Tuesday, January 14, 2020

Cộng đồng sông Mê Kông vật lộn với thử nghiệm thiết bị đập của Trung Quốc


Người dân dọc sông Mê Kông đang vật lộn với mực nước dao động mạnh khi Trung Quốc thử nghiệm thiết bị đập thủy điện, theo Al Jazeera ngày 12/1.

Cộng đồng sông Mê Kông vật lộn với thử nghiệm thiết bị đập của Trung Quốc

Mực nước sông Mê Kông, chảy qua Trung Quốc và năm quốc gia khác trước khi đổ ra Biển Đông, đã giảm một lần nữa sau khi Bắc Kinh cho biết họ đang thử nghiệm thiết bị tại một trong số 11 đập của nó ở thượng nguồn con sông.
Ủy ban sông Mê Kông (MRC), một cơ quan liên chính phủ gồm các đại diện từ Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, cho biết vào ngày 31/12 rằng Trung Quốc sẽ thử nghiệm thiết bị của mình, cảnh báo về khả năng biến động lưu lượng nước chảy tới 50%.

Pianyh Deetes, điều phối viên của chiến dịch ‘Thái Lan vì các dòng sông quốc tế’ cho biết “Ở Thái Lan, việc thiếu nước đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tại Chiang Khong, miền bắc Thái Lan giáp với Lào, trong tuần đầu tiên của năm nay, người dân địa phương chứng kiến sự biến động đột ngột của nước; Nước sông Mê Kông tăng nhanh sau đó giảm mạnh trong vài ngày”, cô nói với Al Jazeera trong email.

“Tôi đã ở đó vào thứ Ba và chứng kiến một số nông dân địa phương bị mất trắng hoa màu do biến động nước không theo mùa”. “Xói lở bờ sông cũng nghiêm trọng. Sự biến động của mực nước cũng ảnh hưởng đến di cư của cá theo chu kỳ lụt – hạn theo mùa của dòng sông. Cá ít hơn, khiến ngư dân thất thu. Họ nói với tôi loại thiệt hại này còn nhiều hơn thiệt hại hoa màu,” cô nói.

Sông Mê Kông – nguồn tài nguyên quan trọng cho hàng triệu người
Sông Mekong là một trong số 12 con sông lớn trên thế giới, kéo dài 4.350 km (2.703 dặm) từ Trung Quốc ở phía bắc đến Việt Nam ở phía nam.
Bất chấp những biến động đáng lo ngại và tác động của nó đối với dòng sông, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã hợp tác hơn khi, lần đầu tiên, thông báo trước kế hoạch của họ, mở rộng hy vọng phối hợp tốt hơn trên sông Mê Kông với các nước ở hạ nguồn.
Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, cho biết trong khi vẫn chưa rõ loại thử nghiệm thiết bị nào được thực hiện, thông báo cho thấy các nhà điều hành đập có thể đã tắt tuabin khi thử nghiệm thiết bị của họ, dẫn đến mực nước hạ thấp đột ngột. Mực nước ở Tam giác vàng, nơi Thái Lan, Lào và Myanmar gặp nhau, đã giảm khoảng 40% từ ba mét xuống dưới một mét. Rồi mực nước nhanh chóng trở lại mức cao khi kết thúc thử nghiệm. Những biến động đột ngột như vậy là một vấn đề, ông cho biết.
“Để một dòng sông được khỏe mạnh, nó cần dòng chảy đều đặn và không bị sốc bởi tăng giảm bất thường… Sự sụt giảm và tăng lên đột ngột như vậy đã làm đảo lộn sự di chuyển của cá tự nhiên trên sông, khiến sụt giảm nguồn cá… Điều này, đến lượt nó, dẫn đến cạn kiệt nguồn cá cho ngư dân ở Tam giác vàng, những người theo truyền thống đánh bắt cá để kiếm sống… Các hoạt động thất thường tại đập Cảnh Hồng cũng đã khiến mực nước dâng cao đột ngột trong những năm qua và điều này ảnh hưởng lớn đối với các quá trình sinh thái của sông Mê Kông”, Eyler nói với Al Jazeera trong email.

Tác động nông nghiệp
Đập Cảnh Hồng (TQ) bắt đầu hoạt động vào năm 2008 và là một trong những đập lớn nhất ở Trung Quốc, nằm ở phía nam tỉnh Vân Nam trên thượng nguồn sông Mê Kông. Khi đập đi vào hoạt động, hệ sinh thái của dòng sông cũng bị ảnh hưởng, khi cỏ dưới đáy sông không phát triển trong mùa khô nếu nước được xả ra từ đập vì nó ngăn ánh sáng mặt trời chiếu xuống lòng sông, Eyler bổ sung.
“Khi đập Cảnh Hồng bất ngờ xả nước vào mùa khô, nông dân địa phương ven sông thấy ruộng vườn của họ bị ngập lụt và hoa màu hư hỏng,” Eyler nói. “Nếu họ để máy móc thiết bị nông nghiệp dọc theo bờ sông hoặc chăn thả gia súc ở đó, chúng sẽ bị cuốn trôi do lũ phát đột ngột. Hàng triệu đô la thiệt hại phát sinh đánh vào nông dân nghèo ở nông thôn theo cách khó hiểu đối với người dân thành phố.”

