Tuesday, November 26, 2019

Đồng bằng Cửu Long sụt lún do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát


Thanh Phương
 RFI
25 tháng 11 năm 2019

Một phần tỉnh An Giang bên bờ sông Cửu Long chìm trong lũ lụt.

Ảnh chụp ngày 28/9/2011REUTERS/Duc Vinh

Canh tác nông ngư nghiệp thiếu bền vững, mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, mặn xâm thực ngày càng sâu vào nội đồng vào mùa khô, và tác động giữ lại phù sa của các đập thủy điện thượng nguồn Mekong là những tác nhân làm suy giảm đáng kể tiềm năng sản xuất của châu thổ ĐBSCL.
Ngoài ra ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng sụt lún trầm trọng do nạn khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát khiến ĐBSCL chìm dần. Đó là đề tài của bài phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, trả lời RFI từ Sydney ngày 10/10/2019.

Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún

RFI :Thưa ông Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông cho biết là nạn khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát ở vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra với tầm mức ra sao và nó đã làm sụt lún vùng này như thế nào?

TS Huỳnh Long Vân: Nước ngầm đã được người dân ở ĐBSCL, đặc biệt là ở những tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, từ lâu sử dụng trong sinh hoạt, nhưng ở mức độ vừa phải, nên mực nước ngầm không bị hạ thấp. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam theo đuổi kinh tế thị trường, gia tăng sản xuất và nguồn nước mặt bị ô nhiễm thì nước ngầm được khai thác ráo riết, tăng tốc từ 1995 đến nay, để phục vụ sản xuất thâm canh trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng  thủy sản nước ngọt ở những vùng ven biển.
Vào tháng 5/2012, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT) với Bộ Ngoại giao Na Uy, Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy tiến hành dự án nghiên cứu tình trạng sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau.
Qua nghiên cứu khảo sát thực địa kết hợp với những dữ liệu của Bộ NN&PTNT và những hình ảnh vệ tinh thu thập từ  nhiều thập niên trước đây, tháng 6/2013 Viện Địa Kỹ thuật Hoàng gia Na Uy kết luận nền đất của khu vực miền Nam bị sụt lún nghiêm trọng do bơm rút nước ngầm liên tục: trong vòng 20 năm, kể từ 1995, nhiều nơi ở ĐBSCL sụt lún từ 30 đến 70cm, dẫn đến việc bờ biển bị xói mòn và chìm dần, thụt vào từ 100m đến 1.4km, làm cho châu thổ mất đi khoảng 5000ha đất.

Nếu khai thác nước ngầm không được hạn chế hoặc ngưng hẳn, thì với tốc độ sụt lún 3cm mỗi năm, Cà Mau sẽ biến mất trên bản đồ của Việt Nam trong vòng vài thập niên sắp tới.
Trong khi đó, Viện Khoa học Điạ chất và Khoáng sản thuộc  Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Tổng cục Thủy lợi cũng phối hợp với Viện Điạ Kỹ thuật Na Uy lắp đặt thiết bị quan trắc đo đạt sụt lún ở 339 địa điểm khác nhau ở Thành Phố  Hồ Chí Minh (TP HCM) và ĐBSCL. Kết quả cho thấy TP HCM và 6 tỉnh thành Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sụt lún trầm trọng nhất, trên 10cm tính từ 2014 đến 2017 và có nơi lún hơn 6cm mỗi năm.

Tiếp đến là những kết quả nghiên cứu của nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, bang California, Hoa Kỳ, cùng công trình nghiên cứu của nhà địa chất P. Minderhoud trong dự án “Rise and Fall” của Đại học Utrecht, Hà Lan, cũng cho thấy khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính khiến nền đất của ĐBSCL bị sụt lún 1,6cm mỗi năm, làm cho các vùng đất ven biển, ven sông bị ngập nước, làm trầm trọng thêm tác động của hiện tượng nước biển dâng cao (2- 3mm mỗi năm).

Nếu tốc độ khai thác nước ngầm vẫn không thay đổi, thì đến năm 2050, toàn thể ĐBSCL sẽ sụt lún khoảng 88cm và vào thời điểm này mực nước biền dâng cao thêm 10cm, thì một số nơi ở ĐBSCL sẽ chìm sâu 1m.

Thêm vào đó là những kết quả nghiên cứu gần đây nhất của P. Minderhoud cho thấy độ cao trung bình của ĐBSCL là 82cm so với mặt biển, thấp hơn nhiều so với  công bố trước đây là 2,60m. Trừ An Giang, Đồng Tháp và Long An lần lượt có độ cao 1,42m, 1,41m và 1,07m so với mặt biển, các tỉnh thành còn lại của ĐBSCL đều có độ cao dưới 1m.
Như thế, sụt lún kết hợp với mực nước biển dâng cao do tác động của BĐKH sẽ khiến cho ĐBSCL có cao độ trên dưới 1 m chìm nhanh hơn so với những công bố trước đây : khi mực nước biển dâng cao 1m, thì 75% diện tích ĐBSCL sẽ chìm trong biển nước so với 14% công bố trước đây và 70% dân cư vùng châu thổ  ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, thay vì chỉ có 29% theo dự đoán trước đây.

Cần Thơ sụt lún, đường phố nội ô ngập nước và giải pháp ứng phó

RFI:Như vậy thì tình trạng sụt lún này đang gây ra những hậu quả gì ở những thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn như ở Cần Thơ, thành phố lớn nhất trong vùng?

TS Huỳnh Long Vân: Nghiên cứu của Viện Kỹ thuật Tokyo về hậu quả của khai thác nước ngầm ở TP Cần Thơ, đối với cá nhân tôi, một người được sinh ra và trưởng thành ở thủ phủ của ĐBSCL, cũng là điều đáng quan tâm. Kết quả nghiên cứu công bố vào năm 2016 cho thấy tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm ở Cần Thơ ngày càng  trầm trọng hơn và đường phố ở Cần Thơ sẽ bị ngập sâu đến 70cm vào năm 2050, nếu nước ngầm được tiếp tục khai thác với tốc độ không thay đổi.

Năm 2017, vào mùa nước nổi kết hợp với triều cường, chỉ có một khoảng đường vài trăm thước ven sông ở quận Bình Thủy bị ngập dưới 10cm. Cùng kỳ năm 2018, các đường phố chính ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn bị ngập sâu khoảng 20cm. Năm nay, 2019, mặc dù mực nước ở trạm quan trắc Châu Đốc thấp hơn so với cùng kỳ 2018, nhưng nước sông Hậu ở Cần Thơ dâng đến mức kỷ lục 2,25m, tức 20cm cao hơn năm 2018 và đường phố Cần Thơ bị ngập ở mức sâu lịch sử gần 50cm.

Cần Thơ bị ngập nặng đó là do nước sông tràn bờ dưới tác động cộng hưởng của nền đất bị sụt lún 1,80cm mỗi năm, bởi khai thác nước ngầm, mức nước biển dâng cao 2-3mm mỗi năm, kết hợp với khối  nước lũ đầu nguồn theo sông Hậu đổ về Cần Thơ cùng lúc với triều cường dâng cao.

RFI : Thành phố Cần Thơ đang có những dự án nào để chống tình trạng ngập nước?

TS Huỳnh Long Vân:  Ứng phó với tình trạng ngập nước ở đường phố nội ô, TP Cần Thơ đang triển khai dự án tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3). Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nói rằng, hiện nay thành phố chưa có giải pháp nào hiệu quả để chống ngập và gần như “bó tay” trước các đợt triều cường và  đang kỳ vọng vào dự án 3  tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.

Dự án sẽ tập trung chống ngập khu đô thị lõi của TP Cần Thơ thuộc địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ rộng 2.675ha, bằng các giải pháp công trình như làm kè, cống, đập, âu thuyền ngăn triều cường từ sông Cần Thơ vào khu đô thị lõi; kế đến là cải tạo hệ thống thoát nước kết hợp với đầu tư hệ thống trữ và điều nước kinh rạch.

Không thiếu những chỉ trích dự án này: bảo vệ được 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy, nhưng sẽ chuyển tải khối nước gây ngập trước hết đến các quận huyện khác của TP Cần Thơ và tiếp theo là  đến các vùng không có đê bao của các tỉnh nằm dọc theo hai bờ sông Hậu.

Các giải pháp ứng phó sụt lún ở ĐBSCL

RFI: Như vậy để hạn chế đà sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long thì phải ngăn chận việc khai thác nước ngầm quá mức. Nhưng theo ông, có những giải pháp nào hữu hiệu để chấm dứt việc này, nhưng vẫn bảo đảm được nguồn nước cho sinh hoạt và cho sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long?

