Tuesday, October 27, 2020

Tâm Tuệ - Nguyên nhân ‘đích danh’ khiến miền Trung lũ lụt lịch sử và cái giá phải trả?



Các chuyên gia khí tượng cho biết miền Trung mưa triền miên trong những ngày qua dẫn tới lũ lịch sử là do tác động của nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm. Tuy nhiên, có nhiều phân tích cho rằng thiên tai tại Việt Nam hiên nay và những năm gần đây với tình hình ngày càng trầm trọng là do phá rừng và làm thủy điện.

Vào 13 giờ chiều 21/10, bão số 8 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560 km về phía đông.

Đến 19 giờ ngày 23/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 110km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (tức 100-135km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 115,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115 km/giờ), giật cấp 13.

Theo thống kê từ truyền thông trong nước, tính đến trưa 21/10, mưa lũ khiến 111 người chết, 22 người mất tích; hơn 200.000 người phải sơ tán.

Bốn tỉnh thiệt hại về người nặng nhất là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Bình.

Hiện còn hơn 124.000 hộ dân tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đang bị ngập. Trong đó, Hà Tĩnh có 9 huyện, Quảng Bình 7 huyện ngập sâu (trên một mét). Ở Quảng Trị, nước đã rút khỏi nhà dân, chỉ còn một số tuyến đường ở các vùng thấp trũng, gần sông còn ngập nhẹ.

Sáng nay, bão thứ 8 đã vào biển Đông và dự báo sẽ gây mưa lũ cho các tỉnh miền Trung trong những ngày tới.

Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, thời điểm bão số 8 vừa vào đất liền sẽ có nguy cơ xuất hiện một cơn bão khác vượt qua Philippines vào Biển Đông trở thành bão số 9. Bà Lan cảnh báo tàu bè trên biển cần tránh chủ quan trong giai đoạn này vì thời tiết diễn biến khá phức tạp.

Thông tin với báo chí, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) nhận định, với những cơn bão dồn dập trong thời gian ngắn hướng vào các tỉnh miền Trung vừa qua, nay kèm với ảnh hưởng của bão số 8 có nguy cơ kéo theo nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm.

Đó là gió mạnh kèm giông, lốc trên các vùng biển rất nguy hiểm đối với tàu thuyền, cùng với đó là gió từ hoàn lưu bão và hoạt động mạnh của gió mùa đông bắc.

Chuyên gia khí tượng cũng lưu ý cần phải quan tâm đến khả năng mưa do bão khi ảnh hưởng đến đất liền trong 3-4 ngày tới ở khu vực miền Trung, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi phía tây do đất đã bão hòa; ngập úng vùng trũng.

Lý giải nguyên nhân khiến khu vực miền Trung có mưa triền miên dẫn đến lũ lịch sử trong những ngày qua, ông Trần Quang Năng cho biết đó là do ảnh hưởng của La Nina và tác động của biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết nguy hiểm như bão, không khí lạnh, gió mùa đông bắc… khiến thời tiết khu vực miền Trung đã cực đoan ngày càng khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, có nhiều phân tích cho rằng thiên tai tại Việt Nam hiện nay và những năm gần đây ngày càng trầm trọng là do phá rừng và làm thủy điện. Và rằng, đây có phải là nguyên nhân chính?

Thủy điện lợi lớn hại không nhỏ

Việt Nam có rất nhiều hồ thủy điện được xây dựng trong những năm gần đây. Chính phủ cũng có nhiều văn bản pháp luật liên quan, quy định tiêu chuẩn xây dựng và vận hành hồ chứa, đặc biệt trong trường hợp có lũ. Theo đó, chủ đầu tư phải trình thiết kế dự án cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Riêng ở Thừa Thiên Huế, nơi vừa xảy ra vụ sụt lở đất nghiêm trọng ở Thủy điện Rào Trăng khiến 13 chiến sỹ thiệt mạng, ước tính 3 sông chính ở đây đang gánh tới 13 thủy điện.

Đối với khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu…, nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hằng năm. Trước và sau khi có các hồ chứa thủy điện vận hành, đã xảy ra nhiều trận mưa, lũ gây thiệt hại nặng nề đối với khu vực này như các năm 1999, 2007, 2008, 2010, 2011 và 2020.

