Sunday, August 9, 2020

CHIẾN TRƯỜNG SẮP TỚI GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG HOA: CÁC ĐẬP CỦA TRUNG HOA TRÊN SÔNG MEKONG?


The next US-China battleground: Chinese dams on the Mekong River?

Maria Siow – Bình Yên Đông lược dịch
South China Morning Post – 3 August 2020

Một thuyền đánh cá trên sông Mekong ở đông bắc Thái Lan trong tỉnh Nong Khai. 
[Ảnh: AFP]

*    Các đập của Trung Hoa trên sông Mekong được cho là nguyên nhân của các trận hạn hán nặng nề ở các quốc gia hạ lưu hồi cuối năm nay
*    Nhưng các nghiên cứu mâu thuẫn của các nhóm được Hoa Kỳ và Trung Hoa bảo trợ cho thấy một trận chiến lời qua tiếng lại để dàn xếp mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng Đông Nam Á (ĐNA)

Các đập của Trung Hoa không phải là nguyên nhân gây hạn hán cho các quốc gia ở hạ lưu dọc theo sông Mekong – chúng là một phần của giải đáp.

Đó là kết quả gây tranh cãi của một nghiên cứu của Trung Hoa được công bố trong tháng 7 đã dội nước vào các cáo buộc của đối thủ do Hoa Kỳ hỗ trợ để tố cáo các đập của Trung Hoa đã gây tình trạng thiếu nước cho các quốc gia ĐNA ở hạ lưu sông.

Nghiên cứu của Trung Hoa, được phối hợp giữa Đại học Tsinghua (Thanh Hoa) và Viện Thủy lợi Trung Hoa lập luận rằng thật sự là các đập giúp giảm nhẹ vấn đề bằng cách trữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô.  Tuyên bố mâu thuẫn nầy vượt quá việc châm ngòi cho những thảo luận khoa học về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thiếu nước trầm trọng khiến Việt Nam phải công bố tình trạng khẩn cấp và Thái Lan phải huy động quân đội trong các nỗ lực cứu trợ hồi cuối năm.  Các phân tích viên nói các tuyên bố mâu thuẫn là dấu hiệu của một trận chiến lời qua tiếng lại để dàn xếp mối quan hệ của Trung Hoa với các láng giềng nhỏ hơn ở ĐNA.  Tóm lại, họ nói, Mekong đã trở thành một mặt trận mới nhất trong sự kình dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa.

Lời qua mâu thuẫn với tiếng lại

Mekong, nguồn sống của 60 triệu người, bắt nguồn từ Trung Hoa rồi chảy qua Cambodia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Truyền thông trong các quốc gia ở hạ lưu đã liên kết các đợt hạn hán với các đập sử dụng nước ở thượng lưu Mekong cho sản xuất thủy điện hay thủy nông.  Những cáo buộc nầy có vẻ tăng sức nặng trong tháng 4 khi một phúc trình của hãng cố vấn Eyes on Earth (EoE) kết luận rằng các đập của Trung Hoa giữ lại 47 tỉ m3 nước.  Phúc trình được ủy thác bởi Hợp tác hạ tầng Cơ sở Khả chấp do Liên Hiệp Quốc bảo trợ và Sáng kiến Hạ lưu Mekong, hợp tác giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Mekong nhưng không có Trung Hoa.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Trung Hoa, dựa trên công việc của 8 nhà nghiên cứu do Giáo sư (GS) Tian Fuqiang cầm đầu, cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác, tuyên bố rằng hạn hán là do các yếu tố môi trường, bao gồm nhiệt độ cao và lượng mưa ít.  Nó lập luận rằng các hồ chứa nhân tạo trữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô, chẳng hạn như các đập, giúp giảm nhẹ hạn hán dọc theo toàn thể sông Mekong chứ không chỉ ở thượng lưu.

