Sunday, November 10, 2019

Khoa học và chính trị xung quanh thông tin ĐBSCL, TP.HCM sẽ "biến mất"



Luật sư Nguyễn Tiến Lập
Chủ nhật, 03/11/2019  

Từ dự báo rằng vào năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM sẽ chìm dưới nước biển, điều người dân chờ đợi từ các cấp có thẩm quyền thực chất lại không phải là cảnh báo những gì sẽ xảy ra, mà quan trọng hơn là nếu mỗi kịch bản xảy ra thì các tác động cũng như giải pháp và kế hoạch ứng phó thế nào?

Bản so sánh kết quả nghiên cứu cũ và nghiên cứu mới 
công bố về ảnh hưởng của nước biển dâng đối với miền Nam Việt Nam. 
Đồ họa: New York Times


Theo quan điểm của tôi, bất kể vấn đề gì tác động lên tư duy và hành động của số đông người dân, chưa nói tới hàng triệu con người, đều là vấn đề chính trị. Vậy thì thông tin về Báo cáo khoa học của tổ chức Climate Central vừa mới được công bố với dự báo rằng vào năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM sẽ chìm dưới nước biển đang được đón nhận ở Việt Nam như vấn đề của khoa học hay chính trị?

Trước hết, hơn 20 triệu người dân vùng ĐBSCL và gần 10 triệu người dân TP.HCM, chưa nói tới toàn thể người dân Việt Nam, sẽ phản ứng thế nào về thông tin đáng sợ này một khi đang có hai đánh giá hoàn toàn ngược nhau từ hai Viện khoa học ở hai đầu đất nước?

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Cần Thơ), đồng quan điểm và cho rằng Báo cáo của Climate Central hoàn hoàn đáng tin cậy. Trong khi đó, PGS. TS Huỳnh Thị Lan Hương, cũng là Phó Viện trưởng của Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu (thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường), thì phản bác cho rằng thông tin của Climate Central về việc ĐBSCL sẽ biến mất vào năm 2050 là “chưa đủ căn cứ khoa học”.

Từ góc độ người dân, tôi tin rằng tất cả đều hy vọng nhận định của PGS. TS Huỳnh Thị Lan Hương là đúng bởi nếu không, Việt Nam sẽ đối mặt một vấn đề chính trị lớn khi chỉ 30 năm nữa cuộc sống của hàng chục triệu con người không biết sẽ đi về đâu và các rủi ro cho an ninh quốc gia có liên quan sẽ được xử lý như thế nào?

Tuy nhiên, người dân lại chỉ hành động theo niềm tin chứ không phải sự hy vọng. Mà từ hy vọng đến niềm tin lại là cả một quá trình mà trong đó, nhiều câu hỏi sau đây có thể được đặt ra và cần sự trả lời, không chỉ từ chính các nhà khoa học mà cả Bộ Tài nguyên và môi trường:
Thứ nhất, Climate Central có phải là một tổ chức có uy tín về khoa học trên thế giới hay không? Thông tin từ mạng internet cho biết đây là một tổ chức phi chính phủ, chuyên cung cấp các nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu do các nhà khoa học hàng đầu thực hiện.
Đặc biệt, hai tác giả chính của Báo cáo về nước biển dâng mới đây có liên quan đến Việt Nam là Scott Kulp - một nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức này và Đại học New Jersey, và người kia là Benjamin Strauss - CEO và Khoa học gia trưởng của Climate Central - là người có các công trình khoa học được cả Nhà trắng Hoa Kỳ và Liên hợp quốc sử dụng, từng có các bài nghiên cứu được hơn 10 ngàn lần đăng tải trên các tạp chí khoa học có uy tín toàn cầu.

