Sunday, November 1, 2020

DÒNG SÔNG NƯỚC MẮT: CÁC ĐẬP CỦA TRUNG HOA TÀN PHÁ MEKONG NHƯ THẾ NÀO

 (River Of Tears: How Chinese Dams Are Devastating The Mekong)

Bruno Philip – Bình Yên Đông lược dịch

WorldCrunch – October 23, 2020

Bình minh trên Nam Lik, một phụ lưu của sông Mekong ở Lào.

Các dự án được Trung Hoa hỗ trợ đang mang đến những thiệt hại không thể hàn gắn cho sông Mekong, nguồn cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới nuôi sống hàng triệu cư dân ở ven sông.

BAN MUANG – Nhìn từ phía Thái Lan, đối diện với những ngọn đồi xanh tươi trên bờ sông ở phía Lào, con sông vĩ đại tạo thành biên giới của 2 quốc gia liên tục suy sụp, giống như một cơ thể của nước tiêu biểu cho dòng đời bất diệt.  Dòng chảy mỹ miều nhưng u sầu của Mekong, rất chậm và đều đặn, hầu như mang vẻ oai nghiêm truyền thống với con nước trắng và phẳng lặng.

Nhưng đây là ảo ảnh và sai lầm của nhận xét: Mekong đang lâm nguy, cùng với cá, thảo mộc và người dân mà nó nuôi dưởng kể từ lúc được biết đến.  Có một thống kê cho thấy sông và tài nguyên của nó quan trọng như thế nào đối với những người sống dọc theo sông: Hai triệu tấn cá được đánh bắt từ Mekong mỗi năm, một kỷ lục thế giới.

“Hãy nhìn ở giữa sông,” Chaiwat Parakun, một ngư dân ở làng Ban Muang ở bắc Thái Lan, nói khi chỉ tay vào một đảo nhỏ đầy cỏ trồi lên từ mặt nước đục ngầu.  “Vì đã vào mùa mưa, chúng phải ở dưới nước vào lúc nầy.  Nhưng không: Mae Nam Kong (tên gọi sông Mekong ở Thái Lan) thấp hơn mực nước trung bình ít nhất 3 m.”  Nay là đầu tháng 8 và sẽ mất nhiều tuần trước khi mực nước sông cuối cùng dâng lên gần đến mức bình thường vào đầu tháng 9.

Năm 2019, Hạ Lưu vực Mekong, gồm có Thái Lan, Cambodia, Burma [Maynmar], Lào và Việt Nam, trải qua một trận hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm.  Nước trong Tonlé Sap, một hồ ở Cambodia được Mekong nuôi dưỡng, cũng thấp trong tháng 8.  Đó là vì sự chậm trễ của việc ‘quay đầu” nổi tiếng của sông, qua đó nó đảo ngược dòng chảy trong một hiện tượng điều tiết nhịp đập có lợi.  Chỉ riêng ở Cambodia, phần thưởng của con người vô cùng lớn lao: một người Cambodia trung bình nhận được khoảng 60% chất đạm từ cá trong hồ và sông nối với nó.

Thủ phạm số một được nhận diện bởi hầu hết chuyên viên không phải là thay đổi khí hậu mà là Trung Hoa.  Từ đầu thế kỷ, Trung Hoa đã xây càng ngày càng nhiều hạ tầng cơ sở, kể cả 11 đập trên Lancang Jiang (tên gọi sông Mekong ở Trung Hoa), “dòng sông cuồng nộ” bắt nguồn ở cao nguyên Tây Tạng và chảy vào Lào.

Việc nầy mang theo những hậu quả.  Sự dao động của con sông dài thứ 3rd của Á Châu, sau Yangtze (Dương Tử) và Yellow (Hoàng), nay không thể đoán trước, vì đập đã làm xáo trộn sự cân bằng sinh thái của nó.  Các kiến trúc làm cho phù sa lắng đọng trong các hồ chứa và ngăn chận chất dinh dưỡng quý giá chảy xuống hạ lưu.  Năm 2019, một sự ngạc nhiên cho cư dân, sự vắng mặt của chất dinh dưỡng biến sông, thường có màu cà phê sữa, thành màu xanh.

Thẳng đến thảm họa

Lào, một quốc gia nhỏ đã lệ thuộc vào láng giềng ở phía bắc, đang làm cho tình hình thêm trầm trọng.  Vào cuối năm 2019, việc khánh thành đập đầu tiên trên sông Mekong ở Lào đã gặp phải sự giận dữ và gay gắt của ngư dân Thái ở hạ lưu.