Mặc dù nghiên cứu của Trung Hoa không nêu đích danh nghiên cứu EoE, nhật báo bằng tiếng Anh của nhà nước ở Bắc Kinh nói các kết quả của GS Tian là ngược lại với “các cáo buộc khinh suất của một số nhà nghiên cứu ngoại quốc quy lỗi cho Trung Hoa đã gây hạn hán cho các quốc gia ở hạ lưu sông.”

Nghiên cứu của Trung Hoa cũng lập luận rằng chính Trung Hoa cũng đối mặt với nguy cơ hạn hán cao của tất cả các quốc gia Mekong.  Nó nói rằng tần suất tổng quát của hạn hán nghiêm trọng ở Mekong vào khoảng 7%, nhưng tần suất nầy lên đến 12% ở vùng trung và thượng lưu nơi có các đập của Trung Hoa.

Sông Mekong dọc theo biên giới Thái-Lào. [Ảnh: International Rivers]

Nhiều nhóm môi trường và chuyên viên nay đang đặt nghi vấn về kết quả của phúc trình của Trung Hoa.

Marc Goichot, người cầm đầu Sáng kiến Nước Khu vực Mekong và vùng Phụ cận của WWF, đồng ý với sự xác nhận của Trung Hoa rằng lượng mưa thất thường là một nguyên nhân của hạn hán.  Tuy nhiên, ông nói các hoạt động của con người cũng đóng một vai trò quan trọng.

Brian Eyler, giám đốc chương trình ĐNA của Trung tâm Stimson – một tổ chức nghiên cứu ở Washington – nói rằng hạn hán đã xảy ra ngay trong mùa mưa và cho rằng phúc trình của Trung Hoa không thể giải thích điểm nầy. [Lời người dịch:  Nghiên cứu của Trung Hoa giải thích rằng hạn hán là do lượng mưa ít và nhiệt độ cao.  Giải thích nầy phù hợp với giải thích của MRC
nói rằng hạn hán trong năm 2019 là do lượng mưa ít trong mùa mưa đến trễ và chấm dứt sớm, cùng với hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ và độ bốc thoát.  Kết quả điều tra của Trung tâm Stimson cũng cho thấy lượng mưa trong năm 2019 trên phần lớn thượng lưu vực ở Trung Hoa thấp hơn lượng mưa trung bình từ năm 2000 đến 2018.]

Sông Mekong trên biên giới Thái-Lào. [Ảnh: International Rivers]

Eyler dùng cuộc điều tra của Trung tâm cho thấy rằng các đập Nuozhadu và Xiaowan ở thượng lưu đã hạn chế khoảng 20 tỉ m3 nước từ tháng 7 đến tháng 11 năm ngoái.

Cuộc điều tra dựa trên ảnh vệ tinh và loan báo của China Southern Grid (Lưới điện Nam Trung Hoa) về việc “tối ưu hóa” các đập.  Điều nầy cho thấy hạn hán sẽ tái diễn, ông nói. [Lời người dịch: Đây chỉ là một suy đoán không có cơ sở khoa học.]

“Hiện nay, ảnh vệ tinh cho thấy các đập đó, một lần nữa, sắp lặp lại việc hạn chế một số nước tương tự từ tháng 7 năm 2020 cho đến cuối năm nay…  Nhiều nơi trên dòng chánh Mekong, một lần nữa, xuống đến mức thấp kỷ lục,” ông Eyler nói. [Lời người dịch: Đây chỉ là một suy đoán không có cơ sở khoa học.  Hơn nữa, mực nước trên dòng chánh Mekong ở hạ lưu không chỉ tùy thuộc vào dòng chảy từ Trung Hoa, nó bị chi phối bởi dòng chảy từ các phụ lưu.]

