(Act now to save Mekong)
Editorial – Bình Yên Đông lược dịch
Bangkok Post – 26 October 2021
Hình chụp ngày 31 tháng 5 năm 2016 cho thấy công nhân nhặt đá cuội ở nơi khai thác cát dọc theo sông Mekong ở Vientiane. Từng viên đá, từng xe tải, khúc sông Mekong ở Lào đang được khai thác cát để làm bê tông – một món hàng hóa đang được ngấu nghiến bởi sự bùng nổ xây cất do Trung Hoa cầm đầu ở thủ đô. Nhưng đào lổ trong lòng sông cũng gây thiệt hại cho thủy lộ quan trọng nuôi sống hàng trăm ngàn ngư dân và nông dân trong quốc gia nghèo khó. [Ảnh: AFP]
Tuần qua, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) công bố 2 phúc trình, một lần nữa, nhấn mạnh đến những đe dọa hiện hữu đối với sông Mekong. Các phúc trình, có tựa đề “Tình trạng và Chiều hướng của tính Đa dạng và Phong phú của Cá trong Lưu vực sông Mekong trong 2007-2018” (Status and Trends of Fish Abundance and Diversity in the Lower Mekong Basin during 2007-2018 (FADM)) và “Theo dõi Ảnh hưởng Xã hội và Đánh giá tính Dễ tổn thương 2018” (Social Impact Monitoring and Vulnerability Assessment 2018 (SIMVA)), là những nghiên cứu ảnh hưởng môi trường và xã hội tổng thể đầu tiên của sông được thực hiện bởi MRC, một tổ chức liên chánh phủ được thành lập vào năm 1995 để khuyến khích hợp tác khu vực dọc theo Hạ Lưu vực Mekong (Lower Mekong Basin (LMB)). Mặc dù trong quá khứ, MRC được xem như một cơ cấu không có răng, nhưng gần đây, nó trở nên lớn tiếng hơn trong việc chỉ trích các dự án phát triển khác nhau dọc theo sông.
FADM, dựa trên dữ kiện thu thập ở 25 trạm thủy học trong 4 quốc gia từ năm 2007 đến 2018, cho thấy rằng hầu hết các cộng đồng dựa vào việc đánh cá dọc theo LMB đã báo cáo sự sụt giảm trong số cá đánh được. Ở Lào và Việt Nam, phúc trình cho thấy, mức cá đánh được đã giảm ở 2 trong 4 và 3 trong 5 trạm được khảo sát, theo thứ tự.
Trong khi đó, SIMVA cho thấy lũ lụt đã trở nên thường xuyên hơn dọc theo sông, mà phúc trình nói là do sự kết hợp của thay đổi khí hậu và các yếu tố khác, gồm có phát triển hạ tầng cơ sở. Đáng chú ý là 80% tai họa được báo cáo dọc theo LMB – kể cả lũ lụt và sạt lở - xảy ra trong lãnh thổ Thái.
Sau khi các phúc trình được công bố, MRC thúc giục các quốc gia nên soạn thảo một”kế hoạch quản lý sông kết hợp để đối phó với những rủi ro của việc phát triển thủy điện gia tăng”.
Cảnh báo phản ánh việc thiếu hành động tập thể để đối phó với đe dọa của sông Mekong, đó là ngăn đập trên dòng chảy của nó. Trong thập niên qua, Trung Hoa đã hoàn tất 11 dự án, với 1 dự án đang còn xây cất. Thêm nhiều đập khác được dự trù dọc theo phần hạ lưu của Mekong, với 2 đập sẽ được xây ở Lào – điện ở 2 đập nầy sẽ được bán cho Thái Lan.
Thật vậy, việc phát triển dọc theo Mekong đã được thực hiện một cách tự do, với các quốc gia dùng chủ quyền để biện minh cho các dự án mặc dù có những than phiền liên tục của các cộng đồng bị ảnh hưởng môi trường. Vì thế, các phúc trình được công bố rất đúng lúc, chỉ 1 tuần trước Thượng đỉnh ASEAN và COP26 ở Glasgow.
Mặc dù ASEAN đang đối phó với tình hình ở Myanmar, cũng như đang nằm giữa trận đánh địa chánh trị của các siêu cường, nó phải nắm lấy cơ hội để thành công. Từ tháng 8, khối đã phối hợp với MRC để phát động Đối thoại An ninh Nước (Water Security Dialogue), một diễn đàn qua đó các quốc gia duyên hà và các quốc gia khác có thể chia sẻ kiến thức về quản lý nước – những bài học có thể được dùng để bảo vệ Mekong. Các phúc trình có thể là chất xúc tác để ASEAN thiết lập việc quản lý nước chung giữa các quốc gia duyên hà, với MRC và ASEAN là trọng điểm. Các quốc gia đã được phép khai thác sông quá lâu và sông cần một cơ chế khu vực đáng tin cậy – với xã hội dân sự ở trung tâm – để sống còn.
Tại COP26 ở Glasgow, hy vọng các chánh phủ và các tổ chức quốc tế sẽ bắt đầu đối phó nghiêm chỉnh các vấn đề chung quanh các đập thủy điện. Mặc dù các đập thủy điện có thể giúp làm giảm lượng phóng thích toàn cầu, các phúc trình của MRC cho thấy một hình ảnh khác rằng việc phát triển năng lượng sạch cũng có thể mang đến rủi ro môi trường. Thế giới cần giám sát tốt hơn để đối phó với những rủi ro xã hội và môi trường liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo.
No comments:
Post a Comment