Về phía Thái, đó là lúc huy động người dân.  Ngư dân và cư dân tự tổ chức thành một hiệp hội bảo vệ sự vẹn toàn của Mekong.  Bất mãn tiếp tục lan rộng chung quanh vùng đông bắc Isan trong 64 tambon (đơn vị cai quản địa phương) giáp ranh với sông.

“Từ nhiều năm nay – nhất là từ năm 2010 – chúng tôi cố gắng để chánh quyền lắng nghe các quan sát của chúng tôi và các phát triển tiêu cực đang tiếp diễn,” nhà hoạt động Chanarong Wongla nói, tựa vào chắn song dọc theo sông ở thị trấn Chang Khan, phía tây của tỉnh Loei.

“Chúng tôi đang trực chỉ đến thảm họa.”

Như để nói lên sự sống còn của sông Mekong là một vấn đề toàn cầu, ông mặc một chiếc áo thun đen với hàng chữ: “Mọi đời sống đều quan trọng, ở đây tôi không thở được,” ám chỉ đến khẩu hiệu nổi tiếng trên thế giới để tưởng nhớ đến George Floyd, người đã chết vì ngạt thở dưới đầu gối của một cảnh sát viên da trắng.

Nhưng không may, Wongla nói, cho đến nay chánh quyền vẫn thờ ơ với “sự ngạt thở” của dòng sông và những tiếng báo động của ngư dân.  “Chúng tội đệ trình một phúc trình dài 180 trang liên quan đến sự dao động bất thường của sông, sạt lở bờ và việc biến mất càng ngày càng nhiều của một số loại cá,” Wongla giải thích.  Nhưng khi nói đến sông, có một khác biệt nhỏ giữa chánh phủ hiện nay của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, cầm quyền sau cuộc đảo chánh quân sự gần đây, với các chánh phủ do dân bầu trong quá khứ.

Bên cạnh Wongla là Thong-in Rueng Kham, 65 tuổi, vừa trở về sau khi đánh cá.  Ngư dân kỳ cựu gật đầu chào trong lúc mặt trời nhợt nhạt làm cho toàn cảnh đỏ rực, tạo cho nhận xét của Kham có vẻ như một hồi chuông báo tử: “Chúng tôi đang trực chỉ đến thảm họa.  Khi tôi còn trẻ và đi đánh cá với cha tôi, chúng tôi có thể mang về 50 con cá mỗi ngày.  Mười năm trước, việc đánh cá vẫn còn khá.  Nay, chúng tôi vui mừng khi đánh được khoảng 10 con.  Thỉnh thoảng, chúng tôi không bắt được gì cả.”

Thời vàng song của việc đánh cá đã hết.  Kham không nhớ lần cuối cùng ông bắt được pla buek, một loại cá tra dầu Mekong khổng lồ (Pangasianodon gigas) và là một trong những loại cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới.  Như tên gọi, cá chỉ có trong sông nầy.  “Nửa chục loại [trong khoảng 1.000, 700 loại là di ngư trong Mekong] hầu như biến mất trong sông nơi tôi đánh cá,” ông nói.

Tương lai rất u ám: “Thỉnh thoảng, mực nước sông xuống thấp đến độ cá không còn bơi ngược lên thượng lưu và không còn chỗ để đẻ trứng,” ngư dân Chaiwat Parakun trong làng Ban Muang nói.  Ông cho một thí dụ điển hình: “Mỗi năm, pla rak kluay [ngôn ngữ có nghĩa là cá cuối cùng bơi lên thượng lưu đã đến nơi đẻ trứng] là thời điểm then chốt của mùa.  Kể từ nay, mọi thứ đều không thể đoán trước được.  Cá có thể đến nơi sớm hay muộn.”

Một nghiên cứu công bố trong tháng 4 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ quy trách nhiệm cho Trung Hoa về sự suy thoái của sông, nơi chứa cá nước ngọt lớn nhất hành tinh.  Đời sống ở dưới nước ở hạ lưu cung cấp cuộc sống cho 66 triệu người trong 4 quốc gia, 1/3 là người Thái.  Kết quả của phúc trình đã gây tranh cãi kịch liệt trong lúc có những căng thẳng chưa từng thấy giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ.  Theo phúc trình, Trung Hoa đã giữ lại một số nước đáng kể ở phía sau các đập trên Mekong trong năm 2019, mà không nghĩ đến có thể gây hạn hán ở hạ lưu.

