Hà Dương Cự/Người Việt
November 7, 2019
Dự báo mới cho năm 2050. (Hình: climatecenter.org)
Ngày 29 Tháng Mười vừa qua một bài báo khảo cứu đăng trên báo
Nature Communications đã có những tính toán mới và đưa đến những dự báo là đến
năm 2050 hầu như toàn bộ miền Nam Việt Nam sẽ bị ở dưới mực nước khi thủy triều
lên cao.
Nhưng theo mạng VOA (voatiengviet.com) thì bà Huỳnh Thị Lan
Hương, phó viện trưởng Viện Khoa Học Khí Tượng Thủy Văn và Biến Đổi Khí Hậu thuộc
Bộ Tài Nguyên và Môi Trường CSVN, đã tỏ vẻ ngờ vực kết quả của bài báo này. Bà
cho rằng bài báo nói Đồng Bằng Sông Cửu Long bị xóa sổ là chưa đủ cơ sở khoa học
và dựa trên các giả định cực đoan.
Trong bài này tôi xin trình bày kết quả của bài báo, những
chi tiết liên quan tới bài báo. Thí dụ như tác giả bài này là ai và phương pháp
tính toán của họ ra sao? Xét về chuyên môn bài báo này có tin được không?
Kết quả của bài báo
Mực nước biển dâng cao là một trong những sự nguy hiểm do
không khí bị hâm nóng gây ra. Loài người đã thải ra ngoài không khí những khí
nhà kính làm cho trái đất nóng lên. Do đó những tảng băng ở hai cực tan ra và
chảy vào biển làm cho mực nước biển dâng cao. Hơn nữa, nhiệt độ ấm làm nước biển
nở ra, sự kiện này cũng góp phần vào việc dâng cao mực nước biển. Những vùng đất
thấp ven biển trên thế giới có nguy cơ bị ngập lụt.
Hai tác giả của bài báo cho là mô hình phát triển trước đây
không được chính xác và quá lạc quan. Họ loan báo là đã phát triển được một
phương pháp tính toán chính xác hơn dựa vào thông tin về mực độ cao từ vệ tinh.
Theo bài khảo cứu này thì trong thế kỷ 21 mực nước biển sẽ
dâng lên ít nhất là 0.5 mét. Trong trường hợp tệ nhất thì có thể lên trên 2
mét. Mô hình mới tính lại độ cao của vùng ven biển. Theo những con số đó và dựa
vào sự dự đoán mực nước biển thì vào năm 2050 nhà cửa của khoảng 300 triệu người
sẽ bị ở dưới mức ngập lụt trung bình hằng năm. Trong số đó có 20 triệu người Việt
Nam ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Vào năm 2100 thì đất đai của 200 triệu người hiện
đang sinh sống sẽ bị nằm dưới nước khi thủy triều lên cao.
Cảnh ngập lụt. (Hình: creativecommons.org)
Những chi tiết liên quan đến bài báo
Tên bài báo là: “New elevation data triple estimates of
global vulnerability to sea-level rise and coastal flooding” (tạm dịch Dữ kiện
mới về độ cao làm tăng lên gấp ba các ước tính về sự nguy hại toàn cầu đối với
việc mặt nước biển lên cao và sự ngập lụt miền duyên hải), được đăng trên báo
Nature Communications, ngày 29 Tháng Mười, 2019. Hai tác giả là Scott A. Kulp
và Benjamin H. Strauss.
Báo Nature Communications là một báo khảo cứu khoa học, có từ
năm 2010 và có trụ sở ở New York, London và Thượng Hải. Cũng như những báo khảo
cứu đứng đắn khác Nature Communications theo hệ thống duyệt xét của đồng nghiệp
(peer review), tức là bài khảo cứu nào muốn được đăng thì phải qua sự duyệt xét
của một vài chuyên viên cùng ngành. Nếu được chấp thuận của các chuyên viên thì
mới được cho đăng.
Tiến Sĩ Scott A. Kulp là khoa học gia chuyên về mực nước biển
dâng cao ở Climate Central và có bằng Ph.D. về máy tính ở Đại Học Rutgers, New
Jersey. Tiến Sĩ Benjamin Strauss là tổng giám đốc (chief executive officer) và
khoa học gia trưởng của Climate Central. Ông Strauss có bằng Ph.D. về sinh thái
học ở Đại Học Princeton.
