Tuesday, June 26, 2018

Đường đi cát Việt ra nước ngoài - Kỳ 5: Cát Việt ra nước ngoài: “Bán” dự án, “xà xẻo” tài nguyên


03/03/2017 10:04 GMT+7
 
TTO – Xin dự án nạo vét, tận thu cát để xuất khẩu nhưng không tổ chức khai thác, sau đó đem “bán”. Đó là đường đi nước bước mà các doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu cát đang sử dụng để “xà xẻo” nguồn tài nguyên “trời cho” này.

Sà lan của Công ty Sài Gòn – Hà Nội bơm hút cát tại cửa biển Nha Trang ngày 17-2 để giao cho tàu chở đi Singapore – Ảnh: Vân Trường
 
Trong khi đó, hậu quả rõ nhất tại các dự án nạo vét, tận thu cát xuất khẩu sang Singapore là nhà cửa của người dân bị hư hỏng, cuộc mưu sinh của họ khó khăn hơn do nguồn lợi thủy sản suy giảm.

Liên tục “bán” dự án

Theo hồ sơ chúng tôi nắm được, một số doanh nghiệp (DN) xin thực hiện dự án nạo vét, xin phép xuất khẩu nhưng không trực tiếp làm, mà “bán” cho DN khác để hưởng lợi.
Ngày 1-10-2014, Công ty CP xây dựng và phát triển Môi Trường Xanh (Hà Nội) ký hợp đồng bán 1 triệu m3 cát cho Công ty TNHH xây dựng XNK Hải Dương KG (Kiên Giang) với giá 31.500 đồng/m3. Tổng giá trị hợp đồng là 31,5 tỉ đồng.
Nguồn cát tại dự án nạo vét thông luồng phục vụ thi công, cải tạo môi trường sinh thái đầm Thủy Triều, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
Theo nội dung hợp đồng, các hoạt động khai thác đều do Công ty Hải Dương KG thực hiện. Khi khai thác đủ 1 triệu m3, Công ty Môi Trường Xanh sẽ xin thêm để bán cho Công ty Hải Dương KG xuất khẩu.

Cùng ngày 1-10-2014 Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn-Hà Nội ký hợp đồng bán cho Công ty Hải Dương KG 1 triệu m3 cát (với giá 31.500 đồng/m3) thuộc dự án nạo vét sông Tắc từ cầu Bình Tân đến biển thuộc TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Trong hợp đồng này Công ty Sài Gòn-Hà Nội nói rõ được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép khai thác 2,8 triệu m3 tại dự án này.
Do chưa khai thác hết sản lượng cát này nên Công ty Sài Gòn-Hà Nội xin phép gia hạn khai thác tiếp. Ngày 30-12-2016 Bộ Xây dựng có văn bản cho công ty này gia hạn khai thác xuất khẩu đến ngày 30-6-2017 với khối lượng 1 triệu m3.
Chính vì vậy từ tháng 1-2017 đến nay công ty này đưa phương tiện đến bơm hút cát xuất khẩu cho Công ty TNS Resources của Singapore.

Một DN khác cũng “bán” dự án cho Công ty Hải Dương KG là Công ty CP Hải Việt (Nam Định). Công ty này ký hợp đồng nhận thi công nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 hải quân tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng không làm gì.

Tháng 1-2015, công ty này ký hợp đồng liên doanh, thực chất là giao cho Công ty Hải Dương KG trực tiếp nạo vét, tận thu cát xuất khẩu.
Đổi lại, Công ty Hải Dương KG phải trả cho Công ty Hải Việt 21.000 đồng/m3cát thu được, đồng thời phải chịu trách nhiệm nộp các loại thuế, phí có liên quan. Khối lượng cát nạo vét theo giấy phép của Bộ Xây dựng là 1 triệu m3.

Các tàu bơm hút cát của Công ty Đức Long tại Phú Quốc, Kiên Giang. Trong hai tháng đầu năm 2017, các tàu này đã hút hơn 600.000m3 cát xuất đi Singapore – Ảnh: V.Tr.

Người dân “lỗ” nặng

Giữa tháng 2-2017, chúng tôi trở lại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Tại đây có dự án nạo vét vịnh Vân Phong của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn. Bộ Xây dựng cho phép công ty này được xuất khẩu hơn 7 triệu m3cát tận thu từ dự án, thời hạn đến tháng 6-2017.
Tuy nhiên, dự án nạo vét này đã tạm ngưng từ năm 2016 do dân phản ứng gay gắt.
Ông Lê Minh Thương ở thôn Đông Nam kể vùng biển Đại Lãnh có nguồn lợi tôm hùm giống rất nhiều. Hàng trăm hộ dân ở hai thôn Đông Nam và Đông Bắc sống bằng nghề thả chà bắt tôm hùm giống từ bao đời nay.
“Khi DN tới nạo vét, nước biển bị đục và có màu đỏ, ngứa ngáy lắm. Tôm hùm giống chết hoặc bỏ đi nơi khác” – ông Thương bày tỏ.

