(Frightened by River Changes, Villagers Blame Laos Dam, Seek Answers)
Chan Muyhong and Danielle Keeton-Olsen – Bình Yên
Đông lược dịch
Voice of Democracy – October 20, 2020
Một ngư dân bán cá trái
mùa ở chợ cá Stung Treng ngày 15 tháng 8 năm 2020.
[Ảnh: Enric Català/VOD]
Thala
Barivat, Stung Treng – Mặt trời chiếu những tia nắng ấm nhất trước khi lặn trên các
cánh đồng ở Koh Pnov, một trong những đảo trên sông Mekong đủ chắc để sống sót
khi nước lên xuống theo mùa của sông. Mặc
dù thường ướt sũng vì các trận mưa buổi chiều của mùa mưa, vào một buổi chiều
trong sáng của tháng 8, các lãnh đạo trong làng nhắc lại trận lũ lụt và sạt lở
chưa từng thấy khiến họ lo sợ trong năm trước.
Mùa mưa thường mang nước lũ, nhưng thường chỉ đến đầu gối,
Phan Muy, ngư dân trưởng của cộng đồng Koh Pnov, nói. Lũ lụt hồi tháng 9 năm ngoái thì chưa từng
thấy, dâng cao 12 m vào ngày 6 tháng 9 năm 2019, trên 1 m cao hơn mức báo động
10,7 m.
Muy, người trông nom việc đánh cá trên đảo và ngăn ngừa việc
đánh bắt trái phép, nói làng lúc đó rất lo sợ và bực mình.
“Mọi người đều quá hoảng sợ, một số nhảy ra khỏi nhà,” tất cả
được dựng trên các cọc gỗ cao khoảng 2 m, ông nói.
Họ được cảnh báo trước khi nước đạt đỉnh. Muy nói, vì thế dân làng bắt đầu dỡ nhà gỗ và
mang vật liệu lên nơi chỗ cao. Tất cả
đàn bà và trẻ con đi thẳng đến trường làng, nơi cao nhất của Koh Pnov, trong
khi đàn ông bận rộn với súc vật trước khi lũ đến: Họ có thể di chuyển gà lên
chỗ cao, nhưng trâu có thể bơi, Muy giải thích.
Khi Muy nhận cảnh báo về lũ lụt, xã trưởng O’Svay cho ông
biết là đập vỡ, ông nói. Đập thủy điện
Don Sahong ở Lào không rò rỉ, nhưng khi họ chuẩn bị cho con nước sắp tới, cư
dân Koh Pnov, từ lâu vẫn chống đối kiến trúc bê tông lù lù trên biên giới Lào ở
thượng lưu của nhà họ, nghĩ tai họa sẽ đến từ đập.
Ở Stung Treng, điểm phía bắc của sông Mekong ở Cambodia, ngư dân và nông dân trải qua những thay đổi môi trường không lường trước: cá biến mất, rừng chết và các đảo sạt lở. Khi họ vật lộn với sự thay đổi chu kỳ tự nhiên, dân làng nhắm sự lo sợ của họ vào đập Don Sahong khổng lồ lù lù ở thượng lưu – mặc dù thủ phạm thật sự có thể lớn hơn một kiến trúc.
Chu kỳ tự nhiên lung lay
Ngồi dưới mái hiên của nhà hàng nhỏ của ông nhìn ra Mekong và
Lào, Poy Vanna, nguyên trưởng ngành du lịch của làng Preah Rumkel, nơi ông giám
sát các chuyến ngắm cá heo, nhà hàng và cửa hàng, nói chỉ còn 3 cá heo ở khúc
sông nầy, và chúng không còn ở trong các hố sâu gần đó – là nơi từng thu hút du
khách.
Kể từ khi việc xây đập bắt đầu, cá heo di chuyển khỏi hố sâu
Chleu Teal ở Preah Rumkel để đến sống bên kia biên giới Lào về phía thượng lưu
vì việc phá nổ trong khi xây cất, Vanna nói, người đưa du khách trên thuyền để
xem cá heo Mekong gần hơn.
“Nay, chúng tôi phải đi ra biên giới Lào để xem cá heo. Thuyền dừng lại ở biên giới tại Preak Rumkel và cá heo nhảy khỏi mặt nước bên phía Lào,” ông nói, lo sợ rằng sự quan tâm của du khách đối với làng du lịch sẽ phai mờ nếu cá heo biến mất.
