A broken dam and broken
promises:
Laos doubles down on
hydropower despite risks
Editorial – Bình Yên
Đông lược dịch
Asean Today – July 27, 2020
Ảnh: Mekong Watch
Hai năm sau khi 1 đập ở hạ Lào bị vỡ
khiến hàng ngàn người mất nhà, cuộc đua thủy điện của quốc gia tiếp tục. Khi chánh quyền và các công ty liên hệ phủ
nhận trách nhiệm với những gì đã xảy ra, Lào vẫn giữ chặt hy vọng đối với thủy
điện mà không đếm xỉa đến rủi ro.
Tuần nầy 2 năm về trước, một đập ở hạ Lào bị vỡ, gây lũ lụt
khiến trên 7.000 người phải tản cư và giết chết ít nhất 71 người.
Khi một phần của dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ vào
ngày 23 tháng 7 năm 2018, 500 triệu m3 nước tuôn xuống hạ lưu. Lũ lụt phá hủy nhà cửa và ruộng vườn của dân,
bao phủ đất đai với bùn và buộc họ phải đi tạm trú. Một ước tính tổng số người tản cư có thể lên
đến 14.000.
Từ khi đập vỡ, người dân bị ảnh hưởng phải chật vật để tìm
câu trả lời cho những gì đã xảy ra nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm cho tai
họa. Mặc dù vụ vỡ đập có thể gọi là một
tai nạn, chánh quyền, nhà thầu xây đập, nhà tài trợ có trách nhiệm đối với các
doanh nghiệp ảnh hưởng đến nhà cửa và đất đai của người dân.
Ngày nay, trên 3.000 người vẫn sống trong các trại tạm trú,
nhiều người chật vật để tìm thực phẩm và nước và không có cơ hội để tự túc.
Hàng ngàn người vẫn ở trong trại tạm trú. [Ảnh: Mekong Watch]
Sau khi đập vỡ, chánh quyền hứa hẹn rằng những cộng đồng bị
ảnh hưởng ở Attapeu sẽ được bồi thường thiệt hại – được trả trực tiếp và được
cấp đất và nhà mới. Nhưng nhiều người
vẫn chưa được bồi thường. Những người
được cấp nhà và đất nói mảnh đất quá nhỏ và không thể bảo đảm cuộc sống của họ.
“Anh muốn nói về cái chúng tôi thiếu thốn? Chúng tôi thiếu thốn đủ thứ. Chúng tôi thiếu hạt giống và hệ thống thủy
nông,” một người dân từ Attapeu nói với Đài Á Châu Tự do. “Chúng tôi vẫn không biết chánh quyền làm gì
để giảm nghèo cho mỗi gia đình bị ảnh hưởng.”
Những câu hỏi chưa được
trả lời không ngừng thúc đẩy việc xây thêm thủy điện
Dự án Xe Pian-Xe Namnoy gồm có 3 đập chánh để chuyển nước từ
sông Xe Pian và Xe Namnoy và 3 đập phụ.
Một trong 3 đập phụ bị vỡ trong tháng 7 năm 2018, nhưng các nhà phê bình
nói rằng các công ty rất mơ hồ về nguyên nhân khiến đập bị vỡ và tại sao các
đập kia chưa được sửa chữa. Đầu năm
2020, đập bị vỡ đã tái hoạt động.
Các nhóm xã hội dân sư tiếp tục kêu gọi trách nhiệm và đối
với những người có trách nhiệm nên giúp phục hồi nhà cửa và cuộc sống của người
dân bị ảnh hưởng. Việc thiếu trách nhiệm
cũng bị một nhóm chuyên viên Liên Hiệp Quốc chỉ trích.
“Thật là táng tận lương tâm khi để những người sống sót trong
vụ vỡ đập vẫn phải đối mặt với gian khổ và bất định của tương lai,” Maureen
Harris của hệ thống toàn cầu International Rivers cho biết trong một tuyên bố.
Xe Pian-Xe Namnoy được xây bởi các công ty Nam Triều Tiên,
Korea Western Power và SK Engineering & Construction, cộng tác với công ty
Thái Lan Ratchaburi và Lao Holding State Enterprise. Đập được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất-Nhập cảng
của Nam Triều Tiên và 4 nhà tài trợ Thái: Ngân hàng Xuất-Nhập cảng Thái Lan,
Krung Thai, Thanachart và Ngân hàng Ayudhya.