Sebastian Biba, một thành viên nghiên cứu của Đại học Goethe ở Frankfurt, cũng đồng ý rằng các yếu tố môi trường như thay đổi khí hậu đã có ảnh hưởng, nhưng nói vấn đề nghiêm trọng thêm bởi các đập của Trung Hoa.  “[Liệu] rằng đó là tỉ lệ 50:50, 70:30 hay 20:80 thì rất khó nói.  Hay ít nhất, phía Trung Hoa đã không làm bao nhiêu để giảm bớt lo ngại rằng các đập của họ có thể có một vai trò trong mọi thứ,” ông Biba nói.

Hoàng hôn trên sông Mekong ở Việt Nam.

Không đồng bộ với thiên nhiên

Các nhà phân tích cũng đặt nghi vấn về tuyên bố của Trung Hoa rằng các hồ chứa như đập trữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô là một hình thức lâu dài để giảm nhẹ hạn hán cho toàn thể khu vực Mekong. [Lời người dịch: Không một ai đặt nghi vấn về việc trữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô, nếu người đó hiểu biết nguyên tắc thủy học của thủy điện.  Vì lượng nước xả trong mùa khô nhiều hơn lưu lượng tự nhiên, các đập thủy điện giúp làm tăng lưu lượng sông ở hạ lưu.]

Eyler, tác giả quyển Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (Last Days of the Mighty Mekong), nói sự thay đổi theo mùa đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái địa phương.  “Sự chuyển biến tự nhiên từ mùa khô sang mùa mưa và lũ lụt tiếp theo sau cung cấp từ 15 đến 20% sản lượng cá nước ngọt đánh được trên thế giới và là trụ cột của an ninh kinh tế của tất cả các quốc gia ở hạ lưu,” ông Eyler nói. [Lời người dịch: Lũ lụt ở hạ lưu sông Mekong tùy thuộc vào mưa mùa trên lãnh thổ Lào và Việt Nam.  Dòng chảy từ Trung Hoa chỉ đóng góp một phần nhỏ, nếu có.]

Trong lúc đó, Hệ thống Người dân Mekong (Mekong People’s Network) ở Thái Lan mô tả việc trữ nước trong mùa mưa như là “không đồng bộ” với thiên nhiên, vì lũ lụt xảy ra tự nhiên trong mùa mưa.

“Điều nầy xảy ra khi cá và các thú vật ở dưới nước khác đi ngược lên thượng lưu và các phụ lưu để đẻ trứng và nẩy nở,” theo một tuyên bố gởi cho tòa đại sứ Trung Hoa trong tháng 7 để mô tả chi tiết các ảnh hưởng tai hại mà người dân trong 8 tỉnh của Thái Lan đã gánh chịu.

Tham vọng Mekong của Trung Hoa gây lo ngại cho người Thái.

“Vì các đập ở thượng lưu trữ nước trong mùa mưa, nước chảy xuống hạ lưu ít hơn, đảo ngược chu kỳ sống tự nhiên của cá, ngăn nước chảy vào các vùng đất ngập nước, rồi ảnh hưởng đến người dân và môi trường.”

Lưu ý rằng các ghềnh thác, đá ngầm và cồn cát thường xuất hiện trong mùa khô rất cần thiết về mặt sinh thái, chẳng hạn như cung cấp nơi đẻ trứng cho hàng triệu chim chóc.  Những thú nầy mất nơi cư trú và chu kỳ sinh sản bị gián đoạn vì các đập, bản tuyên bố nói.

Mực nước dao động không theo mùa do đập gây ra cũng gây thiệt hại hoa màu, nguồn lương thực và lợi tức của các cộng đồng địa phương.

“[Các đập] làm đảo lộn văn hóa và truyền thống địa phương và tước đoạt các khu giải trí của người dân địa phương,” Hệ thống nói thêm.

