Monday, May 25, 2020

Nguyễn Hữu Cảnh: Vị tướng dẹp yên hai quốc gia, mở ra vùng đất Phương Nam - Kỳ 1


Minh Bảo
23/5/2020


"Bao phen quạ nói với diều Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm"... Trong hơn 300 năm lịch sử đầy biến động của mình, vùng đất phương Nam của chúng ta chứng kiến vô số thay đổi thời cuộc. Suốt thời gian đó, có những con người mà sự nghiệp của họ đã thành bất tử, tên của họ được nhân dân ca tụng, lan truyền mấy trăm năm với tình cảm vô cùng trìu mến, hóa thành những địa danh, những câu ca dao truyền miệng...
Câu ca dao trên có từ rất xa xưa, trong đó có nói đến tên một vị võ tướng đã trở thành huyền thoại, đó là “ông Chưởng” - một tên gọi dân gian tôn kính của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người đã dùng tài năng và đức độ của mình lần đầu tiên đem đến cho Đại Việt mảnh đất phương Nam vô cùng xinh đẹp này.

Dòng dõi danh tướng hàng đầu Nam triều
Nguyễn Hữu Cảnh (chữ Hán: 阮有鏡, 1650–1700), tên đúng phải là Nguyễn Hữu Kính, do tôn trọng mà kiêng húy tên ông nên sau này mà người ta đọc trại thành Cảnh. Ông làm quan đến tước Lễ Thành Hầu (禮成侯), sau này thời Minh Mạng lại được triều đình truy phong tước Vĩnh An Hầu (永安侯), là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Nguyễn Hữu Cảnh sinh thành tại thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật.

Tục truyền rằng Nguyễn Hữu Cảnh là cháu 9 đời của Nguyễn Trãi. Ông nội của ông là Nguyễn Triều Văn (dòng Nguyễn Hữu, tước Triều Văn hầu, phò triều Lê và Nguyễn sơ), trước ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau theo chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) di cư vào đất Thuận Hóa.

Trong số các dòng họ lớn của miền Nam thời Nam triều về sau, thì dòng họ Nguyễn Hữu đất Quảng Bình có thể coi là dòng họ danh giá, vẻ vang nhất khi có nhiều đời từ ông đến con cháu đều làm quan đến hầu tước vào hàng khai quốc công thần, danh tiếng và đạo đức đều sáng ngời sử sách.  

Nguyễn Hữu Cảnh - vị tướng tài ba góp công lớn khi đánh bại vương quốc Chăm Pa hùng mạnh một thời, từ đó mở rộng lãnh thổ Việt Nam. (Ảnh: Shutterstock).


Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra trong một dòng họ danh giá, vẻ vang nhất khi có nhiều đời từ ông đến con cháu đều làm quan đến hầu tước vào hàng khai quốc công thần. 
Cha ông, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, sinh nhiều con trai, trong đó có bốn người là tướng giỏi, kể theo thứ tự gồm: Nguyễn Hữu Hào (tước Hào Lương hầu, tác giả truyện nôm Song tinh bất dạ), Nguyễn Hữu Trung (tước Trung Thắng hầu), Nguyễn Hữu Cảnh (tước Lễ Thành hầu) và Nguyễn Hữu Tín (tước Tín Đức hầu).

Lần đầu bình định Champa, mở ra trấn Thuận Thành
Champa là một vương quốc từng rất hùng mạnh nằm án ngữ toàn bộ miền Trung Việt Nam thời xưa. Họ đã nổi lên như một thế lực đáng kể trong khu vực khi đã từng đánh vào tận Thăng Long của nhà Trần và quyết chiến hàng trăm năm với đế quốc Khmer hùng mạnh phía Nam. Nhưng có lẽ ý trời không phù hộ người Chăm nên quốc gia của họ dần dần tàn lụi qua vô số cuộc chiến tranh với Đại Việt. Khởi đầu từ nhà Trần, cho đến cao điểm vào thời Lê Thánh Tông, Champa ngày một thu nhỏ qua những lần bại trận. Đến thời các chúa Nguyễn thì lãnh thổ Champa chỉ còn kéo dài đến Bình Thuận, nhưng lại một lần nữa họ bị đánh bại và sáp nhập lãnh thổ. Người thực hiện điều này là Nguyễn Hữu Cảnh, một vị tướng trẻ tài năng đang độ sung sức của quân đội nhà Chúa; sách Đại Nam Thực lục - Tiền biên - quyển VII có ghi chép:

Mùa thu, tháng 8, vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, họp quân đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh. Dinh Bình Khang đem việc báo lên. Chúa sai Cai cơ Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật bấy giờ gọi là Lễ tài hầu; chữ Tài, có chỗ viết là Thành, lại là Hòa) làm Thống binh, lấy văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu suất lãnh quân Chính dinh, cùng quân Quảng Nam và Bình Khang đi đánh.

Mùa đông, tháng 12, lấy Lê Hoành Giảng và Nguyễn Khoa Chiêm làm thủ hợp Chính dinh.
Quý dậu, năm thứ 2 [1693], mùa xuân, tháng giêng, bọn Thống binh Nguyễn Hữu Kính đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ thành chạy.
Tháng 3, Nguyễn Hữu Kính bắt được Bà Tranh và bầy tôi là Tả trà viên Kế Bà Tử với thân thuộc là Bà Ân đem về. Chúa sai đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành.”

Vùng lãnh thổ của vương quốc Chăm Pa hùng mạnh một thời, từng khiến nhiều đời vua của Đại Việt e ngại. (Ảnh: Wikipedia).

Sau chiến công này, chúa Nguyễn lần đầu tiên xưng Quốc chúa, từ thời điểm đó chính thức coi mình là quốc vương một vương quốc độc lập là Đàng Trong:
“Ngày Ất Mão, chúa coi việc chầu (việc quốc hiếu đã xong rồi làm lễ mừng), bầy tôi đến mừng, tấn tôn chúa làm Thái phó quốc công, lại dâng tôn hiệu là quốc chúa. Từ đấy sắc lệnh đều xưng là quốc chúa.
Mùa thu, tháng 7, Nguyễn Hữu Kính đến cửa khuyết dâng chiến tù Chiêm là bọn Bà Tranh. Chúa sai kể tội và giam ở núi Ngọc Trản, hàng tháng cấp cho tiền gạo vải lụa đủ dùng. Sai Cai đội Nguyễn Trí Thắng giữ Phố Hài, Cai cơ Nguyễn Tân Lễ giữ Phan Rí, Cai đội Chu Kiêm Thắng giữ Phan Rang (Phố Hài, Phan Rí, Phan Rang, nay đều thuộc Bình Thuận) để phòng dư đảng của Thuận Thành.
Sai sửa công phủ, những điếm quân ở các cửa trong ngoài phủ bắt đầu lợp ngói.
Tháng 8, đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận, lấy Tả trà viên Kế Bà Tử làm Khám lý, ba người con Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ, bắt mặc quần áo theo lối người kinh và sai về để vỗ yên lòng dân”. (Đại Nam Thực lục - Tiền biên- quyển VII).

