LTS: Tác động của các đập thủy điện trên dòng chính Mekong, từ thượng nguồn là sông Lancang (Lan Thương) trong lãnh thổ Trung Quốc đến hạ nguồn kể từ lãnh thổ Lào ra đến Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, là vấn đề nóng bỏng về mặt môi trường, kinh tế, xã hội và chính trị ở Đông Nam Á.
Gần đây một công ty quốc doanh của Việt Nam là PV Power quyết định đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Luang Prabang trên sông Mekong ở Lào. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ phỏng vấn nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi ở Canada về vấn đề này.
Phần 1: Thủy điện trên sông Mekong (Phần 1: Cái bẫy Luang Prabang dành cho Việt Nam)
Phần 2: Thủy điện trên sông Mekong (Phần 2: Những tổn thương và việc cần làm)
Câu hỏi:
Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo Quản lý Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) ước tính tổng thiệt hại kinh tế của 11 dự án thủy điện trên sông Mekong là 7,3 tỷ USD, còn riêng với Việt Nam, thiệt hại ước tính khoảng 2,8 tỷ USD. Ông nhận xét thế nào về những tính toán này.
Nguyễn Đăng Anh Thi
Việt Nam đang và sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất trong 4 quốc gia hạ nguồn Mekong về xói lở bờ sông và ven biển.
Tại hội thảo về giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức tại Cà Mau vào ngày 9/4/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết vùng đồng bằng này sạt lở 300 – 500 hecta đất.
Viện thủy lực Đan Mạch (DHI) công bố một báo cáo nghiên cứu năm 2015, kết luận rằng việc xây thêm 11 đập thủy điện trên sông Mekong có thể xóa sạch nguồn trầm tích, phù sa cho Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo mô hình của DHI, kết quả xói lở vùng cửa sông, ven biển như sau:
Khoảng cách vùng cửa sông, ven biển từ Soài Rạp (Tiền Giang) đến Gành Hào (Bạc Liêu) có chiều dài khoảng 250 km, mỗi năm biển sẽ xâm thực 8-13 mét đất. Tính ra diện tích mất đi do tác động của 11 đập thủy điện này là vài trăm hecta.
Câu hỏi:
Ủy hội sông Mekong MRC trong Báo cáo đánh giá tác động tích lũy của 11 đập thủy điện trên dòng chính hạ nguồn Mekong công bố năm 2017 và Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực Mekong công bố năm 2019 cho rằng Việt Nam “có lợi” từ các đập thủy điện này vì có thể mua điện với giá rẻ từ Lào và Campuchia. Ông nhận xét như thế nào về đánh giá này?
Nguyễn Đăng Anh Thi
Thực ra báo cáo của MRC vẫn có đánh giá rằng các đập thủy điện trên sông Mekong làm cho hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất, xói lở bờ sông và ven biển ở Đồng bằng Sông Cửu Long trở nên vô cùng nghiêm trọng. Nhưng mặc dù đánh giá như vậy, quả thực MRC vẫn cho rằng Việt Nam “có lợi” từ các đập thủy điện này vì có thể mua điện với giá rẻ từ Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, đánh giá này không tính đến sự suy giảm ngoạn mục của giá điện từ năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời giảm 82% và điện gió giảm 40% chỉ trong 10 năm. Như vậy, nhận xét “lạc quan” của MRC về lợi ích Việt Nam nhận được từ “điện thủy điện giá rẻ” là hoàn toàn lạc hậu.
Câu hỏi:
Như vậy, thưa ông, tính toán trên toàn cục thì có thể nói điện từ năng lượng tái tạo rẻ hơn điện từ thủy điện trên sông Mekong hay không?
Nguyễn Đăng Anh Thi
Điều này đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, khi năm ngoái Campuchia thông qua đấu thầu đã mua được điện mặt trời với giá 3,877 Cent/kWh, nghĩa là chỉ bằng 58% giá điện của thủy điện Xayaburi và bằng 41% giá điện của thủy điện Luang Prabang mà PV Power muốn bán về Việt Nam. Mới nhất, Việt Nam cũng đã có cam kết mua điện gió từ Lào với giá tối đa chỉ 6,95 Cent/kWh.
Câu hỏi:
Nếu ủng hộ dự án thủy điện Luang Prabang trên sông Mekong, Chính phủ Việt Nam sẽ phải xem xét các vấn đề chính trị nào? Một khi khả năng cam kết mua điện của EGAT Thái Lan hoặc EVN Việt Nam khá thấp, sẽ chẳng có ngân hàng nào đánh cược rủi ro để góp vốn tài trợ cho dự án đến 70% tổng mức đầu tư. Vậy có thể nói chúng ta nên quên dự án này đi?
Nguyễn Đăng Anh Thi
Xem xét 3 yếu tố là (1) bối cảnh thị trường điện, (2) giá điện trong lưu vực Mekong, (3) vị trí địa lý của dự án Luang Prabang, có thể khẳng định nếu EGAT Thái Lan và EVN Việt Nam không mua điện, thì dự án Luang Prabang chắc chắn phá sản.
Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ và dứt khoát yêu cầu PV Power rút ra khỏi dự án Luang Prabang. Không xây đập trên sông Mekong thì Việt Nam mới có chính nghĩa để xử lý vấn đề hệ thống đập trên sông Mekong bằng công cụ pháp lý và ngoại giao.
Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, chứng minh một cách khoa học những thiệt hại của Đồng bằng Sông Cửu Long do các dự án thủy điện đã vận hành gây ra, gồm 5 đập trên lãnh thổ Trung Quốc và 2 đập trên lãnh thổ Lào. Những thông tin này là căn cứ khoa học để yêu cầu Lào và Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc khai thác sông Mekong một cách công bằng và hợp lý.
Việt Nam cần duy trì lập trường 10 năm trước về sông Mekong. Thông cáo báo chí của Ủy hội Sông Mekong MRC ngày 19 tháng 4 năm 2011 cho biết: “Việt Nam bày tỏ các mối quan ngại sâu sắc của mình về việc thiếu các đánh giá thỏa đáng, đầy đủ và toàn diện về các tác động xuyên biên giới và lũy tích mà dự án này có thể gây ra cho khu vực hạ nguồn, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam đề nghị trì hoãn dự án này và các dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện khác trên dòng chính sông Mê Công ít nhất là 10 năm.”
Báo cáo này cũng dẫn lời Tiến sỹ Lê Đức Trung, trưởng đoàn Việt Nam phát biểu như sau:
“Việc trì hoãn nên được nhìn nhận một cách tích cực là một cách để có thêm thời gian cần thiết để chính phủ các nước ven sông tiến hành các nghiên cứu toàn diện và mang tính định lượng cụ thể hơn về tất cả các tác động lũy tích có thể có.”
Những gì Việt Nam đã nói đối với dự án Xayaburi cũng cần nhất quán với các dự án khác, như Luang Prabang và Sanakhan.
Câu hỏi:
Những thách nghiêm trọng mà Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt không chỉ do các đập thủy điện trên sông Mekong gây ra mà còn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy giảm nước ngầm, suy thoái chất lượng đất, giảm tài nguyên thủy sản và giảm năng suất nông nghiệp. Việt Nam cần giải bài toán vĩ mô nào để cứu đồng bằng?
Nguyễn Đăng Anh Thi
Có hơn 20 triệu dân, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, Đồng bằng Sông Cửu Long là địa bàn trọng điểm trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, sự sống còn của khu vực này như ngàn cân treo sợi tóc.
MRC ước tính tổng thiệt hại vĩnh viễn về giá trị tài nguyên của 4 quốc gia trong lưu vực sông Mekong, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan có thể lên đến 143 tỷ USD. Thiệt hại vượt xa tất cả những lợi ích chảy vào túi các nhà đầu tư thủy điện.
Câu hỏi:
“Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công 1995” giữa 4 nước khu vực Mekong là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, có quy định các nước trên sông Mekong khi xây dựng những công trình tác động đến dòng sông phải “tham vấn trước”, nhưng lại giải thích “tham vấn trước không phải là quyền phủ quyết sử dụng nước hoặc là quyền đơn phương sử dụng nước của bất kỳ quốc gia ven sông nào mà không xét đến quyền của các quốc gia ven sông khác.”
Như vậy, các nước tham gia Hiệp định này không có quyền xây dựng đập thủy điện bất chấp quyền lợi của nước khác, nhưng đồng thời, mỗi nước cũng không có quyền phủ quyết dự án thủy điện trên sông Mekong nằm trong lãnh thổ nước khác. Vậy Việt Nam có thể làm gì khi đã ký vào một Hiệp ước như vậy?
Nguyễn Đăng Anh Thi
Việt Nam là nước nằm ở hạ nguồn sông Mekong nên khá bất lợi về pháp lý khi Hiệp ước quy định mơ hồ rằng các nước phải tôn trọng quyền lợi của nhau, nhưng lại khẳng định rõ ràng về ý “không được phủ quyết” dự án thủy điện trên lãnh thổ nước khác.
Nhưng dẫu sao, quy định rằng các nước phải tôn trọng quyền lợi của nhau vẫn có thể cho phép Việt Nam đấu tranh trên phương diện pháp lý và ngoại giao để bảo vệ Đồng bằng Sông Cửu Long.
Khi Lào cho phép các chủ đầu tư hai dự án Xayaburi và Don Sahong tiến hành thi công dù không có bất cứ đồng thuận nào sau khi kết thúc Tham vấn trước, là họ đã vi phạm Hiệp định này. Với dự án Xayaburi, Campuchia cũng đã phản đối và yêu cầu Lào dừng dự án trong khi nghiên cứu đánh giá tác động môi trường vẫn đang được tiến hành (xem ở đây, trang 155)
Như vậy, khả năng để Campuchia kiện Lào vẫn đang được để ngỏ, đặc biệt là khi họ đã quyết định dừng hết các đập thủy điện trên sông Mekong trong 10 năm tới để quan sát sự tiến bộ của các nguồn năng lượng thay thế.
Đó là điều Việt Nam cần suy nghĩ.
Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Anh Thi.
(Ghi chú: Những số liệu và luận điểm chính trong bài phỏng vấn này được tác giả công bố lần đầu trên báo Người đô thị. Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ và tác giả thực hiện phỏng vấn, biên tập và bổ sung thông tin).
SOURCE: https://usvietnam.uoregon.edu/thuy-dien-tren-song-mekong-phan-2-nhung-ton-thuong-va-viec-can-lam/
No comments:
Post a Comment