Chỉ mới triều cường làm vỡ bờ bao tại đường Mễ Cốc (quận 8) 
mà người dân đã phải "bơi" trong dòng nước đen ngòm. Ảnh: PLO

Thứ hai, Báo cáo nghiên cứu của Climate Central có đưa ra các kết quả cập nhật và có tính mới về khoa học hay không?  Theo PGS. TS Huỳnh Thị Lan Hương, nghiên cứu của Climate Central có ý nghĩa về mặt khoa học, tuy nhiên, bản đồ số độ cao do Bộ Tài nguyên và môi trường sử dụng trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng trong kịch bản năm 2016 là nguồn số liệu cập nhật và tốt nhất.

Do vậy, theo quan điểm bà Hương, các cơ quan, địa phương khi đánh giá nguy cơ ngập do nước biển dâng cần sử dụng số liệu chính thức do Bộ Tài nguyên và môi trường công bố.
Đối với người dân, một câu trả lời rõ ràng và đúng đắn rất quan trọng và cần thiết, bởi ứng xử tự nhiên của một con người trước nguy cơ thảm hoạ là phòng ngừa ở mức tối đa cho tình huống xấu nhất chứ không phải những giả định lạc quan.

Tại báo Báo cáo của Climate Central có chỉ dẫn về 67 thông tin tham khảo nhưng không có nguồn nào từ Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam. Vậy, để trả lời câu hỏi này một cách chính xác, phải chăng Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu cần liên hệ với các tác giả của Báo cáo để đối chất và tranh luận, trước khi tuyên bố không thừa nhận hay bác bỏ kết quả nghiên cứu của họ!?

Thứ ba, liệu rằng có thể xảy ra kịch bản mức nước biển dâng cao 2m hay không? PGS. TS Huỳnh Thị Lan Hương cho rằng Báo cáo của Climate Central đã dựa trên các “giả định cực đoan”, cụ thể các tác giả đã đưa ra kịch bản mức ngập tới 2m dựa trên sự chồng chập của hai hiệu ứng nước biển dâng vĩnh viễn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhất thời (chỉ vài giờ) do thuỷ chiều là phi thực tế.

Người phụ nữ bồng đứa con 3 tháng tuổi lội trên đường Phan Anh (quận Tân Phú) 
do xe chết máy vì ngập nước. Ảnh: Tùng Tin/VietNamNet

Đọc văn bản Báo cáo thì thấy hai tác giả kết luận rằng với phương pháp tính toán mới, mọi dự báo về mức nước biển dâng thấp hơn nhiều dưới 2m đều không đúng nữa.
Đối với người dân, một câu trả lời rõ ràng và đúng đắn rất quan trọng và cần thiết, bởi ứng xử tự nhiên của một con người trước nguy cơ thảm hoạ là phòng ngừa ở mức tối đa cho tình huống xấu nhất chứ không phải những giả định lạc quan.

Thứ tư, một khi Báo cáo nghiên cứu của Climate Central được phổ biến rất chi tiết để ai cũng có thể tiếp cận thì về phía Việt Nam, Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu hay Bộ Tài nguyên và môi trường cũng có thể công bố rộng rãi các nghiên cứu và dự báo của mình được không? Một sự thật hiển nhiên là trong thời đại ngày nay, người dân có thể tiếp cận các nguồn thông tin bằng rất nhiều phương tiện khác nhau.

Họ làm điều đó để tự định hướng cho hành động của mình mà cần không chờ đợi ai, dù là cơ quan chính quyền, chỉ dẫn hay yêu cầu. Vấn đề đặt ra là thông tin trung thực và chính xác.
Do đó, sự phản hồi từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong vấn đề này đang khẩn thiết được trông đợi.

Cuối cùng, điều người dân chờ đợi hơn từ các cấp có thẩm quyền thực chất lại không phải là cảnh báo những gì sẽ xảy ra, mà quan trọng hơn là nếu mỗi kịch bản xảy ra thì các tác động cũng như giải pháp và kế hoạch ứng phó thế nào?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập


No comments:

Post a Comment