Monday, November 25, 2019

VENICE NGẬP LỤT VÌ THAM NHŨNG



(Venice Is Flooding Because of Corruption)

Barbie Latza Nadeau – Bình Yên Đông lược dịch
MSN – November 18, 2019


Vào năm 1984, trước khi hâm nóng toàn cầu và nước biển dâng được biết đến, Venice đã chìm.  Tương lai của thành phố đầm u ám đến nỗi hội đồng địa phương bỏ phiếu chấp thuận chi tiêu không giới hạn để nghiên cứu một hệ thống cửa ngừa lụt kỹ thuật cao nhằm đối phó với mực nước biển Adriatic đang dâng.


Phải mất 20 năm và một chi phí ban đầu 1,8 tỉ USD để thiết kế cái gọi là kế hoạch “MOSE”, chữ tắt của Modulo Sperimentale Elettromaccanico hay Experimental Electromechanical Module trong tiếng Anh (Bộ phận Thí nghiệm Điện cơ), và là tên của nhân vật trong kinh thánh đã rẽ đôi Biển Đỏ (Red Sea).

Silvio Berlusconi, nguyên thủ tướng Italy, đã khởi công dự án vào năm 2003 với lời hứa sẽ hoàn tất vào năm 2011, nhưng được dời lại đến 2014, rồi đến 2016, và sau cùng đến 2021.  Nếu dự án được hoàn tất đúng thời hạn, 78 cánh cửa khổng lồ của MOSE có thể hạn chế trận lụt tàn khốc trong tuần nầy, nhấn chìm 85% thành phố với sóng cồn cao 6 feet, gây thiệt hại hàng triệu USD và đặt kho báu cỗ trong tình trạng nguy hiễm.  Các chuyên viên nói rằng MOSE có thể không chận đứng sóng cồn hoàn toàn, nhưng chắc chắn cũng tốt hơn là không làm gì hết rồi kiểm kê thiệt hại và chờ đợt triều cường kế tiếp.

Người dân tự chụp ảnh ở công trường St Mark bị ngập. [Ảnh: Getty]

Trong 16 năm kể từ khi kế hoạch MOSE được thực hiện, kinh phí để hoàn tất dự án đã lên hơn 7 tỉ USD và tiếp tục xài tiền một cách chóng mặt.  Một số vào túi các thầu khoán quản lý kém hay tham nhũng lừa bịp các nhà thầu.  Vào tháng 7, công nhân khám phá rằng 156 bản lề - mỗi cái nặng 36 tấn – của các lá chắn ở dưới nước, đáng lý phải nguyên vẹn hàng thế kỷ đã rỉ sét gần hết chỉ trong 1 thập niên ở dưới nước.  Công tác được giao cho Gruppo Mantovani, công ty nhận hợp đồng 275 triệu USD mà không qua thủ tục đấu thầu.  Nhật báo La Stampa tường trình rằng công ty đã dùng thép kém tiêu chuẩn và đang bị điều tra.  Thay thế các bản lề sẽ mất thêm 10 năm và 34 triệu USD, theo Consorzio Venezia Nuova, công ty phụ trách dự án.

Rắc rối hơn nữa là số tiền dùng để hoàn tất dự án đã bị thất thoát vì tham nhũng lan tràn.  Vài ngân quỹ đặc biệt do những người bảo trợ hay yêu nghệ thuật cung cấp để thanh toán chi phí đã biến mất.  Sau cuộc điều tra vào năm 2014, thị trưởng Venice Giorgio Orsoni từ chức và 35 người dính líu đến dự án bị bắt vì hối lộ, hoa hồng, tống tiền và rửa tiền.  Cuộc điều tra đã tìm ra khoảng 27 triệu USD biến mất từ két của MOSE đến hoa hồng của nhà thầu và tài khoản ngoại quốc để lót túi cho khoảng 100 người.

Orsoni bị tố cáo nhận tiền trái phép để giao những hợp đồng có lợi cho các công ty phụ.  Trong vài trường hợp, các hợp đồng chưa từng được thực hiện hay được chỉ định để nghiên cứu hay các dự án liên quan khác chưa từng được bàn giao.  Nhân viên điều tra nói rằng Orsoni đã dùng tiền để vận động tái tranh cữ và mua phiếu.  Cuối cùng, cáo trạng bị hủy bỏ vì hết thời gian tính.


Giancarlo Galan, nguyên chủ tịch khu Veneto, cũng bị điều tra, bị tố cáo đã nhận 230.000 USD hoa hồng để chấp thuận nhanh chóng các hợp đồng mà không được kiểm soát kỹ lưỡng như Consorzio đòi hỏi.  Các bản lề được ông chấp thuận.  Galan ở tù vài tháng sau khi bị kết tội, và hiện đang bị quản thúc tại gia.

Ngay Giovanni Mazzacurati, chủ tịch của Consorzio, cũng bị bắt, bị tố cáo lập quỹ đen với tiền dùng cho cửa ngừa lụt, theo Carlo Nordio, công tố viên giúp phanh phui việc gian lận.  Mazzacurati bị kết tội và chết trong khi bị quản thúc tại gia trong tháng 9.

