Diễm My
13/11/2020
Hãy trả lại rừng cho thế hệ con cháu mai sau… Tôi muốn nhìn thấy ảnh chim chóc, muôn thú sinh sôi nảy nở trong các cánh rừng trồng.
Ấn Độ có một người đàn ông đã bỏ ra 30 năm trong đời chỉ để đi trồng cây. Một việc làm tự nguyện xuất phát từ việc thấy rắn chết khô trên lớp đất cát khô cằn. Ông Jadav Payeng, một mình đã trồng được 550 hecta rừng.
Nhờ ông Jadav Payeng, rừng Molai giờ đây có cả hổ Bengal, tê giác ấn, các loài bò sát, trên một trăm loài hươu, ngoài ra còn có rất nhiều thỏ, chim cư ngụ. Trong khu rừng trồng này có các loại cây như trâm bầu, bằng lăng, cây hoàng anh, phượng vĩ, cây hợp hoan, cây mán đỉa, cây gạo và rất nhiều tre.
Năm 2008 đã có một bầy voi rừng khoảng 100 con kéo về khu rừng này và mỗi năm chúng lại quay trở lại và ở lại đó khoảng 6 tháng. Cũng đã có 10 con voi con được sinh ra trong các khu rừng nhân tạo này.
Ông Jadav Payeng chỉ chăm chỉ trồng rừng từ lòng trắc ẩn cho loài rắn mà kết quả mang lại thật phi thường.
Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đã tiêu tốn hàng tỷ đô la cho các dự án trồng rừng để đạt chỉ tiêu phủ xanh đồi trọc bên cạnh phá cho bằng hết những rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, cây bản địa nhưng kết quả lại thật thảm hại.
Trồng rừng ở Trung Quốc: dục tốc bất đạt
Các trận lũ lụt năm 1998 do mưa lớn và nạn phá rừng trầm trọng đã khiến hơn 4.000 người bị thiệt mạng ở miền nam Trung Quốc. Để giảm thiểu tai nạn tương tự như vậy, Trung Quốc đã đề ra chính sách trồng cây gây rừng đầy tham vọng nhằm giữ đất và cải tạo đất đai.
Thoạt nhìn thì chính sách này cũng có vẻ thành công. Đến năm 2013, Chương trình trồng cây xanh đại trà của Trung Quốc đã thuyết phục nông dân trồng hơn 69,2 triệu cây. Đến năm 2015, độ che phủ cây ở Trung Quốc đã tăng 32%.
Với mục đích tạo ra rừng phủ xanh Trung Quốc, hàng năm người dân Trung Quốc mọi tầng lớp hăng hái tham gia trồng rừng trong hàng chục năm qua với hàng tỷ cây xanh. Trung Quốc xem ra rất tự hào về thành công của chương trìng 1 tỷ cây xanh này. Nhưng những khu rừng trồng này lại được xem là những bước đi dục tốc bất đạt.
Các loại cây được chọn cho các rừng cây độc canh là những loại cây mau lớn để nhanh chóng đạt được độ phủ xanh, hay chọn lựa các loại cây ngoại lai không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cộng với việc thiếu kiến thức và trồng rừng, chăm sóc rừng và tham vọng quá lớn đã khiến cho các khu rừng trồng này dễ nhiễm bệnh và không đạt được sự đa dạng sinh học cần thiết.
Rất nhiều rừng độc canh như rừng keo, rừng bạch đàn, rừng tuyết tùng được trồng khắp nơi. Trồng rừng được cho là sự thành công bền vững thế nhưng trong rừng trồng lại không có chim cũng chẳng có ong.
Nghiên cứu các loài chim và ong – những chỉ số quan trọng của đa dạng sinh học – trên các vùng đất có rừng gần đây ở tỉnh Tứ Xuyên, nhà nghiên cứu Hua và các đồng nghiệp nhận thấy đất trồng trọt hỗ trợ đa dạng sinh học nhiều hơn là các cánh rừng thay thế.
Những khu rừng độc canh hầu như không có chim và ong, trong khi những khu rừng với một số vài loài cây thì tốt hơn một chút. Tuy nhiên, ong sinh sống ở vùng đất canh tác không phục hồi hơn là trong rừng, thậm chí là rừng hỗn giao mới trồng.
Số chim sinh trú trong rừng trồng cũng ít hơn từ 17 đến 61% so với rừng tự nhiên. Nguyên nhân có thể là do không có sự đa dạng về tài nguyên, thức ăn và nơi là tổ cho chim chóc.
Những khu rừng như vậy đã được gọi là “sa mạc xanh”, tuy có kích thước ấn tượng, khả năng tạo ra khí oxy nhưng lại không thu hút được các loài động vật. Các chuyện gia Trung Quốc cũng đang e ngại rằng một số loài chim sẽ biến mất và không bao giờ quay trở lại.
Rừng trồng ở Việt Nam: không có một con gì sống được ở đó
Ông Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã biện hộ rằng: “Khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng, các đồng chí xem ảnh kìa… Như vậy công tác trồng rừng ở nước ta rất tốt. Một số nơi phá rừng nhiều, chủ yếu ở Tây Nguyên vì bà con di cư vào nhiều, tìm nguồn phát triển kinh tế nên không kiểm soát được rừng. Nhưng có những vùng như Trung bộ, Đông bắc… bây giờ rừng phủ kín”
Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 20 năm qua rừng tự nhiên ở Việt Nam đã tăng thêm 1,3 triệu héc ta.