Còn anh Hồ Tấn Phú (32 tuổi, thôn Đông Nam) sống bằng nghề thả chà bắt tôm giống từ nhỏ. Anh kể từ năm 2015 trở về trước, trung bình mỗi ngày đi biển anh kiếm được 1-2 triệu đồng. Khi DN đưa phương tiện tới nạo vét thì không riêng gì anh, mà tất cả ngư dân ở đây đều bị thất thu.
Nguồn tôm giống ngoài biển giảm hơn 50% nên cuộc sống của họ rất chật vật.
Những ngày giữa tháng 2-2017, cửa sông Tắc giáp với biển tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) rền vang tiếng máy bơm hút cát của Công ty Sài Gòn – Hà Nội.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, người dân ở đây, nói rằng dự án nạo vét này đã khiến rất nhiều người dân trắng tay. Bản thân ông đầu tư 40 triệu đồng nuôi ốc hương nhưng chẳng thu hoạch được con nào. Việc bơm hút cát làm nước bị đục, ô nhiễm khiến ốc chết.
Còn theo ông Phạm Văn Thu ở xã Phước Đồng, khu vực cửa sông Tắc trước đây có mấy chục hộ đến đầu tư lồng bè nuôi tôm hùm, nhưng bây giờ chẳng còn người nào.
Tại Phú Yên, chúng tôi tìm đến bốn dự án nạo vét, tận thu cát xuất khẩu của tỉnh gồm: cảng cá Tiên Châu, cửa biển An Hải (huyện Tuy An), cửa sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) và cửa Đà Diễn (TP Tuy Hòa).

Trong số này “nóng” nhất là dự án nạo vét cảng cá Tiên Châu. Dự án này do Công ty TNHH xây dựng và tư vấn đầu tư Quốc Bảo thi công.
Ông Nguyễn Hiếu ở xã An Ninh Tây kể: “Họ đưa 6-7 sà lan tới hút cát hàng tháng trời cách nhà tôi chừng 150m. Người dân sợ đất đai, nhà cửa bị kéo xuống biển nên phản ứng rất mạnh. Sau đó họ tạm dừng, rút đi. Nghe đâu họ sắp trở lại làm tiếp nữa nên tôi lo lắm”.
Khi qua thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, chúng tôi được người dân mời về nhà họ xem hậu quả của dự án nạo vét. Các bức tường phía sau nhà anh Tôn Ngọc Thạch đều bị nứt. Toàn bộ nền nhà chị Nguyễn Thị Lan gần đó bị sụt lún cả mét so với trước đây.
Theo người dân ở đây, Công ty Quốc Bảo đưa xáng cạp, sà lan tới hút cát rất gần bờ nên đã gây sụt lún, hư hỏng nhà cửa.


Gia hạn xuất khẩu… siêu tốc!
Ngày 4-1-2017, UBND tỉnh Kiên Giang gửi văn bản đề nghị gia hạn cho Công ty Đức Long xuất khẩu hơn 826.000m3 cát nạo vét tại quân cảng Vùng 5 hải quân (Phú Quốc). Hai ngày sau, Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý cho gia hạn đến tháng 6-2017.
Tương tự, ngày 26-12-2016 UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị gia hạn cho Công ty Sài Gòn – Hà Nội xuất khẩu cát từ dự án nạo vét sông Tắc. Bốn ngày sau, 30-12-2016, Bộ Xây dựng đã ký văn bản đồng ý gia hạn cho công ty này đến tháng 6-2017.

Nhập cát từ Campuchia
Ngày 21-6-2016, Bộ Xây dựng có văn bản cho phép Công ty CP sản xuất thương mại xây dựng Nam Đại Việt được nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia. Công ty này cho biết hiện nay nhu cầu cát xây dựng các loại ở các tỉnh phía Nam rất lớn.
Trong khi đó nguồn cung cấp giảm rất nhiều. Công ty này đã đăng ký nhiều dự án nạo vét, tận thu cát từ miền Nam ra miền Trung nhưng không cạnh tranh nổi với các DN khác.

Khai giá thấp để né thuế?
Công ty Hải Dương KG mua dự án khai thác cát của 3 DN khác và phải chi trả 21.000 – 31.500 đồng/m3 (0,9 – 1,4 USD/m3), nhưng trong tháng 10 và 11-2015 công ty này xuất khẩu cho Công ty JIA DA Investment & Construction chỉ có… 1 USD/m3.
Toàn bộ bốn tàu xuất cho công ty này có khối lượng 109.000m3 đều cùng một giá. Tính ra công ty này phải chịu lỗ trên dưới 20.000 đồng/m3khi xuất khẩu, căn cứ vào giá khai báo.
Vì sao các DN xuất khẩu cát Việt Nam khai giá xuất khẩu cát chẳng khác gì bán lỗ nhưng
lại tranh nhau “xí” dự án rồi đem đi bán? Phải chăng đây là “chiêu” né thuế của các DN?
Chỉ riêng việc khai giá thấp đã né được khoản thuế xuất khẩu rất lớn (thuế suất bằng 30% đơn giá khai báo). 1m3 cát giá 1 USD (22.300 đồng) thì nộp thuế xuất khẩu chỉ có 6.690 đồng, nhưng nếu giá 4 USD/m3 thì tiền thuế xuất khẩu lên tới 26.760 đồng.

VÂN TRƯỜNG
 









No comments:

Post a Comment