(Mekong the Mother and
the New Challenge)
Sok Saing Im and Watt Botkosal – Bình Yên Đông lược dịch
ACADEMIA – DECEMBER 2019
Phần giới thiệu
Sông Mekong, cũng được biết dưới tên sông Cái hay sông Mẹ,
bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Hoa và chảy qua 6 quốc gia. Sau khi len lỏi qua các rặng núi cao ở Vân
Nam, Mekong ra khỏi Trung Hoa để trở thành biên giới Myanmar-Lào và Lào-Thái
Lan rồi xuyên qua thác Khone khi chảy vào Cambodia. Từ thị trấn Kratie ở Cambodia, sông Mekong
chảy vào vùng châu thổ nơi nó nối với hệ thống Tonle Sap-Biển Hồ và Bassac tạo
nên một hệ thống điều hòa lũ lụt tự nhiên đặc thù và phong phú sinh học của thế
giới.
Bằng chứng cho thấy con người đã định cư trong lưu vực từ
6.000 năm trước, nhưng dù lưu vực có một lịch sử lâu dài, ảnh hưởng của con
người không đáng kể. Không giống như các
sông lớn khác trên thế giới như sông Nile và Yangtze với nền văn minh cỗ đại,
các thành phố lớn như Phnom Penh và Vientiane là những thành phố tân thời. Văn minh Angkor là một ngoại lệ nơi mà những
người xây dựng cùng lúc xem Mekong như nguồn tài nguyên sanh tử và mối đe dọa,
một con đường được quân thù sử dụng.
Chưa bao giờ họ có ý định chế ngự hay sử dụng tài nguyên Mekong.
Người dân trong lưu vực sông Mekong tương đối nghèo hơn người
dân trong các lưu vực kế cận như Chao Phraya, Yangtze hay sông Hồng. Việc đi lại đến các vùng xa xôi không được
cải thiện cho đến khi nhiều đường sá được mở ra ở Thái Lan và Lào, nơi mà trước
đây sông là con đướng mậu dịch quan trọng duy nhất.
Từ xưa, nguồn tài nguyên hùng vĩ của Mekong được nhiều người bên
ngoài biết đến, người Âu Châu từ đầu thế kỷ 16th, lưu tâm ban đầu
chú trọng về thủy vận nhất là đường đến Trung Hoa được thực dân Pháp mô
tả. Cuộc thám hiểm 1866-1868 do Carne
cầm đầu cuối cùng đến Vân Nam nhưng không thể tìm được nguồn của sông
Mekong. Kinh nghiệm của các cuộc mạo
hiểm nầy, khi được nhắc lại ở Paris, cho thấy độ dốc nguy hiểm của sông và ý
nghĩ ngông cuồng cho rằng nó là con đường dễ dàng để đi đến Trung Hoa. Với kiến thức nầy, ước vọng của người Pháp
quay sang những con đường vào nội địa khác, nổi tiếng là sông Hồng. Lưu tâm nầy bị hạn chế vì ranh giới hành
chánh giữa các quốc gia có chủ quyền ở trong vùng. Trong đầu thập niên 1950s, 3 quốc gia Đông
Dương thuộc Pháp được trao trả độc lập.
Các chánh phủ mới phải gánh trách nhiệm nặng nề để cai quản và tái thiết
đất nước của họ.
Phát triển Mekong
Sau khi được độc lập, các quốc gia Đông Dương cùng với Thái
Lan thiết lập Ủy ban Mekong để điều tra nguồn nước và tài nguyên liên hệ của hạ
lưu vực Mekong. Mekong không chỉ được
xem như một thủy lộ hay biên giới mà còn là cơ hội đầu tư trong việc phát triển
nguồn nước và tài nguyên liên hệ, một mục tiêu thương mại. Lợi dụng ưu thế của tiềm năng khổng lồ về
thủy điện, thủy nông (vào lúc các dự án được cứu xét, chỉ có dưới 3% đất canh
tác được dẫn tưới), thủy vận và ngừa lụt và, kiến thức khoa học dựa trên dữ
kiện vừa thu thập, hoạt động quy hoạch phát triển được phát động mạnh mẽ. Đó là thời kỳ mộng lớn của lãnh đạo, kỹ sư, kế hoạch gia trong khu vực và trên
khắp thế giới. Ngoài các quốc gia duyên
hà, các dự án Mekong còn được các tổ chức quốc tế (kể cả 12 tổ chức của Liên
Hiệp Quốc) và 21 quốc gia khác tham gia.