TS Huỳnh Long Vân: Giảm hay ngưng khai thác nước ngầm sẽ giảm sụt lún, nhưng không chấm dứt hoàn toàn, vì sụt lún là một quá trình chậm, nhưng một khi đã xảy ra thì sẽ tiếp diễn trong nhiều năm, cho dù có giảm về tỉ lệ. Mức độ sụt lún ở mỗi địa phương khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố địa chất và mức độ khai thác nước ngầm. Dù không biết nước ngầm đang bị khai thác thế nào, nhưng chỉ cần giảm hay ngưng khai thác thì sẽ cải thiện sụt lún.
Nước ngầm ở ĐBSCL phải được xem là nguồn dự trữ chiến lược để sử dụng trong trường hợp xảy ra hạn hán cùng cực trong tương lai do BĐKH và không phải là nguồn nước cơ bản hằng ngày.

Vì thế dứt khoát phải chấm dứt khai thác nước ngầm ở ĐBSCL. Nhưng ở đây có một thách thức không nhỏ: làm sao có nước ngọt đủ cung cấp cho các nhu cầu hiện sử dụng hơn 2 triệu m3nước ngầm mỗi ngày?
Trước hết, nhà nước phải tiến hành nghiên cứu và đầu tư xây dựng các nhà máy lọc nước và mạng lưới đường ống để cung cấp đầy đủ nước sạch cho toàn vùng châu thổ dùng trong sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Không thực hiện được hạng mục này, mọi kế hoạch khác chống sụt lún ĐBSCL trở nên vô nghĩa và ĐBSCL sẽ trở thành một Jakarta thứ hai.

Chính phủ phải khuyến khích từng hộ gia đình thiết kế phương tiện trữ nước mưa, nước ngọt, đồng thời dựa vào Nghị quyết 120 phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH xem nước mặn, nước lợ, cũng như nước ngọt, là tài nguyên để triển khai những giải pháp như xây dựng khung pháp lý với các biện pháp chế tài chặt chẽ, để người dân vùng ven biển chỉ được phép nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ, nhưng với tin tưởng là việc kinh doanh này cũng mang lại thu nhập ổn định và khu vực sẽ được duy trì trên mực nước biển.

Cuối cùng, phải chấm dứt canh tác lúa ở vùng ven biển và lúa vụ 3 để tiết kiệm nước ngọt và đồng thời thực hiện kế họach chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Ngoài khai thác nước ngầm quá mức, phá rừng phòng hộ để làm đầm nuôi tôm, khối lượng phù sa chuyển tải xuống châu thổ ĐBSCL bị suy giảm và gần như cạn kiệt, do các đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn giữ lại, khiến cho bờ biển ĐBSCL bị xói mòn sạt lở, do đó cần phải có những kế hoạch cấp quốc gia để thương thảo với các nước thượng nguồn xả thải phù sa.
Việc làm này đem lại lợi ích cho cả đôi bên: trước hết là làm gia tăng tuổi thọ của các đập thủy điện và kế đến với khối lượng phù sa được chuyển tải đến sẽ giúp ĐBSCL được bồi đấp cân bằng tình trạng sụt lún tự nhiên và việc tái tạo rừng phòng hộ ven biển thành công.

RFI:Trong việc chống sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, Hà Lan, một quốc gia nằm dưới mực nước biển, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, có thể giúp được gì cho Việt Nam ?

TS Huỳnh Long Vân: Rất may Việt Nam là đối tác lâu dài của Hà Lan trong lĩnh vực nước, và Hà Lan cũng là quốc gia ở vùng đồng bằng thấp có nhiều vùng đất đang bị sụt lún và đồng thời đang phát triển các giải pháp chuyên môn phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau trên toàn cầu.
Ngoài ra, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP HCM dành được một phần ngân sách để hổ trợ cho việc thực hiện Nghị quyết 120 và tìm hướng giải quyết thách thức về sụt lún. Nghiên cứu của Đại học Utrecht và Viện Deltares về sụt lún đất và cao trình của ĐBSCL là một ví dụ tuyệt vời về sử dụng kiến thức chuyên môn của Hà Lan để giúp tư vấn cho chính phủ Việt Nam, từ đó làm lợi cho ĐBSCL và người dân nơi đây.

SOURCE:

.

Monday, November 25, 2019

BÊN TRONG NỖ LỰC NGĂN CHẬN TRIỀU CƯỜNG CỦA VENICE



(Inside Venice's bid to hold back the tide)

Antonia Windsor – Bình Yên Đông lược dịch
The Guardian – 16 June 2015

Một phụ nữ đi qua Piazza San Marcos bị ngập nước.  
Thủy triều thường dâng trên 130 cm vào mùa đông. [Ảnh: Andre Pattaro]


Với thành phố từ từ chìm xuống đầm và mực nước biển tiếp tục dâng cao, dự án ngừa lụt MOSE trị giá 5,4 tỉ Euro bị đình trệ sẽ phải chống chọi với thiên nhiên.

Vào cuối mùa hè nầy, các giai đoạn cuối cùng của dự án ngừa lụt MOSE [MOdulo Sperimentale Elettromeccanico, Experimental Electromechanical Module (Bộ phận Thí nghiệm Điện Cơ)] của Venice sẽ bắt đầu hoàn tất khi các cánh cửa đến nơi và được lắp vào nền bê tông ở đáy đầm Venice.  Các cánh cửa, được đặt ở 3 cửa lạch nơi nước ra vào đầm, có thể được đóng và mở riêng biệt để kiểm soát dòng nước và triều cường, hay acqua alta, gây khó khăn cho Venice trong mùa đông.

Các cánh cửa sẽ hoạt động gần giống như Lá chắn Thames của London, dựa vào kiến thức và kinh nghiệm chia sẻ với câu lạc bộ ngừa lụt, I-STORM (International Network for Storm Surge Barrier Managers (Hệ thống Quốc tế các Quản trị viên Lá chắn Giông Tố)), mà London và Venice là thành viên.

Ở trung tâm vận hành MOSE trong nhà thờ cũ của Kho đạn Venice, 9 người đang nhìn vào các màn hình kỹ thuật cao với đồ thị, biểu đồ và sơ đồ đang theo dõi tình hình của đầm.  Trong gần 5 năm nay, họ đóng mở các cửa tưởng tượng, mô phỏng phòng chống lụt như thật.  “Các cửa sẽ bắt đầu hoạt động ngay sau khi chúng được lắp.  Đó là phần dễ nhất còn lại của công tác,” Roberto Chiarlo, quản lý của nha hệ thống theo dõi và đo đạc môi trường Thetis, cho biết như thế.

Dự án lá chắn ngừa lụt MOSE trị giá 5,4 tỉ Euro của Venice 
có thể đối phó với triều cường cao 3 m. [Ảnh: Vincenzo Pinto]

Phần khó khăn – đúc nền bê tông nặng 23.000 tấn và đặt xuống đáy đầm – đã được hoàn tất.  Việc chuyển giao các cánh cửa gồm có 1 cửa phòng hờ cho mỗi cửa lạch, giúp cho các cánh cửa được tháo ra và bảo trì mỗi 5 năm mà không làm gián đoạn hoạt động của lá chắn.  Mỗi bản lề của cửa sẽ có một máy ảnh không thấm nước để giúp vận hành một cách chính xác.

Trung tâm đã mô phỏng sự vận hành các cánh cửa từ năm 2011, thu thập dữ kiện để thiết lập mô hình toán và thống kê dùng để hỗ trợ cho các quyết định.  Chiarlo nói, “Chúng tôi hoàn toàn kiểm soát trong thực tế.  Chúng tôi biết phải nâng cửa lên bao nhiêu độ để có hiệu quả nhất.  Chúng tôi có thể tiên đoán sự di chuyển của triều trong 5 ngày tới và xem nếu có thể biết trước ngập lụt.”

Các yếu tố được xem xét là gió, mực nước, sóng, áp suất và ngập lụt từ sông.  Các lá chắn có thể đối phó với triều cường cao 3 m và bảo vệ Venice trong một thế kỷ.  Chiarlo nói, “Thương cảng sẽ bị ảnh hưởng mỗi khi lá chắn được nâng lên và tốn hàng ngàn đô la tiền điện.  Chúng ta cần bảo vệ Venice nhưng chúng ta cũng có những hoạt động kinh tế ở Venice và sẽ có xung đột giữa 2 bên – do đó sẽ cần thương thảo cho mọi quyết định.”

Từ khi mô hình MOSE được đề nghị lần đầu vào năm 1988, nó phải đối mặt với một hàng rào chống đối từ những nhà hoạt động môi trường cho rằng nó sẽ thay đổi tính đa dạng sinh học của đầm – nhưng Chiarlo phản bác cáo buộc của họ.  “Chúng tôi đã đánh giá ảnh hưởng và khi các cửa chỉ được nâng lên vài giờ; ảnh hưởng sẽ rất ít,” ông nói.


