(Trust key to
Lancang-Mekong cooperation)
Tian Fuqiang, Liu Hui and Lu Hui – Bình Yên Dông lược dịch
China Daily – August 24, 2020
Một người dân làng chèo thuyền trên sông Mekong
ở ngoại ô Luang Prabang, Lào
ngày 5 tháng 2 năm 2020.
Lời người dịch: Bài viết nầy là
phần đối đáp mới nhất của phía Trung Hoa
trong trận chiến thông tin giữa các chuyên viên của Hoa Kỳ và Trung Hoa
về tình trạng hạn hán trong lưu vực Lancang-Mekong. Nó nêu lên những khuyết điểm quan trọng trong
nghiên cứu của phía Hoa Kỳ ảnh hưởng đến kết quả nó nó.
Hạn hán xảy ra trong lưu vực sông Mekong trong
năm 2019 làm mực nước trong dòng sông vĩ đại nầy xuống đến mức thấp nhất trong
hơn 100 năm, gây thiệt hại đáng kể cho người sử dụng nước ở thượng lưu lẫn hạ
lưu.
Mực nước thấp chưa từng thấy ở trong sông đã
thu hút nhiều sự chú ý từ các quốc gia duyên hà Lancang-Mekong và xa hơn, kể cả
một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu của Eyes on Earth và Global Environmental
Satellite Application (EoE) cho rằng hạn hán là do các đập của Trung Hoa ở
thượng lưu giữ lại nước. Nhưng một nhận
xét sau đó của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) nêu lên những
nghi ngờ quan trọng về phương pháp và dữ kiện dùng trong nghiên cứu của EoE.
Phúc trình của MRC kết luận rằng hạn hán năm
2019 phần lớn là do lượng mưa ít trong mùa mưa và mưa chấm dứt sớm, cùng hiện
tượng El Nino làm cho nhiệt độ và độ bốc thoát cao bất thường. Nó cũng cho rằng kết luận về tình trạng thiếu
nước cấp thời ở hạ lưu vực Mekong trong năm 2019-20 là do các đập của Trung Hoa
giữ lại nước là không đúng.
Được cỗ vũ bởi phúc trình của MRC, chúng tôi
thực hiện một nghiên cứu nhằm mục đích định lượng thêm các đặc tính hạn hán
trong lưu vực Lancang-Mekong và vai trò có thể có của việc điều hành hồ chứa.
Kết quả được duyệt xét nhóm và chia sẻ rộng rãi
trong một buổi hội thảo trên mạng trong tháng 7, thu hút nhiều học giả nổi
tiếng từ Đại học Oxford, Đại học Illinois-Champaign, MRC, Đại học
Chulalongkorn, Thủy điện & Đập Quốc tế và Viện Nghiên cứu Thủy lợi phía Nam
của Việt Nam, cùng các chuyên viên khác từ 6 quốc gia Lancang-Mekong.
Các chuyên viên quốc tế kết luận rằng nghiên
cứu của chúng tôi đã trình bày một cách chính xác các đặc tính hạn hán của lưu
vực Lancang-Mekong, nguyên nhân của đợt hạn hán 2019 và thành phần khu vực của
lượng chảy tràn dọc theo sông Mekong bằng cách sử dụng các mô hình mới nhất,
các phương pháp và dữ kiện tổng thể trong nghiên cứu. Các chuyên viên cũng nói rằng phúc trình của
chúng tôi mô tả ảnh hưởng giảm nhẹ của các hồ chứa ở thượng lưu đối với hạn hán
nói chung.
Từ các bài viết được công bố của ông, chúng tôi
biết tác giả chánh của phúc trình Eoe đã phát triển một chỉ số độ ướt có tên là
Chỉ số độ ướt Basist, và lưu ý trong các bài viết của ông rằng chỉ số nầy không
thể áp dụng cho các vùng núi có cây cối rậm rạp.
Nhưng lưu vực Lancang là một cùng núi có cây
cối rậm rạp. Có nghĩa là nghiên cứu EoE
không chính xác và tệ hơn là dựa trên một tiền đề sai.