Lần thứ hai bình định Champa, Hữu Cảnh lập đại công
Vốn là một dân tộc thượng võ và quật cường, người Champa không chịu dễ dàng khuất phục như thế. Họ nhân cơ hội nhà Chúa chưa ổn định nền cai trị để quật khởi lần nữa. Lần quật khởi này cũng gây khá nhiều thiệt hại, giết mất nhiều tướng lãnh cao cấp của chúa Nguyễn.
Đại Nam Thực lục- Tiền biên - quyển VII chép:
“Mùa đông, tháng 10, ngày Đinh sửu, hai mặt trời cùng mọc.
Tháng 12, người Thanh là A Ban cùng với Hữu trà viên là Ốc Nha Thát ở Thuận Thành nổi loạn. Trước là A Ban đến ở Thuận Thành, vốn cùng Ốc Nha Thát đi lại rất thân. Từ lúc Bà Tranh bị bắt, hai người đều chạy về đất Đại Đồng, A Ban đổi tên là Ngô Lãng tự xưng mình có phép hô phong hoán vũ, gươm đao không thể làm bị thương. Người Thuận Thành là Chế Vinh kêu họp dân man đi theo. Đến bấy giờ đem đồ đảng cướp Phố Hài. Cai đội Nguyễn Trí Thắng đem quân chống đánh. A Ban giả đò thua, Trí Thắng đuổi theo bị phục binh giết chết. Cai đội dinh Bà Rịa tên là Dực và thư ký là Mai (không rõ họ) đem quân đến cứu viện, đều chết cả. A Ban bèn vào Phan Rí, lo rằng cai cơ Nguyễn Tân Lễ sức mạnh, mình không chống nổi, bèn sai con gái người dân Thuận Thành bỏ thuốc độc vào quả chuối cho Tân Lễ ăn. Tân Lễ bị câm. A Ban lại tung nhiều tiền bạc để ngầm kết với quân Tân Lễ làm nội ứng. Đến khi đánh, Tân Lễ bị bọn phản binh đâm chết, dinh trại của cải bị đốt và cướp gần hết. A Ban lại kéo quân đến Phan Rang. Cai đội Chu Kiêm Thắng vì quân ít không ra, đóng cửa thành tự thủ. Gặp Khám lý Kế Bà Tử vừa đến, Kiêm Thắng bắt trói ở ngoài cửa thành bảo sẽ đem chém. Ốc Nha Thát sợ [Kế Bà Tử] bị giết, nói với A Ban bỏ vây đi. Kiêm Thắng bèn thả Kế Bà Tử về”.

Quân Chăm Pa hừng hực khí thế sau khi liên tục đánh bại và tiêu diệt các tướng lĩnh của chúa Nguyễn. (Ảnh: Shutterstock).

Không những Champa nổi loạn, mà nhà Chúa còn phải đối phó với chính sự phản loạn từ bên trong những người họ hàng của mình (Tôn Thất):
“Giáp tuất, năm thứ 3 [1694], mùa xuân, tháng giêng, Chưởng cơ là Huệ và Thông (con thứ ba, thứ tư của thiếu sư Tôn Thất Diễn) mưu nổi loạn. Chưởng cơ Tôn Thất Nhuận cùng tiểu sai là Đức Nhân (không rõ họ) đem sự trạng báo lên. Kíp bắt giao xuống triều đình tra hỏi, biết hết sự thực. Huệ và Thông cùng 7 người đồng mưu đều bị giết. Thưởng cho Tôn Thất Nhuận và Đức Nhân thực ấp, tiền bạc, thực phẩm, theo thứ bực.” (Đại Nam Thực lục - Tiền biên - quyển VII)

Lần nổi loạn này khá lớn và đem lại nhiều tổn thất cho quan binh triều đình khi đi dẹp loạn. Nhà chúa Nguyễn đã mất một số tướng lĩnh cao cấp trong thời gian này. Nhưng cũng nhờ vậy mà Nguyễn Hữu Cảnh có cơ hội lập công dẹp giặc và được vinh thăng lên Chưởng cơ. Cái tên ông Chưởng của ông bắt đầu có từ lúc này:
“A Ban lại vây Phan Rang. Cai đội Chu Kiêm Thắng báo tin gấp về dinh Bình Khang. Trấn thủ Nguyễn Hữu Oai và Lưu thủ Nhuận (không rõ họ) tiến binh theo thượng đạo để cứu viện. A Ban bèn lui về Bào Lạc. Phan Rang được giải vây. Rồi Hữu Oai bị bệnh chết.
Tháng 2, A Ban tiến giữ lũy Ô Liêm. Lưu thủ Nhuận và các cai cơ Tống Tuân và Nguyễn Thành chia quân giáp đánh. A Ban chạy về Phố Châm. Quân ta đuổi theo sát. Giặc lại chạy về Thượng Dã (tiếp địa giới Chân Lạp). Nhuận bèn về, đem việc báo lên. Chúa lại ra lệnh cho Cai cơ Nguyễn Hữu Kính, và văn chức Trinh Tường (không rõ họ) tiện nghi xử trí. Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ đem quân tiến đánh, đảng giặc dẹp yên.
Thăng Nguyễn Hữu Kính làm Chưởng cơ, lãnh Trấn thủ dinh Bình Khang.” (Đại Nam Thực lục- Tiền biên- quyển VII).

(còn tiếp…)

Minh Bảo

.

No comments:

Post a Comment