(Chinese dams not to blame for low Mekong water levels: report)
Hu Yuwei and Lu Hexing – Bình Yên Đông lược dịch
Global Times – 1 March 2021
Trạm thủy điện Jinghong trên sông Lancang trong tỉnh Yunnan ở tây nam Trung Hoa. [Ảnh: IC]
Trong lúc người dân Texas ở trong hoàn cảnh hoạn nạn thảm khốc của khủng hoảng liên quan đến điện, Hoa Kỳ đã chuyển sự chú ý đến vấn đề tài nguyên Mekong nhưng làm ngơ các nỗ lực của Trung Hoa để giải quyết vấn đề.
Ned Price, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bày tỏ “lo ngại về sự tụt giảm của mực nước sông Mekong,” trong một tin nhắn trên Twitter ngày 23 tháng 2, sau khi Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), hồi giữa tháng 2, lo ngại rằng mực nước trong sông đã xuống đến “mức báo động” vì việc kiểm soát dòng chảy của các đập ở thượng lưu Trung Hoa. MRC nói mực nước thấp gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân ở hạ lưu.
MRC nói rằng tình trạng thiếu nước bắt đầu từ đầu năm phần lớn là do mưa ít, thay đổi dòng chảy ở thượng lưu, việc điều hành thủy điện trên các phụ lưu, và hạn chế lưu lượng từ đập Jinghong (Cảnh Hồng) trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) ở tây nam Trung Hoa.
Tuy nhiên, tuyên bố nầy không phản ánh toàn thể sự kiện và các kết luận khoa học, và nó bỏ qua sự đóng góp của các dự án thủy điện ở thượng lưu.
Dữ kiện mới nhất cho thấy rằng trong 2 tháng qua, trạm Jinghong, một trong các trạm thủy điện chánh trên sông Lancang, ½ phần trên của sông Mekong, đã xả nhiều nước hơn lưu lượng trung bình ghi nhận được trong mùa khô hiện nay của sông Mekong.
Lưu lượng cao hơn mức tự nhiên
Trên thực tế, lưu lượng trung bình của trạm thủy điện Jinghong trong tháng 1 là 1.243 m3/sec, 78,6% nhiều hơn lưu lượng trung bình 696 m3/sec, và 16,2% nhiều hơn lưu lượng trong tháng 1 năm rồi, theo dữ kiện theo dõi nước chánh thức của Trung Hoa.
Cũng vậy, tháng 2 có chiều hướng tương tự, với lưu lượng trung bình hàng tháng ở Jinghong đạt đến 1.026 m3/sec, 75,1% nhiều hơn lưu lượng trung bình trong tháng là 586 m3/sec.
Điều nầy cho thấy rằng việc xây cất các đập Trung Hoa trên sông Lancang đã giảm nhẹ hạn hán ở hạ lưu.
Lưu lượng thấp phổ biến trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 do các đặc tính của khí hậu gió mùa. Lượng nước chảy tràn trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 thường nhiều gấp 3,7 lần mùa khô. Chuỗi hồ chứa Lancang trữ nước lũ trong mùa mưa và xả thêm nước trong mùa khô, làm tăng dòng chảy của sông Mekong trong mùa khô.
Vì nhu cầu nước canh tác trong phân vùng Mekong đạt đỉnh trong mùa khô, và hạn hán xảy ra nhiều hơn trong mùa khô so với mùa mưa, vai trò bổ sung nước của chuỗi hồ chứa Lancang có thể làm giảm hạn hán xảy ra trong phân vùng Mekong, theo một phúc trình nghiên cứu của Tian Fuqiang, một học giả và nhà nghiên cứu hàng đầu về nguồn nước sông Mekong ở Đại học Tsinghua (Thanh Hoa).
Ngày 22 tháng 2, MRC đã nói rõ rằng mực nước thấp của sông Mekong bắt đầu tăng lên sau 1 tháng do việc bảo trì lưới điện ở trạm thủy điện Jinghong kết hợp với lượng mưa thấp.
MRC thừa nhận rằng sự khác biệt của lưu lượng do họ ước tính và lưu lượng chánh thức của Trung Hoa là do phương pháp tính toán lưu lượng khác nhau. MRC và Bộ Thủy lợi Trung Hoa nay đang cộng tác để cung cấp tin tức về lưu lượng phù hợp hơn, MRC cho biết.
Một phụ nữ bán cá sông Mekong ở chợ ở Vientiane, Lào trong tháng 10 năm 2020.
[Ảnh: Xinhua]
Ảnh hưởng tối đa trong vai trò hạn chế
Lưu ý rằng dòng chảy từ lưu vực ở Trung Hoa chỉ chiếm 13,5% tổng số lượng chảy tràn của sông Mekong, với ảnh hưởng rất hạn chế đối với hạ lưu sông Mekong. Cũng thế, lưu lượng chỉ giảm trong một thời gian ngắn, hầu như không gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngư nghiệp và thủy sản của các quốc gia ở hạ lưu, mặc dù một số truyền thông ngoại quốc loan tin, Zhai Kun, một chuyên viên về khu vực Mekong của Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Peking, nói với Global Times.
Khi hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở hạ lưu sông Mekong, các hồ chứa của toàn lưu vực phải đóng góp, với sự hợp tác của tất cả các quốc gia, không chỉ có Trung Hoa, Zhai nói.