Trong một bài báo trên Bangkok Post, các tác
giả EoE đưa ra một vấn đề lũ lụt mới. Họ
nhấn mạnh đến ưu thế tuyệt đối của nhịp lũ đối với đời sống của người dân ở hạ
lưu phụ thuộc vào nó, đó là, kỹ nghệ đánh cá Tonle Sap, bằng cách cáo buộc rằng
“không có trường hợp lũ lụt nghiệm trọng giết chết hàng ngàn người, chứ đừng
nói hàng triệu”.
Nhưng sự việc là lũ lụt đã gây nhiều thiệt hại
kinh tế và nhân mạng trong 6 quốc gia Lancang-Mekong. Hàng trăm người chết khi lũ lụt lớn tàn phá
lưu vực Mekong trong năm 2000-14 với tổng số người chết trên 2.000 – có thể
giảm thiểu phần lớn nhờ vào hạ tầng cơ sở kiểm soát lũ lụt có hiệu quả.
Để xác định ảnh hưởng của các đập Lancang đối với
nhịp lũ Tonle Sap, cần phải biết mức đóng góp của sông Lancang vào lưu lượng
trong mùa mưa ở Stung Treng – vào khoảng 14% trong nghiên cứu của chúng tôi
(16,8% theo phúc trình của MRC). Cũng
cần phải biết rằng dòng chảy đảo ngược vào (chảy vào) hồ Tonle Sap chiếm khoảng
15% lưu lượng của dòng chánh Mekong trong thời gian nầy. Do đó, mức đóng góp của sông Lancang đối với
việc đảo ngược dòng chảy vào hồ Tonle Sap chỉ vào khoảng 2%. Cứu xét phần kiểm soát của các đập Lancang
đối với dòng chảy sông Lancang, ảnh hưởng của việc điều hành các đập Lancang
đối với nhịp lũ của hồ Tonle Sap không quá 2%.
Là những người nghiên cứu, chúng tôi đã tham
gia vào nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến sông Lancang-Mekong trong hơn 10
năm qua. Chúng tôi chứng kiến các quốc
gia Lancang-Mekong cam kết hợp tác nguồn nước ở cấp cao qua MRC và cơ chế Hợp
tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)). Theo chỗ chúng tôi được biết, chìa khóa của
việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới là hành dộng tập thể. Theo ngôn từ của Elinor Ostrom, người đoạt
Giải Nobel 2009 về Kinh tế, bồi đấp kiến thức và sự tin cậy rất cần thiết để
giải quyết các vấn đề một cách tập thể.
Kinh nghiệm của đợt hạn hán 2019 và tất cả các
đợt hạn hán trước đó kêu gọi hành động có phối hợp hơn giữa các bên liên hệ để
giảm nhẹ hạn hán và các mối nguy thủy học cực đoan khác. Điều nầy không dễ dàng. Chia sẻ kiến thức, đặt nền tảng trên sự hiểu
biết khoa học vững chắc, có thể là bước đầu trong chiều hướng đó.
Để kết thúc, chúng tôi muốn chia sẻ kết quả
chánh của nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích xây dựng kiến thức và tin
cậy. Lưu vực Lancang-Mekong đang trải
qua hạn hán thường xuyên – đáng kể trong mùa khô hơn trong mùa mưa. Hạn hán năm 2019 là một trong những trận hạn
hán tồi tệ nhất trong thế kỷ qua, và vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là Lancang đến
thượng lưu Mekong (Nong Khai).
Từ khi hạn hán nghiêm trọng trong năm 2019 được
xác định là do ít mưa vào đầu mùa mưa, việc điều hành các hồ chứa trong lưu vực
Lancang-Mekong có thể đóng một vai trò tích cực trong việc đối phó với hạn hán
trong lưu vực. Chúng tôi hy vọng tất cả
các quốc gia duyên hà có những nỗ lực nghiêm chỉnh để đối mặt với thách thức
chung để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Sơ lược về tác giả
Tian Fuqiang là giáo sư
ở Trung tâm nước Xuyên Biên giới và An ninh Sinh thái, Đại học Tsinghua (Thanh
Hoa); Liu Hui là kỹ sư trưởng của Nha Thủy lực, Viện Nghiên cứu Nguồn Nước và
Thủy điện Trung Hoa; và Lu Hui là phó giáo sư ở Trung tâm nước Xuyên Biên giới
và An ninh Sinh thái, Đại học Tsinghua.
.
No comments:
Post a Comment