Climate Center là một cơ quan độc lập chuyên khảo cứu và báo
cáo về sự thay đổi khí hậu và các ảnh hưởng đối với công chúng. Như vậy, xét về
trình độ chuyên môn mức độ khả tín của bài báo này rất cao.
Các phương pháp đo độ cao trước đây
Hai yếu tố chính của bài khảo cứu là sự tan chảy của băng đá
và mực độ cao của vùng đất ven biển. Bài báo không chú trọng đến sự tan chảy của
băng đá mà chỉ dựa vào những con số có sẵn. Điểm chính yếu và mới mẻ của bài
nghiên cứu này là phương thức tính toán độ cao của đất đối với mực nước biển.
Bài báo nói là công việc đo độ cao vùng ven biển một cách
chính xác rất là khó khăn và tốn kém. Ở Hoa Kỳ hay những nước tân tiến thì dùng
kỹ thuật lidar để đo độ cao. Kỹ thuật này sử dụng máy bay, máy bay trực thăng
và máy bay không người lái. Ở những vùng không dùng lidar thì phải sử dụng những
tập dữ liệu khác. Tập dữ liệu được dùng nhiều nhất là từ vệ tinh của NASA trong
chương trình Shuttle Radar Topography Mission (Nhiệm Vụ Địa Hình Ra Đa của Phi
Thuyền Con Thoi, viết tắt là SRTM).
Đa số dữ liệu SRTM có trên mạng Internet và ai cũng có thể
truy nhập được, nhưng không được chính xác bằng lidar. SRTM chỉ đo được độ cao
của phần trên của mặt đất, thí dụ ở chỗ có nhà hay cây thì độ cao đo từ STRM là
nóc nhà hay ngọn cây chứ không phải thật sự độ cao của mặt đất, như vậy không
được chính xác. Nhất là những vùng cây cối dày đặc hay vùng đông dân cư. Độ cao
của SRTM trung bình cao hơn khoảng 2 mét so với độ cao thật sự. Ở những vùng
ven biển nếu xác định độ cao cao hơn thực tế thì có thể đánh giá thấp sự nguy
cơ bị ngập lụt.
Dự báo cũ cho năm 2050. (Hình: climatecentral.org)
Phương pháp đo độ cao của bài nghiên cứu
Phương pháp đo độ cao của bài báo được gọi là CoastalDEM
(Coastal Digital Elevation Model, mô hình độ cao duyên hải kỹ thuật số). Mô
hình này dùng công nghệ máy tự học áp dụng vào 51 triệu điểm dữ liệu để sửa lại
những sai số của SRTM.
Các nhà khoa học đối chứng CoastalDEM với SRTM tại những nơi
đã biết chính xác độ cao bằng lidar như vùng duyên hải miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Tại
những vùng đó SRTM tính độ cao cao hơn thực tại trung bình là 15.5 foot trong
khi đó Coastal DEM chỉ sai có 2.5 inch.
Việt Nam nên làm gì?
Những khảo cứu khoa học có thể chính xác hay không nhưng nhà
cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không thể làm ngơ chuyện này được vì ảnh hưởng rất
lớn đối với dân chúng kể về sinh mạng và tài sản cũng như nền kinh tế của cả nước.
Việc đầu tiên là phải lập ra một ủy ban chuyên nghiên cứu về
việc nước biển dâng lên và nguy cơ ngập lụt Đồng Bằng Sông Cửu Long, liên lạc với
các cơ quan khảo cứu quốc tế để tìm hiểu và xác định mức độ khả tín của những
báo cáo đó. Sau đó phải làm một báo cáo đầy đủ chi tiết và loan báo cho công
chúng để mọi người được hiểu tường tận vấn đề.
Bà Huỳnh Thị Lan Hương đã tỏ vẻ ngờ vực kết quả của bài
nghiên cứu này. Nhưng bà Hương cũng có nói là một số vấn đề trong bài báo cần
được xem xét kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là về mặt số liệu và giả định nghiên cứu.
Hy vọng có người thật sự quan tâm và theo dõi vấn đề này.
Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ Anh: “Hope for the best and
prepare for the worst” (Hy vọng được tốt đẹp nhất và sửa soạn cho trường hợp xấu
nhất) nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dù sao cũng cần phải có những kế hoạch
dài hạn như xây đập ngăn nước và di dân lên vùng đất cao để nếu cần thì đem ra
thi hành. (Hà Dương Cự)
Nguồn tài liệu:
.
No comments:
Post a Comment