Theo ghi nhận của báo Người lao động, hiện nay, toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đưa vào vận hành khai thác 54 thủy điện bậc thang (7.025 MW) và 156 thủy điện nhỏ (1.565 MW); đang thi công xây dựng 11 dự án bậc thang (704 MW) và 72 dự án thủy điện nhỏ (859 MW). Đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ đã vận hành góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điều tiết mức giá điện hợp lý (thủy điện trên cả nước hiện chiếm khoảng 37% điện năng của hệ thống điện quốc gia), đóng góp tỉ lệ cao trong nguồn thu ngân sách của các địa phương liên quan, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Thủy điện vừa và nhỏ chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn nên dung tích hồ chứa khiêm tốn, dẫn tới hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể. Đáng nói, khi xây dựng thủy điện thì phải phá rừng – đây là yếu tố “góp phần” vào việc làm thay đổi dòng chảy, môi trường sinh thái trong khu vực. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Công Thương đã không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.

Tổng lượng mưa lũy tích từ ngày 15-10 đến 19 giờ ngày 19-10-2020: khu vực Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa – Nghệ An phổ biến 160÷220 mm, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế phổ biến 450÷840 mm. Trong khi đó, hệ thống công trình thoát lũ ở miền Trung vẫn còn quá ít, liên quan đến cả hệ thống giao thông cắt vuông góc với hướng dòng chảy, đường càng cao thì chặn lũ, ứ lại càng nhiều, hệ thống cống thoát khi tính toán thiết kế thường không tính được hết lưu lượng lũ cần tải qua càng làm cho khả năng thoát lũ chậm hơn.

Nới về việc vận hành của các hồ thuỷ điện, ông Nguyễn Thanh Ca nói trên BBC rằng các hồ thủy điện ở Việt Nam được vận hành theo chuẩn quốc tế. Và dù quy trình xả lũ khác nhau nhưng có điểm chính là hồ có hai ngưỡng chính gồm ‘đón lũ’ và ‘xả lũ’.

Tuy nhiên, ông Ca thừa nhận rằng làm hồ thủy điện gây ra muôn vàn tác động tiêu cực tới môi trường, sinh thái, làm tăng xói mòn bờ biển, và gây lũ quét nếu đập bị vỡ. Việc xây các hồ chứa kèm theo xây dựng hệ thống hạ tầng đi kèm đòi hỏi phải san đồi núi, phá rừng, điều này lại làm gia tăng lũ lụt. Do đó, ông Ca nói ông không ủng hộ thủy điện.

Những cánh rừng bị đốn hạ

Để làm các thủy điện này, nhiều ngàn hecta rừng phòng hộ bị phá để làm hồ. Nhiều ngọn đồi, núi bị san phẳng để làm các trạm, đường, công trình quản lý liên quan.

Trong khi bão lũ vẫn đang hoành hành ở miền Trung, người dùng mạng xã hội truyền nhau những bức ảnh vệ tinh của Google Maps cho thấy Việt Nam gần như không còn rừng. Chỉ còn một màu xám ở khu vực ngã ba Đông Dương tiếp giáp với Lào và Campuchia.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng phá rừng ở Việt Nam vẫn đang diễn tiến nghiêm trọng dù đã có nhiều báo cáo của phía chính phủ Việt Nam cho thấy có nỗ lực để khôi phục rừng.

Từ năm 2010 đến 2015, 300,000 ha rừng tại Việt Nam bị đốn hạ – tương đương với 4 lần diện tích thành phố New York.

Ảnh chụp màn hình tờ BBC.

Và chỉ riêng trong năm 2018, 10.000ha rừng của Việt Nam biến mất.

Huy Nguyễn, nghiên cứu viên về Quản lý thảm họa tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đại học Kyoto công bố trên Facebook những bức ảnh vệ tinh cho thấy diện tích rừng Việt Nam bị mất trong 20 năm qua.

Theo ông Huy Nguyễn, khi phân tích các bản đồ vệ tinh được chụp liên tục từ năm 2000 đến nay và sử dụng phương pháp tách các lớp ảnh, chạy time-lapse thì “không thể không sốc với diện tích rừng bị mất”.

“Sự thật là chúng ta đã mất đi lớp thực bì vô cùng quan trọng là các khu rừng nguyên sinh phía Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, Khu vực Tây Nguyên và cả phần rừng bên Lào và Campuchia vốn rất quan trọng trong điều hòa khí hậu của Việt Nam.”

 SOURCE:

https://vietluan.com.au/

No comments:

Post a Comment