12/04/2016
“Hậu Lai Châu” là bài toán nhiều đơn vị thi công nhà
máy thủy điện (NMTĐ) Lai Châu phải tính đến, nhất là những đơn vị phải tập
trung nhân lực vật lực trong một thời gian dài cho công trường như Công ty cổ
phần Sông Đà 9 (Tổng Công ty Sông Đà). Phóng sự “Làm thủy điện trên đất Lào”
của Trương Cộng Hòa đề cập những cố gắng của Cty sông Đà 9 giải quyết bài toán
này và những chuyện lạ trên công trường…
Đội quân tinh nhuệ
Trên thực tế thì Sông Đà 9 đã tham gia vào hai công
trình thủy điện lớn Xê-ca-mản 1 và Xê-ca-mản 3 ở Nam Lào nhưng đấy là hai công
trình do TCty Sông Đà làm chủ đầu tư. Người và việc vẫn vậy, khác chăng là làm
trên đất Lào. Còn đối với công trình thủy điện Nậm Nghiệp 1 ở huyện Pa-ka-san
tỉnh Bô-li-khăm-xay thì lại khác. Công trình do Tập đoàn điện lực Lào và Cty
điện lực Kan-sai (Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Tổng thầu xây lắp là Cty Ô-bay-si
(Obayshi) cũng của Nhật. Có đến 5 nhà thầu phụ trúng thầu xây lắp các hạng mục
công trình. Việt Nam có Cty Sông Đà 5, Sông Đà 9 và Cty CP Lắp máy 10 (LILAMA
10).
“Đào núi-ngăn sông-đắp đập”, đấy là nghề chính ,cũng
là thế mạnh của Sông Đà 9. Thế mạnh ấy được đang hiển hiện trên công trường Nậm
Nghiệp 1. Hành quân tới công trường tháng 10/2015, từ đó đến cuối tháng 3/2016,
chi nhánh 9.08 của Sông Đà 9 đã kịp thời làm được nhiều việc: tham gia lắp đặt
hệ thống băng tải (cùng Sông Đà 5), hoàn thành đắp đê quây thứ cấp của công
trình chính bằng bê tông đầm lăn (15.000 m3). Dự án Nậm Nghiệp 1 có 2 bậc. Chi
nhánh Sông Đà 9.08 đã hoàn thành việc đổ bê tông đầm lăn đập điều tiết của nhà
máy thứ 2 (công suất 18 MW) ở phía hạ du nhà máy chính. Và ngày 21/3/2016 khối
bê tông đầm lăn đầu tiên của đập chính nhà máy đã được đổ xuống. Gặp chúng tôi
trên công trường, kỹ sư Đinh Văn Đại, Giám đốc chi nhánh Sông Đà 9.08 vui vẻ
cho biết: sau khi hoàn thành việc đổ bê tông trám phẳng hố móng đập chính, từ
ngày 10/4, bắt đầu đổ bê tông đầm lăn đập chính. Công việc phải hoàn thành
trong hơn 22 tháng.
Đinh Văn Đại vẫn thế, chắc khỏe, đi hiện trường không
biết mệt. Chỉ có một điều khác: lần này phải gửi con về cho ông bà nuôi hộ. Vợ
(cũng là người của Sông Đà 9.08) ở lại Việt Nam. Hơn 300 kỹ sư, công nhân Sông
Đà 9.08 cũng đều như vậy. Nói một câu đơn giản: di chuyển toàn bộ thiết bị sang
công trường. Nhưng không quen việc, không thạo nghề thì đi từ thủy điện Lai
Châu theo đường Hồ Chí Minh vào đến cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh, rồi hành quân
trên đất Lào vài trăm km cũng vất vả lắm đấy chứ? “Mang chuông đi đánh nước
người” không tinh gọn, thiện chiến thì không được.
Sự lạnh lùng của “cơ chế thị trường”
Dự án thủy điện Nậm Nghiệp 1 xây dựng ở một khu vực
rất thuận lợi về giao thông, chỉ cách thị trấn Lạc Sao trên quốc lộ 13 đường về
Viêng-chăn hơn 50km. Chủ đầu tư, Tổng thầu ngoài những chỉ tiêu chất lượng và tiến
độ, còn có những yêu cầu rất khắt khe về quy trình làm việc, ăn ngủ và vệ sinh
môi trường. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường, Tổng Giám đốc Cty CP Sông Đà 9, người
trực tiếp tham gia đấu thầu dự án khẳng định: Sông Đà 9 đã làm Tổng thầu EPC dự
án xây dựng giai đoạn 1 bãi thải xỉ Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 mà chủ đầu
tư là một tập đoàn mạnh của Mỹ nên đã quen với những quy định khắt khe ở một
công trường xây dựng mang tính quốc tế cao. Đến công trường Nậm Nghiệp 1, nền
nếp và quy củ ấy vẫn được tiếp nối. Nhìn công trường thật đẹp: đường sá thông
thoáng, trạm trộn bê tông, hệ thống băng tải, băng chuyền gọn gàng phủ một lớp
sơn như mới. Hai bên bờ sông, nơi thì vách đá lô xô còn chồm ra mặt sông, nơi
thì các vách ta luy đã được phun vẩy bê tông chống thấm tầng tầng lớp lớp. Hố
móng đập chính gọn gàng đang được nạo rửa lần cuối… Và nắng nữa. Nắng vàng trên
vách đá, trên nền đất nâu tươi… Mùa khô đất Lào sắp kết thúc nhưng công trường
đã hội đủ điệu kiện để thi công trong mùa mưa rừng.
