Wednesday, May 3, 2023

ĐỪNG VỘI KẾT LUẬN TRÊN DỮ KIỆN VỀ SÔNG MEKONG ĐAU KHỔ, GIỚI CHỨC TRUNG HOA NÓI

 (Don’t jump to conclusions over data on distressed Mekong River, says China official)

Tan Hui Yee – Bình Yên Đông lược dịch

The Straits Times – April 5, 2023

 

Mekong dài 4.900 km, bắt nguồn tứ cao nguyên Tây Tạng, là sông lớn nhất Đông Nam Á và chảy qua Trung Hoa. [Ảnh: AFP]

 

VIENTIANE – Một giới chức Trung Hoa trong cơ quan liên chánh phủ sông Mekong vừa cảnh báo chống lại việc vội vàng kết luận về dữ kiện của thủy đạo đau khổ, nói rằng chánh trị có thể xen vào việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thượng và hạ lưu dọc theo thủy đạo.

“Một số bên bắt đầu với những thành kiến, ngay cả đi đến kết luận trước khi họ phân tích dữ kiện,” ông Hao Zhao, tổng thư ký của Trung tâm Hợp tác Nguồn Nước Lancang-Mekong, nói với The Straits Times trong một cuộc phỏng vấn hôm Thứ Hai.

Ông đang nói chuyện bên lề của hội nghị quốc tế do Ủy hội Sông Mekong (MRC) tổ chức ở Vientiane.

Hội nghị đi trước Thượng đỉnh MRC, bắt đầu hôm Thứ Tư.

Dữ kiện chỉ là một dụng cụ để điều tra thêm, ông nói, ám chỉ đến Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitoring (MDM) do Trung tâm Stimson ở Hoa Kỳ điều hành, sử dụng viễn thám và ảnh vệ tinh để theo dõi việc điều hành đập và mực nước dọc theo thủy đạo.

Các đập của Trung Hoa bị cáo buộc là tàn phá sông bằng cách giữ nước ở thượng lưu, một cáo buộc mà Beijing (Bắc Kinh) đã bác bỏ và gán cho sự thiên vị của Hoa Kỳ.

“Nếu bạn bắt đầu với những thành kiến và xác định ai hay quốc gia nào như là bên có tội, bạn sẽ không đạt được một kết luận khoa học,” ông Hao nói bằng tiếng Hoa.

Mặc dù các chuyên viên kỹ thuật tại chỗ có thể đồng ý với viêc diễn dịch vấn đề của họ, “một số hiểu biết không đúng và phúc trình không đúng khiến người ta hình thành một số ý kiến nhất định, buộc các chánh phủ phải tuyên bố (một bên) là sai,” ông nói.

“Trong thực tế, điều nầy không phải như vậy và nó sẽ ảnh hưởng việc hợp tác trong tương lai giữa các quốc gia thượng và hạ lưu.”

Mekong dài 4.900 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, là một con sông lớn nhất Đông Nam Á và chảy qua Trung Hoa – nơi nó được gọi là Lancang – đến Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam trước khi đổ ra biển.

Thay đổi khí hậu và xây đập nhanh chóng dọc theo dòng chánh và các phụ lưu của nó đã đe dọa thủy sản cũng như ngăn chận đường đi của bùn đất để tái sinh môi trường ở hạ lưu.

MRC là một cơ quan liên chánh phủ gồm có Lào, Việt Nam, Cambodia và Thái Lan được thành lập năm 1995 để quản lý việc phát triển khả chấp hạ lưu vực sông.

Trung Hoa – bị cáo buộc là giữ các quốc gia khác làm con tin qua cách họ điều hành 11 đập thủy điện của họ ở thượng lưu – hỗ trợ việc thành lập Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) trong năm 2016.

Cơ chế nầy gồm có 4 quốc gia MRC, cũng như Trung Hoa và Myanmar, và bao gồm việc hợp tác kinh tế và liên quan đến nông nghiệp, ngoài những vấn đề liên quan đến nước.

Có trên 100 đập trên dòng chánh và phụ lưu của Mekong, bao gồm những đập trên khắp Thái Lan, Việt Nam, Lào và Cambodia.

Đặc biệt, Lào đã theo đuổi một mô hình phát triển dựa trên việc xuất cảng thủy điện sang các quốc gia như Trung Hoa, Thái Lan và xa đến tận Singapore.  Những dự án của họ nêu lên lo ngại ở Cambodia và Việt Nam, quốc gia đang chật vật với nước mặn xâm nhập trong mùa khô.

 


Trong một diễn văn ở Vientiane hôm Thứ Hai, Tiến sĩ (TS) Anoulak Kittihoun, CEO của Văn phòng MRC, vẽ một hình ảnh u ám của Mekong, nói rằng phù sa bị ngăn chận và khai thác cát đã làm giảm phù sa được vận chuyển từ 60% đến 90%.

Trong khi đó, tần suất của hạn hán đã gia tăng từ năm 2010 đến 2020 so với thập niên trước đó.

Một nghiên cứu hỗn hợp đang được thực hiện bởi tất cả 6 quốc gia dọc theo Mekong để xem xét các điều kiện thủy học thay đổi dọc theo sông và đề nghị các biện pháp thích ứng.

TS Anoulak nói với The Straits Times rằng các quốc gia khác nhau có quan niệm khác nhau về cái đang làm thay đổi trong sông.

“Nghiên cứu hỗn hợp sẽ xây dựng sự hiểu biết chung nầy,” ông nói.  “Nó cần thời gian.”

Ý tưởng là nhìn vào dữ kiện có sẵn của tất cả các bên và “hy vọng (đi đến kết luận) rằng nó đang gây ra những chiều hướng gần tương tự”.  Rồi điều nầy sẽ cho phép họ chú trọng đến các đề nghị về cái phải làm kế tiếp.

Ông Hao nói với The Strats Times rằng có khoảng trống cho việc phối hợp chặt chẽ hơn trong việc điều hành tất cả các đập dọc theo Mekong.

Các hồ chứa nước ở thượng lưu, thí dụ, có thể xả nước trong cách và theo một thời biểu có lợi cho những quốc gia ở hạ lưu.

“Nếu tất cả các quốc gia trong lưu vực (Mekong) có thể đạt được một sự nhất trí hợp lý về việc xả nước, nó sẽ đưa đến việc quản lý hạ tầng cơ sở có qui mô lớn hơn và tốt hơn,” ông nói.

 

No comments:

Post a Comment