Bên trong trung tâm vận hành MOSE. [Ảnh: Antonia Windsor]

Ở một phe khác, nhiều người rất quả quyết về ảnh hưởng của lá chắn đối với môi trường tự nhiên của các đảo trong đầm, thường bị thiệt hại nặng nề trong mùa lụt.  Matteo Bisol, quản lý của vườn nho Venissa trên đảo Mazzorbo, nói: “Trận lụt lịch sử ngày 4 tháng 11 năm 1966, với mực nước lên đến 194 cm, đánh dấu sự kết thúc nền nông nghiệp của đầm và hủy hoại hầu hết cây cối trong đầm.  Có rất nhiều nhà làm rượu nho trong đầm vào thế kỷ 19th nhưng tất cả đã biến mất khi chúng ta quyết định phục hồi vào năm 2002 bằng những vườn nho có bờ tường bao quanh từ năm 1300.  Trong những năm vừa qua, acqua alta đã đến Venissa, nhưng nho vẫn còn sống.  Với lá chắn MOSE, hy vọng chúng sẽ được bảo vệ trong tương lai.”

Hơn nữa, một phân tích chi phí-lợi ích mới đây cho thấy rằng lá chắn sẽ được hoàn trả trong 50 năm vì cắt giảm chi phí bảo trì và sửa chữa do ngập lụt hàng năm.

Acqua alta xảy ra thường xuyên trong mùa đông.  Paolo Canestrelli, giám đốc trung tâm tiên đoán và theo dõi thủy triều của thành phố, cho biết, “Đối với những ai không phải là người Venice, họ luôn ngạc nhiên khi thấy người dân ở đây dễ dàng vượt qua hiện tượng triều cường và mực nước cao bất thường.  Chúng tôi có một loạt các biện pháp uyển chuyển để hạn chế phần nào của vấn đề.  Còi báo động trên khắp thành phố khi triều cường được tiên đoán; tin tức được cung cấp tức thời qua mạng và điện thoại di động; cầu ván tạm được dựng lên ở những nơi có nhiều người đi bộ, trong khi một số tuyến giao thông thủy công cộng được biến thành tuyến giao thông cho mọi thời tiết.”

“Chúng tôi phải cứu xét rằng triều cường có thể kéo dài 2 giờ 30 phút và cư dân, doanh nghiệp và vận tải được báo động kịp lúc để sửa soạn các tuyến đường thay thế, chuyển hàng hóa đến nơi an toàn và mang ủng.  Họ biết rằng trong 2 giờ thủy triều sẽ trở ra biển.  Venice luôn luôn cho thấy khả năng thích ứng.”

Dominic Standish, học giả và tác giả của Hiểm họa Môi trường ở Venice? Huyền thoại và Thực tế (Venice in Environmental Peril? Myth and Reality), đồng ý rằng người dân Venice luôn luôn thích ứng với những vấn đề đặc thù của việc sinh sống trong đầm.  “MOSE là sự tiếp nối truyền thống của Cộng hòa Venice, can thiệp vào đầm để đối phó với các đe dọa thiên nhiên.  Người Venice cổ xưa xây kè biển và chuyển 2 sông lớn – đây là những dự án kiến tạo khổng lồ.  Cộng hòa Venice chịu thiệt hại nhiều hơn ngập lụt của chúng ta hiện nay.  Người dân thường chết vì ngập lụt.  Họ không thể tiên đoán.  Venice chưa bao giờ được bảo vệ tốt hơn như hiện nay.”

Jonathan Keates là chủ tịch của Quỹ Hiểm họa ở Venice (Venice In Peril Fund) có trụ sở ở Anh, đã nhận được 2 triệu bảng Anh từ việc bán pizza hiệu Pizza Express Veneziana từ năm 1977 cho công tác phục hồi và bảo tồn trong thành phố.  Ông đồng ý rằng Venice đang ở vị thế mạnh: “Thành phố, về mặt môi trường, ở trong tình trạng tốt hơn bao giờ.  Việc nạo vét thường xuyên các kinh rạch làm giảm ảnh hưởng của nước biển dâng, và lá chắn MOSE – mặc cho những tiên đoán tận thế - có lẽ là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa ngập lụt trong một thời gian dài, và sự sụt lún của thành phố đã được bớt đi từ khi máng dẫn nước được xây để không cần bơm nước ngầm nữa.”


Venice là một nhóm gồm có 124 đảo có người ở bắt đầu từ thế kỷ thứ 7th rồi dần dần kết hợp vào thành phố như chúng ta biết hiện nay.  Người Venice luôn luôn chinh phục đất đai từ đầm và bảo vệ từ biển.  Những lâu đài cũ mỹ miều, khuôn mặt đẹp của thành phố, là một kỳ công của kiến tạo trung cổ.  Được xây trên các cọc gỗ và không có xi măng, các công trình được thiết kế để di chuyển và thích ứng với mức lún không đồng đều của đất ở bên dưới.  Standish giải thích: “Tiến trình tự nhiên của đầm là khô ráo hay biến mất dưới mặt biển.  Để bảo tồn Venice, phải luôn luôn can thiệp vào tiến trình tự nhiên của sự kiện.”

Venice lại bị ngập. [Ảnh: Reuters]


Từ mùa hè năm ngoái, công tác trên lá chắn ngừa lụt đã chậm lại, vì cuộc điều tra đang xảy ra liên quan đến tham nhũng chung quanh dự án MOSE.  Cáo buộc hối lộ và tài chánh phi pháp của các đảng phái chánh trị khiến cho 35 người bị bắt hồi tháng 6.  Trong số người bị bắt có Giovanni Mazzacurati, nguyên chủ tịch của Consorzio Venezia Nuova, tập đoàn phụ trách dự án và có trách nhiệm bảo vệ đầm.  Mazzacurati bị tố cáo chuyển ngân cho thị trưởng Giogio Orsonio để tài trợ cho cuộc vận động tranh cử của ông vào năm 2010.  Theo các cuộc điều tra, mạng lưới hối lộ và quà cáp liên quan đến nhiều chánh trị gia.  Orsonio bị bắt cùng với cựu thống đốc của Veneto Giancarlo Galan, bị giam một thời gian ngắn ở Milan trước khi bị quản thúc tại gia ở Padua, bắc Italy.

“Có những khó khăn sau vụ bắt bớ ngày 4 tháng 6 năm 2014.  Sự kiểm soát và điều hành gia tăng.  Mọi việc đều chậm lại, và thời biểu bị lùi vài tháng.  Nhưng đó là cái giá phải trả cho pháp lý.”

Lá chắn ngừa lụt đáng lý phải được hoàn tất và bắt đầu hoạt động vào đầu năm tới, nhưng một số người dèm pha cho rằng nó không thể hoàn tất cho đến 2018 hay 2020.  Tuy nhiên, với chi phí 5,4 tỉ Euro (3,9 tỉ bảng Anh) mà chánh phủ Italy phải gánh chịu, sẽ không có đường tháo lui.  Dự án sẽ được hoàn tất.

Hermes Redi, tổng quản trị của MOSE, nói: “Tôi tin rằng khi chúng tôi bắt đầu sẽ không còn tranh cãi.  Đầm được quản lý tốt hơn khi các cửa được vận hành.”

Redi nói rằng Venice đã “chìm” 23 cm trong thế kỷ qua vì nước biển dâng và sụt lún đất, phần lớn do khai thác nước ngầm, đã chấm dứt từ thập niên 1970s.  “Chúng ta không có vấn đề sụt lún ở Venice trong 50 năm qua.  Vấn đề hiện nay là nước biển dâng.  Với các lá chắn nầy chúng ta sẽ là thành phố duy nhất trên thế giới được bảo vệ nếu mực nước biển dâng lên 1 m – nếu mực nước lên cao hơn 1 m, không phải Venice nguy hiểm, mà là Italy.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng Venice đã hết sụt lún.  Một nghiên cứu trong năm 2012 của Viện Hải dương học Scripps (Scripps Institution of Oceanography) ở San Diego cho thấy Venice chưa ổn định như đã biết, nhưng tiếp tục sụt lún chậm chạp – và nghiêng về phía đông.  Yehuda Bock, một nhà nghiên cứu về đo đạc ở Scripps nghiên cứu về sự sụt lún của Venice từ năm 2001, nói: “Venice dường như tiếp tục lún ở mức độ 2 mm mỗi năm.  Nó nhỏ nhưng quan trọng.”  Mực nước biển dâng ở đầm Venice khoảng 2 mm mỗi năm, do đó sự sụt lún rất nhỏ sẽ tăng gấp đôi chiều cao của nước so với cao độ của thành phố.  Trong 20 năm tới, nếu Venice và các vùng phụ cận tiếp tục lún ở mức độ hiện nay, mặt đất có thể chìm đến 80 mm so với mặt biển.

Ngập lụt là một phần của cuộc sống ở Venice. [Ảnh: Pattaro]

Ý tưởng về Venice sụt lún được tưởng tượng và mô tả trong vô số tác phẩm nghệ thuật, kể cả giám đốc Robert Lepage thực hiện Tectonic Plates vào năm 1990, trong đó ông đã làm ngập sân khấu của Nhà hát Quốc gia để trình diễn một màn đấu giá mỹ nghệ trong đó những người đánh cược đấu giá những tranh vẽ nổi tiếng trong khi lội nước đến đầu gối.

