Sunday, November 13, 2022

CÁC ĐẬP TRÊN MEKONG TÀN SÁT THỦY SẢN Ở PHỤ LƯU

 (Dams on the Mekong decimating tributary fisheries)

Pratch Rujivanarom – Bình Yên Đông lược dịch

Mekong Eye – 31 October 2022


Một bẫy cá truyền thống tên là ‘yok yor’ được dùng phổ biến trong sông Songkhram, một phụ lưu của sông Mekong.  Kể từ khi đập Xayaburi của Lào bắt đầu hoạt động trong năm 2019, nhiều ngư dân để dụng cụ đánh cá của họ trên bờ và chuyển sang canh tác, ngay cả nó không thể cung cấp đủ thu nhập để nuôi gia đình. [Ảnh: Visarut Sankham]

Phụ lưu sông Mekong chảy tự do cuối cùng đang mất thủy sản cá có giá trị vì các đập trên dòng chánh.

 

NAKHON PHANOM, THÁI LAN – Con số cá tụt giảm trong các phụ lưu của sông Mekong vì các đập trên dòng chánh được xây trên [một trong những] con sông lớn nhất của Á Châu.

Những thay đổi đã báo động các cộng đồng dọc theo sông Songkhram, một trong những phụ lưu quan trọng của sông Mekong trong tỉnh Nakhon Phanom ở đông bắc Thái Lan.

Wichit Phonglad, 73 tuổi, đã dành hầu hết cuộc đời đánh cá trong sông Songkhram.  Vì ông có nhiều kiến thức về các loại cá, ông được đặt tên là hiền nhân của Ban Samphong, một cộng đồng lâu đời trên bờ sông.

Nhưng kiến thức về cá trong sông của ông đã không còn thích hợp sau khi một số cá biến mất – nay chúng chỉ sống trong ký ức của ông.

“Cá nay khó tìm hơn,” Wichit nói.  “Nhiều loại cá đã hoàn toàn biến mất khỏi sông và chúng tôi không còn kiếm sống bằng đánh cá nữa.”

 

Ngư dân trong làng Ban Samphong của Nakhon Phanom nói một số loại cá đã biến mất khỏi phụ lưu Songkhram của sông Mekong, nơi họ đã đánh cá trong nhiều thập niên.  Họ liên kết hiện tượng vói các đập trên dòng chánh Mekong, nơi các chuyên viên nói các kiến trúc bê tông đã thay đổi dòng chảy của sông. [Ảnh: Visarut Sankham]

 

Theo tài liệu ở địa phương, 25 loại cá được thấy trước đây trong sông, nhưng nhiều loại đã không còn thấy trong lưới cá trong một vài năm qua.

Cá biến mất sau khi đập thủy điện Xayaburi ở Lào bắt đầu hoạt động trên dòng chánh sông Mekong trong năm 2019 – 600 km về phía bắc làng của Wichit.

Từ đó, ông và các dân làng khác đã ghi nhận dòng chảy bất thường trong sông Songkhram.

Trong điều kiện bình thường, sông làm ngập các vùng chung quanh từ tháng 6 đến tháng 10 mỗi năm, mang dòng nước đục ngầu từ sông Mekong vào sông Songkhram và làm ngập đồng lụt thấp và rừng ở ven sông.

Các nơi bị ngập được biến thành nơi sinh sản lý tưởng cho di ngư từ sông Mekong và vùng trở thành nơi trưởng thành của cá con.

Đời sống của người dân sống dọc theo song Songkhram nơi được xác định bởi lũ lụt hàng năm nầy, vì nó bảo đảm tính có sẵn của cá và thu nhập từ việc đánh cá.

Trong vài năm qua, tuy nhiên, sông Songkhram không còn lũ lụt theo mùa.  Nhưng thỉnh thoảng bị lũ lụt trái mùa.

“Trước khi đập Xayaburi hoạt động, chúng tôi có những thay đổi nhỏ trong dòng chảy sau khi các đập được xây ở Trung Hoa.  Nhưng những thay đổi nầy đáng kể sau khi đập Xayaburi – rất gần Thái Lan hơn – bắt đầu hoạt động,” Wichit nói.

“Quan sát của chúng tôi thuyết phục chúng tôi rằng các đập không chỉ gây ra dòng chảy không tự nhiên và mực nước vô cùng dao động trong sông Mekong. mà còn nới rộng vào các phụ lưu.  Điều nầy làm cho sông Songkhram không thể đoán trước được.”

Khu Ramsar được đề cử

Theo Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới (WWF), sông Songkhram là một vùng đất ngập nước quan trọng nhất trong vùng Mekong.  Nó nằm trong các phụ lưu cuối cùng của sông Mekong ở Thái Lan mà cá có thể di cư đến và có thể sinh sản và sinh sôi nẩy nở.

