnh hưởng đến mực nước của hồ Tonle Sap.
Rồi thì hạn hán đến sớm và vẫn chưa chấm dứt. Nhưng đây chỉ là một yếu tố phụ thuộc.
“Nếu không có đập và nếu việc khai thác cát được hạn chế, sẽ
không bao giờ có vấn đề to lớn,” ông Sepehr nói. “Đợt hạn hán xảy ra trong lúc một đập mới
[đập Xayaburi] được làm đầy [trong tháng 10] và vì thế, ảnh hưởng của đợt hạn
hán nhỏ đã trở nên ngoài tầm kiểm soát.” [Lời
người dịch: Đập Xayaburi là đập dòng chảy nên không trữ nước.]
Không ai có thể biết khi nào sẽ có mưa.
Khai thác cát và lòng
sông sâu
Yếu tố then chốt khác là sự sụt giảm số lượng đất bùn, cát và
sạn – phù sa – được bồi lắng ở lòng sông của lưu vực Mekong. Các đập ở thượng lưu không chỉ thay đổi dòng
chảy tự nhiên mà còn ngăn chận phù sa chảy xuống hạ lưu. Điều nầy làm cho lòng sông Mekong sâu hơn,
cho phép một số lượng nước mặn nặng hơn tràn vào.
Các đập lấy đi hàng triệu tấn phù sa của sông Mekong mỗi năm.
Điều nầy không chỉ làm giảm số cát để lót lòng sông, nó còn
thúc đẩy sạt lở, làm cho vấn đề thêm tồi tệ.
Khi dòng sông không có đủ phù sa, nó ngoạm vào bờ và lòng sông.
“Trong lúc đó, việc khai thác cát xảy ra ở hạ lưu,” ông Sepehr
nói, là một hình thức khai cát mà cát được lấy đi từ lòng sông bằng máy xúc hay
máy bơm rất mạnh. “Mức độ [mà cát được
khai thác] không chỉ khổng lồ ở Việt Nam mà còn ở Cambodia. Có thể lên đến 50-100 triệu tấn mỗi năm.”
Phần lớn cát được dùng để phát triển đô thị. Việc khai thác cát làm xáo trộn mạnh mẽ hệ
sinh thái của lòng sông. Nó làm sạt lở
bờ sông và đào sâu vào lòng sông, khiến nước mặn tràn vào nhiều hơn làm cho
đồng bằng cằn cỗi.
Sơ đồ cho thấy dòng chảy và sự mất phù sa.
[Ảnh: Zoe Osborne]
Ngày xưa, có khoảng 160 triệu tấn phù sa được
sông Mekong chuyên chở hàng năm, nhưng nay nó đang sụt giảm mạnh mẽ - sụt giảm
do các đập lên đến 90%, trong khi sụt giảm do khai thác cát có lẽ gần
100%. Điều nầy không chỉ làm giảm số
lượng mà còn làm thâm thủng cát bồi lắng.
Theo các phúc trình, lòng sông Mekong đang sâu
thêm 200-300 mm (7,9-11,8 inches) mỗi năm.
“Không có dư nước để
rửa chén”
Những yếu tố nầy có ảnh hưởng lớn lao đến nông dân địa
phương.
Nông dân trồng lúa Trần ước tính sẽ mất khoảng 30% số thu
hoạch trong mùa nầy vì không có nước ngọt để tưới ruộng.
“Hãy nhìn nước. Nó
giống như canh bùn,” ông nói. “Nó không
thể dùng để rửa chuồng heo, chứ đừng nói đến tưới ruộng.”
Ông Trần, 53 tuổi, canh tác những cánh đồng rộng lớn, với một
mảnh vườn nhỏ trồng rau và cây ăn trái ở bên cạnh để dùng trong gia đình. Giống như nhiều nông dân Mekong, ông cũng có
vài con bò, heo nái, gà và vịt, và một ao cá được nuôi bằng chất thải từ vườn
và chuồng heo.
Gia đình ông đã canh tác mảnh đất nầy từ 60 năm nay, nếu
không nói là lâu hơn. Họ kiếm được từ 10
triệu đồng (425 USD) đến 100 triệu đồng (4.250 USD) mỗi tháng tùy theo lúc
trong năm từ số lúa thu hoạch và hoa màu.
Lúc ông Trần còn trẻ, người dân sinh ra, sống và chết trên
dòng sông. Nó rất đẹp, và gần như một
dòng nước lũ đáng sợ vào lúc đó.
“Thế hệ của tôi, chúng tôi biết bơi trước khi biết đi,” ông
nói. “Vào lúc đó, chúng tôi có thể lấy
thức ăn từ sông… và [có những] cánh đồng đến tận chân trời. Anh có thể bị lạc đường trong những cánh đồng
đó.”
