Dương Văn Ni
Thứ
Năm, 31/5/2018, 10:20
(TBKTSG)
- Vùng Tây Nam sông Hậu của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có ba dự án
“khủng”, được tính bằng đơn vị ngàn tỉ đồng, gồm Thoát lũ ra biển Tây, Ô Môn -
Xà No và Ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư một
dự án “khủng” nữa là dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Quyết định
498/QĐ.TTg). Trong khi kết quả được - mất của ba dự án trên chưa được đánh giá
cụ thể, người dân không khỏi băn khoăn khi thực hiện dự án thứ tư này.
Một
cánh đồng lúa đang trổ bông tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu bị “xèo” do mặn
trong đất xì lên vì không có mưa. Người dân chấp nhận bỏ vụ lúa, sên mương để
chuẩn bị đưa nước mặn vào nuôi vụ tôm sú.
Ảnh:
Dương Văn Ni
Chưa khảo sát cặn kẽ môi
trường tự nhiên
Nếu
nhìn vào bản đồ ĐBSCL thì từ Châu Đốc đến Sóc Trăng không có một nhánh sông nào
từ sông Hậu chảy ra đến biển Tây. Cơ bản là nước chỉ chảy từ chỗ cao xuống chỗ
thấp, hay cụ thể hơn là ở đồng bằng thì sông chỉ đổ ra phía biển sâu. Điều này
cho thấy là sông Cửu Long có chín cửa đều đổ ra phía biển Đông vì nơi đây sâu
hơn phía biển Tây.
Vì
vậy, ai cũng biết là đất vùng bán đảo Cà Mau không phải do phù sa sông Hậu bồi
lắng trực tiếp, mà là do phù sa từ phía biển, như mũi Cà Mau mấy năm trước mỗi
năm kéo dài ra hàng chục mét mà nước sông Hậu đâu có chảy tới đó. Đất ở đây được
bồi tụ trong môi trường nước mặn, tức là trong đất có sẵn muối.
Nhờ
mỗi năm trời cho lượng nước mưa trên 2.000 mi li mét mà người dân ở đây biết
cách tận dụng nước mưa rửa mặn lớp đất mặt để trồng lúa trong mùa mưa; hoặc lên
liếp cao ráo rồi sau vài năm hết mặn thì có thể trồng rau màu hay cây ăn trái.
Từ
lâu người dân nơi đây đã coi nguồn nước mặn là một tài nguyên! Bây giờ chúng ta
giảm mặn tăng ngọt thì thiệt hại cho người dân nuôi trồng thủy sản ai gánh?
Cũng
vì đất được phù sa bồi lắng trong môi trường nước mặn hoặc lợ nên trong đất
hình thành vật liệu sinh phèn, người dân gọi là đất phèn tiềm tàng. Tức là vật
liệu sinh phèn này nếu được giữ trong môi trường yếm khí thì vô hại, nhưng nếu
để tiếp xúc với không khí thì chúng bị oxy hóa và sinh ra phèn, làm nước và đất
trở nên rất chua, cây trồng và vật nuôi không thể sống được, lúc này người ta gọi
nó là đất phèn hoạt động.
Mỗi
năm khi mùa khô đến thì muối mặn và phèn chua trong đất bị mao dẫn lên mặt đất.
Khi các trận mưa đầu mùa đến, nước mưa hòa tan các muối mặn và phèn chua này và
đổ vào sông rạch, mùa này nước trong sông rạch trong như mắt mèo và không hề có
cá tôm sinh sống. Nhờ hai chế độ triều khác nhau giữa biển Đông và biển Tây mà
chúng tạo ra lực hút - đẩy rất nhịp nhàng, làm cho nước di chuyển trong toàn
vùng và đẩy nguồn nước phèn mặn này đi nơi khác.
Do
trong đất có sẵn muối nên hễ năm nào ít mưa hay hạn bà chằng kéo dài một chút
là mặn trong đất xì lên làm thiệt hại cây trồng. Đặc biệt là không ai bơm nước
từ sông rạch vào ruộng hay ao nuôi thủy sản của mình vào đầu mùa mưa vì nguồn
nước này đã bị ô nhiễm phèn mặn từ trong đất xì ra. Họ chờ cho đến khi mưa già
và hệ thống sông rạch được tẩy rửa theo con nước lớn - ròng đến khi không còn
nước ô nhiễm mặn phèn thì mới dỡ bọng cho nước trong ruộng trong ao thông
thương với nguồn nước trên sông rạch, nên vai trò của sông rạch lúc này là tiêu
mặn - xổ phèn.