Gary Lee, giám đốc chương trình ĐNA của tổ chức bất vụ lợi International Rivers, nói rằng trái với tuyên bố của phúc trình của Trung Hoa, các đập như Jinghong (Cảnh Hồng) – đập cuối cùng của Trung Hoa trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) – đã thật sự giảm lượng nước xả trong nhiều lúc trong tháng 7 và 8 năm rồi.  “11 [đập của Trung Hoa trên Mekong] đã gián đoạn dòng chảy, phù sa và chất dinh dưỡng cần thiết ở hạ lưu, rồi có ảnh hưởng thảm khốc đối với hệ sinh thái và tài nguyên ở dưới nước rất quan trọng cho đời sống trong các quốc gia hạ lưu Mekong,” ông Lee nói.

Một phúc trình hỗn hợp của Hợp tác Mekong về Tài nguyên Môi trường và Hệ thống Năng lượng Australia (Australia Mekong Partnership on Environmental Resources and Energy Systems (AMPERES), một công ty hoạt động về nước và cai quản năng lượng trong khu vực Mekong, và các nhà nghiên cứu ở Đại học Aalto, Finland nói cần có thêm bằng chứng để biện minh cho tuyên bố của Tsinghua nói rằng các hồ chứa thủy điện đã làm giảm hạn hán và bảo đảm việc ngừa lụt. [Lời người dịch: Không cần bằng chứng vì bản chất của các đập thủy điện là trữ nước trong mùa mưa, tức cắt giảm lưu lượng lũ, và xả nước trong mùa khô, tức tăng lưu lượng làm giảm tình trạng thiếu nước.]

Điều nầy rất cần thiết, vì các hồ chứa hầu như chỉ được dùng để sản xuất điện và không có bằng chứng cho thấy chiến lược điều hành các hồ chứa nầy bao gồm việc quản lý lũ lụt và hạn hán, theo Marko Kallio của Aalto và Timo Räsänen and Tarek Ketelsen của AMPERES.

Một thuyền đánh cá trên sông Mekong ở ngoại ô Phnom Penh. [Ảnh: AFP]

Lũ lụt có thể có lợi

Ông Eyler nói, trong lịch sử, lũ lụt không được xem là sự kiện gây thảm họa ở Mekong, trích dẫn một nghiên cứu của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) năm 2017 ước tính rằng lũ lụt trong mùa mưa có lợi ích kinh tế từ 8 đến 10 tỉ USD, trong khi có thiệt hại ít hơn 70 triệu USD.  MRC là một tổ chức liên chánh phủ để quản lý nguồn nước Mekong đại diện cho Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

“Như vậy, lợi ích của dòng chảy tự nhiên vượt quá thiệt hại [của lũ lụt] trên 100 lần.  Dòng chảy tự nhiên của sông Mekong là trụ cột của an ninh kinh tế ở Hạ lưu Mekong, và việc theo đuổi của Trung Hoa để thay đổi dòng chảy tự nhiên qua việc điều hành các đập ở thượng lưu và xuất cảng cái khái niệm nguy hiểm nầy xuống hạ lưu sẽ thay đổi sự ổn định trong khu vực Mekong,” ông Eyler cảnh báo.

Ông Goichot của WWF nói việc trữ nước ở thượng lưu gây ra các vấn đề khác bằng cách ngăn chận phù sa, chẳng hạn như cát và sạn.

MRC ước tính rằng độ phù sa trong sông đã giảm gần 77% so với các điều kiện gần như tự nhiên trong đầu thập niên 1990s.

“Kết quả là, lòng sông Mekong đang mất cao độ…  Điều nầy có nghĩa là ĐBSCL đang chìm và thu hẹp, làm giảm thêm nguồn nước ngọt hiện có,” ông Goichot nói. [Lời người dịch: Lòng sông Mekong mất cao độ vì lý do khác, đó là việc khai thác cát.]

MRC đồng ý với phúc trình của Trung Hoa trên 1 điểm: hạn hán được dự đoán sẽ gia tăng cả cường độ lẫn tần suất. [Lời người dịch: Còn 1 điểm quan trọng khác là hạn hán do lượng mưa ít và nhiệt độ cao.]

Đường ra khỏi chiến trường
Hạn hán, đập thủy điện làm sông Mekong khô cạn dù mùa mưa đã đến.