Các kế hoạch thực dụng phát sinh từ “Tinh thần Mekong” phản ánh hy
vọng của người dân dự phần vào quyết tâm kỹ thuật để cải thiện cuộc sống
của người dân trong 4 quốc gia duyên hà (Giáo sư Hiroshi Hori và Bob Stenholt,
1999 trong Nancy Hudson-Rodd). Dựa trên
dữ kiện khoa học mới thu thập về dòng chánh Mekong, các phụ lưu và hạ lưu vực,
trên 70 dự án đã được xác định vào năm 1969 (đập, nhà máy điện, nông trại kiểu
mẫu, khảo sát đất đai, cầu cống, hệ thống dẫn thủy, tiên đoán và ngừa lụt, thủy
vận, v.v. Trong đầu thập niên 1970s, 3
đập được hoàn tất, 2 ở đông bắc Thái Lan (Nam Pung và Nam Pong) và 1 ở nam Lào
(Hạ Sedon) với hoạt động ở nhiều giai đoạn khác nhau diễn tiến ở các nơi khác.
Có hơn 50 dự án khác được đặt tên, chấm gạch hay khoanh tròn
trên bản đồ mà trong vài năm hay vài chục năm tới sẽ trở thành thị trấn, đập,
cầu cống hay hệ thống dẫn thủy, đường sá, nhà máy, đất canh tác mới (Wilson.
1973:54 trong United Nations Universities, 1990). Niềm lạc quan vô hạn được bày tỏ đối với
những lợi ích từ các kế hoạch phát triển to lớn nầy. Tuy nhiên, dự án phát triển quốc tế đầy tham
vọng nầy đã gặp nhiều trở ngại, và Ủy ban Mekong than phiến rằng việc tìm kiếm
nguồn tài trợ cho các kế hoạch càng ngày càng khó. Công tác của dự án bị trì trệ vì chiến tranh
Đông Dương leo thang.
Giấc mơ phát triển liên tục cho người dân trong lưu vực
Mekong cũng bắt đầu lu mờ vì lo ngại hậu quả cho con người và sinh thái của vài
dự án. Vào thập niên 1980s, một lượng
định phát triển cho thấy rằng không có một kế hoạch nào trong số 16 kế hoạch
trên dòng chánh được hoàn tất và chỉ có 16 trong số 180 kế hoạch được đề nghị
cho toàn lưu vực được thực hiện, với đa số ở đông bắc Thái Lan (Nam Pong, Nam
Oon, Nam Pung, Lam Pao, Lam Pra Pleang, Lam Ta Kong, Nam Phrom, và Lan Don Noi)
và 2 ở Lào (đập Selabam và Nam Dong) (United Nations, 1984:48).
Nhưng mới đây, sau sáng kiến ECAFE [Economic Commission of
Asia and the Far East (Kinh Ủy Á Châu và Viễn Đông)] 4 thập niên, 4 quốc gia
thành viên (Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã thương thảo một Thỏa ước
mới. Thỏa ước nầy được ký kết vào năm
1995 và được gọi là Thỏa ước Mekong 1995, giấc
mơ đập một lần nữa đến với chúng ta trong khi việc tài trợ quốc tế cho các
dự án hạ tầng cơ sở có qui mô lớn càng ngày càng bị áp lực của quần chúng, và
phong trào môi trường ở Thái Lan lên tiếng chống đối các dự án thủy điện trong
lưu vực Mekong. Viễn tượng của việc xây
cất chuổi hồ chứa khổng lồ trên dòng chánh lu mờ, và tình trạng thiếu nước
trong mùa khô là mối bận tâm. Để bảo vệ
kế hoạch cho các dự án chuyển nước qui mô lớn, mặc dù Cambodia, Lào và Việt Nam
chống đối, Thái Lan không muốn phục hồi hợp
tác theo nguyên tắc của thông cáo chung 1975 (Browder, 2000). Họ lo ngại rằng một vài nguyên tắc trong
thông cáo chung – phải có sự chấp thuận trước của các quốc gia thành viên trước
khi sử dụng nước trong dòng chánh và xem các phụ lưu chánh tương tự như dòng
chánh – có thể làm trì trệ 2 dự án đại qui mô (Kok-In-Nan và Khong-Chi-Mun) và
muốn có một vai trò nhỏ hơn cho Chế độ Mekong (Mekong Regime). Mặt khác, Việt Nam cảm thấy Ủy ban Mekong Lâm
thời quá hạn chế cho việc phát triển thêm các nguồn nước. Vào giữa năm 1992, mặc dù tất cả các quốc gia
thành viên đều muốn duy trì Chế độ Mekong, ý tưởng về cơ cấu, vai trò và trách
nhiệm rất khác nhau từ quốc gia nầy đến quốc gia khác.