Nhưng nay, dòng sông chết và lúa héo hon. Gia đình ông phải thu hoạch sớm để cứu một ít
lúa còn sót lại.
Người nuôi cá – vợ chồng bà Viên – nay phải mua nước để dùng.
[Zoe Osborne]
Tương tự, bà Viên không chỉ mất ao cá và tôm, mà hầu hết vườn
bưởi cũng mất vì nước mặn.
“Chúng tôi phải chặt hết trái… để cứu cây,” bà nói. “Đây là sự chọn lựa giữa việc cứu mẹ bằng cái
giá của các con, [và] mất cả hai.”
Các mương của bà khô cạn và hôi hám. Bà vừa phát hiện bùn bám lên vách.
“Bùn ở trên mặt đất.
Kim loại và muối cùng với vài chất dơ dáy khác,” bà nói. “Mùi của nó có thể nhận ra từ xa vài mét, và
nó không phải là mùi thơm.”
Thay vì dùng nước sông, bà Viên phải mua nước ngọt để dùng
trong gia đình, và càng nhiều càng tốt, cho mảnh vườn. Từ đầu tháng 4, bà đã mua hơn 10 m3
(2.642 gallons) với giá trên 1 triệu đồng (42 USD).
Có nhiều gia đình giống như gia đình bà.
Bà dùng nước sông Mekong nếu có thể được để tiết kiệm càng
nhiều càng tốt.
“Nó có thể dùng để giặt quần áo,” bà nói. Nó làm cho quần áo dính muối nhưng chúng chịu
được. “Giải pháp thay thế là mất thêm
tiền.”
Ông Trần cũng mua nước.
Ông tốn khoảng 1 triệu đồng (42 USD) mỗi tháng và đó chỉ đủ cho nhu cầu
cần thiết, như ăn uống và nấu nướng.
“Với giá đó, chúng tôi không có dư nước để rửa chén,” ông Trần
nói. “Chúng tôi ăn thẳng từ nồi và chảo
trong lúc nầy. Mọi người chỉ cần muỗng
để múc.”
Nước ngọt đến từ nhiều nguồn khác nhau. Một số do chánh quyền cung cấp, một số do các
cơ quan từ thiện tặng, và một số được các tổ chức tư nhân bán – và họ vừa tăng
giá, nhiều người địa phương cho Al Jazeera biết.
Ông Ngô Quang Khoa là một nông dân gieo giống.
[Ảnh: Zoe
Osborne]
Nơi nông dân gieo giống Ngô Quang Khoa sống, cả nước đã dùng
trong nhà và nước ngọt cho trang trại đều có sẵn. Chánh quyền mang nước gia dụng hàng tuần
nhưng gia đình ông không dùng. Họ dùng
nước chở bằng thuyền từ thượng lưu. Nước
miễn phí nhưng họ phải trả tiền chuyên chở.
“Giá cả tùy theo thuyền lớn hay nhỏ,” ông nói. “Một thuyền nhỏ tốn khoảng 1 triệu đồng (42
USD) và có thể chở 10 m3 nước, một thuyền lớn tốn 3-5 triệu đồng
(128-212 USD) có thể chở 40-70 m3 nước.”
Các cơ quan từ thiện cũng cung cấp nước miễn phí. Ngay các nhân vật nổi tiếng cũng tài trợ máy
biến nước mặn thành nước ngọt.
Nhưng phạm vi của việc từ thiện rất hạn chế. Nhiều nông dân cứ dùng nước mặn, dù được hay
không.
“Dây chuyền thực phẩm có
thể sụp đổ”
Ông Dũng, người nuôi cá và trồng một ít cây ăn trái ở tỉnh
Tiền Giang, chỉ có thể nhận đủ nước do chánh quyền cấp cho cây ăn trái vì có
giá trị cao. Ông bơm nước sông Mekong để
nuôi cá.
“Cá có thể sống trong nước mặn, nhưng nếu không đúng điều
kiện, cá sẽ không lớn như trong nước ngọt,” ông nói.
Ông nuôi chúng lúc còn nhỏ rồi bán cho người khác để nuôi đến
khi bán được. Nhưng nay người ta không
muốn mua nữa.
“Họ sợ mua… cá của tôi,” ông nói.
Cùng với cá, ông Dũng trồng lúa, vài loại rau cải và cây ăn
trái. Nếu ông không thể canh tác những
thứ nầy, ông nói, ông vẫn có thể ở lại và cố gắng thích ứng – trong vùng nầy,
không có gì khác ngoài canh tác và những công việc khác thì đã đủ người. Nếu ông muốn làm việc khác, sẽ có nhiều người
tranh giành với ông.
Nhưng ông rất lo. Thất
thoát như ông khiến nông dân lâm vào tình trạng khó khăn về tài chánh.
Giá cá của ông Dũng tụt giảm.
