02/03/2017 14:13
GMT+7
TTO – Một số chi cục
hải quan ghi vào hồ sơ dòng chữ “có nghi vấn” và chuyển sang bộ phận kiểm tra
sau thông quan làm rõ tuy nhiên sau đó lại hải quan lại “chấp nhận khai
báo”.
Tàu bơm hút cát neo đậu dày đặc tại khu vực đảo
Phú Quốc – Ảnh: Vân Trường
Trong khi nhu cầu
nhập khẩu cát của Singapore luôn rất lớn thì giá cát mà DN Việt Nam khai
báo xuất khẩu ngày càng giảm đến mức khó tin.
Bán cát giá bèo
Các hợp đồng xuất
khẩu thời điểm năm 2008-2009 thể hiện giá cát loại xấu nhất (hạt mịn) là 3
USD/m3, còn cát hạt to có giá từ 4-6,6 USD/m3. Từ năm
2013 đến nay, khi Bộ Xây dựng cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn trở lại thì giá
cát lao dốc không phanh.
Theo tài liệu, năm
2014, Công ty BKG, Công ty Quốc Bảo… khai báo giá 2 USD/m3; Công ty
Phương Thảo Nguyên xuất cho Công ty Win Universal (Hong Kong) giá 2,2 USD/m3,
sau đó giảm xuống 2 USD/m3.
Bước sang tháng
1-2015 giá cát đột ngột giảm tới 50%. Đơn cử, ngày 8-1-2015 Công ty Môi Trường
Xanh bán cho Công ty TNS Resources giá 1,21 USD/m3, bốn ngày sau DN
này khai báo giảm xuống 1,1 USD/m3.
Điều kỳ lạ là cùng
cát nhiễm mặn khai thác tại vùng biển miền Trung nhưng Công ty Quốc Bảo lại bán
cho Công ty Sand Pacific với giá tới 1,65 USD/m3.
Gây sốc hơn, Công
ty CP khoáng sản Kiến Hoàng và Công ty CP Bình Minh Vàng Vina khai báo với hải
quan khi xuất khẩu cát cho Công ty Le Tong Resources và Công ty Ky Tuong
Singapore với giá chỉ 0,8 và 0,9 USD/m3.
Giá này chỉ hơn
phân nửa so với giá Công ty Quốc Bảo khai báo cùng thời điểm giữa năm 2015.
Nhiều DN chuyên ngành xây dựng khi trao đổi với chúng tôi đều khẳng định họ
không tin giá cát xuất khẩu thấp hơn 1 USD/m3.
Có giám đốc công ty
còn khẳng định ông vừa ký hợp đồng bán cát nhiễm mặn (giá tại mỏ, chưa có chi
phí khai thác) để san lấp một dự án ở tỉnh Khánh Hòa với giá 27.000 đồng/m3,
tương đương 1,2 USD/m3.
Theo tài liệu, cả
năm 2016 và hai tháng đầu năm 2017 các DN vẫn khai báo giá xuất khẩu cát nhiễm
mặn tương đương như năm 2015.
Cụ thể, Công ty
Kiến Hoàng bán 0,8 USD/m3, Công ty Cái Mép và Công ty Sài Gòn – Hà
Nội bán 1,1 USD/m3. Công ty Đức Long bán cho Công ty Singapore Hua
Kai Engineering giá 1,2 USD/m3, riêng bốn tàu bán trong tháng
11-2016 khai giá chỉ có 1 USD/m3. Các DN này xuất giá FOB (giao lên
tàu).
Điều khó hiểu là dù
giá bán rẻ mạt như thế nhưng năm 2015 các DN Việt Nam xuất khẩu tới 31,6 triệu
m3 cát nhiễm mặn, chiếm gần 50% tổng khối lượng cát xuất khẩu giai đoạn
2008-2016.
Những
đồi cát dự trữ khổng lồ gần sân bay quốc tế Changi, Singapore
– Ảnh: Vân Trường
Ký hợp đồng 4,4
USD, kê khai 1 USD/m3?
Ngay trước giờ bài
báo ‘Cát Việt bán giá bao nhiêu?’ được
lên trang, phóng viên Tuổi Trẻ tìm được bản hợp đồng gốc bằng tiếng Anh
ký tháng 5-2015 giữa Công ty Hải Dương KG và Công ty JIA DA Investment &
Construction, có trụ sở tại Campuchia, do ông Chun Kim Khieng làm giám đốc.