Poy Vanna, nguyên trưởng ngành du lịch của cộng đồng Preah Rumkel, điều khiển thuyền của ông qua khu đất ngập nước được bảo vệ Ramsar ở Stung Treng ngày 14 tháng 8 năm 2020. [Ảnh: Enric Català/VOD]
Mặc dù cá heo Irrawaddy trong danh sách đỏ của
IUCN [International Union for Conservation Nature (Liên hiệp Bảo tồn Thiên
nhiên Quốc tế)] xuất hiện trong các hố sâu ở Stung Treng đã giảm ngay trước khi
việc xây đập bắt đầu hồi cuối năm 2015, Vy Phalluy, phối hợp viên tỉnh của Hiệp
hội Gìn giữ Môi trường và Văn hóa (Culture and Environment Preservation
Association), một NGO ở Stung Treng, nói ông nghi ngờ Don Sahong làm vấn đề tồi
tệ thêm.
Cá heo là một trong những tiếng hò hét biểu tình trong suốt
đầu thập niên 2010s để chống lại việc xây đập, cầm đầu bởi Quỹ Đời sống Hoang
dã Thế giới (World Wildlife Fund (WWF)), cho rằng Don Sahong “hầu như khiến
cho” cá heo phải rời nơi cư trú của chúng vì việc đào bới và việc di chuyển gia
tăng của tàu bè trong thời gian xây cất và ngăn chận việc di chuyển của cá
trong lúc hoạt động.
Phalluy nói chu kỳ tự nhiên của mực nước sông đã bị phá vỡ.
Trên mặt nước sông Mekong ở phía bắc Stung Treng – một vùng
đất ngập nước được quốc tế bảo vệ gọi là khu Ramsar – nhiều lùm cây chọc thủng
dòng nước và hình thành những vùng rừng ngập nước, tạo thành nơi cư trú cho cá
để đẻ trứng và một khung cảnh của thế giới khác thu hút du khách địa phương và
ngoại quốc. Nhưng nhiều nhiều nhánh cây
không còn lá và thân cây dổ xuống sông: Phalluy lưu ý rằng rừng ngập nước đang chết
vì mực nước không còn thay đổi như trước đây, nơi cây cối có ½ năm khô và ½ năm
ngập nước trong mùa mưa.
Trong tháng 8, tháng cá đẻ trứng, nước phải tới bờ, nhưng nó
vẫn còn gần đáy sông, ảnh hưởng đến khả năng đẻ trứng, Phalluy nói.
“Chúng tôi đang chứng kiến những thay đổi lớn lao trong mực
nước,” Phalluy nói. “Mực nước không lên
[đúng lúc], nhưng khi nó lên, nó lên rất nhanh, giống như lũ quét.”
Lũ lụt hồi tháng 9 vừa rồi khiến hàng ngàn người phải di tản
khỏi các đảo trên sông ở Stung Treng, nó trùng hợp với thời gian đóng đập Don
Sahong, ông nhớ lại, cho thấy nó có thể đẩy nước xuống hạ lưu và gây ảnh hưởng
lũ quét. Theo Phalluy, sự kiện lũ quét
gợi cho dân làng vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, một thảm họa quan trọng
ở Lào khiến phải di tản 17 làng gần huyện Siem Pang.
Ngư dân và con buôn tề
tựu ở chợ cá Stung Treng, nơi một số bán thẳng từ thuyền đánh cá, sáng ngày 15
tháng 8 năm 2020. [Ảnh: Enric Català/VOD]
Trước trận lũ lụt năm ngoái, đảo Chheuteal Touch chưa bao giờ bị sạt lở, xã trưởng Sai Feng nói. Nhưng lũ lụt mùa mưa vừa qua thay đổi điều đó, ông nói. Một số dân làng di chuyển trước nhà của họ vào đất liền trong năm 2018, khi họ thấy đập Don Sahong gần hoàn tất và tiên đoán lũ lụt khi nó hoạt động, Feng nói. Một gia đình trên đảo không di chuyển hoàn toàn đã mất đất và nhà vì sạt lở, dài đến 200 m, và gia đình đó buộc phải rời đảo sau mùa lũ năm ngoái.
Lịch sử
của tranh cãi
Các nhà nghiên cứu nói rằng mặc dù lo sợ Don Sahong ảnh hưởng
đến tâm trí của dân làng ở gần đó, nó là toàn thể chuỗi đập thủy điện được xây
trên dòng chánh Mekong – 13 đập đang hoạt động từ Trung Hoa đến Lào – và không
chỉ Don Sahong đang làm gián đoạn sinh thái của sông.
