Cập nhật ngày: 23/10/2017
ĐTO - Do ảnh hưởng của thủy
triều và tác động của dòng chảy, những ngày qua, tại xã Long Thuận, huyện Hồng
Ngự, tình hình sạt lở liên tiếp xảy ra gây thiệt hại về tài sản và xáo trộn đời
sống người dân. Nhiều hộ dân sống trong vùng sạt lở lo lắng vì thời điểm mùa
mưa lũ, tình trạng sạt lở sẽ càng phức tạp.
Đoạn sạt lở tại đầu đường nhánh Mương Lớn, ấp Long Thạnh, xã Long Thuận
Dự báo thời gian tới,
tình hình sạt lở có thể sẽ diễn biến phức tạp, do hiện nay vẫn là thời điểm mùa
mưa lũ, nền đất tại các khu vực sạt lở rất mềm, cùng với đó, độ dốc cao và tác
động của dòng chảy cũng có khả năng gây ra sạt lở tại các điểm nóng.
Phập phồng lo sạt lở
Cứ đến mùa mưa lũ, các hộ
dân ở ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự lại thấp thỏm lo âu vì tình
trạng sạt lở bờ sông Tiền. Bà Đặng Thị Hương (SN 1946) có nhà ven sông lo lắng:
“Cứ đến mùa mưa lũ, sông lại “nuốt” dần hàng chục mét vuông đất dọc bờ, lấn sâu
và hiện đã tiến sát vào đường đi của người dân. Dân ở đây đêm không dám ngủ, cứ
phập phồng lo sợ sạt lở bất ngờ. Nếu không được hỗ trợ nơi ở kịp thời, nhà cửa
của gia đình tôi không biết trụ được đến bao giờ”.
“Mùa lũ năm 2016, khu vực
này cũng xảy ra sạt lở nhưng không bằng năm nay. Năm nay, số vụ tăng nhanh và sạt
lở sâu hơn rất nhiều, mỗi lần lở là lấn sâu hơn chục mét. Vụ sạt lở gần đây nhất
là vào ngày 13/9 làm đứt luôn đường lộ nên những hộ sát mé sạt lở phải cất chòi
ở tạm. Biết ở đây rất nguy hiểm vì móng nhà sát ngay bờ sông nhưng chúng
tôi không còn cách nào khác. Mong sớm được chính quyền hỗ trợ xây bờ kè để
chúng tôi sống yên tâm hơn chứ không phải nhìn nước sông mà sống, rồi cứ có mưa
gió là... chạy”- anh Nguyễn Văn Lắm, một trong những hộ dân bị sạt lở trải
lòng.
Sạt lở nghiêm trọng, nhà kiên cố cũng bị ảnh hưởng nặng nề
Trao đổi về vấn đề trên,
ông Phạm Thành Nhi - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng
Ngự cho biết, tình trạng sạt lở khu vực cồn Long Thuận năm nay diễn ra phức tạp,
chúng tôi luôn theo sát và báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết. Trước mắt,
để phòng tránh nguy hiểm đến tính mạng người dân, chúng tôi đã vận động các hộ
trong vành đai sạt lở đến cụm, tuyến dân cư Long Phú Thuận, tuy nhiên đến nay
chỉ có 80 hộ chịu di dời, số còn lại vẫn còn e ngại do xa nơi ở cũ. Đối với những
hộ này, địa phương sẽ tiếp tục vận động di dời đến nơi an toàn. Riêng việc kiến
nghị xây bờ kè của bà con thì chưa thể thực hiện được do kinh phí quá lớn.
Chúng tôi chỉ kiến nghị UBND tỉnh sớm cho thực hiện dự án nghiên cứu, đánh giá,
chỉnh trị dòng chảy nhánh sông Hàng Gòn để hạn chế sạt lở bờ sông trong thời
gian tới.
