|
Viên Chăn, CHDCND Lào, ngày 14/6/2018 – Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Công
(MRC) đã nhận được thông báo của
Chính phủ nước CHDCND Lào về việc
Lào sẽ tiến hành quá trình tham vấn trước chính thức cho dự án thủy điện Pak Lay ở khu vực Pak Lay thuộc tỉnh Xayaburi,
phía Bắc nước CHDCND Lào. Dự án thủy điện đập dâng này sẽ vận hành liên tục
quanh năm và sản xuất 770 megawatt điện.
Vào ngày 13 tháng 6, Ban
Thư ký Ủy ban Sông Mê Công nước CHDCND Lào đã trình bản miêu tả chi tiết dự án
cho Ban Thư ký Ủy hội để xem xét và thông báo với các quốc gia thành viên về quy mô của dự án và các yêu cầu khác theo quy định của quá trình tham vấn trước. Với việc đệ trình tham vấn trước này,
Chính phủ Lào đã hoàn thành nghĩa vụ theo Hiệp định Mê Công 1995.
Trong vòng một tháng, Ban
Thư ký Ủy hội sẽ kiểm tra các văn kiện dự án được trình có đầy đủ và thông báo đã đúng thủ tục tham vấn trước chưa. Sau đó, văn kiện dự án sẽ được trình lên Ủy ban Liên hợp của Ủy hội Sông Mê
Công – một cơ quan gồm đại diện của bốn quốc gia thành viên - để tiến hành tham vấn.
Tham vấn trước là một yêu
cầu trong quy tắc của MRC về thủ tục hợp tác sử dụng nước trên dòng chính
sông Mê Công: Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận
(PNPCA). Theo Thủ tục này,
bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng nào sử dụng nước trên dòng chính vào mùa khô trong
cùng lưu vực, và vào mùa mưa giữa hai lưu vực, phải tiến hành quá trình tham
vấn trước. Thủ tục này áp dụng với các dự án xây dựng thủy lợi quy mô lớn và
thủy điện có thể gây tác động lớn về môi trường, dòng nước và chất lượng nước
trên dòng chính sông Mê Công.
Trong quá trình tham vấn
trước, với sự hỗ trợ kỹ thuật và hành chính của Ban Thư ký Ủy hội, các quốc gia
thành viên được thông báo sẽ thẩm định các khía cạnh kỹ thuật của dự án, đánh
giá bất kỳ tác động xuyên biên giới tiềm tàng nào đối với môi trường và sinh kế
của các cộng đồng ven sông, và kiến nghị các biện pháp giải quyết các quan ngại
đó. Các quốc gia thành viên sẽ nỗ lực để đạt được thỏa thuận về các điều kiện
mà dự án được tham vấn cần phải giải quyết tiếp. Thỏa thuận không có nghĩa là
thông qua hoặc không thông qua dự án đề xuất. Quá trình này thường kéo dài 6
tháng, nhưng Ủy ban Liên hợp có thể gia hạn thêm.
MRC đã có 3 trường hợp tham vấn trước: dự án thủy điện Xayaburi,
Don Sahong, và Pak Beng, cả 3 dự án này đều nằm trên dòng
chính sông Mê Công ở CHDCND Lào.
Đối với trường hợp thủy điện Xayaburi, chính kết quả tham vấn đã thúc đẩy Chính phủ Lào và
nhà đầu tư tiến hành đánh giá tác động môi trường dự án và đầu tư hàng trăm
triệu Đô la Mỹ để điều chỉnh lại thiết kế công trình
đập nhằm giải quyết các vấn đề di cư của cá và vận chuyển
phù sa, đây là hai trong số các vấn đề quan tâm chính được nêu trong quá trình tham vấn trước.
Trong trường hợp thủy
điện Pak Beng, Ủy ban Liên hợp đã thống nhất được một thỏa thuận vào cuối quá
trình tham vấn trước kéo dài 6 tháng. Ủy ban Liên hợp đã ra một Tuyên bố, theo
đó giao nhiệm vụ cho Ban
Thư ký Ủy hội lập một Kế hoạch Hành động Chung (JAP) để tạo cơ chế phản hồi, trao đổi thông tin và chia sẻ kiến thức giữa CHDCND Lào và MRC liên quan tới việc thiết kế, xây dựng và vận
hành dự án này.
Ông Phạm Tuấn Phan - Giám
đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội cho biết “Từ trường hợp dự án thủy điện Pak
Beng có thể thấy rõ là Kế hoạch Hành động Chung (JAP) đã chuyển đổi quá trình PNPCA.
Kế hoạch JAP có thời hạn kết thúc rõ ràng với các quyết định cụ thể về việc tăng cường các biện pháp để tránh,
giảm thiểu và giảm nhẹ tác động xuyên biên giới tiềm tàng trong khi vẫn nâng cao quan hệ hợp tác
giữa các quốc gia thành viên”.
Với các trường hợp này,
đặc biệt là trường hợp dự án Pak Beng, MRC đã rà soát và thảo luận các khía
cạnh khác nhau của thủ tục PNPCA để cải thiện quy trình áp dụng thủ tục, bao
gồm chuẩn bị tài liệu và chia sẻ sớm thông tin.
Giám đốc điều hành Ban
Thư ký Ủy hội cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã đúc rút được các bài học kinh nghiệm
từ các trường hợp trước đây và học hỏi từ thành công của quá trình tham vấn trước
của thủy điện Pak Beng. Kinh nghiệm này sẽ giúp MRC mạnh mẽ hơn và sẵn sàng chuẩn bị để
hỗ trợ các quốc gia thành viên rà soát dự án này, đánh giá các khía cạnh kỹ
thuật của dự án và đi đến kết luận một cách toàn diện và có ý nghĩa”.
Dự kiến việc xây dựng dự
án thủy điện Pak Lay sẽ bắt đầu vào năm 2022 và hoàn thành vào năm 2029.
Dự án thủy điện này dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2029 sau khi xây dựng
xong.
MRC cùng với các Ban Thư ký Ủy ban Sông Mê Công Quốc gia sẽ thúc đẩy các tham vấn cấp
quốc gia và cấp vùng để đạt được các quan điểm chung về trường hợp này.
Lưu ý cho ban biên tập:
Ủy hội Sông Mê Công là một tổ chức liên chính phủ về đối thoại và hợp tác cấp khu vực tại hạ
lưu sông Mê Công, được thành lập năm 1995 trên cơ sở Hiệp định Mê Công giữa
Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ủy hội có vai trò là một diễn đàn
khu vực về ngoại giao nước cũng như một kênh tri thức về quản lý tài nguyên
nước vì sự phát triển bền vững trong khu vực.
-KẾT THÚC-
Để biết thêm thông tin chi tiết, mời
liên hệ: Ông Sopheak Meas
Quyền Cán bộ Truyền thông – phụ trách
Báo chí E-mail: sopheak@mrcmekong.org
ĐT: +856-21-263263, số
máy lẻ 4070
Di động: +856-20-77779168
###
No comments:
Post a Comment