Ian Baird, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của Đại học
Wisconsin-Madison ở Hoa Kỳ, người đã nghiên cứu rộng rãi ở Cambodia và Lào, là
một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên bày tỏ lo ngại về đập với một loạt bài
viết về tầm quan trọng của lòng lạch Sahong, nơi xây đập, đối với việc di
chuyển của cá đi từ Tonle Sap, qua biên giới và xuyên qua 4.000 đảo của Lào.
Nhưng khi được hỏi về đập Don Sahong hồi tháng 8, Baird nói
đập thực ra có ảnh hưởng rất ít đối với Cambodia, khác hẳn với nghiên cứu ban
đầu của ông về ảnh hưởng tiềm tàng của đập.
Đập được dự trù và xây cất trên lòng lạch Sahong, là con
đường di chuyển chánh của cá đi từ Tonle Sap của Cambodia đến các nơi sinh sản
ở Lào, và có rất nhiều nhà nghiên cứu và nhà hoạt động đã vận động để chống lại
kể từ khi Mega First ký biên bản ghi nhớ với chánh phủ Lào trong năm 2009.
Khi chánh phủ Lào loan báo ý định xây đập với Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) trong năm 2013, các bức thư chống lại đập biến thành các cuộc chống đối mạnh mẽ ở biên giới Cambodia, có lúc có đến 600 người tham dự.
Kong Chanthy, nguyên
trưởng ngành thủy sản của xã O’Svay kiểm soát lưới cá treo gần nhà hàng của gia
đình và bến tàu ở tỉnh Stung Treng ngày 14 tháng 8 năm 2010. [Ảnh: Enric
Català/VOD]
Nay đập đã hoạt động, Baird nói quan điểm của
ông về Don Sahong “thay đổi hoàn toàn,” vì ông không biết rằng công ty có ý
định mở lòng lạch Sadam.
“Về phía Cambodia, quả thật người dân không
biết điều gì đang xảy ra [trong sông Mekong] và không hiểu cái gì đang xảy ra,”
ông nói. “Đập ở trước mắt họ, và nó nằm
trên lòng lạch lớn nhất trước mắt họ… [nhưng] tôi không nghĩ anh có thể quy
những ảnh hưởng [họ đang thấy] cho đập.”
Peter Hawkins, một cố vấn môi trường đánh giá vị trí đưa đến
việc xây cất, nói công ty đã có những nỗ lực để bảo đảm cá vẫn có thể đi qua
thác Khone của Lào.
Hawkins nói ông nghiên cứu các đường di chuyển chung quanh
lòng lạch Sahong, thử xem liệu cá có một đường thay thế. Rồi công ty khai quang lòng lạch Sadam, một
bài nghiên cứu được công bố bằng video để chứng minh với các nhà hoạt động và
quan sát viên rằng cá sử dụng lòng lạch được khai quang như con đường thay thế.
“Một thành kiến khác là cá có một số giác quan chính xác khi đi về thượng lưu, và nếu bị ngăn chận, cá không thể di chuyển,” ông nói. “Trên thực tế, chúng tìm một đường đi. Lựa chọn đầu tiên là đường đi có nhiều nước nhất, và chúng sẽ chọn đường khác nếu chúng không thể đi qua.”
Đập Don Sahong, với
lòng lạch Sadam ở phía sau, ngày 14 tháng 8 năm 2020.
[Ảnh: Enric Català/VOD]
Hawkins nghi rằng không phải tất cả cá sẵn lòng
và có thể tìm một con đường an toàn hơn, và một số cá và cá con đã chết trong
các turbines khi tìm cách di chuyển theo bản năng.
Kent Hortke, một cố vấn về môi trường và thủy
sản được thuê để theo dõi đập thủy điện, nói công ty đang theo dõi sự mất mát
cá qua các turbines. Nhà nghiên cứu nói
trong một email rằng “nhiều ngàn cá” đã dùng đường di chuyển, ý nói đến phúc
trình bằng video tương tự về việc cá dùng lòng lạch Sadam thay vì lòng lạch
Sahong bị ngăn chận.
Về trận lũ lụt lớn trong tháng 9 vừa rồi, Hortle nói lũ xảy
ra khi đập không hoạt động, và cho rằng sạt lở vốn là vấn đề trong vùng thác
Khone kể từ thập niên 1990s.