Tuy nhiên, cũng phải làm quen với một số quy định mới.
Đó là việc mọi sinh hoạt, lao động của người công nhân đều gói gọn trong hàng
rào bảo vệ. Xe cộ, người không thể tùy tiện ra vào công trường bất kể ngày đêm,
dù có giấy ra vào thường xuyên. Người lao động nghỉ ngơi trong những phòng ở
khép kín, có điều hòa nhiệt độ và có cả công-tơ điện. Có tới 3 thùng rác dùng
cho 3 loại rác khác nhau để ở bên ngoài các dãy nhà. Người lao động không được
phép đun nấu, ăn uống trong phòng ở. Tất cả đều ăn ở nhà ăn tập thể. Người nấu
ăn cũng không phải đi chợ vì đã có người mang lương thực thực phẩm đến tận nơi…
Thoạt đến ngoại vi công trường, chúng tôi ngạc nhiên
khi thấy bên ngoài hàng rào công trường xây dựng một nhà máy thủy điện công
suất ngót nghét 300MW, sao mà vắng lặng, dân cư thưa thớt, khác hẳn cành đông
vui, tấp nập ở các công trường thủy điện của Việt Nam. Không có “ngã ba sung
sướng”, không có “dốc tình”, những hàng ăn, quán Karaoke đèn xanh đèn đỏ hay những
cửa hàng tạp hóa, điện thoại và những lán bán rau, bán thịt - những nơi người
lao động có thể “xả stress” sau một ngày làm việc mệt nhọc, những nơi mà những
người có thâm niên sống ở công trường nói rằng “không thể thiếu được”, là “một
phần sống động nhất của công trường”. Ngạc nhiên thì có, nhưng thấy ở hoàn cảnh
của mình thì cũng phải làm thế. Lao động có 3-4 quốc tịch khác nhau, nếu không
gom vào từng khu vực, thả bung ra thì dễ dẫn đến xô xát, dẫn đến xung đột. Đấy
là chưa kể ma túy, dịch bệnh… Và một điều hiển nhiên là khi công trường kết
thúc, không có chuyện hình thành một thị trấn mới với “điện-đường-trường-trạm”
như ở Việt Nam vốn vậy. Phải chăng đấy là cái khác của một công trường thuần
túy mang bài toán kinh tế thị trường?
Khúc vĩ thanh vui
Thời gian ở công trường thật ngắn. Chúng tôi rời công
trường khi trời vừa rạng sáng. Những ngôi nhà sàn thưa thớt còn im ngủ. Những
vạt rừng tái sinh lúp xúp màu xanh xen lẫn với những vệt vàng khô cháy của cỏ.
Một nẻo đường mòn rẽ sâu vào những vạt đồi, không biết dẫn đến bản làng nào.
Ghé tạm vào một quán ăn bên đường, có lẽ là một trạm dừng xe, gọi món ăn lành
nhất với người đi đường: xôi nếp ăn với thịt gà nướng xiên và một loại đồ chấm
như “chẩm chéo” của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Qua ngã ba Lạc Sao trên
đường về Việt Nam, cả đoàn lại rẽ vào một công trường mới: công trường xây dựng
NMTĐ Nậm Thơn, công suất hơn 600 MW. Sông Đà 9 cũng trúng một gói thầu ở đấy.
Ngày khởi công đang đến rất gần. Chúng tôi bỏ xe, đi bộ trên những đoạn đường
phục vụ thi công còn tươi màu đất mới. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 37-38 độ C.
Và thật sảng khoái khi đứng trên bờ sông, được hưởng luồng gió mát rượi thổi
đến. Theo đường chim bay, công trường rất gần Việt Nam nên ngọn gió mùa đông
bắc từ Việt Nam mới thổi được đến đây. Ở cửa khẩu Cầu Treo trưa đó, khi chúng
tôi vượt qua, nhiệt độ xuống dưới 19 độ. Mưa nhỏ.
Bài và ảnh: Trương Cộng Hòa
Làm thủy điện trên đất Lào
No comments:
Post a Comment