Theo hợp đồng, công
ty này mua cát xuất sang Singapore nên các điều khoản ghi rõ giải quyết tranh
chấp bằng luật pháp Singapore.
Theo đó, Công ty
Hải Dương KG đồng ý bán cát tại Phú Quốc cho Công ty JIA DA Investment &
Construction với giá 4,4 USD/m3, hình thức giao FOB. Khối lượng cam
kết 200.000 tấn/tháng. Thời hạn hợp đồng 3 năm kể từ ngày ký.
Tuy nhiên theo hồ
sơ, Công ty Hải Dương KG kê khai trị giá hải quan chỉ có 1 USD/m3
khi xuất bán bốn tàu cát vào tháng 10 và 11-2015.
Hải quan nghi vấn
nhưng vẫn… chấp nhận
Trong năm 2014 và
2015, Tổng cục Hải quan có ban hành hai quyết định về hàng hóa xuất khẩu rủi ro
về giá. Cả hai quyết định này đều xác định cát nhiễm mặn là đối tượng rủi ro về
giá, đồng thời xác định mức giá tham chiếu là 2 USD/m3.
Đây là giá tham
chiếu để các đơn vị hải quan đối chiếu, kiểm tra, xác định lại giá để tính thuế
xuất khẩu trong trường hợp nghi vấn DN khai giá không trung thực.
Thực tế trong quá trình
làm thủ tục thông quan, một số chi cục hải quan ghi vào hồ sơ dòng chữ “có nghi
vấn” và chuyển sang bộ phận kiểm tra sau thông quan làm rõ.
Đơn cử, các hồ sơ
hải quan của Công ty CP khoáng sản Kiến Hoàng lập khi bán cát cho Công ty Ky
Tuong Singapore ngày 16-5, 1-6 và 5-6-2016 đều bị xác định “có nghi vấn”, do DN
này khai báo giá chỉ có 0,8 USD/m3.
Thậm chí một hồ sơ
còn được ghi chú “yêu cầu thực hiện xác định trị giá hải quan đúng quy định”.
Tuy nhiên sau đó hải quan lại “chấp nhận khai báo”.
Tương tự, toàn bộ 6
hồ sơ của Công ty CP Khai thác sản xuất khoáng sản 55 lập từ ngày 8-8 đến
4-10-2016 khi xuất cát cho Công ty K.R Sen Investment giá 1 USD/m3
đều bị ghi “có nghi vấn – chuyển sau thông quan”. Dù được thông quan nhưng hồ
sơ này vẫn bị đặt trong diện “nghi ngờ”.
Có một trường hợp
hải quan không chấp nhận giá khai báo và DN buộc điều chỉnh tăng giá, đồng thời
truy thu thuế theo giá mới. Đó là Công ty TNHH xây dựng và xuất nhập khẩu Hải
Dương KG (xuất theo giấy phép của Công ty CP Hải Việt).
Theo kết luận kiểm
tra sau thông quan ngày 24-2-2016, Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang bác bỏ trị giá
khai báo 1 USD/m3 đối với bốn tờ khai xuất khẩu cát cho Công ty JIA
DA Investment & Construction (Campuchia) cuối năm 2015.
Hải quan xác định
lại giá cát xuất khẩu là 1,3 USD/m3 và ban hành quyết định truy thu
hơn 218 triệu đồng tiền thuế xuất khẩu đối với Công ty Hải Dương KG.
Vì sao hải quan các
tỉnh đều chấp nhận giá xuất khẩu cát mà DN kê khai dưới giá tham chiếu 2 USD/m3
mà Tổng cục Hải quan đã xác định?
Trả lời câu hỏi
này, ông Trần Đức Hùng (phó chánh văn phòng Tổng cục Hải quan) giải thích mức
giá tham chiếu cát nhiễm mặn (2 USD/m3) là cơ sở để cơ quan hải quan
so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo, không được dùng để áp đặt trị
giá hải quan.
Trong quá trình
kiểm tra sau thông quan, nếu phát hiện hồ sơ mâu thuẫn, trị giá khai báo không
đúng với giá trị giao dịch sẽ ấn định trị giá tính thuế, ấn định thuế và xử lý
vi phạm.
VÂN TRƯỜNG
No comments:
Post a Comment