Mặc dù không một công ty nào nhận trách nhiệm cho những gì đã
xảy ra, Lào tiếp tục đẩy mạnh một danh sách dài các dự án thủy điện tương tự,
kể cả các đập trên dòng chánh sông Mekong.
Các đập Mekong có nguy
cơ lớn hơn vỡ đập
Ảnh: Mekong Watch
Việc xây đập là một đe dọa lớn đối với sự lành mạnh của sông,
vì đập có thể ngăn cản dự sự di chuyển của cá và phù sa cung cấp chất dinh
dưỡng cần thiết cho nông dân và hệ sinh thái trên toàn lưu vực. Việc xây cất sẽ ảnh hưởng 60 triệu người dựa
vào hạ lưu Mekong để có lương thực.
Ảnh hưởng của đập cũng được chú ý trong thời gian gần đây,
khi trận hạn hán kỷ lục đã gây tai họa cho nông dân trong lưu vực hồi năm
ngoái. Nghiên cứu mới cho thấy rằng hạn
hán dường như trầm trọng thêm vì việc xây đập thủy điện ở thượng lưu Mekong ở
Trung Hoa, cũng như các đập mới ở Lào.
Các ảnh hưởng nầy cũng kết hợp với ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, gây
nguy hiểm cho nguồn nước và lương thực trong khu vực.
Mặc cho rủi ro, Lào đã xây khoảng 50 đập trong vòng 15 năm
qua. 50 đập khác đang được xây và chánh
quyền dự trù thêm 288 đập nữa.
Các nhà phát triển cố gắng làm giảm ảnh hưởng của đập trên
Mekong bằng cách kết hợp các yếu tố như thang cá và cửa xả phù sa. Nhưng các kỹ thuật nầy chưa được thử nghiệm
trong Mekong, và những thay đổi trong sông từ khi đập Xayaburi bắt đầu hoạt
động cho thấy chúng không có tác dụng.
“Chúng ta chưa từng có đập trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong
trước khi có Xayaburi, cho nên nhiều tin tức kỹ thuật chỉ là lý thuyết,”
Pongsak Suttinon, một giảng viên của Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, nói với
Reuters.
Mặc dù dự án Xe Pian-Xe Namnoy không nằm trên dòng chánh
Mekong, việc xây cất vẫn có những hậu quả môi trường và xã hội đáng kể. Dự án nằm trong 2 tỉnh – Attapeu và Champasak
– và có ít nhất 3.000 người bản xứ bị mất đất cho dự án.
Kế hoạch của Lào để trở thành “bình điện của Đông Nam Á” đại
diện cho một sự biến chuyển đất đai và tài nguyên cũng như tái xét nền kinh tế
quốc gia và nguồn năng lượng trong khu vực.
Hầu hết năng lượng từ các đập của Lào được xuất cảng – và
nước nầy là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng cho mỗi đầu
người thấp nhất trong khu vực. Năm 2005,
tổng công suất thủy điện của Lào là 700 MW. Năm nay, 2 đập trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong
bắt đầu hoạt động – Xayaburi có công suất 1.200 MW và Don Sahong có công suất
260 MW. Nếu tất cả các dự án thủy điện
dự trù được xây cất, Lào sẽ có tổng cộng 27.000 MW.
Việc chạy đua xây đập gắn liền với kế hoạch phát triển kinh
tế quốc gia. Từ năm 2005, GDP cho mỗi
đầu người của Lào tăng trên 3 lần, từ 621 USD trong năm 2006 lên 2.027 USD
trong năm 2016.
Nhưng phát triển kinh tế không có ý nghĩa nếu chánh quyền và
các công ty xây đập không trợ giúp các cộng đồng trong vùng đối phó với rủi
ro. Đối với Xe Pian-Xe Namnoy, điều đó
có nghĩa là cung cấp cho người dân Attapeu – và bên kia biên giới ở Cambodia –
tài nguyên cần thiết để tái lập cuộc sống.
“Chúng tôi thúc giục các nhà phát triển và tài trợ dự án nên
có trách nhiệm đối với những mất mát và bất công bằng cách thảo luận với các
cộng đồng bị ảnh hưởng và xã hội dân sự có quan tâm,” Yuka Kiguchi, giám đốc
Mekong Watch, cho biết trong một tuyên bố.
“Những cam kết có thời hạn và việc phân phối ngân khoản minh
bạch rất cần thiết để cho thấy họ hoàn toàn giúp đỡ người dân trong việc phục
hồi và duy trì một tương lai xứng đáng.”
.
No comments:
Post a Comment