Cũng
vì trong đất có vật liệu sinh phèn nên ở những nơi trũng, thuộc đất phèn tiềm
tàng, thì người dân không dám để đất khô, sợ phèn oxy hóa rồi xì lên thì rất
khó cải tạo. Do đó, trong mùa khô, họ luôn luôn giữ ướt cho vùng đất này bằng
nguồn nước mặn, mô hình mùa khô cho nước mặn vào ruộng để khai thác cá kèo, cá
đối, cua, tép bạc và mùa mưa sau khi rửa mặn rồi trồng lúa, mô hình lúa - tôm
ra đời trong hoàn cảnh đó. Nhiều lão nông tri điền, trước lúc thấy mình “gần đất
xa trời”, còn ráng căn dặn con cháu là “đất láng (trũng) mà để khô thì nghèo ba
năm”.
Như
vậy là từ lâu người dân nơi đây đã coi nguồn nước mặn là một tài nguyên!
Những kiến thức bản địa
vô giá
Những
cư dân đầu tiên khi mang cả gia đình và tài sản của mình vào vùng “muỗi kêu như
sáo thổi” này đã ý thức rất rõ là họ đang đi vào vùng thiếu nước ngọt, và nguồn
nước ngọt ở đây chủ yếu là trời cho. Vì vậy, trên mỗi chiếc ghe đều có một cái
khạp, nếu có mưa là tranh thủ hứng nước cho đầy khạp. Khi lên bờ định cư thì
nhà nào cũng có đủ lu hũ chứa nước mưa để sinh hoạt suốt mùa khô.
Đáng
quan tâm hơn là khi khai khẩn xong miếng đất để canh tác thì họ đào một hệ thống
mương bao xung quanh, đất đem đắp thành bờ bao cao ráo, sau vài năm rỏ hết phèn
mặn thì trồng hoa màu và cây ăn trái, hệ thống này dùng để trữ nước mưa và tiêu
thoát các chất phèn mặn trong đất, gọi là vuông.
Vuông
ở địa hình cao thì dễ tiêu nước nên rửa phèn mặn nhanh hơn vuông ở địa hình
trũng thấp. Khi có những giống lúa cao sản ngắn ngày thì các vuông ở địa hình
cao là nơi đầu tiên tăng từ một vụ lúa mùa lên hai vụ lúa cao sản trong năm. Dần
dà, do có các cống đập giữ được nước ngọt trong mùa khô nên nhiều nơi làm cả vụ
ba. Dù có nguồn nước ngọt nhưng người dân hạn chế canh tác từ khoảng tháng 5 đến
tháng 6 là để “né” nguồn nước bị ô nhiễm phèn mặn vào đầu mùa mưa. Riêng các
vuông trũng thì mô hình lúa - tôm đã được áp dụng và còn duy trì cho đến ngày
nay. Đáng quan tâm là việc tăng vụ đó làm kéo dài thời gian canh tác cây lúa
cũng như cần nhiều nước ngọt hơn để tưới trong suốt thời gian không có mưa từ
tháng 11 đến tháng 4.
Dù
đã được xây dựng và quản lý rất kỳ công các vuông như vậy, nhưng do đất được
hình thành từ biển nên các lớp đất bên dưới vẫn còn chứa rất nhiều muối. Vì vậy
nếu năm nào mưa thuận gió hòa thì không sao, nhưng nếu lượng mưa giảm đi thì lập
tức muối và phèn trong đất xì lên làm thiệt hại mùa màng rất đáng kể.
Đặc
biệt là năm nào hết mưa và gió chướng đến sớm thì nước mặn xâm nhập vào hệ thống
sông rạch sâu hơn. Nguồn nước mặn này nếu có gây ra thiệt hại thì chỉ xảy ra
trên cây lúa, cụ thể là lúa vụ hai muộn hoặc lúa vụ ba xuống giống sớm và nông
dân không cẩn thận khi cho nước vào ruộng làm “xèo” lúa rồi mới biết là nước mặn,
nên trở tay không kịp.
Những nỗi lo còn đó
Đợt
hạn mặn năm 2015-2016 đã được đánh giá và ước lượng thiệt hại trên lĩnh vực
nông nghiệp cho toàn vùng khoảng 3.000 tỉ đồng, chủ yếu là giảm năng suất lúa.