Nhưng dù với các nỗ lực giảm nhẹ ảnh hưởng của Don Sahong,
dòng chảy của Mekong đang trở nên thất thường và cá và cây cối đang biến
mất. Các nhà nghiên cứu nói đánh bắt bừa
bãi là một thủ phạm, trong khi vào đầu năm nay một phúc trình của cơ quan nghiên
cứu Eyes on Earth ở Hoa Kỳ dùng ảnh vệ tinh để liên kết với dòng chảy trái mùa
của chuỗi đập ở Trung Hoa.
Thái Lan đã có mức nước thấp kỷ lục và hạn hán tồi tệ trong
năm qua, đưa đến việc tháo các hồ chứa và nước mặn tràn vào các vùng nước
ngọt. Eyes on Earth nói rằng tình trạng
dòng chảy bất ngờ - mực nước cao trong mùa khô và thấp trong mùa mưa – bắt đầu
khoảng 2012 và tệ dần khi Trung Hoa hoàn tất thêm nhiều đập.
Giới chức ở Beijing lớn tiếng bác bỏ phúc trình, nói rằng
nước nầy cũng chật vật với hạn hán và mực nước thấp trong hồ chứa, và MRC của
các quốc gia duyên hà cũng cho rằng các dự đoán của phúc trình quá đon
giản. Tuy nhiên, MRC lặp lại lời kêu gọi
chánh phủ Trung Hoa công bố dữ kiện mực nước quanh năm, thay vì chỉ trong mùa
lũ.
Lật qua các trang hướng dẫn tại chỗ về cá, Kong Chanthy, trưởng ngành thủy sản của cộng đồng xã O’Svay từ 2002 cho đến năm rồi, chỉ vào hàng chục loại cá ít thấy, nếu không nói đã biến mất.
Kong Chanthy, nguyên trưởng ngành thủy sản của xã O’Svay nói về khu Ramsar ở Stung Treng, ngày 14 tháng 8 năm 2020. [Ảnh: Enric Català/VOD]
Đánh cá vốn là nghề của Chanthy, nhưng từ khi ông thu thập được kiến thức rộng rãi về cá Mekong, ông đã trở thành một người ủng hộ, báo cho Cơ quan Ngư nghiệp về các loại cá khổng lồ ông thấy trong các hố sâu và lên tiếng chống lại những thay đổi trong sông từ nhiều năm nay.
Chanthy tin rằng Cơ quan Ngư nghiệp quốc gia
biết các vấn đề, nhưng có một số nút thắt, tài trợ hay chánh trị, đã ngăn trở
chánh phủ làm nhiều hơn. Đánh giá chú
trọng đến cuộc sống của người Cambodia là bước đầu cần thiết, Chanthy nói.
“Tất cả các ngân hàng khổng lồ đang cung cấp
trợ cấp, nợ và tiền để làm các dự án [thủy điện] nầy, họ có rất nhiều tiền để
làm như thế,” ông nói. “Tại sao họ không
hỗ trợ một đánh giá độc lập để giúp cộng đồng nầy?”
Chhourn Chhorn, phó giám đốc khu đất ngập nước
Ramsar được bảo vệ ở Stung Treng, nói chánh phủ không thể đánh giá tình trạng
của sông hay rừng ngập nước kể từ phúc trình cuối vào khoảng 5 năm trước vì
thiếu kiến thức kỹ thuật ở Cambodia và không thể mang các nhà nghiên cứu khoa
học vào trong nước trong lúc có đại dịch.
“Tôi không rõ nếu rừng ngập nước đang sụp đổ vì
Don Sahong, hay vì cây cối đến chu kỳ suy thoái,” ông nói, lưu ý rằng ông đã
quan sát mực nước dâng bất thường trong mùa khô và cuốn trôi phù sa. Tuy nhiên, ông từ chối suy đoán về nguyên
nhân của sự khác thường mà không có đánh giá chánh thức, nói rằng ông “không rõ
về khoa học của nó.”
Nhìn thấy chiều hướng hiện nay, Chanthy không
dự đoán một tương lai tốt đẹp cho Mekong.
Khi bạn ông và chủ doanh nghiệp du lịch ở Stung Treng, Vanna, trêu ông
rằng ông sẽ đi tù với nhận xét của ông, Chanthy mỉm cười, nhưng ông đáp lại
rằng ít ra có người thành thật về tình trạng trong Mekong.
“Nay, khi người ta đến vùng nầy, họ nói rất
đẹp, nhưng tôi nói, ‘Không, nó không đẹp!’” ông giải thích. “Anh phải thấy nó trước đây.”
No comments:
Post a Comment