Tệ hơn, việc Beijing nói rằng Trung Hoa cũng là nạn nhân của trận hạn hán tương tự là dối trá, theo nghiên cứu của Eyes on Earth, một trung tâm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến nước.  “Dữ kiện vệ tinh không nói dối, và có nhiều nước ở cao nguyên Tây Tạng, ngay các quốc gia như Cambodia và Thái Lan cũng bị đe dọa lớn lao,” Alan Basist, đồng tác giả của phúc trình, nói với New York Times gần đây.  Basist nói chắc chắn Trung Hoa đã gây hạn hán bằng cách giữ lại nước cho các nhà máy điện của họ và “kiểm soát dòng chảy của sông.”  Một phúc trình khác của Trung tâm Stimson trong tháng 4, một cơ quan nghiên cứu bất vụ lợi, xác nhận lập luận nầy.

Dự án thủy điện Nam Theun 1. [Ảnh: Sinohydro 3/Xinhua]

“Nước được xả từ các đập của Trung Hoa xuống sông Mekong ở hạ lưu nhiều hơn trong mùa khô và ít hơn trong mùa mưa.  Điều đó có nghĩa là giảm hạn hán và lũ lụt ở các quốc gia hạ lưu Mekong.  Đó là ‘hợp tác’ lý tưởng mà Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam mong đợi từ Trung Hoa,” theo bình luận trên tờ Bangkok Post hồi cuối tháng 4.  “Trên thực tế, Trung Hoa có vẻ làm ngược lại.”

Ngày 5 tháng 7, tờ Global Times, một trong những tiếng nói của chế độ để tuyên truyền ở hải ngoại, khăng khăng nói rằng “các nhà nghiên cứu thủy học cho thấy rằng Trung Hoa là một trong những quốc gia thống khổ nhất vì đợt hạn hán nghiêm trọng dọc theo sông Lancang-Mekong trong năm 2019, trái với các cáo buộc của một số nhà nghiên cứu ngoại quốc quy tội cho Trung Hoa đã gây hạn hán cho các quốc gia ở hạ lưu.”

Tờ báo tiếp tục và nói rằng không có “sự liên kết nguyên nhân-hậu quả” giữa các đập và hiện tượng quan sát được ở hạ lưu: vì “các nhà khoa học Trung Hoa phát hiện nhiệt độ cao và lượng mưa giảm là nguyên nhân chánh của hạn hán.”

Sự thờ ơ của Vương quốc Trung tâm đối với số phận của các quốc gia láng giếng nhỏ hơn không chỉ gây hạn hán mà còn lũ lụt.  Sự nẩy nở thái quá của các đập gây xáo trộn nhịp điệu của sông, cũng nằm trong quyết định đóng hay mở các cửa xả nước của Trung Hoa.  Nhiều đến nổi ở hạ lưu, nó có thể khô hạn đáng lý phải có nhiều nước và ngược lại.

Làng nhỏ Ban Muang của Thái Lan đối diện với Lào.  Vào ngày Chủ nhật trong tháng 8, qua tiếng karaoke điếc tai, ngư dân Chaiwat Parakun giải thích, “Từ lúc đầu, chúng tôi đã biết các đập sẽ có ảnh hưởng tiêu cực.  Chúng tôi không nghĩ nó tệ như thế nầy.”  Tất cả ngư dân chúng tôi đã gặp dọc theo sông phản ứng như nhau để xác định chánh quyền Trung Hoa: “Kẻ nói láo!”

Mặc dù Trung Hoa có trách nhiệm, họ không hành động một mình.  Vào mùa thu 2019, Lào dựng lên đập lớn đầu tiên trên sông Mekong trong tỉnh Xayaburi.  Một công suất lên đến 1.285 MW được sản xuất từ kiến trúc cao 32 m, do công ty Điện CK của Thái xây cất, hầu hết sẽ được dùng để cung cấp điện cho Thái Lan.

Trong đó là vấn đề cho các ngư dân của vương quốc.  Họ bối rối bởi thành tựu của Trung Hoa nhưng cũng lo ngại không kém về những hậu quả của các đập do các công ty của nước họ xây.  “Và chúng tôi có nhiều điện hơn nhu cầu ở Thái Lan,” nhà hoạt động Chanarong Wongla nói.

Xây cất điên cuồng

Lào không có vẻ có ý định ngưng xây đập.  Trong tháng 1, chánh phủ loan báo một dự án đập mới, sẽ được xây chỉ cách biên giới Thái 2 km trong huyện Sanakham.  Thủy điện sản xuất được có lẽ được Thái Lan mua nhưng công tác xây đập, được dự trù khởi công vào cuối năm nay, đã ngưng lại vì Covid-19.  Công ty Thủy điện Datang của Trung Hoa ở phía sau việc xây cất, trị giá trên 2 tỉ USD.