Standish nói: “Venice là một ẩn dụ của chết chóc và mỏng manh của con người bắt nguồn từ đầu thế kỷ 19th.  Thi sĩ Lord Byron viết năm 1812 ‘Nghĩ đến anh trong sự sụp đổ của Venice’.  Sự sụp đổ của Cộng hòa Venice năm 1797 đã tạo một khuynh hướng chạy theo bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sự đi xuống của Venice.  Quyển sách 1860 của John Ruskin cung cấp chi tiết về những tảng đá của thành phố mà ông lo sợ rằng nhiều thế hệ sẽ không bao giờ được nhìn thấy.  Khi tháp chuông ở Công trường St Mark sụp đổ vào năm 1902, nó được xem là một dấu hiệu của Venice đang chìm…  Trong thế kỷ 20th, Cái chết ở Venice của Thomas Mann kết hợp thành phố với sự chết.”

Keates nói: “Ý tưởng cho rằng Nhà thờ St Mark ngày nào đó sẽ trở thành một thứ giáo đường chìm dưới nước của Debussy, với những pho tượng phủ đầy san hô và cá lội qua các tấm khảm và Tấm thảm Vàng (Pala d’Oro) biến thành bãi hào, chắc chắn là một sự lôi cuốn của một số người.  Nói thật, tôi không nghĩ thế.  Tôi, cũng như các quản trị viên khác, cũng không thích cái ý nghĩ ‘Hãy để cho nó chết,’ để bào chữa cho sự ù lì, thờ ơ và sự tầm thường.  Nếu ý nghĩ Venice sụt lún được tưởng tượng, nó phải là một tiếng chuông cảnh báo để cứu thành phố, một nền tảng thiết yếu của nền văn minh mà chúng ta yêu thương.  Thế giới có một món nợ khổng lồ đối với Venice, gồm có hệ thống chánh phủ dân chủ hiện đại và sách in.”

Trở lại trung tâm điều hành MOSE, Chiarlo hy vọng rằng nhóm của ông sẽ lớn mạnh trong vài năm tới để trung tâm có thể hoạt động 24 giờ một ngày.  “Chúng tôi đang làm một việc quan trọng.  Chúng tôi đang cứu Venice.”

Antonia Windsor – Bình Yên Đông lược dịch

.


VENICE NGẬP LỤT VÌ THAM NHŨNG



(Venice Is Flooding Because of Corruption)

Barbie Latza Nadeau – Bình Yên Đông lược dịch
MSN – November 18, 2019


Vào năm 1984, trước khi hâm nóng toàn cầu và nước biển dâng được biết đến, Venice đã chìm.  Tương lai của thành phố đầm u ám đến nỗi hội đồng địa phương bỏ phiếu chấp thuận chi tiêu không giới hạn để nghiên cứu một hệ thống cửa ngừa lụt kỹ thuật cao nhằm đối phó với mực nước biển Adriatic đang dâng.


Phải mất 20 năm và một chi phí ban đầu 1,8 tỉ USD để thiết kế cái gọi là kế hoạch “MOSE”, chữ tắt của Modulo Sperimentale Elettromaccanico hay Experimental Electromechanical Module trong tiếng Anh (Bộ phận Thí nghiệm Điện cơ), và là tên của nhân vật trong kinh thánh đã rẽ đôi Biển Đỏ (Red Sea).

Silvio Berlusconi, nguyên thủ tướng Italy, đã khởi công dự án vào năm 2003 với lời hứa sẽ hoàn tất vào năm 2011, nhưng được dời lại đến 2014, rồi đến 2016, và sau cùng đến 2021.  Nếu dự án được hoàn tất đúng thời hạn, 78 cánh cửa khổng lồ của MOSE có thể hạn chế trận lụt tàn khốc trong tuần nầy, nhấn chìm 85% thành phố với sóng cồn cao 6 feet, gây thiệt hại hàng triệu USD và đặt kho báu cỗ trong tình trạng nguy hiễm.  Các chuyên viên nói rằng MOSE có thể không chận đứng sóng cồn hoàn toàn, nhưng chắc chắn cũng tốt hơn là không làm gì hết rồi kiểm kê thiệt hại và chờ đợt triều cường kế tiếp.

Người dân tự chụp ảnh ở công trường St Mark bị ngập. [Ảnh: Getty]

Trong 16 năm kể từ khi kế hoạch MOSE được thực hiện, kinh phí để hoàn tất dự án đã lên hơn 7 tỉ USD và tiếp tục xài tiền một cách chóng mặt.  Một số vào túi các thầu khoán quản lý kém hay tham nhũng lừa bịp các nhà thầu.  Vào tháng 7, công nhân khám phá rằng 156 bản lề - mỗi cái nặng 36 tấn – của các lá chắn ở dưới nước, đáng lý phải nguyên vẹn hàng thế kỷ đã rỉ sét gần hết chỉ trong 1 thập niên ở dưới nước.  Công tác được giao cho Gruppo Mantovani, công ty nhận hợp đồng 275 triệu USD mà không qua thủ tục đấu thầu.  Nhật báo La Stampa tường trình rằng công ty đã dùng thép kém tiêu chuẩn và đang bị điều tra.  Thay thế các bản lề sẽ mất thêm 10 năm và 34 triệu USD, theo Consorzio Venezia Nuova, công ty phụ trách dự án.

Rắc rối hơn nữa là số tiền dùng để hoàn tất dự án đã bị thất thoát vì tham nhũng lan tràn.  Vài ngân quỹ đặc biệt do những người bảo trợ hay yêu nghệ thuật cung cấp để thanh toán chi phí đã biến mất.  Sau cuộc điều tra vào năm 2014, thị trưởng Venice Giorgio Orsoni từ chức và 35 người dính líu đến dự án bị bắt vì hối lộ, hoa hồng, tống tiền và rửa tiền.  Cuộc điều tra đã tìm ra khoảng 27 triệu USD biến mất từ két của MOSE đến hoa hồng của nhà thầu và tài khoản ngoại quốc để lót túi cho khoảng 100 người.

Orsoni bị tố cáo nhận tiền trái phép để giao những hợp đồng có lợi cho các công ty phụ.  Trong vài trường hợp, các hợp đồng chưa từng được thực hiện hay được chỉ định để nghiên cứu hay các dự án liên quan khác chưa từng được bàn giao.  Nhân viên điều tra nói rằng Orsoni đã dùng tiền để vận động tái tranh cữ và mua phiếu.  Cuối cùng, cáo trạng bị hủy bỏ vì hết thời gian tính.


Giancarlo Galan, nguyên chủ tịch khu Veneto, cũng bị điều tra, bị tố cáo đã nhận 230.000 USD hoa hồng để chấp thuận nhanh chóng các hợp đồng mà không được kiểm soát kỹ lưỡng như Consorzio đòi hỏi.  Các bản lề được ông chấp thuận.  Galan ở tù vài tháng sau khi bị kết tội, và hiện đang bị quản thúc tại gia.

Ngay Giovanni Mazzacurati, chủ tịch của Consorzio, cũng bị bắt, bị tố cáo lập quỹ đen với tiền dùng cho cửa ngừa lụt, theo Carlo Nordio, công tố viên giúp phanh phui việc gian lận.  Mazzacurati bị kết tội và chết trong khi bị quản thúc tại gia trong tháng 9.

Nhưng một ngày nào đó các cánh cửa được hoàn tất, chúng có thể đã lỗi thời.  Trở lại khi lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư vào cửa ngừa lụt, Công trường St Mark ngập vài lần trong năm.  Ngày nay, nước bò qua bờ kinh trên 100 lần một năm.  Như được dự trù, 78 cửa ngừa lụt màu vàng tươi sẽ được nâng lên để tách đầm ra khỏi biển bằng hệ thống hơi nén và sự dời chỗ của nước trong cái sẽ là một trong các kỳ công kiến tạo lớn nhất thuộc loại nầy.  Biển dâng sẽ làm đầy các ngăn bên trong cửa, được thiết kế để nâng lên 90o để cắt đứt biển ở cửa đầm.  Khi nước xuống, các cửa sẽ được hạ xuống từ từ, đẩy nước bên trong cửa ra biển.  Hệ thống cửa sẽ khởi động khi thủy triều đạt 3 feet 7 inches.  Ngập lụt vào tối Thứ Ba vừa qua lên đến 6 feet 2 inches, là mực nước cao nhất kể từ năm 1966, lên đến 6 feet 4 inches.  Và hệ thống được thiết kế để dùng chỉ 20 lần một năm, nhưng vì mực nước biển dâng, nó phải được đóng mỗi ngày 1 lần trong mùa mưa. [Lời người dịch: Cách vận hành cửa ngừa lụt mô tả trong bài không hợp lý.  Thật ra, các cánh cửa được thiết kế như những cái phao khổng lồ được neo bởi nền bê tông nằm ở đáy biển.  Bình thường, nước biển được bơm vào bên trong để cửa chìm xuống.  Khi muốn nâng cửa lên, hơi nén được bơm vào để đẩy nước ra khỏi cửa.]