Ian Baird, một nhà nghiên cứu của Đại học Wisconsin, người nghiên cứu về sông Mê Kông, đã có những dự cảm tương tự. Ông giải thích rằng ngay cả việc các đập thượng nguồn trữ nước sông trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra hậu quả lâu dài nếu mực nước xuống quá thấp. Ví dụ, khi nước ở mực thấp, mặt trời có thể hun nóng nước đến mức mà một số loài thủy sinh khó sống sót… Tình hình rất khó đánh giá nếu không có thêm thông tin, đó là một vấn đề trong nhiều năm với Trung Quốc bởi họ tiết lộ rất ít thông tin về chính sách năng lượng thủy điện của họ, Baird nói.

Thông báo của Trung Quốc
Trước đây, việc Trung Quốc thử nghiệm thiết bị đập mà không thông báo đã dẫn đến lũ quét và giảm mực nước. Lần này Trung Quốc tuyên bố trước sẽ thử nghiệm thiết bị, theo ông, có thể cho thấy sự chuyển biến trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ủy ban Sông Mê Kông (MRC). “Tôi nghĩ rằng đây là một trường hợp thú vị bởi việc Trung Quốc tuyên bố công khai việc thử nghiệm là khá bất thường”, ông nói. “Tôi không chắc đây có phải là kết quả của cuộc đối thoại giữa MRC và Trung Quốc hay không. Loại thử nghiệm này đã diễn ra trong nhiều năm và thường thì Trung Quốc không công bố.”
Vào cuối năm ngoái, MRC và Trung tâm hợp tác tài nguyên nước Lancang-Mekong của Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác.

Một kịch bản khác, Baird nói, có thể do tình hình hạn hán năm nay. Trong điều kiện mực nước đã giảm, hậu quả của việc không cảnh báo các nước ở hạ nguồn có thể còn lớn hơn. “Vì vậy, tôi không chắc liệu đó có phải là do các tác động đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay, hay bởi vì họ cởi mở hơn về những gì họ đang làm?” ông nói.

Một lý do thứ ba, Baird nói, có thể là vấn đề giao thông của các tàu chở hàng đã tăng lên và Trung Quốc không muốn để chúng bị mắc kẹt giữa dòng sông trong khoảng từ Trung Quốc đến miền bắc Thái Lan nếu mực nước giảm.
Đại sứ quán Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc không thể liên lạc được.

Ban thư ký MRC cho biết trong một tuyên bố với Al Jazeera rằng thông báo này được đưa ra vì sự hợp tác được tăng cường giữa Trung Quốc và MRC. “Sự hợp tác giữa MRC và Trung Quốc đã trở nên tốt hơn trong những năm gần đây”, tuyên bố có đoạn. “Chúng tôi đã tăng cường hợp tác kỹ thuật và chính trị thông qua nhiều cách.” MRC trích dẫn các nghiên cứu chung và các cuộc họp thường xuyên giữa các hình thức hợp tác khác. “Với nhiều dự án thủy điện hiện nay trên dòng chính (của sông Mê Kông), các đập sẽ cần có sự phối hợp phù hợp với các hoạt động thác. Trong trường hợp này, một cơ chế chia sẻ thông tin hoặc cảnh báo sớm ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và công chúng có thể mong đợi những luồng thông tin thường xuyên xoay quanh vấn đề này trong tương lai.”
Nhưng Eyler nói rằng – mặc dù đó là một bước đi đúng hướng – nhưng cảnh báo đã không được đưa ra đủ sớm để các cộng đồng kịp chuẩn bị cho tình trạng thiếu nước.
Và Pianyh nói đơn giản là chia sẻ thông tin là không đầy đủ, “Chính quyền Thái Lan và MRC có thể đã công bố những gì họ nhận được từ Trung Quốc, nhưng một câu hỏi trọng yếu là: Chúng ta có chấp nhận điều này như một điều bình thường mới đối với sông Mê Kông, với hệ sinh thái và cư dân của nó trong toàn lưu vực hay không?” cô hỏi. “Một thông báo và cảnh báo là không đủ. Chúng tôi cần trách nhiệm và sự quản lý tốt hơn cho sông Mê Kông.”

Hương Thảo
Đại Kỷ Nguyên
(dkn.tv)

.

No comments:

Post a Comment