“Vì sao Thái Lan muốn tiếp tục xây một số đập khi họ không cần thêm điện?”

Ám ảnh bởi mục tiêu trở thành “bình điện của Đông Nam Á,” nước Lào nhỏ bé không có bờ biển (với 7 triệu dân) đang trải qua việc xây cất điên cuồng.  Lào có thể bán điện đại qui mô cho các nước láng giềng và bảo đảm sự phát triển.

Tổng cộng có khoảng 50 đập đang được xây ở Lào, mặc dù thỉnh thoảng có những chỉ trích của Ủy hội Sông Mekong.  Ủy ban cố vấn khu vực gồm có các chánh phủ Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam, có trụ sở ở Vientiane, thủ đô của Lào.  Trung Hoa từ chối tham dự.  Theo Martin Burdett, một cộng tác viên của International Journal on Hydropower and Dams (Tạp chí Thủy điện và Đập Quốc tế), Lào “sẽ có khả năng cung cấp thủy điện lên đến 6.500 MW mỗi năm và cho đến nay chỉ phát triển 5% tiềm năng nầy.”

Ngoài ra, “trên 130 đập đang được cứu xét cho tất cả các quốc gia ở hạ lưu,” theo Open Development Mekong (Phát triển Mekong Mở rộng), một tổ chức bất vụ lợi.  Con số có vẻ quá đáng, và có thể, trong 20 năm, một vài dự án sẽ được hủy bỏ và sự điên cuồng sẽ lắng xuống.

Vận động của ngư dân và các ảnh hưởng tiêu cực của đập sẽ bắt đầu khiến cho chánh quyền Thái phản ứng?  Phó Thủ tướng, cựu tướng Prawit Wongsunan, cũng là chủ tịch của Ủy ban Mekong Quốc gia, loan báo hôm 4 tháng 8 rằng ông sẽ yêu cầu các giới chức có liên quan tìm cách để giảm nhẹ các hậu quả môi trường có thể có của dự án đập Sanakham ở Lào.  Wongsunan nói ông “lo ngại” về ảnh hưởng của đập như vậy.

Tầm nhìn rất thiển cận

Tuy nhiên, Paiporn Deetes, đại diện của NGO International Rivers (Sông ngòi Quốc tế) ở Thái Lan, rất hoài nghi: “Chúng ta có thể thấy nhận thức trong lời tuyên bố của Phó Thủ tướng.  Phần tôi, câu hỏi thật sự đã không được hỏi là: Tại sao Thái Lan muốn tiếp tục xây một số đập khi không cần thêm điện?  Một trong các câu trả lời là điều đó tạo việc làm cho các công ty Thái.”

Ở Đại học Udon Thani, ở đông bắc Thái Lan, giáo sư Santiprop Siriwattanaphaiboom, giáo sư Khoa Khoa học và Môi trường, ngạc nhiên với các lý do ở phía sau “tính ích kỷ” của Trung Hoa.

“Lượng nước của sông Mekong ở Trung Hoa chỉ chiếm 18% tổng số nước của sông,” Siriwattanaphaiboom nói.  “Các quốc gia với lượng nước lớn hơn về m3 là Thái Lan và Lào.  Do đó, chúng ta là người đầu tiên lo ngại và người có quyền hỏi: Trung Hoa thật sự muốn gì?  Sử dụng tiềm năng của thiên nhiên – trong trường hợp nầy, đó là thủy điện – để củng cố sức mạnh chánh trị?  Có phải đây là một chiến lược để kiểm soát dòng sông, bằng thủy vận và mậu dịch, ngay ở hạ lưu?

Đối với Siriwattanaphaiboom, người Thái không được sự trợ giúp của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, người đứng sau cuộc đảo chánh hồi năm 2014.  “Tầm nhìn của ông rất thiển cận; ông không thấy mối liên hệ giữa sinh thái, đời sống của người dân ở ven sông, thiên nhiên và môi trường,” ông nói.

Xa hơn về phía bắc, ở Nong Khai, bên bìa sông, nhà hoạt động Ormboon Teesana cho thấy với điệu bộ chán nản rằng sông “xuống đến mức thấp như vậy trong mùa mưa.”  Bà truyền đạt sự mất tinh thần của mình trong ý kiến vỡ mộng, rất phù hợp với mối u sầu của dòng sông vĩ đại.  “Các đập dựa trên tầm nhìn kinh tế và chảy trên nước mắt của người dân.”

No comments:

Post a Comment