Công tác vẫn tiếp diễn, và ít khi suông sẻ.  Việc thử nghiệm các cửa vào đầu tháng 11 gây rung chuyển trên khắp thành phố khiến nhiều người gọi cấp cứu để báo cáo động đất.  Một phúc trình sau đó cho biết việc thử nghiệm các cửa không có phép vì công tác chưa hoàn tất và các bản lề rỉ sét có thể gây tai họa đường thủy nghiêm trọng nếu bị gãy.  Chưa ai biết rõ sự rung chuyển có gây thiệt hại nhà cửa hay làm tổn hại hệ sinh thái mong manh của đầm.

Venice từ lâu vốn là thành phố của mâu thuẫn.  Biển cả, làm nó nổi tiếng, đe dọa nó gần như hàng ngày.  Và người dân của thành phố nữa.  Chỉ có khoảng 50.000 người cư trú ở Venice toàn thời gian, mặc dù thành phố có hơn 36 triệu du khách mỗi năm.  Các tàu đi chơi trên biển khổng lồ mang một số lớn du khách, trong khi đe dọa tính dễ tổn thương của các kinh rạch bằng các con tàu đồ sộ.  Chật chội là một vấn đề từ lâu, nhưng nền kinh tế của thành phố hoàn toàn tùy thuộc vào họ để sống còn.  Cũng vậy, người dân Venice đã tức giận vì những sự kiện trong tuần qua.  Không chỉ bị chọc tức khi du khách tươi cười “tự chụp ảnh phiêu lưu acqua alta” trong nước cao đến lưng quần trong khi họ tát nước ra khỏi cửa hàng và nhà hàng, họ cảm thấy cả nước đã thất hứa với họ.  Alessandro Morelli, chủ tịch ủy ban giao thông của quốc hội, đã cử một toán đặc biệt để nghiên cứu vì sao MOSE chưa được vận hành.

Ông nói cái mà người Venice đã thấy gần 3 thập niên. “Những sự chậm trễ nầy là một điều sĩ nhục của toàn thể Italy và chúng tôi cần gấp một giải pháp.”

Đương kim thị trưởng Luigi Brugnaro hôm Thứ Sáu đã có hành động chưa từng thấy khi đóng hoàn toàn Công trường St Mark, chánh yếu là ngăn chận nước để nó không thấm vào thành phố khi mưa và gió mạnh bắt đầu đẩy thủy triều lên cao hơn.  Brugnaro nói rằng triều cường đã gây “thiệt hại thê thảm” cho thành phố.  “Tương lai của Venice bị đe dọa,” ông nói thêm rằng thiệt hại rất dễ lên đến hàng trăm triệu Euro.  Đó có thể là lời nói sai của thế kỷ.  Tối Thứ Ba, chỉ vài giờ trước khi ngập lụt tràn qua thành phố, hội đồng quản hạt Venice họp trong tòa thị chánh lịch sử trên Kinh Lớn (Grand Canal), nơi nhiều năm trước dự án MOSE được chấp thuận.  Lần nầy, họ bác bỏ ngân sách để giúp thành phố đối phó với thay đổi khí hậu – một phần vì MOSE quá tốn kém.  Vài phút sau, như một thông điệp thiếu tế nhị của thiên nhiên, phòng họp cỗ xưa đã bị ngập nước lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố.

Barbie Latza Nadeau – Bình Yên Đông lược dịch

.

Monday, November 18, 2019

ASEAN VÀ MEKONG BỊ NGĂN DÒNG



(Asean and the dammed Mekong)

Harris Zainul – Bình Yên Đông lược dịch
New Straits Times – 9 November 2019

Ngư dân Cambodia đánh cá trên sông Mekong ở Phnom Penh.  Sông Mekong càng ngày càng giảm mực nước, số lượng cá, phù sa và sản lượng nông nghiệp.


Những thảo luận về ASEAN [Association of Southeast Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ĐNA))] trong những năm gần đây phần lớn xoay quanh các sáng kiến xây dựng cộng đồng, kế hoạch nối kết tổng thể, và vị thế đối với Chiến lược Tự do và Mở rộng Ấn Độ-Thái Bình Dương (Free and Open Indo-Pacific Strategy) của Hoa Kỳ và Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) của Trung Hoa, cùng với những xâm nhập lãnh hải mới nhất ở Biển Đông.

Trong khi đó, các vấn đề chung quanh sông Mekong, chủ yếu về việc chia sẻ đồng đều nguồn tài nguyên chung qua việc xây đập thiếu phối hợp, tương đối không được mọi người chú ý.

Sự thờ ơ nầy được nhận thấy rõ nhất ở các quốc gia ĐNA gần biển như Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei và Singapore, chiếm ½ số thành viên của tổ chức.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ASEAN không làm gì hết.

Hợp tác Phát triển ASEAN-Lưu vực Mekong (Asean-Mekong Basin Development Cooperation (AMBDC)) được thành lập vào năm 1996, nhưng đã gần 2 ½ thập niên qua, nó chẳng làm được bao nhiêu.  Mekong càng ngày càng giảm mực nước, số lượng cá, phù sa và sản lượng nông nghiệp.

Xát muối vào vết thương chính là đập Xayaburi ở Lào – đập đầu tiên trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong – bắt đầu hoạt động chỉ vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thứ 35th vào cuối tuần nầy ở Bangkok.

Đập được xây mặc dù gặp sự chống đối mãnh liệt của các tổ chức phi chánh phủ và các nhóm áp lực cáo buộc rằng đập sẽ làm cho tài nguyên của sông Mekong căng thẳng thêm.

Điều khôi hài là Thái Lan, chủ tịch ASEAN và là nước tổ chức thượng đỉnh, đã chọn chủ đề cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình là “Tiến đến Đối tác vì Tính khả chấp (Advancing Partnership for Sustainability)”.

Cùng lúc đó, các nhà đầu tư Thái tài trợ cho đập Xayaburi và Cơ quan Phát Điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)) – một công ty quốc doanh của Bộ năng lượng Thái Lan – sẽ mua trên 90% số điện của đập vừa hoạt động.

Đập Xayaburi cùng với 11 đập khác được hoàn tất trên thượng lưu Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa, nơi sông được gọi là Lancang.

Một cách vắn tắt, hầu hết, nếu không nói tất cả các đập được xây để cung cấp điện cho việc phát triển của mỗi quốc gia.  Nhưng, vì bản chất của sông xuyên biên giới, việc xậy đập triền miên ở thượng lưu gây ảnh hưởng tai hại ở hạ lưu – việc phát triển dọc theo sông Mekong cần phải được phối hợp.

Thật vậy, không có sự quản lý và dũng khí chánh trị của ASEAN, các cơ chế hợp tác phân vùng đã phát triển thừa thãi.

Trong số nầy có Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (Ayeyawady- Chao Phraya-Mekong Economic Cooperation Strategy (ACMECS)), Phân vùng Đại Mekong (Greater Mekong Subregion (GMS)), Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI)), Hợp tác Mekong-Ganga (Mekong-Ganga Cooperation (MGC)), Hợp tác Mekong-Nhật Bản (Mekong-Japan Cooperation (MJC)), Hợp tác Mekong-Nam Hàn (Mekong-Republic of Korea Cooperation (MKC)), Chiến lược Hợp tác Thụy Sĩ và Khu vực Mekong (Swiss Mekong Region Cooperation Strategy (MRS), Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)).

Trong vô số tên viết tắt của các cơ chế hợp tác phân vùng, LMC, được thành lập vào năm 2016, có lẽ là cơ chế quan trọng nhất trong việc hợp tác phát triển.

Đó là vì LMC, với đặc điểm “thực dụng, hiệu quả cao, và chú trọng vào dự án cụ thể” và có ưu thế vì tất cả 6 quốc gia duyên hà đều là thành viên và vì túi tiền của Trung Hoa.

Nhưng một số quan sát viên nghi ngờ rằng Trung Hoa sẽ sử dụng LMC như một phương tiện để kiểm soát nghị trình phát triển Mekong.

Tương tự, vẫn còn quá sớm để nói rằng LMC sẽ cạnh tranh hay bổ túc tình trạng thừa thãi của các cơ chế hợp tác phân vùng khác, và liệu nó sẽ kiến tạo khuôn mẫu cho việc sử dụng bình đẳng sông Lancang/Mekong.

Mặc dù không công bằng khi giao khoán việc phối hợp phát triển dọc theo Mekong cho LMC, nhưng trên thực tế, đây là diễn đàn phân vùng duy nhất bao gồm tất cả các quốc gia duyên hà và được sự ủng hộ chánh trị của Trung Hoa – có lợi thế vì là quốc gia ở thượng nguồn, đồng thời, có khả năng quân sự, kinh tế, ngoại giao và chánh trị mạnh nhất.

