Monday, November 18, 2019

ASEAN VÀ MEKONG BỊ NGĂN DÒNG



(Asean and the dammed Mekong)

Harris Zainul – Bình Yên Đông lược dịch
New Straits Times – 9 November 2019

Ngư dân Cambodia đánh cá trên sông Mekong ở Phnom Penh.  Sông Mekong càng ngày càng giảm mực nước, số lượng cá, phù sa và sản lượng nông nghiệp.


Những thảo luận về ASEAN [Association of Southeast Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ĐNA))] trong những năm gần đây phần lớn xoay quanh các sáng kiến xây dựng cộng đồng, kế hoạch nối kết tổng thể, và vị thế đối với Chiến lược Tự do và Mở rộng Ấn Độ-Thái Bình Dương (Free and Open Indo-Pacific Strategy) của Hoa Kỳ và Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) của Trung Hoa, cùng với những xâm nhập lãnh hải mới nhất ở Biển Đông.

Trong khi đó, các vấn đề chung quanh sông Mekong, chủ yếu về việc chia sẻ đồng đều nguồn tài nguyên chung qua việc xây đập thiếu phối hợp, tương đối không được mọi người chú ý.

Sự thờ ơ nầy được nhận thấy rõ nhất ở các quốc gia ĐNA gần biển như Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei và Singapore, chiếm ½ số thành viên của tổ chức.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ASEAN không làm gì hết.

Hợp tác Phát triển ASEAN-Lưu vực Mekong (Asean-Mekong Basin Development Cooperation (AMBDC)) được thành lập vào năm 1996, nhưng đã gần 2 ½ thập niên qua, nó chẳng làm được bao nhiêu.  Mekong càng ngày càng giảm mực nước, số lượng cá, phù sa và sản lượng nông nghiệp.

Xát muối vào vết thương chính là đập Xayaburi ở Lào – đập đầu tiên trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong – bắt đầu hoạt động chỉ vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thứ 35th vào cuối tuần nầy ở Bangkok.

Đập được xây mặc dù gặp sự chống đối mãnh liệt của các tổ chức phi chánh phủ và các nhóm áp lực cáo buộc rằng đập sẽ làm cho tài nguyên của sông Mekong căng thẳng thêm.

Điều khôi hài là Thái Lan, chủ tịch ASEAN và là nước tổ chức thượng đỉnh, đã chọn chủ đề cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình là “Tiến đến Đối tác vì Tính khả chấp (Advancing Partnership for Sustainability)”.

Cùng lúc đó, các nhà đầu tư Thái tài trợ cho đập Xayaburi và Cơ quan Phát Điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)) – một công ty quốc doanh của Bộ năng lượng Thái Lan – sẽ mua trên 90% số điện của đập vừa hoạt động.

Đập Xayaburi cùng với 11 đập khác được hoàn tất trên thượng lưu Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa, nơi sông được gọi là Lancang.

Một cách vắn tắt, hầu hết, nếu không nói tất cả các đập được xây để cung cấp điện cho việc phát triển của mỗi quốc gia.  Nhưng, vì bản chất của sông xuyên biên giới, việc xậy đập triền miên ở thượng lưu gây ảnh hưởng tai hại ở hạ lưu – việc phát triển dọc theo sông Mekong cần phải được phối hợp.

Thật vậy, không có sự quản lý và dũng khí chánh trị của ASEAN, các cơ chế hợp tác phân vùng đã phát triển thừa thãi.

Trong số nầy có Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (Ayeyawady- Chao Phraya-Mekong Economic Cooperation Strategy (ACMECS)), Phân vùng Đại Mekong (Greater Mekong Subregion (GMS)), Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI)), Hợp tác Mekong-Ganga (Mekong-Ganga Cooperation (MGC)), Hợp tác Mekong-Nhật Bản (Mekong-Japan Cooperation (MJC)), Hợp tác Mekong-Nam Hàn (Mekong-Republic of Korea Cooperation (MKC)), Chiến lược Hợp tác Thụy Sĩ và Khu vực Mekong (Swiss Mekong Region Cooperation Strategy (MRS), Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)).

Trong vô số tên viết tắt của các cơ chế hợp tác phân vùng, LMC, được thành lập vào năm 2016, có lẽ là cơ chế quan trọng nhất trong việc hợp tác phát triển.

Đó là vì LMC, với đặc điểm “thực dụng, hiệu quả cao, và chú trọng vào dự án cụ thể” và có ưu thế vì tất cả 6 quốc gia duyên hà đều là thành viên và vì túi tiền của Trung Hoa.

Nhưng một số quan sát viên nghi ngờ rằng Trung Hoa sẽ sử dụng LMC như một phương tiện để kiểm soát nghị trình phát triển Mekong.

Tương tự, vẫn còn quá sớm để nói rằng LMC sẽ cạnh tranh hay bổ túc tình trạng thừa thãi của các cơ chế hợp tác phân vùng khác, và liệu nó sẽ kiến tạo khuôn mẫu cho việc sử dụng bình đẳng sông Lancang/Mekong.

Mặc dù không công bằng khi giao khoán việc phối hợp phát triển dọc theo Mekong cho LMC, nhưng trên thực tế, đây là diễn đàn phân vùng duy nhất bao gồm tất cả các quốc gia duyên hà và được sự ủng hộ chánh trị của Trung Hoa – có lợi thế vì là quốc gia ở thượng nguồn, đồng thời, có khả năng quân sự, kinh tế, ngoại giao và chánh trị mạnh nhất.

ASEAN sẽ trả giá nếu tiếp tục không can dự vào Mekong.  Tiếp tục thờ ơ sẽ làm xói mòn tham vọng “trung lập” trong các quyết định của khu vực và sự thích đáng đối với 5 quốc gia duyên hà ĐNA.

Trường hợp nầy có lợi cho ASEAN vì Mekong, không giống như Biển Đông, là một vấn đề an ninh không có truyền thống và cũng không biểu lộ “cạnh tranh thế lực”.

Điều nầy có nghĩa là việc thương thảo, ít nhất trên nguyên tắc, phải ít phức tạp và không có màu sắc chánh trị hay quốc gia.  Ở đây, ASEAN nên nhớ rằng nó không thể tự tách rời với khuynh hướng quốc gia và cô lập đang gia tăng trên toàn cầu.

Hơn 5 thập niên hiện hữu, ASEAN cần vượt qua những hào quang của quá khứ và lấy lại niềm tin của thế hệ mới ở ĐNA.

Tóm lại, nếu các quốc gia ĐNA gần biển mong muốn nước Lào không có bờ biển, hay các nước không liên can như Cambodia và Thái Lan đóng một vai trò hỗ trợ và tích cực cho các quốc gia ASEAN liên can trong việc thương thảo Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct) về Biển Đông – điều tối thiểu mà họ có thể làm là lưu ý hơn về các vấn đề chung quanh Mekong và chia sẻ quan tâm với các quốc gia lục địa ĐNA.

Sơ lược về tác giả

Tác giả là một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Institute of Strategic and International Studies (ISIS)) ở Malaysia.


Harris Zainul – Bình Yên Đông lược dịch

No comments:

Post a Comment