(TBKTSG)
- Sự thay đổi cực đoan của các yếu tố thời tiết như nhiệt độ, mưa, gió (biến
đổi khí hậu), nước biển dâng và việc các quốc gia phía thượng nguồn sử dụng
nguồn nước cho thủy điện, nông nghiệp, công nghiệp đã làm cho đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL) đối diện thường xuyên với các vấn đề như hạn hán, mặn
xâm nhập, ngập lụt, lún sụt mặt đất, thiếu hụt phù sa gây ra sạt lở bờ
sông, bờ biển, làm xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội và suy thoái tài
nguyên thiên nhiên.
Những
thách thức này gây ra việc di cư của nông dân trong thời gian qua. Nhiều
làng xã ở ĐBSCL hiện nay chỉ còn người già và con nít ở lại. Điều này càng
làm ĐBSCL dễ bị tổn thương hơn trước các thiên tai như bão tố, lụt lội.
Nếu
phân tích kỹ những người ra đi tìm nguồn thu nhập khác trong thời gian qua,
thì nông dân canh tác lúa chiếm tỷ lệ cao nhất. Nông dân trồng lúa ở những
vùng trũng như Đồng Tháp Mười hay Tứ giác Long Xuyên luôn đối diện với rủi
ro ngập lụt; còn nông dân trồng lúa ở các tỉnh ven biển và bán đảo Cà Mau
thì luôn phải chống chịu với hạn hán và mặn xâm nhập.
Thiệt
hại thường xuyên là vậy, nhưng Việt Nam chưa bao giờ thiếu gạo ăn và luôn
luôn là nước đứng vị trí thứ 2-3 về xuất khẩu gạo trên thế giới. Rõ ràng là
sức sản xuất lúa của ĐBSCL đã vượt hơn nhu cầu gạo ăn của người dân cả nước.
Do
đó, cần tính toán lại “nhu cầu gạo” cho cả nước, để có thể quy hoạch và đầu
tư đúng mức vùng trồng lúa an toàn tuyệt đối không bị lũ lụt hay hạn mặn uy
hiếp. Cũng có nghĩa là sẽ “cởi trói” cho những diện tích đất còn lại đang bị
bắt buộc phải làm nhiệm vụ “an ninh lương thực”, được chuyển sang nuôi trồng
những cây - con khác phù hợp hơn với thị trường.
Quan
trọng hơn là làm sao “cởi trói” người nông dân ra khỏi mảnh đất của họ, bằng
một nguồn thu nhập khác ổn định hơn mà không sợ bị bão tố, nắng mưa, lũ lụt
hay hạn, mặn đe dọa mỗi năm. Hiện nay chúng ta đang có cơ hội để làm điều
này. Đó là việc những người nông dân đã đi làm xa (nông dân - di cư) ở những
nơi mà sản xuất công nghiệp - chế biến - dịch vụ đang phát triển mạnh như
TPHCM, Bình Dương hay Cần Thơ.
Tuy
nhiên, các mảng công nghiệp - chế biến - dịch vụ này phần lớn là do khối tư
nhân điều hành với quy mô nhỏ và vừa, do đó khó có khả năng những nông dân
- di cư này sẽ nhận được lương cao. Vì vậy, họ đã chọn cách là đi làm xa một
mình, để cha mẹ già và con trẻ ở lại nhà. Quá trình này đang diễn ra mãnh
liệt, càng làm cho ĐBSCL dễ bị tổn thương hơn khi có thiên tai bão lũ xảy
ra vì thiếu nguồn nhân lực khỏe mạnh.
Tập
trung người dân quá đông trên một vùng đất dễ bị tổn thương sẽ đặt nơi
đây vào hoàn cảnh luôn luôn bị đe dọa.
|
Nếu
Nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân làm ăn hiệu quả bằng cách tổ
chức đào tạo nông dân có tay nghề chuyên môn mà các doanh nghiệp cần, xây
nhà ở xã hội bán trả góp, hỗ trợ giáo dục và y tế cho con em họ, thì có khả
năng các nông dân - di cư này sẽ mang theo cả gia đình đến chỗ mới an toàn,
nơi mà họ đã có thu nhập đủ sống và ổn định.
Được
như vậy thì các doanh nghiệp khỏi phải lo lực lượng công nhân của họ bị xáo
trộn thường xuyên; con em nông dân sẽ được học hành đàng hoàng, khỏi lo nơm
nớp chuyện tránh lũ tránh bão phải bỏ học nửa chừng; con cái được gần gũi
cha mẹ ông bà nên nền tảng văn hóa gia đình không lo bị mai một... Quan trọng
hơn là khi chúng được học hành tử tế thì cái vòng luẩn quẩn nghèo đói - thất
học - thất nghiệp sẽ không còn lặp lại.
“Cởi
trói” nông dân ra khỏi mảnh đất của họ cũng là cơ hội cho các “doanh nhân
nông nghiệp” muốn đầu tư sản xuất lớn vào ĐBSCL, trong đó nông dân góp quỹ
đất để trở thành cổ đông của doanh nghiệp cũng là một khả năng. Quan trọng
là nông dân sẽ không phải lo “nuôi con gì, trồng cây gì” trên từng mảnh đất
của mình nữa, Nhà nước cũng không còn lo “giải cứu” cho hàng hóa nông sản mỗi
khi được mùa - rớt giá.
Bây
giờ việc xây dựng những công trình lớn như kênh, đê, kè, cống, đập sẽ không
còn vì mục tiêu chống lũ, hạn, mặn để “bảo đảm tính mạng và tài sản người
dân”, mà là để “trồng cây gì, nuôi con gì” theo kế hoạch sản xuất của các
doanh nghiệp. Chi phí đầu tư hạ tầng này sẽ được Nhà nước, doanh nghiệp
cùng làm và được tính toán cụ thể để sản xuất cái gì có thể thu hồi lại vốn.
Vì mục tiêu cạnh tranh toàn cầu nên các doanh nghiệp phải chọn con đường sản
xuất “thuận thiên” để có sản phẩm sạch. Không có hóa chất độc hại thì môi
trường tự nhiên sẽ phục hồi và các loài hoang dã sẽ dần dà quay lại.
Do
đó, việc xây dựng những công trình lớn ở ĐBSCL khi mà phương thức sản xuất
và thị trường tiêu thụ chưa được xác lập rõ ràng là chưa hợp lý trong bối cảnh
hiện nay. Việc giữ chân người nông dân mà chưa có phương thức sản xuất hiệu
quả thì họ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào cây lúa, lại tiếp tục bấp bênh và như
vậy ĐBSCL sẽ chưa thể phát triển bền vững trong tương lai!
Vì
vậy, vấn đề nông dân - di cư cần được nhìn nhận như một cơ hội của ĐBSCL. Bởi
vì tập trung người dân quá đông trên một vùng đất dễ bị tổn thương sẽ đặt
nơi đây vào hoàn cảnh luôn luôn bị đe dọa, trong đó có đe dọa của biến đổi
khí hậu, mực nước biển dâng và nguồn nước thất thường của sông Mê Kông.
Dương Văn Ni
Source:
|
No comments:
Post a Comment