ASEAN sẽ trả giá nếu tiếp tục không can dự vào Mekong.  Tiếp tục thờ ơ sẽ làm xói mòn tham vọng “trung lập” trong các quyết định của khu vực và sự thích đáng đối với 5 quốc gia duyên hà ĐNA.

Trường hợp nầy có lợi cho ASEAN vì Mekong, không giống như Biển Đông, là một vấn đề an ninh không có truyền thống và cũng không biểu lộ “cạnh tranh thế lực”.

Điều nầy có nghĩa là việc thương thảo, ít nhất trên nguyên tắc, phải ít phức tạp và không có màu sắc chánh trị hay quốc gia.  Ở đây, ASEAN nên nhớ rằng nó không thể tự tách rời với khuynh hướng quốc gia và cô lập đang gia tăng trên toàn cầu.

Hơn 5 thập niên hiện hữu, ASEAN cần vượt qua những hào quang của quá khứ và lấy lại niềm tin của thế hệ mới ở ĐNA.

Tóm lại, nếu các quốc gia ĐNA gần biển mong muốn nước Lào không có bờ biển, hay các nước không liên can như Cambodia và Thái Lan đóng một vai trò hỗ trợ và tích cực cho các quốc gia ASEAN liên can trong việc thương thảo Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct) về Biển Đông – điều tối thiểu mà họ có thể làm là lưu ý hơn về các vấn đề chung quanh Mekong và chia sẻ quan tâm với các quốc gia lục địa ĐNA.

Sơ lược về tác giả

Tác giả là một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Institute of Strategic and International Studies (ISIS)) ở Malaysia.


Harris Zainul – Bình Yên Đông lược dịch

KHÔN CŨNG CHẾT, DẠI CŨNG CHẾT: ĐẬP TAN HUYỀN THOẠI VỀ ĐẬP THỦY ĐIỆN MEKONG



(Damned if you do, damned if you don’t: Myth-busting on the Mekong’s hydropower dams)

Asit K Biswas and Cecilia Tortajada – Bình Yên Đông lược dịch
POLICY FORUM – June 26, 2017

Đập Nọa Trát Độ (Nuozhadu), đập lớn nhất  trên Mekong ở Trung Hoa [Ảnh: Xinhua]


Trong những năm gần đây, việc xây đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong được nói đến rất nhiều, nhất là ở Trung Hoa, và ảnh hưởng của chúng đối với hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL).  Cái điệp khúc mà nhiều nhà hoạt động xã hội và môi trường lặp đi lặp lại là các đập thủy điện của Trung Hoa đã góp phần vào việc làm giảm lưu lượng ở ĐBSCL, ảnh hưởng đến mức sản xuất lúa và xâm nhập của nước mặn.  Thay đổi khí hậu làm cho những ảnh hưởng nầy thêm nghiêm trọng.

Cho phép chúng tôi xem xét một cách khách quan các sự kiện và giá trị của những lời tuyên bố đó.

Rõ ràng, kỹ nghệ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam ở vùng ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nặng nề vì hạn hán trong năm 2016.  Theo thống kê chánh thức, mức tăng trưởng của các thành phần nầy trong năm qua chỉ có 1,36%, mức thấp nhất kể từ năm 2011.  Hạn hán đã gây ảnh hưởng kinh tế, xã hội và môi trường quan trọng vì nó gây thiệt hại nặng nề đến việc sản xuất và xuất cảng cà phê, lúa và tôm.  Thiệt hại của đợt hạn hán nầy được ước tính là 15.000 tỉ VND (670 triệu USD).

Có nhiều lý do khiến Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.  Trước hết là thay đổi khí hậu.  Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng của thay đổi khí hậu nhiều nhất.  Hạn hán do hiện tượng El Niño gây ra trong năm 2016 ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất cà phê ở cao nguyên miền trung và lúa ở ĐBSCL.  Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất lên thế giới và là quốc gia xuất cảng lúa đứng hàng thứ 3, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Việt Nam không thể làm gì để giảm chu kỳ hạn hán do hiện tượng El Niño gây ra.  Tuy nhiên, nước nầy có thể cải thiện lề lối canh tác để dùng nước có hiệu quả hơn trong những thập niên sắp tới.  Thời vụ cần được thay đổi như thế nào để có thể trồng nhiều loại hoa màu khác nhau cùng với việc quản lý có hiệu quả hơn và áp dụng kỹ thuật để có thể giảm nhu cầu nước mà không ảnh hưởng đến lợi tức của nông dân.

Vấn đề thứ hai luôn được nêu lên là việc xây đập thủy điện ở Trung Hoa, được xem là nguyên nhân chánh của tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL.

Nhu cầu điện và nước trong các quốc gia mà sông Mekong chảy qua – Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam – gia tăng một cách đều đặn.  Rất nhiều điện sẽ cần để kỹ nghệ hóa quốc gia.  Các dòng sông như Mekong và các phụ lưu có thể là những nguồn điện quan trọng mà tất cả 6 quốc gia trong lưu vực cần đến.  Hơn nữa, thủy điện không phóng thích CO2 và là nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ.

Đập đầu tiên do Trung Hoa xây trên sông Mekong, đập Mạn Loan (Manwan) cao 132 m, bắt đầu hoạt động vào năm 1995.  Nó có công suất thiết kế là 1.750 MW.  Kể từ đó, 11 đập thủy điện khác được xây trên hệ thống Mekong, 6 trong lãnh thổ Trung Hoa.  Trong một Á Châu thiếu điện và lo ngại hâm nóng toàn cầu, nhiều đập sẽ được xây trên hệ thống Mekong trong 2 thập niên sắp tới.

Có phải những đập thủy điện nầy, cả hiện tại lẫn tương lai, góp phần gây ra hạn hán ở Việt Nam, một lo ngại chung của các nhà hoạt động xã hội và môi trường?

Câu trả lời đơn giản là không.  Đập thủy điện không tiêu thụ nước.  Sau khi phát điện, nước được trả trở lại sông.  Nếu đập chỉ dùng cho mục đích thủy điện, nước lũ được trữ trong mùa mưa và xả ra quanh năm.  Điều nầy làm tăng lưu lượng của sông trong mùa khô.  Vì thế, các đập trên thượng lưu sông Mekong và các phụ lưu ở Trung Hoa, Lào và Thái Lan, nếu chúng được xây cho thủy điện, hầu như không làm giảm lưu lượng ở ĐBSCL trong mùa khô.

Tuy nhiên, có 2 nhận thức sai lạc về các đập của Trung Hoa được tin tưởng rộng rãi trên toàn cầu.  Thứ nhất, có một nhóm rất lớn các nhà hoạt động và NGOs về môi trường và xã hội bị thuyết phục rằng tất cả các đập đều là ác quỷ.  Họ tin rằng không chỉ không nên xây đập, mà chúng phải được phá bỏ trong mọi trường hợp để sông được chảy tự do.  Trong thập niên 1990s và 2000s, với sự quảng bá cao độ của giới truyền thông qua các sự kiện và phân tích sai lạc, những binh đoàn chống đập nầy đã chiếm ưu thế trong việc tranh luận toàn cầu.  Những ngày đó nay đã chấm dứt.  Việc tranh luận toàn cầu về đập ngày nay cân bằng hơn, thực tế hơn, thật sự và khác biệt.  Hơn nữa, trong 20 năm qua, chúng ta đã biết làm thế nào để tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa ảnh hưởng tiêu cực để lợi ích ròng cho xã hội càng lớn càng tốt.  Một phần cũng vì sự chống đối của những nhà hoạt động.

Phân nửa 45.000 đập lớn trên thế giới nằm ở Trung Hoa.  Do đó,  các nhà phát triển đập Trung Hoa đã trở nên có hiệu quả nhất trên thế giới.  Họ được quốc tế công nhận trong việc xây các đập lớn và phức tạp đúng thời hạn và kinh phí.  Tuy nhiên, vì Trung Hoa hiện nay là một thế lực chánh trị và  kinh tế đang trỗi dậy, với một hệ thống chánh trị khác với láng giềng, rất nhiều chuyện đánh phá Trung Hoa đang xảy ra qua các đại diện.  Một trong những đại diện nầy là các đập của Trung Hoa.

Trong những năm sắp tới, càng ngày càng có nhiều đập được xây trên thế giới với hiệu quả kinh tế, lợi ích xã hội và ít gây hại môi trường không chỉ trên Mekong mà còn trên các sông khác.  Với kiến thức mới thu thập trong 2 thập niên qua, ngày nay đập có thể được xây và điều hành để cung cấp lợi ích ròng đáng kể cho xã hội và cũng bảo đảm rằng những người trả giá cho dự án phải là những người thụ hưởng trực tiếp.

Hơn nữa, các nông dân đang càng ngày càng bơm nhiều nước sông trong tất cả 6 quốc gia Mekong.  Việc bơm nước làm giảm dần mực nước ở ĐBSCL, đặc biệt là trong mùa khô.  Nếu chiều hướng hiện nay tiếp diễn, tình hình sẽ trở nên tồi tệ trong tương lai.