Sông cũng có những khu rừng ven sông lớn, người địa phương gọi là Pa Tam, cung cấp nơi cư trú cho các loại cây cối đa dạng và các loại đời sống hoang dã xoay quanh chu kỳ lũ lụt theo mùa.  Nhiều loại quý hiếm ở địa phương và không thể thấy ở nơi khác.


Đất rừng ven sông, người địa phương gọi là ‘Pa Tam’, dọc theo sông Songkhram trong tỉnh Nakhon Phanom.   

Rừng cung cấp thức ăn, dược phẩm và vật liệu thủ công cho người địa phương và là nơi sinh sản của di ngư trong mùa lụt. 

[Ảnh: Visarut Sankham]

 

Người địa phương trong làng Ban Samphong của Nakhon Phanom, dựa vào đời sống trên sông Songkhram trong nhiều khía cạnh. 

(Trái) Đàn bà dệt thảm từ cây lớn lên ở bờ sông, kiếm thêm thu nhập. 

(Phải) Một số ngư dân địa phương làm dược phẩm từ cây nhặt ở đất rừng ven sông. 

[Ảnh: Visarut Sankham]

 

Vì tầm quan trọng sinh thái của nó, vào tháng 5 năm 2019, khoảng 5.500 hectares của Hạ lưu vực sông Songkhram trong huyện Tha Uthen và Sri Songkhram thuộc tỉnh Nakhon Phanom được đề cử làm Khu Ramsar – dưới một hiệp ước của Liên Hiệp Quốc để khuyến khích bảo tồn và sử dụng khôn ngoan đất ngập nước trên thế giới.

Sông có 192 loại cá.  Trong số đó, 15 loại được xem là các loại cá cần được chú ý, theo một phúc trình nộp cho Dịch vụ Tin tức Khu Ramsar bởi WWF Thái Lan.  Ba loại được đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng cao trong Danh sách Đỏ cùa Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Sự vắng mặt của lũ lụt theo mùa và sự dao động không tự nhiên của sông đang làm xáo trộn chu kỳ sinh sôi nẩy nở của những chủng loại nầy và làm suy thoái đất ngập nước.

Ngăn đập sông

Cùng với những thách thức liên quan đến các đập trên dòng chánh Mekong, sông Songkhram cũng được dự trù 2 dự án cửa nước sẽ ngăn đập sông.

Đi đầu bởi Văn phông Quốc gia Thủy lợi (ONWR), cơ quan của chánh phủ Thái có nhiệm vụ tìm cách để quản lý tính khả chấp của nước, các dự án 

 

Biểu đồ: Michael Salzwedel / Earth Journalism Network

 

nhằm ngăn ngừa hạn hán và giảm nhẹ ngập lụt triền miên ở các vùng đất thấp của lưu vực sông Songkhram.

Dự án cửa nước đầu tiên sẽ được xây ở phần giữa của sông trong tỉnh Sakon Nakhon để trữ đến 74 triệu m3 nước để dẫn tưới.  Cửa thứ hai được dự trù ở cửa sông trong tỉnh Nakhon Phanom để quản lý dòng chảy giữa sông Songkhram và dòng chánh Mekong.

Cả 2 dự án nay trong giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Tuy nhiên, Bộ Thủy nông Hoàng gia đang xây cất 2 cửa nước khác trên các phụ lưu của sông Songkhram trong tỉnh Sakon Nakhon, theo một phúc trình trong ấn bản doanh nghiệp Thái Krungthep Turakij.  Cả 2 được dự đoán hoàn tất trong năm 2023.

“Người dân trên khắp Lưu vực sông Mekong và sông Songkhram đang gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp của các đập,” Amnart Trichak, chủ tịch của Hệ thống Tổ chức Cộng đồng Hội đồng Bảy Tỉnh Đông bắc trong Lưu vực Mekong, nói.

“Thay vì hướng sự chú ý của họ đến việc giảm nhẹ các vấn đề môi trường từ những dự án như thế, chánh quyền đưa ra thêm các dự án đại qui mô gây nhiều ảnh hưởng.”

 

Đa dạng sinh học nước ngọt phong phú của Thái Lan bị đe dọa.

 

Chánh phủ Thái đã có những nỗ lực để đương đầu với thay đổi khí hậu bằng cách xây một số lớn dự án trữ nước.  Nhưng chúng có thể đe dọa đa dạng sinh học nước ngọt của quốc gia.

Ngăn đập sông Songkhram đòi hỏi nạo vết đáy sông có thể hủy hoại nơi cư trú của cá.  Nó cũng sẽ làm ngập rừng ở 2 bờ sông và trong vùng của Khu Ramsar Hạ lưu sông Songkhram.

Việc nạo vét được đề nghị bởi Bộ Hải dương mà không tham khảo quần chúng, và người dân chỉ biết về chuyện nầy hồi đầu năm nay, Amnart nói.

