Tuesday, October 10, 2017

Nóng bỏng chuyện đấu giá gỗ cao su

10.10.2017 ~ Hoàng Thiên Nga
 
Trong khi giá mủ cao su đang lên dần, thì giá gỗ cao su cũng không ngừng tăng sau khi Thủ tướng ra lệnh đóng hoàn toàn việc khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tình trạng khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu khiến việc lùng mua và các chiêu trò can thiệp vào những phiên đấu giá gỗ cao su trở nên phức tạp, nhộn nhạo chưa từng có.

Khai thác gỗ cao su ở huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông

Qua rồi thời gỗ cao su vô dụng
Dân Tây Nguyên nhiều người nhớ vào thập niên tám mươi thế kỷ trước, cả chục nghìn hecta đồn điền cao su của những nhà tư bản từng bị ủi sạch để mở các nông trường. Khi đó, hàng triệu thân cây cao su to cả vòng tay ôm bị gạt chất chồng thành bờ lô cho hoai mục, vì gỗ cao su bị đánh giá chất lượng kém, nhiều bạch vè, u bướu, vết trích nhựa, dễ bị nấm mốc và mối mọt, dùng làm củi thì tỏa khói cay mù.
Ông Nguyễn An Vinh nguyên Bí thư Tỉnh ủy,  giai đoạn 1979-1985 là Phó Chủ tịch UBND, phụ trách mảng nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk kể: Lúc bấy giờ dọc các quốc lộ 14 (Đắk Lắk- Gia Lai), QL 26 ( Đắk Lắk-Khánh Hòa) và QL 27 ( Đắk Lắk- Lâm Đồng) và tỉnh lộ vào huyện Cư Mgar toàn những đồn điền cao su ngút ngàn của các nhà đầu tư người Pháp, người Ý trồng từ những năm 1920-1940, và của bà Trần Lệ Xuân gần 1000 hecta ở huyện Cư Kuin bây giờ. Những năm 80-90, công nghệ chế biến gỗ cao su chưa có, các loại gỗ quý khác từ rừng tự nhiên lại rất nhiều, nên thân cao su hết cho mủ thì cũng chẳng còn giá trị. Sau đó, một số doanh nghiệp Bình Dương và TP Hồ Chí Minh bắt đầu mua gỗ cao su về chế biến, nhưng người tiêu dùng chưa thích mặt hàng này, nên thị trường hạn chế lắm…
Trong bối cảnh gỗ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, cây cao su già ở tuổi 30-40 năm gần đây đã trở thành mặt hàng thanh lý được đặc biệt chú ý. Gỗ cao su nay lại được khen là khối lượng nhẹ nhưng rất cứng, nhiều vân, đáp ứng nhu cầu trang trí, mỹ thuật. Các công ty sản xuất đồ gỗ thường mua cây cao su ngay trên đồng, chủ động cưa cắt, vận chuyển, ngâm tẩm, sấy ép hoặc cưa xẻ thành thanh, ván để chế biến thành hàng gia dụng, trang trí nội thất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Thương lái chen nhau
Hơn 3 năm trước, khi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới được phác thảo, với diện tích đất dự kiến thu hồi ban đầu lên tới hơn 2 vạn hecta, trong đó có đến mấy nghìn ha cao su của tỉnh Đồng Nai, tổng giám đốc một tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ đã kể cho tôi nghe về cuộc chạy đua tốn kém giữa các đại gia cùng ngành, nhằm tranh mua nguồn gỗ cao su khổng lồ. Kết cục thế nào chưa rõ, vì phương án xây sân bay đã mấy lần thay đổi, và tới nay dự án vẫn chưa triển khai.
        Đó là cuộc chiến “giữa các vì sao”. Còn các lái buôn cỡ nhỏ chuyên thu mua gỗ cao su thanh lý ở Bình Dương, Bình Phước thì kể họ đang phải đương đầu với những thương lái nước ngoài sẵn sàng trả giá rất cao để mua được hàng, khiến họ phải dạt về vùng sâu, vùng xa. Nhiều người ở thị xã Phước Long tỉnh Bình Phước biết chuyện ông Nguyễn Văn Thành ở phường Long Phước mới bán thanh lý hơn 10 ha cao su, thu được tới 7 tỉ đồng tiền gỗ. Mấy năm trước, giá mỗi cây cao su thanh lý chỉ khoảng 600-700 nghìn đồng. Còn bây giờ, tùy cây to nhỏ mà thương lái phải trả từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ cây.  