Các tổ chức quản trị lưu vực sông Mekong có nhiều thiếu sót.  Vào năm 1957, Ủy hội Kinh Xã Á Châu và Viễn Đông của Liên Hiệp Quốc (U.N. Economic Commission for Asia and the Far East (UNESCAP) thiết lập Ủy ban Phối hợp Điều tra Hạ Lưu vực Mekong (Committee for Coordination of Investigation of the Lower Mekong Basin) như là một tổ chức tự trị gồm có 4 quốc gia thành viên, thường được biết dưới tên Ủy ban Mekong (Mekong Committee (MC)).  Trong 60 năm qua, UNECAFE đã biến thành UNESCAP (U.N. Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (Ủy hội Kinh Xã Á Châu và Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc)), và Ủy ban Mekong trở thành Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)).  Trong suốt 60 năm nầy, MC và MRC đã chi hàng trăm triệu USD cho một số dự án.  Tuy nhiên, họ không thực hiện được một dự án có qui mô khu vực đáng kể nào.  Người dân của các quốc gia Mekong đã không được hưởng trọn tiềm năng của sông.

Nhìn từ mọi khía cạnh, thành tích kém hiệu quả của MC và MRC gây thất vọng, và viễn cảnh của MRC như hiện nay thật là u ám.  Trung Hoa và Myanmar không phải là thành viên.  Khoảng cách giữa thành tích và tiềm năng của MRC đang thật sự xa thêm.

Dưới những điều kiện không vừa ý nầy, nhu cầu cấp thiết là phát triển một cơ chế tổ chức khu vực có hiệu quả, nơi mà tất cả các quốc gia liên hệ có thể hợp tác để phát huy tiềm năng quan trọng của khu vực Mekong, cải thiện cuộc sống của người dân.

Tiếc thay, không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra trong tương lai trước mắt.  Ngược lại, dường như dũng khí chánh trị để hợp tác đang suy giảm, ít ra dưới sự che chở của MRC.  Điều đáng buồn, trong ngắn hạn và trung hạn, các quốc gia trong lưu vực có lẽ sẽ tiếp tục tố cáo lẫn nhau, thay vì phối hợp thực hiện một kế hoạch phát triển khả chấp cho vùng Mekong.

Sơ lược về tác giả

Asit K Biswas là giáo sư thỉnh giảng đặc biệt, Trường Chánh sách Công cộng Lee Kuan Yew, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore.  Cecilia Tortajada là học giả nghiên cứu trưởng, Viện Chánh sách Nguồn nước, Trường Chánh sách Công cộng Lee Kuan Yew, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore.


Asit K Biswas and Cecilia Tortajada – Bình Yên Đông lược dịch

Friday, November 15, 2019

Điện mặt trời Nam Ngum có thể thay thế Thủy điện trên dòng Mekong ở Lào? (Phạm Phan Long P.E)




Về tác giả:
Kỹ sư Phạm Phan Long có 40 năm kinh nghiệm với tư cách là một kỹ sư cơ khí chuyên nghiệp ở California, và là người sáng lập Quỹ Sinh thái Việt (Viet Ecology Foundation) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông cũng sáng lập Hãng Moraes/Pham và Cộng sự, Công ty Tư vấn Công nghệ Tiên tiến (Advanced Technologies Consultant Inc.) với tư cách là Giám đốc phụ trách, trực tiếp điều hành các dự án về Tuân thủ Quy tắc, An toàn và Cơ sở cho các công ty dược và sản xuất thiết bị bán dẫn như Hughes Aircraft Co, Genentech, ASML Cymer, AMCC, ABOTT và Solar Turbines.

Top of Form

Dòng sông Lan Thương–Mekong đang bị tàn phá bởi hàng trăm dự án thủy điện trên dòng chính và các phụ lưu của nó từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc tới hạ lưu sông Sê san ở Campuchia. Riêng trên dòng chính Mekong, Chính phủ Lào đóng vai trò chính trong việc xây dựng những dự án này và thậm chí đang có kế hoạch xây thêm. Nhưng tại sao nước này lại chỉ tập trung vào các nhà máy thủy điện (hydroelectric power plants - HPPs)? Còn những nguồn năng lượng tái tạo khác thì sao? Liệu điện mặt trời Nam Ngum có thể thay thế thủy điện trên dòng Mekong ở đất nước này?

Ngày 01 tháng 11 năm 2019
Kỹ sư Phạm Phan Long, Quỹ Sinh thái Việt (Viet Ecology Foundation)
Biên dịch: Giải pháp vì Môi trường

Hình 1. Sự nở rộ các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Lan Thương - Mekong


Tôi đã thực hiện một nghiên cứu khả thi đơn giản về kinh tế - kỹ thuật để trả lời câu hỏi quan trọng ở trên, và kết quả là có, hoàn toàn có thể. Một trang trại điện mặt trời nổi (floating solar-with-storage, FSS) với công suất thiết kế 11.400 MW là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật để sản xuất ra một lượng điện tương đương 15.000 GWh/năm và chi phí thấp hơn so với cả 3 dự án thủy điện hiện đang được lên kế hoạch xây dựng tại Lào - gồm Pak Lay, Pak Beng và Luang Prabang. Quy mô dự án FSS Nam Ngum là rất lớn nhưng có thể thực hiện trong 15 năm với công suất 760 MW/năm với sản lượng 1.000 GWh/năm.





Hình 1. Các dự án thủy điện của Lào trên dòng chính sông Mekong

Cho đến hiện tại, Lào đã có tổng cộng 9 dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mekong. Chính phủ nước này đã triển khai hai dự án thủy điện Don Sahong và Xayaburi, và giờ đang hướng quan tâm tới 3 dự án thủy điện khác, gồm: Pak Lay, Pak Beng và Luang Prabang.
Bảng 1 dưới đây cho thấy 3 dự án thủy điện nói trên có tổng sản lượng là 15.418 GWh/năm với tổng mức đầu tư là 8,8 tỷ USD. Để khai thác được lượng điện này thì sẽ phải mất 143 km2 diện tích đất dùng cho hồ chứa nước và 41.767 người sẽ mất nhà cửa.


Các đánh giá tác động môi trường (EIA) đã được thực hiện bởi một số chuyên gia quốc tế, ICEM [1], Intralawan [2], Vietnam DHI Study [3], MRC Council Study [4]. Tất cả đều kết luận rằng chuỗi những HPP này sẽ dẫn đến sự phân bổ không cân bằng về thiệt hại và lợi ích giữa các nước trong lưu vực, điều này trái ngược với nguyên tắc công bằng (equitable) của Thỏa thuận Sông Mekong năm 1995 [5].


Phương pháp luận

Hướng tới đề xuất để Lào có một giải pháp thay thế thực sự cho thủy điện, tôi đã đưa ra ý tưởng về FSS có công suất 11.400 MW đặt trên diện tích 370 km2 của Hồ chứa Nam Ngum - nơi có diện tích bề mặt thoáng và phẳng nhất ở Lào. FSS có thể tạo ra điện lượng 15.000 GWh/năm, tương đương với điện lượng của cả 3 dự án thủy điện nói trên cộng lại. Nghiên cứu này được thực hiện với những công cụ phân tích dưới đây:
  • Bảng tính Global Solar Atlas [6] của Ngân hàng Thế giới/Solaris.
  • Bảng tính Chi phí Năng lượng (LCOE) đơn giản của Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREL) [7].
  • Diện tích bề mặt FSS được tính toán dựa trên FSS Đa Mi ở Việt Nam sau khi hiệu chỉnh phù hợp với chỉ số Bức xạ Nghiêng Toàn cầu (GTI) tương ứng [8].
  • Dự toán chi phí dựa vào Bộ Năng lượng Hoa Kỳ [9] và các dự án FSS đã hoàn thành gần đây [10] với quy mô tương tự và một vài trong số đó đã đi vào vận hành ở lưu vực sông Mekong.
Thủy điện trên dòng Mekong

Tôi đã chạy nhiều mô hình tài chính để ước tính chi phí vận hành của 3 dự án thủy điện sắp tới của Lào gồm Pak Lay, Pak Beng và Luang Prabang. Dựa trên giá trị vốn [11] và chi phí, Bảng 2 ở dưới cho thấy chỉ số LCOE là 0,0257 USD/kWh, chưa kể những chi phí ngoại vi của 3 dự án thủy điện nói trên.

 Bảng 3 ở dưới cho thấy chỉ số LCOE là 0,0581 USD/kWh dựa trên tổng vốn đầu tư có tính đến chi phí ngoại vi (lưu ý: Chi phí ngoại vi được ước tính dựa trên báo cáo của Viện Di sản Thiên nhiên [12] cho dự án thủy điện Sambor, với giả định rằng 3 dự án thủy điện tiếp theo của Lào sẽ có cùng chi phí ngoại vi nếu được thực hiện). 