Phẩm chất nước xấu hơn

Không chỉ những thay đổi thủy học góp phần vào sự sụt giảm của số cá.  Ngư dân địa phương cũng ghi nhận phẩm chất nước của sông Songkhram đã trở nên xấu hơn trong những năm gần đây.

Kham Neelakul, một ngư dân ở Ban Samphong, liên kết thay đổi nầy với sự bành trướng của đồn điền mía trong vùng thượng lưu của sông.

“Họ dùng thuốc diêt cỏ và thuốc trừ sâu rất nhiều.  Những hóa chất nông nghiệp nguy hiểm nầy cuối cùng được xả xuống sông,” ông nói, thêm rằng chất thải từ các cộng đồng gia tăng dọc theo sông cũng là một phần của vấn đề.

Ngư dân địa phương gần đây đã bắt càng ngày càng nhiều cá ngoại lai, đáng chú ý là cá lau kiếng (Hypostomus plecostomus), một loại cá từ Nam Mỹ nay đang trải rộng rất nhanh trên khắp nơi cư trú nước ngọt ở Thái Lan.

“Người dân không quen với loại cá nầy,” Kham nói.  “Chúng tôi không tiêu thụ nó, vì thế chúng không có giá trị.”

Vì sông không còn cung cấp nguồn cá đáng tin cậy nữa, do áp lực môi trường gia tăng, Kham nói người địa phương đã chuyển hoạt động kinh tế chánh của họ sang nông nghiệp hay bỏ đi để tìm việc ở nơi khác.

“Hiện nay chung tôi chỉ có thể bắt cá nhỏ từ sông, vì cá lớn phần lớn đã hết,” ông nói.

“Trong một ngày may mắn, tôi có thể kiếm được từ 2.000 đến 3.000 baht từ việc bắt cá, nhưng hầu hết tôi chỉ được khoảng 200 đến 300 baht, chỉ đủ cho nhiên liệu và nỗ lực.”

 


Vào năm 1994, việc xây cất đập Pak Mun, với các thang cá ở bên cạnh, được hoàn tất trong tỉnh Ubon Ratchathani, ở phía nam của lưu vực sông Songkhram. Các chuyên viên và các cộng đồng địa phương liên kết đập với những thay đổi trong sinh thái và lưu lượng sông làm giảm các loại động và thưc vật. [Ảnh: Visarut Sarikham]

Ngư dân đã bỏ dụng cụ hành nghề trên bờ sông Songkhram và chuyển sang các thu nhập khác, gồm có canh tác và công việc hàng ngày.  Đánh cá không còn nuôi nỗi họ và họ không thể sống còn với số cá đánh được sụt giảm lớn lao mà họ có từ khi các đập thủy điện được xây trên sông Mekong. [Ảnh: Visarut Sankham].

Ảnh hưởng tai hại

Mặc dù các chỉ trích ở địa phương, Phirun Saiyasitpanich, tổng thư ký của ONWR và Văn phòng Quốc gia Quy hoạch và Chánh sách Môi trường (ONEP), khẳng định rằng chánh phủ không bỏ qua vấn đề suy thoái đa dạng sinh học nước ngọt.

ONEP là cơ quan chánh thức có trách nhiệm trực tiếp để bảo tồn đa dạng sinh học, kể cả việc bảo vệ và quản lý thích đáng các hệ sinh thái theo Quy ước Ramsar.

Phirun nói Thái Lan có cơ chế Đánh giá Ảnh hưởng Môi trường (EIA) giám sát bởi ONEP.  Mỗi dự án đủ tiêu chuẩn để thực hiện EIA phải nghiên cứu ảnh hưởng môi trường tai hại của dự án và đề nghị một kế hoạch giảm nhẹ.

Ngoại trừ phúc trình EIA cho thấy các biện pháp giảm nhẹ hay điều chỉnh thích đáng để giảm nhẹ ảnh hưởng môi trường tiêu cực của dự án, ONEP sẽ bác bỏ phúc trình và đòi hỏi xem xét lại.

“ONEP đang cố gắng để hợp tác với các cơ quan liên hệ khác để bảo đảm rằng các dự án phát triển mới của họ sẽ cứu xét khía cạnh môi trường và có ảnh hưởng tai hại tối thiểu đối với các hệ sinh thái,” ông nói.

Nhưng Wichit, một ngư dân về hưu, người đã thấy những thay đổi nhanh chóng của sông Songkhram, tin rằng cần phải hành động thêm ngoài cơ chế EIA.

“Chúng ta cũng phải ngừng xây thêm đập trên sông Mekong và phụ lưu của nó và chuyển chú tâm đến việc bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù của chúng ta,” ông nói.

“Rõ ràng là các đập làm hại nhiều hơn lợi.”

 

No comments:

Post a Comment