Mỗi cây cao su già cỗi này có thể cho gần 2 mét khối gỗ

Trên các tỉnh Tây Nguyên, lượng gỗ cao su thanh lý bán rải rác những năm qua tuy nhiều, nhưng chưa có phiên đấu giá nào quy mô lớn, chấn động dư luận như mấy phiên đấu giá mới đây…

Khốc liệt những phiên đấu giá gỗ cao su
Tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ”, “chân gỗ” bát nháo trong các phiên đấu giá gỗ cao su đã trở nên quen thuộc ở hầu hết các tỉnh thành có nguồn hàng này. Gỗ cao su càng lên giá, thì những cuộc đấu giá càng nóng bỏng.
Tháng 2/2017, Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước tổ chức phiên bán đấu giá hơn 39.000 cây cao su trên diện tích 117 ha của nông trường Nha Bích, thuộc Công ty cao su Sông Bé (huyện Chơn Thành) với giá khởi điểm trên 45 tỉ đồng. 16 người đăng ký tham gia đang chuẩn bị bỏ phiếu kín, thì khoảng 20 tay “giang hồ” xăm mình vằn vện bỗng xuất hiện, hằm hè, đe dọa không cho họ bỏ phiếu cao hơn giá khởi điểm, khiến ai nấy hoảng sợ, chùn tay. Giám đốc Trung tâm phải báo Công an tỉnh tổ chức lực lượng đến giải tán đám đông. Nhưng phiên đấu giá phải tạm hoãn.
Ngày 1/9/2017, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk tổ chức đấu giá một số lô cao su thanh lý của Cty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, với lượng hàng lớn nhất từ trước tới nay là 300 nghìn cây, tổng giá khởi điểm là 100 tỉ 631 triệu đồng. Có tới 53 doanh nghiệp từ nhiều tỉnh thành nộp hồ sơ đăng ký tham gia.
Đêm 31/8, trước khi phiên đấu giá diễn ra, một số doanh nghiệp đã mật báo với Tiền Phong về khả năng “giang hồ sẽ quậy, để giành thầu gỗ giá rẻ” tại phiên đấu giá này. “Có ông ôm cả bao tiền, nghe nói tới năm, sáu chục tỉ tiền mặt, sẵn sàng chung chi ngay tại chỗ để “bao sân” trọn cuộc đấu giá, đang đếm tiền ở khách sạn S. Tụi tui báo Công an rồi”- Nguồn tin cho biết. Đầu buổi sáng 1/9, khi phóng viên các báo có mặt thì đã thấy lực lượng chức năng liên ngành rất đông, vào cuộc giám sát và giữ trật tự. Một cán bộ điều tra xác nhận nguồn tin báo là đúng. Rốt cục, tuy nhốn nháo nhưng phiên đấu giá vẫn tiến hành khá suôn sẻ, với giá trúng thầu tăng gần gấp đôi giá khởi điểm, là 200 tỉ 200 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp ở Quảng Ninh. 

Mới đây, ngày 29/9/2017 Cty TNHH MTV Cao su Krông Buk lại tổ chức đấu giá bán thanh lý 74.244 cây cao su tại nông trường cao su Ea Hồ-Phú Lộc và nông trường cao su Tam Giang, với giá khởi điểm được Tập đoàn Cao su VN phê duyệt 11 tỉ 792 triệu đồng. Đơn vị được hợp đồng tổ chức cuộc đấu giá này là chi nhánh Cty cổ phần đấu giá Việt tại Đắk Lắk. Chỉ vài giờ trước khi cuộc đấu giá diễn ra, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã có mặt, chỉ rõ sai phạm của đơn vị tổ chức đấu giá là không niêm yết thông báo bán đấu giá tại nơi tổ chức đấu giá, vi phạm hợp đồng ký kết giữa hai đơn vị. Kết quả, phiên đấu giá phải tạm ngừng. Hợp đồng dịch vụ giữa Cty Cao su Krông Buk với chi nhánh Cty cổ phần đấu giá Việt bị hủy bỏ.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia lâm nghiệp Ngô X. cho rằng lô hàng 300 nghìn cây cao su thuộc sở hữu của UBND tỉnh Đắk Lắk đã được chốt giá khởi điểm quá rẻ, giá trúng thầu cũng rất hời. Vì tính trung bình, mỗi cây cao su đường kính gốc 35 cm, cao từ 20-30m sẽ cho khoảng 1,75m3 gỗ hoặc 2,2 ster gỗ. Giá gỗ tạp ở vùng dễ vận chuyển hiện khoảng 2 triệu 1m3. Tuy nhiên, trên cả nước tới nay còn quá ít những cuộc đấu giá gỗ được đơn vị tổ chức kiểm đếm tỉ mỉ, công bố đầy đủ các thông số cơ bản cho khách hàng có cơ hội chọn lựa, bình đẳng cạnh tranh. Mà không riêng gì đấu giá gỗ cao su, để Nhà nước có thể tận thu ngân sách từ các cuộc đấu giá tài sản công vốn đầy nghi vấn, các nhà chức trách chỉ cần công khai thông tin cụ thể về mặt hàng lên mạng internet cho công chúng cùng biết để giám sát, tham gia.   

Hoàng Thiên Nga


No comments:

Post a Comment