Điện Mặt trời nổi Nam Ngum - Giải pháp thay thế

Hình 3. Vị trí Hồ chứa Nam Ngum


Hồ chứa Nam Ngum kéo dài trên 60 km ở phía Bắc của Thủ đô Viêng Chăn. Hiện tại có một đường dây 500 kV tới Viêng Chăn và sang cả Thái Lan, trong tương lai sẽ có một đường dây 500 kV sang Việt Nam [13]. Nam Ngum là địa điểm lý tưởng nhất cho FSS, và đối với mục đích của nghiên cứu này.
Hình 4: Trang Global Solar Atlas trực tuyến cho thấy chỉ số PVOUT (lượng điện năng có thể được sản xuất trên mỗi kWp công suất đỉnh) cho khu vực này là 1.399 kWh/kWp. Trong Phụ lục 1 của Báo cáo của Global Solar Atlas có thể thấy rằng một hệ thống điện mặt trời công suất 760 MW thì có thể sản xuất ra 1.006 GWh/năm. 
Hình 4. Dự án điện mặt trời nổi ở Hồ chứa Nam Ngum

Bảng 4 dưới đây cho thấy dự án FSS trên Hồ chứa Nam Ngum có thể được thực hiện theo 15 bước trong vòng 15 năm, với tuổi thọ 25 năm. Toàn bộ dự án sẽ cần 111 km2 hay 30% tổng diện tích bề mặt của hồ chứa. Đây là dự án đầy tham vọng và lớn hơn nhiều lần so với trang trại FSS lớn nhất thế giới hiện nay.





Thảo luận

Nghiên cứu này tuân theo các phương pháp kỹ thuật tiêu chuẩn và chỉ ra tất cả các yếu tố kỹ thuật quan trọng dựa trên nguồn dữ liệu cụ thể tại vị trí dự án nghiên cứu. Các yếu tố về chi phí là những ước tính và dùng cho mục đích cạnh tranh thương mại nên chỉ có thể kiểm chứng qua cuộc đấu thầu. Điều đáng ngạc nhiên là các kết quả mở thầu không chỉ ở Mỹ mà cả ở Việt Nam và Campuchia đều nhận được các gói bỏ thầu năng lượng tái tạo với giá thấp hơn dự đoán.
  • Chỉ số LCOE của 3 dự án thủy điện nói trên trong hai kịch bản không tính chi phí ngoại vi và có tính chi phí ngoại vi lần lượt là 0,026 và 0,058 USD/kWh (Bảng 2 và 3).
  • FSS Nam Ngum sử dụng pin lưu trữ 4 giờ có thể sản xuất một lượng điện tương đương với các dự án thủy điện với chỉ số LCOE trung bình là 0,058 USD/kWh.
  • FSS Nam Ngum sử dụng pin lưu trữ 2 giờ có thể sản xuất một lượng điện tương đương với các dự án thủy điện với chỉ số LCOE trung bình là 0,039 USD/kWh.
  • Hai lựa chọn FSS trên không gây ra tổn thất xã hội nên không có chi phí ngoại vi.
Cả hai lựa chọn FSS đều ưu việt hơn bộ 3 dự án thủy điện nói trên. Ngoài ra các dự án FSS này còn mang đến những ích lợi đáng kể như sau:
  • FSS giúp bảo tồn một phạm vi rất lớn lưu vực sông Mekong, giữ lại 143 km2 diện tích đất lưu vực sông và hàng vạn ngôi nhà của 41.767 người dân đang cư ngụ tại khu vực này.
  • Nhờ các tấm thu điện mặt trời che phủ 30% bề mặt nước hồ, trữ lượng nước của Hồ chứa Nam Ngum sẽ giảm thất thoát do bay hơi, đời sống thủy sinh giảm hiện tượng tảo nở hoa nên hồ sẽ tránh bị nhiễm độc.
  • FSS sẽ không tạo ra những tác động xuyên biên giới tới các nước láng giềng và người dân của họ. Điều này có nghĩa là Lào có thể đàm phán để có được những khoản vay ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn để thực hiện dự án FSS.
  • Dự án FSS với công suất 11.400 MW này sẽ tạo ra hơn 320.000 việc làm cho người dân địa phương trong nhiều năm [14].
Khuyến nghị

Lào đã xây dựng nhiều dự án thủy điện ở những khu vực thuận lợi nhất họ có trên dòng Mekong và xuất khẩu điện sang các nước láng giềng trong hai thập kỷ qua. Những khu vực còn lại với sản lượng ước tính ở mức thấp hơn, chi phí xây dựng cao hơn và này càng tăng lên, bên cạnh đó những tác động tiêu cực xuyên biên giới của hai nhà máy thủy điện Don Sahong và Xayaburi tới người dân Campuchia và Việt Nam phải hứng chịu đã được báo cáo và công bố [15]. Nếu tiếp tục xu hướng này, Lào có thể tự mình mắc kẹt trong một thế giới mà thủy điện không phải là nguồn năng lượng sạch với chi phí đang ngày càng tăng lên. Thái Lan đã hoãn nhập khẩu điện từ thủy điện Pak Beng của Lào [16]. Điều gì đang xảy ra vậy? Thế giới đã thay đổi, các nguồn năng lượng tái tạo phi thủy điện tiên tiến tốt hơn, rẻ hơn, sạch hơn và cho đến thời điểm này là thân thiện hơn với khí hậu của chúng ta.

Ngay cả những cường quốc xuất khẩu dầu khí cũng đang đưa ra những thay đổi mang tính chiến lược. Ả rập Xê út đã xây dựng những trang trại điện mặt trời với tổng công suất 2,6 GW tại hai thánh địa linh thiêng của đất nước này, và có kế hoạch nâng tổng công suất điện mặt trời lên 57 GW cho tới năm 2030. Úc - cường quốc xuất khẩu than đá - lên kế hoạch xây dựng Trung tâm Năng lượng Tái tạo Châu Á có công suất 15 GW [17] với 3.800 km cáp dưới biển để cung cấp 3 GW cho Indonesia và Singapore. Ngay Nam Phi cũng đã lên kế hoạch sẽ thực hiện 6,4 GW điện gió và 14 GW điện mặt trời vào 2030. Chính phủ Hoa Kỳ không thể ngăn các công ty điện chuyển đổi các nhà máy năng lượng từ đốt khí tự nhiên và than đá qua điện mặt trời và điện gió vì chi phí chúng đã giảm xuống dưới 2 cent/kWh [18]. Trung Quốc trong khi gia tăng đầu tư các nhà máy thủy điện và điện than ở các nước khác thì bản thân lại dẫn đầu thế giới về sản xuất tấm thu điện mặt trời [19] và pin dự trữ  [20] - một tín hiệu Trung Quốc sẽ từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Còn Ấn Độ là quốc gia tích cực nhất trong việc áp dụng điện mặt trời với kế hoạch đạt tới 100 GW công suất điện mặt trời cho tới năm 2022.

Người dân Lào nên chất vấn chính phủ của mình về kế hoạch đầu tư tuyền thủy điện trong khi cuộc cách mạng năng lượng tái tạo đang lan rộng n hanh chóng trên khắp thế giới. Đến lượt mình, Chính phủ Lào nên yêu cầu hãng tư vấn Poyres làm rõ là tại sao hãng này không khảo sát và báo cáo về các nguồn năng lượng phi thủy điện. Nghiên cứu này cho thấy không chỉ Lào có thể thay thế tất cả 3 dự án HPP bằng dự án Nam Ngum FSS. Tôi đã làm  nghiên cứu sơ bộ và thấy rằng Campuchia cũng có thể thực hiện FSS trên Hồ Tonle Sap thay cho thủy điện Sambor và Stung Treng. Còn Việt Nam có thể loại bỏ 20% nhà máy điện than trên đồng bằng sông Cửu Long với chỉ một dự án FSS lắp đặt trên Hồ Trị An.

Mạng lưới NGO quốc tế “Cứu lấy Mekong” đã gửi tới Chính phủ Lào một bản khuyến nghị [21] để hủy bỏ tất cả các nhà máy thủy điện trên dòng Mekong và thay thế bằng những lựa chọn năng lượng tái tạo phi thủy điện. Nghiên cứu này cung cấp cho Chính phủ Lào chìa khóa để thực hiện kế hoạch này.

Chính phủ Lào sẽ bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời nếu thất bại trong việc hướng tới một phương án thay thế thủy điện bằng một dự án FSS trên Hồ Nam Ngum. Đó cũng sẽ là một sai lầm và thiếu sót nghiêm trọng nếu các đơn vị tư vấn và tác giả của Báo cáo Đánh giá Tác động Kinh tế- Xã hội cho HPP không đưa lựa chọn FSS vào báo cáo này.

Tài liệu tham khảo:

[11] Capital cost is projected by FORECAST tool from cost data of Xayaburi, Pak Beng and Pak Lay by author.

Source:

.