Ông nói ông thường bán với giá 40.000 đồng (gần 2 USD) một kg, nhưng nay
chỉ bán được 15.000 đồng (0,64 USD) một kg.
Nhiều người đang mang nợ vì những gì đang xảy ra. Mọi người ông Trần quen biết đều mang nợ,
nhiều hay ít, và ông cũng thiếu nợ.
Ông Dũng, một người nuôi cá, cố gắng thích ứng
với những thay đổi.
[Ảnh: Zoe Osborne]
Không thể sống còn bằng việc canh tác, nhiều
gia đình phải làm thêm việc khác để sống qua ngày.
“Vùng nầy có vài cở sở kỹ nghệ và đóng gói, vì
thế nhiều người trẻ trở thành công nhân hay bắt đầu theo đuổi các nghề khác,”
bà Viên nói.
Nhưng ảnh hưởng của nước mặn không dừng lại ở
nông dân địa phương. Nó có thể biến
chuyển trên qui mô quốc gia hay quốc tế.
Theo ông Sepehr, nếu các bên liên hệ tiếp tục lạm
dụng lưu vực Mekong, sự xâm nhập của nước mặn mà ĐBSCL trải qua trong năm nay
có thể trở thành thông lệ trong 10 đến 20 năm tới.
Trong trường hợp nầy, hậu quả kinh tế xã hội có
thể vô cùng nghiêm trọng.
“Toàn thể… chuỗi thực phẩm sẽ sụp đổ,” ông Sepehr nói. “Các mô hình thương mại sẽ phải thay
đổi. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó
khăn để duy trì hiện trạng… [cho nên] họ phải nhường nông nghiệp và nuôi cá cho
các tổ chức lớn hơn.”
Kết quả là độc quyền sẽ phát triển, và sẽ áp
đặt nhiều hơn các phương pháp canh tác cơ giới hóa.
“Trong thời gian chuyển tiếp nầy, có thể có
nhiều tốn kém. Để giúp đỡ cho những
người mất nhà, mất việc và mất bảo hiểm y tế… mất gia đình,” ông Sepehr nói.
An ninh lương thực có thể là một vấn đề.
“Muối không tốt cho hoa màu, nhất là lúa không
có sức chịu mặn cao; vì thế sớm hay muộn khi nước mặn xâm nhập vào đất liền có
thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức thu hoạch,” ông Marc Goichot, cố vấn
trưởng của chương trình Mekong của Quỹ Hoang dã Thế giới (WWF), cho biết.
“Có nhiều tình huống khiến cho [ĐBSCL] không
thể sinh sống được,” ông Sepehr nói. “Vì
thế sẽ có di cư tập thể đến các nơi khác ở Việt Nam hay Cambodia.”
Quá trễ
để quay trở lại
Vào thời điểm nầy, dường như không thể đảo
ngược ảnh hưởng của hoạt động của con người đối với lưu vực Mekong.
“Phải mất… 20 [đến 30] năm… từ lúc bắt đầu xây
đập và sự gia tăng khai thác cát để tạo nên những vấn đề chúng ta thấy hiện
nay,” ông Sepehr nói. “Nếu tất cả mọi
thứ được đảo ngược hôm nay, nó có thể phải mất 30 năm.”
Cây bưởi trong vườn của bà Viên, vài nông dân
nay phải cắt bỏ trái để cứu cây.
[Ảnh: Zoe Osborne]
Nhưng mặc dù không thể phục hồi hoàn toàn, vẫn
có nhiều điều có thể làm để hạn chế các ảnh hưởng.
“Các quốc gia trên khắp lưu vực Mekong nên đồng
ý các kế hoạch quản trị toàn lưu vực… kiểm soát việc khai thác cát và ngưng xây
đập,” ông Sepehr nói. “Hậu quả của các
đập không chỉ ở quốc gia chủ nhà, mà còn cho các quốc gia hạ lưu.”
Đã có vài tiến triển. Trong tháng 3, Cambodia loan báo rằng họ sẽ
tạm ngưng việc xây đập thủy điện mới trên dòng chánh Mekong trong 10 năm. Trong tháng 2, Thái Lan hủy bỏ các kế hoạch
do Trung Hoa cầm đầu để nạo vét một khúc sông quan trọng của sông Mekong.
Ở cấp địa phương, Việt Nam công bố Nghị quyết
120, một thỏa thuận về “Phát triển Khả chấp và Chịu đựng Khí hậu cho ĐBSCL”
trong năm 2017, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) đã soạn thảo
một kế hoạch để tái cấu trúc nông nghiệp quốc gia.
Nhưng những nỗ lực tổng quát để phát triển khả
chấp vẫn còn nhỏ nhoi. Như ông Marc
Goichot nói với The Guardian, Ủy hội
Sông Mekong (MRC) “đã không thành công bao nhiêu trong việc tìm kiếm một mẫu số
chung hay nhất trí về những quyết định quan trọng.”