Phải mất 2 năm thương thảo gay go để 4 quốc gia thành viên
đạt được thỏa thuận. Tất cả 4 quốc gia
thành viên đều muốn duy trì Chế độ Mekong nhưng ý tưởng về cơ cấu, vai trò và
trách nhiệm khác nhau rất xa.
Thỏa ước Mekong 1995 tạo một khuôn khổ hợp tác để các quốc
gia thành viên cộng tác với nhau hầu đạt đến phát triển khả chấp cho toàn lưu
vực. Mỗi quốc gia thành viên cần được
bảo đảm quyền lợi tối thiểu từ sông Mekong.
Thí dụ, Cambodia xem việc bảo tồn hệ thống Tonle Sap là tối quan trọng
và Việt Nam xem việc duy trì lưu lượng trong mùa khô hiện nay là thiết
yếu. Một khí cụ hỗ trợ đã được phát
triển qua chường trình Sử dụng Nước, gồm có Khuôn khổ Hỗ trợ Quyết định
(Decision Support Framework (DSF)), các bộ luật để duy trì lưu lượng trong dòng
chánh Mekong và nghiên cứu vấn đề xuyên biên giới. Một số lớn kiến thức đã được thu thập để phát
triển khí cụ và “Quản trị Lưu lượng Hỗn hợp (Integrated Flow
management))”. Các khí cụ và kiến thức
mới sẽ giúp đẩy mạnh tiến trình quy hoạch các dự án hỗn hợp. Ngoài ra, cũng cần có thông tin và dữ kiện
khoa học phức tạp mới, phân tích, trao đổi và chia sẻ đúng lúc cũng như nhu cầu
trau dồi khả năng để quản lý toàn thể hệ thống một cách phối hợp và toàn
thể. Trong ánh mắt của đa số quần chúng
tham gia vào giấc mơ Mekong, câu hỏi lớn nhất của họ là điều gì sẽ xảy đến.
Những thách thức
Dân số của lưu vực đã tăng từ khoảng 20 triệu người trong đầu
năm 1970 đến 55 triệu hiện nay và được ước đoán vào khoảng 75 đến 90 triệu vào
năm 2050. Đa số dựa vào nông nghiệp để
sinh sống. Lúa là hoa màu chánh của hầu
hết nông dân, với 80-90% nông dân chuyên trồng lúa. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của
Cambodia, Lào và Việt Nam bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường và tự do mậu
dịch. Các nước nầy được kỹ nghệ hóa hơn
như đã xảy ra ở Thái Lan từ 20-30 năm trước.
Những thay đổi nầy rất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống, lợi tức và
mức nghèo của người dân sống trong vùng.
Nghèo khó rất phổ biến và lan tràn khắp hạ lưu vực Mekong
(Lower Mekong Basin (LMB)). Nghèo khó là
người nghèo tận mạng không có tài sản, cơ hội hay lợi tức. Giảm nghèo là một ưu tiên trong các chánh sách
phát triển kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia LMB, đặc biệt là ở quốc gia
nghèo nhất, nơi phần lớn dân số lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên khiến cho
quản lý hệ sinh thái trở thành một công việc đầy thách thức. Ảnh hưởng đối với tài nguyên thiên nhiên
trong khu vực được ước tính gia tăng theo thời gian. Trong suốt 50 năm qua, một số rừng quan trọng
đã cạn kiệt, hầu hết ở đông bắc Thái Lan, Lào và với một tốc độ chóng mặt ở
Cambodia. Những tài nguyên nầy hầu hết
được sử dụng bên ngoài khu vực hay ở các thành phố thủ đô.