Theo việc phân tích thành phần nước chảy tràn, mức đóng góp của sông Lancang cho lưu lượng của dòng chánh giảm từ 39,5% ở trạm Nong Khai, Thái Lan và tiếp tục giảm xuống 14,3% ở trạm Stung Treng, Cambodia.
Trong lúc đó, các hồ chứa trên phụ lưu ở hạ lưu của sông Mekong đóng một vai trò ngày càng tăng trong việc điều hòa lượng chảy tràn cho dòng chánh khi khả năng trữ nước tổng quát lên trên 37,2 tỉ m3, theo dữ kiện từ chương trình Nước, Đất và Hệ sinh thái (Water, Land and Ecosystems) của đối tác nghiên cứu toàn cầu CGIAR.
Đề nghị các quốc gia duyên hà nên tăng cường nghiên cứu về việc điều hành hỗn hợp các hồ chứa nước ở thượng và hạ lưu cũng như các phụ lưu, để sử dụng thích đáng các hồ chứa nầy và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho lợi ích của toàn lưu vực.
Để góp phần vào nỗ lực phối hợp, Trung Hoa đã thực hiện lời hứa để chia sẻ dữ kiện thủy học quanh năm của thượng lưu sông Mekong với việc khai trương một diễn đàn chia sẻ tin tức trên mạng vào ngày 30 tháng 11 năm 2020.
Diễn đàn nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ tiên đoán đáng tin cậy và cảnh báo sớm liên quan đến lũ lụt và hạn hán. Dữ kiện phần lớn được thu thập ở 2 trạm thủy học chánh nằm trong thượng lưu vực Mekong ở Yunjinghong và trên phụ lưu Manan.
Không có gì ngạc nhiên nếu các quốc gia ở thượng và hạ lưu có những quyền lợi khác biệt, hay tương phản, trong việc phát triển và sử dụng nguồn nước xuyên biên giới. Tuy nhiên, không có xung đột nước nghiêm trọng trong lưu vực Lancang-Mekong, ngược với quan điểm của một số phúc trình của truyền thông và học giả Tây phương, Zhai ghi nhận.
Sông Mekong ở Lào. [Ảnh: Xinhua]
Trên thực tế, Trung Hoa và các quốc gia ở hạ lưu đã có nỗ lực để đào sâu hợp tác và tin cậy hỗ tương đối với nguồn nước chung.
Các đập của Trung Hoa đãm nhận vai trò bổ sung trong các trận hạn hán xảy ra trong sông Mekong trong năm 2016 và 2019. Theo một phúc trình hỗn hợp của Viện Nghiên cứu Thủy điện và Thủy lợi Trung Hoa (China Institute of Water Resources and Hydropower Research (IWHR)) và MRC trong năm 2016, chuỗi hồ chứa sông Lancang đã thêm 12,6 tỉ m3 nước cho hạ lưu vực trong lúc hạn hán, và sự đóng góp của nó cũng được các chánh phủ và người dân ở hạ lưu công nhận.
Trong những năm gần đây, thời tiết cực đoan gia tăng trong khu vực Mekong đã gây khó khăn thêm cho MRC trong việc tiên đoán thủy học. Ngoài ra, một số quốc gia ở ngoài khu vực đã dựng lên cái gọi là sự án “Theo dõi Đập Mekong”, tạo thêm áp lực đối với MRC để có nhiều kết luận khoa học hơn, Zhai lưu ý.
“Áp lực nầy thỉnh thoảng làm cho MRC đi đến các kết luận phóng đại mà không có điều tra hay nghiên cứu dựa trên các sự kiện khách quan. Nhưng điều đó có thể tha thứ vì tất cả chúng ta đều lo lắng cho cuộc sống của người dân của các quốc gia ở hạ lưu,” Zhai nói.
Cái gọi là “Theo dõi Đập Mekong” là một chương trình được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ và Trung tâm Stimson ở Hoa Kỳ điều hành, là một sự chỉ trích kéo dài của các vấn đề sông Mekong trong những năm gần đây.
Bắt đầu vào ngày 15 tháng 12 năm 2020, chương trình theo dõi tin tức khí tượng và thủy học và ảnh vệ tinh của 31 đập trên sông.
Giám đốc chương trình của Trung tâm, Brian Eyler, liên tục quật Trung Hoa trong các buổi phỏng vấn của truyền thông, nhưng các chuyên viên và quan sát viên Trung Hoa nghi ngờ về động lực và tiêu chuẩn nghề nghiệp của dự án, vì nó được xem như một ý định để kềm chân Trung Hoa trong khu vực bằng cách phóng đại “đe dọa đập” của Trung Hoa, với các bằng chứng và nguồn tin thiếu thuyết phục.
“MRC, đã làm việc nhiều năm để thu thập dữ kiện thủy học sông Mekong, vẫn có sai lầm dữ kiện trong các kết luận, có lẽ do sự thụt lùi của các phương tiện ước tính. Các chuyên viên trong khu vực có lý do để nghi ngờ “Theo dõi Đập Mekong,” dự án được thông qua vội vã bởi một nhóm ở ngoài khu vực,” Zhai nói.
.
No comments:
Post a Comment