Ông Bộ trưởng cũng đã thừa nhận rằng: “Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt, trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt.”
Trồng nhiều rừng như vậy nhưng sao lại vẫn còn 30% rừng nghèo kiệt, 50% rừng trung bình, trong số đó không biết có bao nhiêu là rừng cây cao su, cà phê và cây tiêu.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng) cho biết rừng cao su, cà phê không có thảm thực vật, trong khi đối với rừng, thứ con người cần nhất là thảm thực vật để giữ nước và chống sạt lở, chứ không phải bóng mát hay gỗ.
Vậy thì chẳng lẽ cả Phó Thủ tướng lẫn bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lại không hay biết gì về các nghiên cứu, khuyến cáo hay đề nghị của các nhà chuyên môn mà chỉ biết chỉ đạo trồng rừng phủ xanh như kiểu Trung Quốc. Lấy số lượng để đè bẹp chất lượng cho đến khi vỡ lở ra mới biết rằng “Tính cả rừng cao su, cà phê, tiêu vào tỉ lệ che phủ rừng thì việc xảy ra lũ lớn, lũ quét… như thời gian qua chính là một bài học”?
Tất cả những báo cáo chỉ cho thấy bà con đã sống được từ rừng trồng ra sao, thu nhập cao như thế nào. Thậm chí có nơi còn phá cả rừng tự nhiên để biến thành rừng trồng để có thu nhập. Nhưng cứ nhìn vào những hình ảnh rừng trồng có thể thấy những rừng cây độc canh như keo, bạch đàn … mà không hề có thảm thực vật.
Đã có ban bệ nào đi xác định xem có con chim hay con ong nào sống được trong những khu rừng trồng này? Hay chỉ đến khi Đại Biểu Ksor H’Bơ Khăp cho biết “không có một con gì sống được” ở trong rừng cao su đó thì mới vỡ lẽ rằng rừng trồng chỉ là trồng cho có?
Thôi trồng cây dối
Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết “Quốc hội yêu cầu tới đây rừng tự nhiên phải có chính sách khoanh nuôi, bảo vệ, tăng hơn nữa định mức để người dân tham gia trồng rừng, chăm sóc rừng để bảo đảm rừng ngày càng bảo đảm bộ giàu về sinh học và trữ lượng rừng phải tăng lên. Đối với rừng trồng cũng phải thay đổi bằng kết cấu cây trồng lâu năm, cơ cấu cây trồng hài hòa, đặc biệt chú ý các cây trồng bản địa.”
Có nghĩa là Quốc Hội đã biết được những sai lầm trồng rừng trên cả nước. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Đơn giản có thể bắt đầu từ việc trồng cây trung thực chứ không phải trồng cây để làm quay phim, chụp hình lưu niệm như mỗi độ xuân về. Lãnh đạo các cấp ở Việt Nam thường hô hào tết trồng cây mỗi đầu năm, mỗi khi lãnh đạo cấp cao đi thăm một đơn vị quan trọng nào đó thì cũng có hoạt động trồng cây. Thế nhưng những cây mà họ trồng là cây gì?
Hãy điểm qua các hình ảnh quan chức trồng cây trên mạng internet sẽ thấy khoảng dăm bảy chục người đứng quanh vài ba vị lãnh đạo áo quần là lượt, cầm trên những cây cuốc xẻng và gàu tưới nước mới tinh. Họ ra sức tưới và xúc đất đổ vào những gốc cây dễ có đến ít ra cả chục năm tuổi hay hơn đã có sẵn ở đó từ bao giờ. Vậy là xong cái lễ “trồng cây” dối.
Hãy ngưng việc trồng cây độc canh, hãy ngưng giao rừng để làm giàu mà hãy nghĩ đến một tương lai xa hơn, bắt đầu từ việc làm xuất phát từ trái tim nhân hậu, chứ đừng khoác lác nữa.
Các vị lãnh đạo cũng hãy tự nhìn thẳng vào kết quả của những cánh rừng trồng trong hàng chục năm qua để dũng cảm thừa nhận sai lầm và đưa ra kế sách trồng rừng trước khi quá muộn.
Ông Phó thủ tướng bảo các đồng chí hãy xem ảnh kia, rừng của mình còn nhiều lắm …
Vâng tôi cũng xem ảnh ông Phó thủ tướng ạ.
Tôi chỉ thấy rừng đã bị vạt sạch trên google maps ở vô số vùng đất trên khắp cõi Việt Nam.
Tôi thấy ảnh dân tôi ngụp lặn trong mưa lũ. Tôi thấy ảnh dân tôi bị đất lở vùi chết sống tức tưởi. Tôi thấy ảnh những khu rừng trồng không có lấy một cọng cỏ. Tôi thấy những gốc cây ứa nhựa uất ức.
Hãy trả lại rừng cho thế hệ con cháu mai sau… Tôi muốn nhìn thấy ảnh chim chóc, muôn thú sinh sôi nảy nở trong các cánh rừng trồng.
SOURCE:
https://vietnamthoibao.org/vntb-tra-lai-rung-cho-the-he-con-chau-mai-sau/
.
No comments:
Post a Comment