Sạt lở sẽ còn diễn biến phức tạp
Không riêng khu vực cồn
Long Thuận, tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh tình hình sạt lở cũng
đang diễn ra hết sức phức tạp. Tại xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh), khoảng hơn 1 tháng nay, tuyến đường đê dọc sông Tiền liên tục xảy ra sạt lở, gây
thiệt hại đến diện tích vườn cây ăn trái và tài sản của người dân. Ông Bùi Văn
Lộc ở ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông cho biết: “Khi vườn cây và một phần vựa
xoài của gia đình sụp xuống sông, những ngày sau đó, gia đình tôi không sao ngủ
được vì lo sợ. Tôi và bà con nơi đây chỉ mong chính quyền địa phương sớm có
phương án hỗ trợ chống sạt lở để người dân yên tâm hơn chứ nếu không dần dần cồn
này bị “bà thủy nuốt hết”.
Người dân ven sông Hàng Gòn ngày đêm phập phồng lo sạt lở
Theo ông Huỳnh Minh Đường
- Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh, tình hình sạt lở năm nay cũng xấp xỉ như mọi
năm, chỉ riêng khu vực cồn Long Thuận, huyện Hồng Ngự là diễn biến khá phức tạp.
Đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 37 vụ sạt lở (chiều dài 38.271m) trên phạm
vi toàn tỉnh thì huyện Hồng Ngự xảy ra 12 vụ (trong đó xã Long Thuận xảy
ra 10 vụ) với tổng chiều dài 614m, tăng gấp 2 lần so với năm 2016 (cả năm 2016,
toàn huyện Hồng Ngự xảy ra 4 vụ sạt lở). Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của
dòng chảy, áp sát vào bờ phía cồn Long Thuận nên gây ra tình trạng sạt lở
nghiêm trọng trong thời gian qua. Dự báo thời gian tới, tình hình sạt lở có thể
sẽ diễn biến phức tạp, do hiện nay vẫn là thời điểm mùa mưa lũ, nền đất tại các
khu vực sạt lở rất mềm, cùng với đó, độ dốc cao và tác động của dòng chảy cũng
có khả năng gây ra sạt lở tại các điểm nóng.
Vết nứt trên nhánh sông Tiền thuộc địa phận xã Tân Thuận Đông,
dấu hiệu
tình hình sạt lở sắp diễn ra
Để tránh thiệt hại về người
và tài sản do sạt lở, các địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo
tình hình sạt lở để nhân dân chủ động phòng tránh, tuyệt đối không cho xây dựng
các công trình nhà cửa và cơ sở hạ tầng khu vực này; tổ chức theo dõi sát tình
hình sạt lở và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết
chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, vận động và hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu
vực nguy hiểm di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến nơi an toàn, kiên
quyết di dời ngay những hộ nằm trong khu vực nguy hiểm ra khỏi vành đai sạt lở.
Để công tác quản lý, cảnh
báo, ứng phó sạt lở đạt hiệu quả trong thời gian tới, ngày 17/10/2017, Chủ tịch
UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng
kết quả tính toán các mô hình của Dự án Đo đạc và dự báo diễn biến lòng dẫn các
đoạn sông xói lở trọng điểm trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc khai thác
khoáng sản, nạo vét khai thông luồng, chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở.
Sở Xây dựng cập nhật kết
quả tính toán của dự án nói trên phục vụ quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch,
cấp phép xây dựng, không cấp phép và không cho xây dựng các công trình trong
khu vực sạt lở để hạn chế thiệt hại; Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu kết quả
tính toán của dự án để phục vụ cho việc quy hoạch cũng như việc đầu tư cơ sở hạ
tầng giao thông, hạn chế bị thiệt hại do sạt lở gây ra.
UBND các huyện, thị xã và
thành phố cũng dựa trên kết quả đó tính toán tốc độ sạt lở, thường xuyên theo
dõi, cập nhật tình hình sạt lở, tuyên truyền, cảnh báo để nhân dân chủ động
phòng tránh; tuyệt đối không cho xây dựng các công trình nhà ở, cơ sở hạ tầng
và di dời ngay các bãi vật liệu xây dựng khỏi phạm vi cảnh báo sạt lở.
Thảo Vy
No comments:
Post a Comment