Thỏa ước 1995 chuyển trọng tâm trong lưu vực từ các dự án đại
qui mô sang sự hợp tác để phát triển khả chấp và sử dụng bình đẳng tài nguyên
thiên nhiên (MRC, 1995). Quy hoạch phát
triển lưu vực hộ trợ mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý tài
nguyên thiên nhiên của lưu vực. Các
phương thức gồm có: (i) thực hiện các quyền lợi lưu vực trong khi cứu xét đến
quyền lợi quốc gia; (ii) cân bằng các cơ hội phát triển với bảo tồn tài nguyên;
(iii) sự tham gia rộng rãi của quần chúng; chia sẻ kinh nghiệm và trau dồi khả
năng. Kế hoạch bao gồm các chủ đề môi
trường, phát triển nhân lực, kinh tế xã hội, giảm nghèo, bình đẳng giới tính và
sự tham gia của quần chúng (MRC, 2003).
Các chương trình khác như môi trường, ngư nghiệp, thủy vận, trau dồi khả
năng và nông nghiệp, và dẫn thủy nhập điền và lâm nghiệp cũng được cam kết thực
hiện trong Thỏa ước Mekong 1995. Kế
hoạch Phát triển Lưu vực là chương trình then chốt của Thỏa ước Mekong 1995. Do
sự phức tạp của việc phát triển và quản lý nguồn nước trong LMB; một phương
thức chung rất cần thiết từ cộng đồng đến quốc gia và khu vực. Để thỏa mãn nhu cầu phát triển của mình, các
quốc gia thành viên cần thực hiện nhiều dự án và chương trình. Việc quản lý, quy hoạch và thi hành trong mỗi
nước thường được phân phối đến các bộ phận khác nhau trong các bộ liên hệ. Quy hoạch quốc gia thường được thực hiện mà
không được phối hợp với các bộ phận khác.
Ở cấp tổ chức, các quốc gia thành viên ở các cấp phát triển
khác nhau nhưng nói chung đều mới trong lãnh vực nầy mặc dù vài quốc gia đã ở
trong giai đoạn cao hơn trong việc phát triển nguồn nước. Việc thực thi Quản trị Nguồn nước Hỗn hợp
(Integrated Water Resources Management (IWRM)) càng phức tạp hơn trong lưu vực Mekong
vì sự kém hiểu biết về động lực của sông, hệ sinh thái dòng nước và sự lệ thuộc
vào chế độ dòng chảy (Campell, trong Juha et al., 2005). Điều nầy đưa đến nhiều hạn chế và bất định
nghiêm trọng trong việc lượng định ảnh hưởng môi trường.
Dựa trên các mốc chuẩn cho “IWRM tốt” được đề nghị trong (Millington, 2004 trong MRC, 2005,
Đường hướng Chiến lược cho IRWM trong LMB):
·
Khuôn khổ cơ chế và pháp lý với trách
nhiệm rõ ràng – thiết lập việc quản lý đạo đức và có trách nhiệm
·
Quy hoạch và quản trị theo kiến thức,
với việc chia sẻ thông tin công khai
·
Sự tham gia của cộng đồng và các bên
có liên quan – hợp tác giữa chánh phủ và cộng đồng trong phương thức hỏi đáp để
phát triển
·
Các chánh sách và chương trình hỗn
hợp và phối hợp giữa các bộ phận, quốc gia, quyền lợi mâu thuẫn của các bên có
liên quan và các cấp của chánh phủ.
Mặc dù có vài tiến triển, các quốc gia thành viên MRC vẫn còn
một đoạn đường dài để hoàn tất “IRWM
tốt”.
Đập Pak Mun là một thí dụ cho thấy độ phức tạp của việc thực
hiện IWRM ngay bên trong biên giới quốc gia. Người nghèo có cuộc sống dưới mức nghèo khó là
người đầu tiên bị thiệt từ các ảnh hưởng tiêu cực.
Cùng lúc, người điều hành ở cấp quốc gia và khu vực có khuynh
hướng quên đi bài học Sesan. Trong
trường hợp nầy, không rõ MRC và các quốc gia trực tiếp quan tâm có cứu xét vấn
đề một cách lỹ lưỡng và biến nó thành một bài học cho việc quy hoạch và quản lý
trong tương lai.