Ông Biba, cũng là tác giả của quyển sách về chánh trị thủy điện của Trung Hoa ở Mekong, nói các phúc trình mâu thuẫn nhau là một dấu hiệu cho thấy dòng sông đã biến thành một chiến trường địa chánh trị giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa.

Quan điểm nầy cũng được ám chỉ bởi công ty cai quản nước và năng lượng AMPERES, với một phúc trình trong tháng 4 nói nghiên cứu của EoE không chắc chắn và kết luận của nó đi ra ngoài bằng chứng.  Cảnh báo về cái được gọi là chánh trị hóa dữ kiện, phúc trình nói rằng việc bóp méo chọn lọc hay lấp liếm dữ kiện “tiêu biểu cho các nỗ lực của mọi phía để gây ảnh hưởng đối với việc thảo luận và hướng kết quả theo quyền lợi của mình.” [Lời người dịch: Điều nầy rất đúng với các kết luận của cuộc điều tra của Trung tâm Stimson.]

“Các rắc rối về tình trạng thiếu nước tạo cơ hội chiến lược cho các bên liên hệ sử dụng dữ kiện để leo thang hay xuống thang vấn đề nhằm mục đích thực hiện mục tiêu chánh trị của họ,” phúc trình của AMPERES cho biết.

Ông Biba nói rằng, về mặt nầy, Trung Hoa chưa làm gì thuận lợi với ý muốn chia sẻ tin tức với các quốc gia khác.

“Dữ kiện có sẳn, do đó, nó có thể được chia sẻ.  Sự lưỡng lự của Trung Hoa để làm như thế cho thấy phía Trung Hoa có điều gì muốn che dấu…  Nó không còn quan trọng nếu Trung Hoa có thật sự trữ nước hay không, vì thiệt hại đã xảy ra.

“Các quốc gia ở hạ lưu, các nhóm hoạt động trong khu vực, các cộng đồng ven sông, vân vân, tất cả bắt đầu không tin vào Trung Hoa và những ý định của họ,” ông Biba nói.

Ông Goichot đồng ý, cho rằng hệ thống theo dõi mực nước do 6 quốc gia Mekong quản lý có thể vượt qua vấn đề tín nhiệm.

“Hiện thời, Trung Hoa chỉ chia sẻ dữ kiện trong mùa mưa, không có dữ kiện trong mùa khô, không có dữ kiện phù sa.  Khi không có dữ kiện, điều nầy đưa đến việc suy đoán, và gây khó khăn trong việc đánh giá ảnh hưởng của đập đối với lưu lượng ở hạ lưu,” ông Goichot nói.

Tại phiên họp cấp ngoại trưởng của khu vực Mekong hồi tháng 2 năm nay, Trung Hoa nói họ sẽ cứu xét việc chia sẻ dữ kiện thủy học quanh năm với các quốc gia Mekong và bảo đảm cái họ gọi là sử dụng nguồn nước “hợp lý và khả chấp.”

Vào tháng 4, phát ngôn viên bộ ngoại giao Geng Shuang của Trung Hoa hứa sẽ chia sẻ tin tức và hợp tác với các quốc gia dọc theo sông Mekong để đối phó với thay đổi khí hậu và thiên tai lũ lụt.

Ông Eyler nói mặc dù Trung Hoa luôn luôn giữ dữ kiện sông ở thượng lưu trong một “hộp đen”, nỗ lực để điều tiết sông không phải là “một phần của kế hoạch địa chánh trị để thống trị Mekong”.  “Thay vào đó, giải pháp của Trung Hoa được rút từ kinh nghiệm lịch sử lâu dài trong việc kiểm soát sông ngòi và đối phó với thiên tai lũ lụt đã làm thiệt mạng hàng triệu người Trung Hoa trong nhiều thế kỷ,” ông Eyler nói.


.

No comments:

Post a Comment