Trong đó “thủ phạm” bị quy tội là nguồn nước mặn xâm nhập sâu qua các hệ thống
kênh rạch chưa có cống đập kiểm soát, để rồi đi đến đề xuất là xây cống Cái Lớn
- Cái Bé để làm giảm mặn, giữ ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau.
Vậy
còn mặn phèn trong đất thì sao? Nếu xảy ra hạn hán kéo dài, mặn trong đất xì
lên làm ảnh hưởng cây trồng thì nguồn nước ngọt giữ được (?) trong các sông rạch
liệu có đủ để bơm vào đồng ruộng mà pha loãng độ mặn này không? Giả như hạn hán
kiểu năm 2015-2016 thì mực nước sông Hậu thấp hơn bình thường rất nhiều, vậy nếu
có xây thêm trạm bơm bổ sung từ Cần Thơ thì chưa chắc có đủ nước ngọt mà bơm,
mà có bơm thì chưa chắc nước chảy được vì nếu bơm thì phải bơm lúc nước ròng từ
sông Hậu để không bị mặn, nhưng phía biển Tây coi chừng lại là nước lớn vì có
hai chế độ triều khác nhau.
Cũng
do điều kiện hình thành đất mà vùng trũng, vùng gò đan xen nhau dọc hai bên
dòng sông. Hàng trăm năm qua, hễ nước lớn đưa nước mặn vào thì người dân sống ở
vùng trũng lấy nước vào để “ém phèn” và khai thác thủy sản, khi nước ròng chảy
ra thì độ mặn giảm nên người dân vùng gò bơm nước vào cho ruộng rẫy.
Nhịp
sống hài hòa giữa thiên nhiên và xóm làng như vậy chẳng phải là rất “thuận
thiên” sao? Bây giờ chúng ta giảm mặn tăng ngọt thì thiệt hại cho người dân nuôi
trồng thủy sản này ai gánh? Chưa nói đến là trong một gia đình có vuông thì trồng
lúa, có vuông thì nuôi tôm; dù con tôm có nhiều rủi ro nhưng xem ra ai cũng nói
trong mười năm qua con tôm đã “gánh” cho cây lúa rất nhiều. Trên bình diện quốc
gia, năm 2017 xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỉ đô la Mỹ và xuất khẩu gạo đạt 2,6 tỉ
đô la Mỹ và thứ tự ưu tiên hiện nay là thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo cho
toàn vùng ĐBSCL, vậy thứ tự ưu tiên của vùng dự án Cái Lớn - Cái Bé là gì? Bài
toán kinh tế giữa đầu tư - lợi nhuận ra sao?
Vùng
Tây Nam sông Hậu đã có ba dự án thủy lợi “khủng”. Dự án Cái Lớn - Cái Bé mới
này sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực ra sao đối với ba dự án này?
Với
quá nhiều nỗi lo như vậy và với số tiền tới hơn 3.300 tỉ đồng đầu tư, các bước
đi phải rất thận trọng để sau này không phải hối tiếc. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN-PTNT), cơ quan được giao nhiệm vụ chủ
trì dự án, nên công bố tất cả các tài liệu liên quan về dự án lên cổng thông
tin điện tử, cho người dân được tham gia góp ý và chia sẻ các quan ngại. Làm được
điều này, tức là Bộ NN-PTNT đã thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong
các Công ước Montreal (1987), Tuyên bố Rio (1992), Tuyên bố Winspread (1998),
và Công ước Kyoto sửa đổi (2006). Đó là: “Khi một hành động hoặc một chính sách
bị nghi ngờ có rủi ro gây hại cho công chúng hoặc cho môi trường và thiếu sự đồng
thuận khoa học rằng hành động hoặc chính sách đó là không gây hại, thì trách
nhiệm chứng minh (burden of proof) rằng hành động đó không có hại là thuộc về
phía đưa ra hành động hoặc chính sách đó”.
SOURCE:
http://www.thesaigontimes.vn/273278/Can-than-trong-voi-du-an-Cai-Lon---Cai-Be.html
Bài viết phân tích chi tiết, mang đến những thông tin hữu ích cho người đọc. Ngoài ra, mô hình rửa xe chuyên nghiệp cần đầu tư những trang thiết bị nào? Cần lưu tâm những khía cạnh gì đảm bảo hiệu quả, tiện ích?
ReplyDelete