Xây dựng đạo đức Mekong
Nước là một vấn đề khẩn thiết cần được giải quyết lập tức bởi
tất cả mọi người. Nói cho cùng, toàn thể
xã hội phải góp phần. Việc thiết lập một
số nguyên tắc hướng dẫn và các luật lệ tiếp theo không thể xem như chấm
dứt. Nhưng có nhu cầu biến cam kết thành
hành động trong việc tìm kiếm một mô hình để dùng như một mũi nhọn khoa học của
thiên niên kỷ, thúc đẩy bởi lương tâm và đạo đức, và tụ tập tất cả các chuyên
viên trong mọi lãnh vực. Điều nầy cần có
những nỗ lực hợp tác quốc tế rộng rãi để tụ tập các khoa học gia và nhà nghiên
cứu trên toàn cầu và trong khu vực Mekong kể cả công chúng. Đạo đức của việc quản lý tài nguyên thiên
nhiên trong lưu vực Mekong phải tiến đến cân bằng và bình đẳng tương tự như tối
ưu hóa khu vực. Lý lẽ khoa học đóng một
vai trò rõ ràng, nhưng nó không cho biết đầy đủ sự chọn lựa trong việc phân
phối tài nguyên hay giải quyết xung đột liên hệ (Tue Kell Nilsen, 2003).
Di sản văn hóa phong phú của khu vực phải được dùng để thực
hiện IRWM tốt cùng với sự tham gia
đầy đủ của tất cả người dân LMB để bảo đảm cho tương lai khả chấp của nguồn
nước trong khu vực.
Kết luận và đề nghị
Thỏa ước Mekong 1995 đáp ứng lòng mong đợi của người dân
trong lưu vực để thực hiện một lưu vực sông thịnh vượng kinh tế, công bằng xã
hội và lành mạnh môi trường. Nghệ thuật
và thực tiễn của việc phân phối đồng đều và sử dụng nguồn nước ngọt cho tất cả
mọi người trong thế kỷ 21st, một quyền căn bản và nghĩa vụ quốc tế,
là mẹ của tất cả các vấn đề đạo đức của tất cả tài nguyên xuyên biên giới có
giới hạn. Mẹ Mekong đã có công cho nhiều
thế hệ của chúng ta một cuộc sống thanh bình phải không bị quên lãng vì phát
triển thiếu phối hợp và nguy hại. Là
người dân, chúng ta có nhiều khác biệt nhưng dòng sông và hệ sinh thái của nó
chỉ có một, Mekong và hệ sinh thái của nó rất đặc thù trên thế giới và chúng ta
phải sử dụng đúng đắn theo những nguyên tắc và tinh thần tốt đẹp nhất.
Cảm tạ
Các tác giả thành thật cảm ơn nhân viên trong Ủy ban Mekong
Quốc gia Cambodia ở các Bộ liên hệ đã hỗ trợ và phê bình xây dựng cho bài viết
nầy.
Tài liệu tham khảo
1. Claudia
Ringler, 2001. Optimal Allocation and Use of Water Resources in the Mekong River
Basin: Multi-Country and Inter-sectoral Analyses.
2.
Browder, 2000. Thesis : The Mekong Negotiation (1992-1995) on Mekong Agreement for
MRC, USA.
3. Lord
Osborne, 2000. L’ethique de l’utilization de l’eau douce: Vue d’ensemble, UNESCO.
4. Matti
Kummu, Juha Sarkkula, Jorma Koponen and Jussi Nikula, 2005. Ecosystem Management
of Tonle Sap Lake: integrated modeling approach.
5. MRC,
1995. Agreement on cooperation for sustainable development of the Mekong River basin,
Mekong River Commission, Bangkok, Thailand.
6. MRC,
2003. State of the Basin Report, Mekong River Commission, Phnom Penh, Cambodia.
7. MRC,
2005. Strategic Directions for IWRM in Lower Mekong Basin, MRCS, Vientiane, Lao
PDR.
8. Nancy
Hudson-Rodd: River Dreams: The Mekong River.
9. United
Nations, 1984. Interim Committee for coordination of investigation of the Lower
Mekong Basin, Annual Report. Bangkok: United Nations, Thailand.
10. Tue
Kell Nielsen, 2003. River Basin ethics in the context of the Lower Mekong Basin,
Chiang Mai, Thailand.
11. United
Nations Universities, 1990. Towards Cooperative utilization and coordinated management
of international rivers.
.