“Có nhiều tin đồn rằng việc quản trị nguồn nước
Mekong sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh ASEAN,
nhưng một lần nữa, tôi thấy các tường trình rời rạc và không chắc nó sẽ xảy
ra,” ông Sepehr nói.
Là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều
nhất trong lưu vực Mekong, Việt Nam có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong
việc phát triển Mekong.
Năm ngoái, PetroVietnam, một công ty dầu quốc
doanh của Việt Nam, đầu tư vào đập Luang Prabang đầy tranh cãi ở Lào. Hành động nầy được thúc đẩy bởi lý do địa
chánh trị - để ảnh hưởng việc điều hành đập thay vì để cho Trung Hoa làm chuyện
nầy.
Nhưng ảnh hưởng có thể không đủ.
Phát
triển khả chấp hơn
“Tôi nghĩ Việt Nam phải đặt các nỗ lực ngoại giao
vào việc ngừng xây đập, thay vì đầu tư vào đó để có một chỗ ngồi trên bàn,” ông
Sepehr nói. “… Việt Nam nên có chánh
sách ngoại giao tích cực hơn để thúc giục Lào và Cambodia.”
Người dân ở ĐBSCL có thể có tiếng nói trong các
phong trào chánh trị ở Việt Nam, bằng cách áp lực chánh quyền phát triển khả
chấp hơn, ông Sepehr nói thêm. “Tôi nghĩ
rằng đó là một phần hết sức quan trọng của thành phần tư nhân.”
Người dân cũng có thể tham gia vào việc giảm
thiểu ảnh hưởng ở địa phương. Việt Nam
đã có những bước để thích ứng với độ mặn cực đoan.
Năm nay, một yếu tố quan trọng trong việc giảm
thiểu ảnh hưởng đã được chuẩn bị sớm. Từ
tháng 9 năm ngoái, MARD yêu cầu giới chức ở ĐBSCL nên dự phòng cho một đợt mặn
nghiêm trọng. Những biện pháp nầy gồm có
trồng lúa đông-xuân sớm hơn 1 tháng và khuyến cáo nông dân không nên trồng lúa
trong những vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập của nước mặn.
Các giới chức cũng quyết định giảm 100.000
hectares (247.100 acres) diện tích canh tác lúa đông-xuân để tiết kiệm
nước. “Có khoảng 1.000-2.000 m3/sec
nhu cầu nước ở ĐBSCL dùng cho nông nghiệp trong mùa khô,” ông Sepehr nói. “… Khi bạn tiết kiệm nước trong nông nghiệp,
bạn tiết kiệm rất nhiều.”
Các nông dân trồng cây ăn trái xây đê [?] để
tưới cây và chánh quyền địa phương xây nhiều đường ống ở ĐBSCL.
Người dân địa phương lấy nước được đưa đến từ các nơi khác,
nơi nước mặn không xâm nhập tới. [Ảnh: Zoe Osborne]
Dẫn tưới cũng được cải thiện, ông Sepehr nói, trích kỹ thuật
nhà kiếng của Hòa Lan nơi không cần các kinh lớn, nhưng mượn nước từ nhiều
nguồn khác nhau và tập trung hơn, “Hiện
nay [ở ĐBSCL] họ làm ngập cánh đồng… và phần lớn bốc hơi,” ông nói.
Nông dân ũng bắt đầu chuyển sang các dạng canh tác mới. Ở thành phố Cần Thơ, nông dân trồng lúa nay
trồng cây ăn trái, rau cải và hoa. Các
nông dân trồng lúa khác chuyển sang phương pháp mới để trồng lúa.
WWF đang thực hiện một mô hình mới kết hợp trồng lúa với thủy
sản, nơi cả hai được canh tác trên một chỗ.
Theo mô hình nầy, đê có thể được phá, ông Goichot nói, cho phép nước lũ
mang nhiều phúc lợi, như chất dinh dưỡng tự nhiên, trừ sâu rầy và bổ sung nước
ngầm. Điều nầy giảm nhu cầu nước, phân
bón và thuốc trừ sâu. Sau cùng, khối
lượng lúa và thủy sản sản xuất sẽ giảm, nhưng giá cá sẽ cao hơn vì chúng được
xếp vào loại hữu cơ.
Nhưng dù có làm cách mấy để thích ứng với sự xâm nhập của
nước mặn, nó phải được giải quyết tận gốc rễ hay nó sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ.
Vấn đề nầy nổi bật trong nhiều thập niên, và cảnh báo của các
nhà khoa học còn lâu hơn. Nếu lưu vực
Mekong không chuyển hoàn toàn sang phát triển khả chấp, tương lai của nó sẽ u
ám.
.
No comments:
Post a Comment