Nhưng một ngày nào đó các cánh cửa được hoàn tất, chúng có thể đã lỗi thời.  Trở lại khi lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư vào cửa ngừa lụt, Công trường St Mark ngập vài lần trong năm.  Ngày nay, nước bò qua bờ kinh trên 100 lần một năm.  Như được dự trù, 78 cửa ngừa lụt màu vàng tươi sẽ được nâng lên để tách đầm ra khỏi biển bằng hệ thống hơi nén và sự dời chỗ của nước trong cái sẽ là một trong các kỳ công kiến tạo lớn nhất thuộc loại nầy.  Biển dâng sẽ làm đầy các ngăn bên trong cửa, được thiết kế để nâng lên 90o để cắt đứt biển ở cửa đầm.  Khi nước xuống, các cửa sẽ được hạ xuống từ từ, đẩy nước bên trong cửa ra biển.  Hệ thống cửa sẽ khởi động khi thủy triều đạt 3 feet 7 inches.  Ngập lụt vào tối Thứ Ba vừa qua lên đến 6 feet 2 inches, là mực nước cao nhất kể từ năm 1966, lên đến 6 feet 4 inches.  Và hệ thống được thiết kế để dùng chỉ 20 lần một năm, nhưng vì mực nước biển dâng, nó phải được đóng mỗi ngày 1 lần trong mùa mưa. [Lời người dịch: Cách vận hành cửa ngừa lụt mô tả trong bài không hợp lý.  Thật ra, các cánh cửa được thiết kế như những cái phao khổng lồ được neo bởi nền bê tông nằm ở đáy biển.  Bình thường, nước biển được bơm vào bên trong để cửa chìm xuống.  Khi muốn nâng cửa lên, hơi nén được bơm vào để đẩy nước ra khỏi cửa.]

Công tác vẫn tiếp diễn, và ít khi suông sẻ.  Việc thử nghiệm các cửa vào đầu tháng 11 gây rung chuyển trên khắp thành phố khiến nhiều người gọi cấp cứu để báo cáo động đất.  Một phúc trình sau đó cho biết việc thử nghiệm các cửa không có phép vì công tác chưa hoàn tất và các bản lề rỉ sét có thể gây tai họa đường thủy nghiêm trọng nếu bị gãy.  Chưa ai biết rõ sự rung chuyển có gây thiệt hại nhà cửa hay làm tổn hại hệ sinh thái mong manh của đầm.

Venice từ lâu vốn là thành phố của mâu thuẫn.  Biển cả, làm nó nổi tiếng, đe dọa nó gần như hàng ngày.  Và người dân của thành phố nữa.  Chỉ có khoảng 50.000 người cư trú ở Venice toàn thời gian, mặc dù thành phố có hơn 36 triệu du khách mỗi năm.  Các tàu đi chơi trên biển khổng lồ mang một số lớn du khách, trong khi đe dọa tính dễ tổn thương của các kinh rạch bằng các con tàu đồ sộ.  Chật chội là một vấn đề từ lâu, nhưng nền kinh tế của thành phố hoàn toàn tùy thuộc vào họ để sống còn.  Cũng vậy, người dân Venice đã tức giận vì những sự kiện trong tuần qua.  Không chỉ bị chọc tức khi du khách tươi cười “tự chụp ảnh phiêu lưu acqua alta” trong nước cao đến lưng quần trong khi họ tát nước ra khỏi cửa hàng và nhà hàng, họ cảm thấy cả nước đã thất hứa với họ.  Alessandro Morelli, chủ tịch ủy ban giao thông của quốc hội, đã cử một toán đặc biệt để nghiên cứu vì sao MOSE chưa được vận hành.

Ông nói cái mà người Venice đã thấy gần 3 thập niên. “Những sự chậm trễ nầy là một điều sĩ nhục của toàn thể Italy và chúng tôi cần gấp một giải pháp.”

Đương kim thị trưởng Luigi Brugnaro hôm Thứ Sáu đã có hành động chưa từng thấy khi đóng hoàn toàn Công trường St Mark, chánh yếu là ngăn chận nước để nó không thấm vào thành phố khi mưa và gió mạnh bắt đầu đẩy thủy triều lên cao hơn.  Brugnaro nói rằng triều cường đã gây “thiệt hại thê thảm” cho thành phố.  “Tương lai của Venice bị đe dọa,” ông nói thêm rằng thiệt hại rất dễ lên đến hàng trăm triệu Euro.  Đó có thể là lời nói sai của thế kỷ.  Tối Thứ Ba, chỉ vài giờ trước khi ngập lụt tràn qua thành phố, hội đồng quản hạt Venice họp trong tòa thị chánh lịch sử trên Kinh Lớn (Grand Canal), nơi nhiều năm trước dự án MOSE được chấp thuận.  Lần nầy, họ bác bỏ ngân sách để giúp thành phố đối phó với thay đổi khí hậu – một phần vì MOSE quá tốn kém.  Vài phút sau, như một thông điệp thiếu tế nhị của thiên nhiên, phòng họp cỗ xưa đã bị ngập nước lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố.

Barbie Latza Nadeau – Bình Yên Đông lược dịch

.

No comments:

Post a Comment