Monday, January 6, 2020

THIẾU PHÙ SA CHỨ KHÔNG PHẢI NƯỚC BIỂN DÂNG LÀ MỐI ĐE DỌA NGUY HIỂM NHẤT CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG



(Gravest threat to Mekong delta today is sediment starvation not rising seas)

WWF – Bình Yên Đông lược dịch
World Wide Fund for Nature – 10 December 2019

Đập thủy điện và khai thác cát góp phần nhấn chìm và thu hẹp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). [Ảnh: Adam Oswell/WWF]


Nghiên cứu mới cho thấy rằng tính dễ thương tổn của ĐBSCL đối với lũ lụt, nước mặn xâm nhập và sạt lở càng ngày càng tăng là vì không đủ phù sa trong nước sông chứ không phải vì nước biển dâng do thay đổi khí hậu.

Được công bố trong tạp chí Phúc trình Khoa học Tự nhiên (Nature Scientific Reports), kết quả của Dự án Lên Xuống (Rise and Fall Project) của Đại học Utrecht ghi rõ: mối đe dọa ngày càng tăng đối với ĐBSCL – và cộng đồng, thành phố, ruộng lúa và đa dạng sinh học dựa vào nó – vì triều cường và nước mặn xâm nhập là do sự mất mát phù sa trong sông bởi các đập ở thượng lưu và việc khai thác cát ở ĐBSCL.
Triều cường ở ĐBSCL có những hậu quả quan trọng đối với ngập lụt ở các thành phố đang sụt lún và tính dễ bị tổn thương và sạt lở bờ sông.  Trong khi nước biển dâng và thay đổi khí hậu được chú ý nhiều nhất trong liên hệ với ĐBSCL đang chìm xuống và thu hẹp, nghiên cứu cho thấy trong 20 năm qua, nó chỉ đóng góp có 5%.

Thủ phạm chánh là sự can thiệp trực tiếp của con người qua việc khai thác cát và các đập thủy điện.
Các phân tích cho thấy đáy sông đang chìm xuống khoảng 200-300 mm mỗi năm vì khai thác cát và các đập ở thượng lưu.  Trong khi đó, mặt đất đang lún xuống khoảng 20-30 mm mỗi năm vì khai thác nước ngầm quá mức và mực nước biển dâng khoảng 3 mm mỗi năm do thay đổi khí hậu.

Sepehr Eslami, tác giả của bài viết, nói: “Nước biển dâng không thể giải thích các chiều hướng quan sát được.  Trong khi thay đổi khí hậu tạo nên những nguy hiểm tự nhiên lớn lao, hoạt động của con người gây nên những ảnh hưởng ngắn hạn vượt quá ảnh hưởng của thay đổi khí hậu hiện nay.  Các nghiên cứu trước đây nhấn mạnh rằng các đập thủy điện ở thượng lưu ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, phù sa và chất dinh dưỡng, sự ổn định của đáy và bờ sông, sản lượng cá, đa dạng sinh học và sinh học của lưu vực.  Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng biên độ triều và sự xâm nhập của nước mặn vào ĐBSCL cũng gia tăng ở mức đáng lo ngại.”
Trong khi biên độ triều ngoài biển gia tăng khoảng 1,2-2 mm mỗi năm do mực nước biển dâng, biên độ triều bên trong ĐBSCL đang tăng ở mức 2 cm mỗi năm.  Độ mặn trong một số lòng lạch đã tăng gấp đối trong 15 năm qua.  Nghiên cứu cho thấy rằng xói lở bờ sông là động lực chánh, kết quả của hiện tượng thiếu phù sa chảy ra biển.

Marc Goichot, Phụ trách Nước ngọt ở Mekong của WWF, nói: “ĐBSCL đang chìm xuống và thu hẹp vì các quốc gia không đánh giá vai trò hết sức quan trọng của việc bổ sung phù sa tự nhiên trong các quyết định về thủy điện và khai thác cát.  Chúng tôi đang cộng tác với các đối tác về một sáng kiến Phục hồi Châu thổ Á Châu (Resilient Asian Deltas) đầy tham vọng, nhằm mục đích gây động năng chánh trị và đầu tư tài chánh để xây dựng thiên nhiên – kể cả việc bảo đảm phù sa chảy đầy đủ về châu thổ để ngăn chận chúng chìm xuống hay thu hẹp.”

Trong khi thay đổi khí hậu có thể gây nguy hiểm lớn lao trong những thập niên sắp tới, rất khó để hành động – đặc biệt là các hoạt động phối hợp liên quan đến cộng đồng, công ty và giới thẩm quyền – vì nó quá lớn để đối phó.
Nhưng nghiên cứu nầy cho thấy rằng các hành động tập thể ở địa phương và khu vực để bảo đảm đầy đủ phù sa chảy trong sông có thể có ảnh hưởng to lớn đến sự hồi phục của châu thổ - để có thể đối phó với những đe dọa hiện nay và thích ứng tốt hơn với ảnh hưởng sắp tới của thay đổi khí hậu.

.

No comments:

Post a Comment